Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

Hồi ký Bùi Ngọc Sách (2)

TỰA: Hồi ký của tôi là trích trong “Nhớ lại để tự tin và SỐNG" mà Kiến Quốc đã giới thiệu. Tôi trích từng đoạn ngắn phù hợp với trang blog.
Tôi đặt cái tựa này là có lý do: Hồi đó không ít cán bộ ta dao dộng, trong chi bộ tôi cũng vậy, thậm chí một số “trở cờ". Tôi cũng băn khoăn về tương lai xã hội – thực chất là dao động chính trị, lý tưởng...
Nhưng tôi nghĩ xin tạm gác chuyện lý tưởng. Nhìn vào việc đã làm  mà ngẫm “Chẳng lẽ mọi việc mình cống hiến là vô ích, còn biết bao đồng chí và cả dân tộc hy sinh nữa cơ mà? Rồi tôi tự trả lời: Không thể tự phủ định mình được. Tôi bắt tay viết lại những trang nháp cũ để in ra tử tế mà tự tu và cho con cháu xem. Đó là truyền thống! (Bùi Ngọc Sách ).


-----------


<><><><> <><><><> <><><><>
Căn nhà tản cư 1949 mái rạ thấp lè tè. Tôi đi bộ đội từ đây
(ảnh chụp 1960). (Bấm vầo clip_image002jpg)
Tôi quyết định đi thi vào trường Võ bị Trần Quốc Tuấn ở Ban chiêu sinh tỉnh Hà Nam.Việc ấy tôi giấu không cho cha mẹ tôi biết. Và tôi đã trúng tuyển. Trúng tuyển xong tôi điện tín về Nha Thú y ở Thanh Hoá và được Nha trả lời đồng ý, tôi sung sướng lắm. 
Tôi cũng định bụng vì mình đã có nghề thú y sẽ xin học một việc gì ở bộ đội, chẳng hạn nghề thú y quân đội, trông nom chữa cho ngựa chẳng hạn.  Thật là ngây thơ, vì bộ đội ta lúc ấy làm gì có nhiều ngựa như tôi nghĩ với đoàn ngựa chiến kéo xe, pháo của quân đội Pháp, lính khố đỏ vẫn thấy, vào thời  Pháp, hành quân qua nhà tôi…


Khi được biết việc tôi vào Trường lục quân thì đã rồi, cha mẹ tôi cũng không ngăn cản, anh cả tôi cũng tiếc, biết thế cùng đi thi đi cả chovui!
Hoàn cảnh gia đình tôi lúc này đang lúc khó khăn. Cha tôi đang làm Hội trưởng Hội Liên Hiệp Quốc dân Việt Nam tỉnh Hà Nam phải đi làm xa, phụ cấp không đủ ăn. Mẹ tôi mở cửa nhà bán hàng xén, vài cái lược g, vài cái gương, vài bàn chải răng bằng lông đuôi ngựa… ngay ở căn nhà rạ vách đất ở Ngã 3 Mễ Tràng (xem đoạn về tản cư trong “ Gia đình tôi 60 năm về trước).  Khi tôi ra đi mẹ tôi chạy mãi được 10 đồng, trước lúc lên đường bác Phó Lộng gái (chị ruột mẹ tôi) giúi thêm cho 5 đồng, vị chi 15 đồng.
Tôi đem theo chiếc ba lô con cóc màu nâunon, mang từ Hà Nội, 1 đôi guốc mộc kèm 1 bộ quai mới chưa kịp đóngvào guốc nhét vào 2 bên túi con ba lô, một cái nón lá phụ nữ độilúc đó, hai bộ quần áo lót và vài chiếc sơ mi, quần ta, một chăn dạ và một đôi dép cao su Con Voi. Một áo trấn thủ màu xanh dương múi nhỏ mà mẹ tôi tiếp tế cho hồi tôi học thú y ở Nông Cống (Thanh Hoá –1948).
Tôi cũng yên trí là còn một khoản tiền 6 tháng phụ cấp thực tập mà Nha Thú y chưa trả tôi, khi đồng ý cho tôi đi bộ đội, Nha gửi kèm 1 giấy trả phụ cấp có thể đi lĩnh tiền từ bất cứ Ngân hàng nào ở chỗ nào (tôi nhớ mang máng khoảng hơn 20đồng). Tôi đeo ba lô về chỗ tập trung ở mộtlàng cách Ngẫ ba Mễ chừng 3km về phía đi Hưng Yên; đó là một ngôi đình rộng rãi.
Bữa cơm lính đầu tiên chúng tôi mỗi người được phát một cái ca sắt tây có quai hình thang cỡ 1/4 lít vừa để ăn vừa để uống. 6 người ngồi một mâm, 4 mâm gần nhau được 1thúng cơm. Gọi là “ mâm” theo thói quen thực ra là 1 món canh, 1 món rau bày thẳng xuống đất; 6 người ngồi chen chúc đụng nhau với ”mâm” bên cạnh, đằng sau, đi lại để bới cơm khó khăn. Ăn thì tranh nhau nên tôi cảm thấy vừa khổ vừa nhục. (Ông “con nhà lính tính nhà quan” là đúng nghĩa đen) nhưng tôi không chê món ăn khổ, bởi vì ở gia đình chúng tôi lúc đó cũng ăn  như mức ở đây thôi!
Cả lớp chiêu sinh ấy tập hợp thành 1đại đội do đại đội trưởng Nguyễn Tăng Tấn phụ trách. Đại đội có 4 trung đội do các trung đội trưởng chỉ định từ học sinh tạm phụ trách, các tiểu đội trưởng cũng vậy. Chúng tôi bắt đầu làm quen với mệnh lệnh, khẩu lệnh trong 3 ngày trước khi hành quân về trường. Cũng biết tập họp từ tiểu đội đến đại đội…
Hôm lên đường, đoàn lính mới lủng củng nào nón (không phải mũ theo lối nói của miền Nam), nào là mũ, có anh đầu trần, có anh giày đinh, dép cao su, có anh đi đất. Chúng tôi kéo nhau theo ngả Ngã 3 Mễ, Hồng Phú rồi xuôi theo hướng Ninh Bình . Qua Ngã 3 Mễ tôi còn được nhìn mẹ tôi, các anh em tôi đứng ngó và cái mái rạ của nhà tôi lúc tản cư thấp lè tè.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Viết nhận xét, nếu chưa đăng kí, bạn có thể ghi tên mình (hoặc nickname) và xuống mục "Chọn 1 nhận dạng" nháy vào "Ẩn danh" rồi xuất bản nhận xét.