Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

Người ở thượng nguồn… (Giang Mèo)

Tôi đi với sông Đà
Bao lần rồi vẫn lạ... 

GM FB - Sáng nay ngồi với một chị bạn, vừa nhắc chuyện thượng nguồn sông Đà (Ka Lăng, Mường Tè, Lai Châu) và sự hy sinh của một đồng chí trung tá quay phim khi rơi từ thuyền xuống thác Kẻng Cớn để gần 40km sau mới tìm thấy… Chuyện cũng đã lâu nhưng người lái đò năm ấy không thể nào nguôi ngoai khi suốt cuộc đời mấy chục năm chinh chiến với Đà giang hung dữ, anh lại để một đồng đội nằm lại với sóng nước sông Đà… Tình cờ câu chuyện buổi sáng thì đúng buổi chiều nay mình nhận được hình ảnh và quốc kỳ từ Đồn Biên phòng 311 Ka Lăng chuyển về để gửi ra Trường Sa… 

Mình đi Ka Lăng vài bận, quen biết một cơ số cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ở đây, uống kha khá rượu, ăn tàm tạm cá chiên cá lăng,… say không ít lần… Nhưng điều mình nhớ, hồi tưởng nhiều hơn cả về vùng đất tận cùng miền Bắc đất nước này không phải là cột mốc 17.1, 18.2, cầu treo Kẻng Mỏ hay thác Kẻng Cớn, Kẻng Mân, Nậm Là, Nậm Láp bọt tung trắng xóa… Đó không phải bãi đá sông Đà trăm nghìn màu sắc, hình thù cổ tích, chẳng phải rừng chà là xanh ngắt cắm rễ vào từng thớ đá sinh sôi… Và cũng không phải Đồn trưởng Nguyễn Văn Ngọc (hiện giờ), Chính trị viên phó Tô Văn Cường hay Trạm trưởng Trịnh Thế Gia… Mà điều mình ghi nhớ ân tình hơn cả lại là “Tình xuồng”, người lái đò cuối cùng của thượng nguồn Đà giang kỳ vỹ… 

Dòng Đà giang khởi nguồn từ núi Nguỵ Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Sông Đà dài 983km (đoạn chảy trên đất Việt dài 543km), trong đó có 232km chảy trên địa phận tỉnh Lai Châu. Trong hơn 230km ấy có 170 thác và 130 ghềnh. Người Thái sinh sống ven dòng sông này gọi con sông là Nậm Tè (sông Thật). Do độ dốc lớn và sức nước chảy xiết, sông Đà được các nhà nghiên cứu xếp vào loại "sông hung dữ bậc nhất ở Đông Dương". Và ở thượng nguồn dòng sông ấy, mình gặp người đàn ông hơn 30 năm cầm tay chèo. 
Anh là cựu Thiếu tá, QNCN Lò Văn Tình, người được giao nhiệm vụ lái xuồng trên sông Đà từ năm 1982 đến năm 2012 (vì thế người ta vẫn quen gọi ông là Tình xuồng). Ông Tình bảo, nhà ông ở cả 3 Tè là bản Mường Tè, xã Mường Tè, huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu), là người dân tộc Thái sinh ra và lớn lên bên dòng sông hùng vỹ này, ông đã sống chết cuộc đời với nó. Người Thái có câu : “Xá kin tòi pay, Thái kin tòi nậm”, tức là người Xá ăn theo lửa, người Thái ăn theo nước cho nên anh Tình mấy chục năm chìm nổi với dòng sông, anh thuộc từng tên thác, tên ghềnh, tên bãi đá, dòng suối, khe nước như Nậm Ma, Nậm Là, Nậm Láp, Kẻng Cớn, Kẻng Mỏ…vì chúng đều được đặt theo tiếng Thái. Suốt mấy chục năm qua, giữa những năm tháng xứ Mường Tè mông muội, cô lập, cách ly và đói khổ nhất, anh đã chèo lái hàng trăm, hàng nghìn chuyến thuyền, chở hàng vạn tấn lương thực, vũ khí, bao nhiêu lượt cán bộ, chiến sĩ, đồng bào xuôi ngược con sông hung dữ nhất Đông Dương này. Điều day dứt nhất trong cuộc đời anh là trong một chuyến đi làm nhiệm vụ ấy, một Trung tá của Xưởng phim quân đội đã rơi từ xuồng ông lái xuống Đà giang ghềnh thác... Ngày nghỉ hưu, anh buồn lắm và chỉ có một tâm nguyện là đưa con trai anh, cậu Lò Văn Đông (chiến sĩ nghĩa vụ) 19 tuổi đi huấn luyện tân binh rồi cử xuống trạm Kẻng Mỏ rèn luyện làm người lính biên phòng lái đò thay anh… 

Mùa đông 2 năm trước, mình chạy xe máy cả ngàn dặm lên “3 Tè” chỉ để ghé qua thăm anh. Mình không vào Ka Lăng cũng chẳng đến Kẻng Mỏ, mà chạy thẳng vào Mường Tè xã rồi hỏi nhà anh “Tình xuồng”. Ai cũng biết cả… Gặp lại anh sau chuyến dong thuyền ngược sông Đà 3 năm về trước, anh bây giờ đã về nghỉ hưu sau hơn 30 năm là người lái đò nổi tiếng nhất của biên phòng Lai Châu và của mảnh đất Mường Tè xa xôi, hùng vỹ. Trong căn nhà nhỏ, “Tình xuồng” buông tay đan lưới dở chạy ra bắt tay mình thật chặt, đoạn kéo xuống ghế ngồi. Anh lôi trong nhà ra một ca rượu trắng rõ đầy, rót ra chén, nhấc lên mời mình uống rồi tâm sự. Giang à, thằng Đông giờ ra quân, bộ đội không cần dùng nó nữa. Anh muốn cho nó thay anh lái đò phục vụ đơn vị và nhân dân nhưng không được. Bây giờ xây thủy điện hết cả, sông Đà bị chinh phục biến hình thành một cái hồ lớn chứ không còn hoang sơ, ghềnh thác, dữ dằn như từ ngàn năm đã vậy. Xứ Mường Tè cũng không còn những người lái đò nữa, ai cũng có thuyền cole chạy máy dầu xuôi ngược... Tâm nguyện của người lính biên phòng ấy đã không thành… Cậu Lò Văn Đông hết thời gian nghĩa vụ được trả về và đi làm một anh công nhân... lái máy xúc ! Tình xuồng về lại căn nhà nhỏ nằm ven Đà giang tại bản Mường Tè, xã Mường Tè, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu để ngày ngày chăm vườn cây, ao cá, đan lưới… và ngắm nhìn dòng sông đã gắn bó suốt cùng ông cả cuộc đời. 

Thế là kết thúc câu chuyện về thượng nguồn dòng sông kỳ vỹ và huyền thoại về người lái đò cuối cùng trên thượng nguồn Đà giang mãi chỉ còn là ký ức…

Uống tuần rượu sắp say với anh, mình chào từ biệt rồi dong xe phóng thẳng hướng Pác Ma-Mù Cả bụi mù để kịp sang Mường Nhé trước khi bóng tối quăng tầm chăn khổng lồ trùm lên cả núi rừng cực Tây đen thẫm. Suốt chặng đường đi mình lại nghĩ miên man về cuộc sống của những con người ở thượng nguồn Đà giang như anh Tình. Bất chợt trong đầu vang lên mấy câu thơ của Trần Mạnh Hảo:

… Anh xin mang tiếng sông Đà về với biển
Để lòng em tìm lại thuở ban đầu
Em đứng đó mây ven trời vô kể
Để suốt đời anh mắc nợ với Lai Châu…"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Viết nhận xét, nếu chưa đăng kí, bạn có thể ghi tên mình (hoặc nickname) và xuống mục "Chọn 1 nhận dạng" nháy vào "Ẩn danh" rồi xuất bản nhận xét.