Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012

Hồi kí Bùi Ngọc Sách

ĐOẠN 12 – “DU HỌC” KIỂU LỤC QUÂN KHÓA 5 & 6

 Vào đất Trung Quốc thì mọi thứ do Trung Quốc cấp nên chúng tôi ăn uống khá hơn, việc lo ăn ở dọc đường nhẹ đi rất nhiều. Nhất là đối với tôi là người lãnh nhiệm vụ tiền trạm trong cuộc đi này của khoa ở vai trò Ủy viên kinh tế, Phó chủ tịch Hội đồng binh sĩ như đã nói. Tôi chỉ việc đi trước nửa ngày, tới nơi nghỉ thì nhận nhà nghỉ do giải phóng quân bạn chỉ, nhận thực phẩm, gạo nước cũng do hậu cần bạn đã lo, chỉ cần cho họ biết quân số…, khác với khi còn ở bên “nhà” phải đi dân vận từng nhà, mua vét từng mớ rau, ký thịt …
Tới đây tôi tả một chút cảnh đi tiền trạm ở đoạn Tuyên Quang – Hà Giang. Đoạn này dân ít nuôi bò, trâu thì nhiều nên phải mua thịt trâu ăn. Cái vai tiền trạm cũng có cái thú hơn mọi lính khác. Đi trước chỉ 2,3 người nên tự do phóng khoáng. Tới nơi nào có cái gì hay hay mà ít thì mua không sợ bị ép, hớ và có để mà mua. Hôm tới Vĩnh Tuy (Hà Giang), nơi đây có chỗ nuôi trâu sữa. Chúng tôi mua sữa tẩm bổ. Sau này cả khoa đi sau, hỏi lại anh em thì không còn sữa nữa! Đó là chưa kể hoa quả có dọc đường nhưng chỉ bán rất ít, vài người chúng tôi thì đủ mua. Đại quân thì chịu, lấy đâu cho cả tiểu đoàn dùng. Lúc đó vùng này còn nghèo, sản phẩm có cũng chỉ đủ tự cung tự cấp là tốt rồi.


Phong cảnh đặc biệt vùng núi nam Vân Nam này thật đẹp. Chúng tôi lại đi từ trên xuống, bình nguyên thì bằng phẳng (đỉnh núi phẳng bát ngát). Nhìn bên phải xa xa là núi non điệp trùng mà độ cao đỉnh cũng chỉ ngang bình độ chúng tôi đang hành quân nên càng bao quát được tít tắp. Có người bảo xa xa đấy là dãy Thập vạn Đại sơn? Đúng là cảnh trí trong một bức tranh thuỷ mặc khổng lồ giữa thiên nhiên. Đây là vài ngọn thác trắng xoá đổ xuống vực sâu, thấp hơn chỗ chúng tôi. Mà các vực ấy thăm thẳm không thấy đáy. Kia là mảng mây quẩn quanh như lụa, thấy li ti những người; họ vừa di chuyển như đàn kiến. Chúng tôi đang di chuyển trên vùng Bình nguyên Cái. Nếu đúng thế thì bình nguyên này phải dài không dưới 100km, vì chúng tôi phải đi nhiều ngày đường. (Rất tiếc cuốn nhật ký hành quân khi về nước phải nộp lại trường với lý do: giữ bí mật). Trừ các bạn giải phóng quân Trung Quốc rất hân hoan tận tình đỡ đầu giúp chúng tôi, còn những người dân thường nhìn chúng tôi với vẻ hơi ngỡ ngàng, nhất là ở đoạn từ Nghiên Sơn trở về biên giới Việt Nam mà chúng tôi còn lếch thếch áo tơi lá, ba lô vải vuông, đội mũ lợp vải… chắc trong bụng họ tự hỏi "bộ đội Lưỡng Quảng" lạ quá!?.*

 Trên đường hành quân leo núi đó, nhà trường có lập một đoàn văn công để động viên bộ đội. Đoàn do Trần Hùng phụ trách và do anh Đỗ Nhuận lo phần nội dung, nghệ thuật. Anh Nhuận thường ngồi trên các tảng đá dốc cao kéo ăc-coóc-đê-ông và hát động viên học viên đang hành quân. Lại có những sáng tạo vui vui: đố nhau dọc đường, làm thơ ứng khẩu chắp nối từng người để thành “bài thơ tập thể”… Có một lần như sau: Trên vách núi vẽ “một con” rồi đố đó là châu chấu hay cào cào. Câu đố này cho đến nay vẫn thua. Vì nơi này gọi là cào cào, nơi khác lại gọi là châu chấu, chẳng ai chịu ai! Riêng tôi: châu chấu đầu bằng, cào cào đầu nhọn…
Nhiều khi chân bị phồng rộp, theo kinh nghiệm dân gian, chúng tôi cũng đun nước nóng rồi pha muối ngâm chân trước lúc ngủ.

Nghiên Sơn là thị trấn rộng rãi trên một thung lũng cũng rộng rãi, cư dân khá đông, có một trại lính của Tầu Tưởng khá lớn. Chúng tôi nghỉ ở đó. Thị trấn cũng bẩn thỉu. Các chiến sĩ đại đoàn 308 có mặt ở đây, họ vận chuyển vũ khí về nước. Trại chúng tôi ở ăn và tắm ở một ngòi nước rộng đục, bẩn. Chúng tôi dừng chân ở đây tới gần một tháng, có lẽ để cấp trên còn bàn việc gì đó?
Trút hết lốt cũ: Áo tơi, mũ, quần áo từ trong nước đem theo, chúng tôi được trang bị hoàn toàn mới theo kiểu giải phóng quân Trung Quốc. Ngoài quân phục, mỗi chúng tôi còn được phát một cái nón đan lợp giấy, quang dầu bóng loáng, lợp vành kiểu mã phu tầu hay đội, có lúc đeo bên vai; và 1 cái dù giấy Trung Quốc. Chúng tôi cũng được phát giầy kiểu Bata đế cao su và mũ Kêpi.
Ăn uống được bồi dưỡng đặc biệt món thịt lợn. Rau đỗ rất nhiều, thịt lợn béo nhẫy miếng thái to đều do đầu bếp giải phóng quân phục vụ. Từ chỗ đang ăn uống kham khổ, nay ăn nhiều mỡ làm cả tiểu đoàn, cả khoa đồng loạt bị “Tào Tháo đuổi”. Riêng tôi còn bị ngã quẹo cả chân, tưởng phải nằm lại.

 Cùng lúc đó phía ngoài trại bên các vách núi vang dội tiếng súng trường, súng máy. Đó là anh em đại đoàn 308 thử súng, đạn trước khi đem về nước. Và ngay sau đó chính số học viên Lục Quân khoá 6 cũng được lệnh phải cùng 308 vác gấp vũ khí về nước. Vì ở nhà chiến dịch giải phóng biên giới sắp mở, rất cần vũ khí đạn dược.
(Chiến dịch này mở ra ngày 16/09/1950 kết thúc 14/10/1950, giải phóng hoàn toàn vùng biên giới Cao-Bắc-Lạng, mở toang cánh cửa biên giới Việt-Hoa, mà lúc chúng tôi qua Pháp còn chiếm giữ, phải đi vòng qua lối Hà Giang. (Trong "Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp" gọi đó là thời kỳ “chiến đấu trong vòng vây”).
-------------
 *Luỡng Quảng: Quảng Đông và Quảng Tây. Lúc này Trung Quốc vừa được giải phóng khỏi tay của Tàu Tưởng (Tưởng Giới Thạch). Dân vùng Lưỡng Quảng không nói chung một thứ tiếng với vùng Vân Nam.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Viết nhận xét, nếu chưa đăng kí, bạn có thể ghi tên mình (hoặc nickname) và xuống mục "Chọn 1 nhận dạng" nháy vào "Ẩn danh" rồi xuất bản nhận xét.