Anh Bình, chị Hưng ở Việt Bắc 1949. |
Đó là chị Hưng (vợ Thiếu tướng Chính uỷ Trần Tử Bình, nhiều tuổi nhất, cấp bậc cao nhất), chị Mai (vợ Thiếu tướng Hiệu trưởng Lê Thiết Hùng), chị Thoa (vợ Trưởng Phòng Huấn luyện Đỗ Trình), chị Mai (vợ Bác sĩ Chương, bác sĩ duy nhất của trường), chị Kiều Miên và sau này thêm chị Thuỷ (cán bộ thông tin vô tuyến do TCCT điều sang).
Trẻ hơn thì có Xẻo Tính, nữ giải phóng quân TQ, gốc Việt, rất xinh gái, làm phiên dịch, biên chế thuộc “Hoa kiều Liên “ (Liên là tiếng TQ, tức Đại đội). Cách đây khoảng 5 năm, chúng tôi lại có dịp đón Xẻo Tính tại TP Hồ Chí Minh, lúc này đã là “Cụ“ rồi. Xẻo Tính đem con gái sang Việt Nam thăm bố, nguyên là học viên khoá 5 ở lại công tác khoá 6 ở Trường Lục Quân.
Hồi đó tôi có chút tài lẻ ghi được “tốc ký“ và viết tổng kết khá nhanh, ít bị sửa nên được phân công phục vụ Chính uỷ Trần Tử Bình. Công việc hàng ngày là chuyên theo dõi tin tức về chiến tranh Đông Dương qua các đài BBC, AFP, Tiếng nói Việt Nam. Tin tức được ghi chép cẩn thận trong 1 cuốn sổ, buổi chiều lên trình cho Chính uỷ Bình xem, để nắm và phân tích cục diện tình thế. Hiệu bộ ở Phụng Minh Thôn (thuộc tỉnh Vân Nam) rất khó liên lạc với Bộ và TTCT ở trong nước. Hồi đó chưa có Internet như bây giờ, muốn không bị “mù thông tin" chỉ có cách nghe qua các đài phát thanh.
Ngày ở Vân Nam. |
Do công việc này, tôi có nhiều dịp gặp chị Hưng. Theo trí nhớ của tôi, trước khi sang trường, chị Hưng là tỉnh uỷ viên Hà Giang nên sang TQ, chuyển vào quân đội là “cấp Dinh" (cấp cán bộ tiểu đoàn, theo cách gọi của Gỉai phóng quân TQ), được hưởng chế độ “ăn Trung táo" và mặc “Áo Trường Y". (Trung táo là chế độ ăn cho cán bộ, nấu bếp cỡ nhỏ của quân giải phóng TQ, khác với ăn Đại táo là chế độ của cán bộ cấp Bài (từ trung đội trở xuống), nấu bếp cỡ lớn bằng chảo. Mùa đông ở Vân Nam có tuyết, rất lạnh nên phải mặc áo bông. Áo bông dài gọi là trường y).
Chị Hưng là cấp phó cho Phan Thái, Trưởng Tổng Vụ Cổ của trường (Tổng Vụ Cổ là cách gọi Trưởng phòng Hành chính của Trường quân sự TQ).
Hình ảnh về chị còn lưu lại trong trí nhớ của tôi là một phụ nữ Việt Nam giàu lòng yêu nước, tận tâm và đầy tinh thần trách nhiệm với việc chung và với gia đình, chồng con. Ai gặp chị đều có cảm giác thoải mái, được tiếp rất chân tình, cởi mở và khiêm tốn.
Ngày hội ngộ Lục quân cuối tháng 5 vừa qua, chị Kiều Miên cũng có cùng ý nghĩ với tôi như vậy. Chị Hưng chính là mẹ của Trần Kháng Chiến, Trần Kiến Quốc. Mẹ như vậy ắt các con phải như vậy. Chị đã xa chúng ta. Nhớ đến chị, xin viết vài dòng kể lại để người thân, bạn bè của chị và các thế hệ sau này cùng biết về chị.