Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014

BÁO CÁO CỦA THƯỜNG TRỰC BAN LIÊN LẠC TRUYỀN THỐNG KHÓA I TRƯỜNG VÕ BỊ TRẦN QUỐC TUẤN TRONG CUỘC HỌP MẶT TRUYỀN THỐNG NGÀY 24.5.2014


Kính thưa:- Các đồng chí trong đoàn đại biểu của trường Đại học Trần Quốc Tuấn do đồng chí Thiếu tướng Lê Viết Anh – Phó Chính ủy nhà trường dẫn đầu
-   Các bạn chiến đấu, các chị và các cháu trong đại gia đình
    Khóa I trường Võ bị Trần Quốc Tuấn,

Trong không khí tưng bừng của tháng 5 lịch sử, toàn quân, toàn dân ta vừa kỉ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 39 năm ngày Giải phòng miền Nam và 124 ngày sinh của Bác Hồ vĩ đại, và cũng trong không khí sôi sục căm giận của toàn dân ta cũng như của kiều bào ở nước ngoài trước sự việc Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan HD-981 vào hạ đặt trong vùng đặc quyền kinh tế, thuộc chủ quyển của nước ta ở khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Chúng ta họp mặt ở đây để kỉ niệm 68 năm ngày Bác Hồ về chủ lễ khai giảng khóa I trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, khóa học quân sự chính quy tương đối dài ngày so với các khóa học quân sự trước của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, cho phép tôi thay mặt thường trực Ban liên lạc xin gửi tới các vị đại biểu và toàn đại gia đình Võ bị Trần Quốc Tuấn khóa I lời chào thân ái và quyết thắng và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Báo cáo của Thường trực Ban liên lạc gồm 2 phần:
1)    Mấy nét về khóa I Võ bị Trần Quốc Tuấn: 68 năm nhìn lại
2)    Công việc đã làm trong năm 2013-2014
3)    Công việc dự kiến sẽ làm trong năm 2014-2015


I.                  Khóa I Võ bị Trần Quốc Tuấn 68 năm nhìn lại.

Sau khi kí Hiệp định 6/3 với Pháp, Bác Hồ của chúng ta nhận định là thực dân Pháp vẫn không từ bỏ âm mưu tái xâm lược nước ta. Bác Hồ đã chỉ đạo tranh thủ thời gian hòa bình còn có thể kéo dài thêm được để ổn định tình hình chính trị xây dựng kinh tế và nhất là chăm lo xây dựng lực lượng võ trang nhân dân. Đặc biệt quan tâm tới việc đào tạo cán bộ quân sự cho quân đội để chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến trường kì mà Bác tiên liệu là khó tránh khỏi.
Bác chỉ thị cho Bộ Quốc Phòng thành lập trường Võ bị mà Người đặt tên là trường Võ bị Trần Quốc Tuấn với mong muốn nhà trường sẽ phát huy truyền thống của tổ tiên ta chống xâm lược và học viên trở thành học trò của Trần Quốc Tuấn. Người thông qua mục tiêu đào tạo, tiêu chuẩn lựa chọn học viên, thời gian học tập.
Tuy ngày 30/5/1946 sẽ sang Pháp đàm phán mà ngày 26/5/1946, đích thân Bác vẫn lên trường chủ lễ khai giảng và trao cho nhà trường lá cờ “Trung với nước, Hiếu với dân” và dạy chúng tôi: Trung với nước – Hiếu với dân là một bổn phận thiêng liêng, một trách nhiệm nặng nề nhưng cũng là một vinh dự của người chiến sĩ trong đạo quân đầu tiên của Quốc gia. Người cũng dạy Thanh niên thích làm việc to, chứ không thích quan lớn. Phải coi “Trung với nước – Hiếu với dân” là một đích của đời mình.
Sau khi ở Pháp về, ngay hôm sau Bác đã lên thăm nhà trường và nói chuyện rất thân mật và xúc động với chúng tôi: “Sau khi ở Pháp về, nhớ những đồng chí trẻ của mình, đồng chí già lên thăm ngay và căn dặn mấy điểm…”.
Vào tháng 11/1946, thực dân Pháp ngày càng trở nên hung hăng, tiến hành khiêu khích ở nhiều nơi, kể cả ở thủ đô Hà Nội. Tình hình trở nên cực kì căng thẳng. Kết thúc kì họp thứ II của Quốc hội chiều hôm trước thì sáng hôm sau Bác đã lên ngay thăm trường (10/11/1946) để kiểm tra kết quả huấn luyện. Như vậy sinh thời Bác Hồ đã đến thăm nhà trường từ khi thành lập cả thảy 9 lần thì bác dành cho khóa I Võ bị Trần Quốc Tuấn 3 lần. Thật là một sự quan tâm rất chân tình và đầy xúc động của vị cha già dân tộc với đàn con trí thức trẻ hồi đó.
Chúng tôi, những chàng trai mà Cách mạng Tháng 8-1945 đến mở ra trước họ 2 con đường mà họ đều có thể lựa chọn. Một là với trình độ văn hóa của mình đi theo chủ nghĩa thực dân Pháp, chọn một nghề mà có thể tự an ủi là không có hại cho đất nước như dạy học, làm thầy thuốc,…thì dù “bơ thừa sữa cặn” cũng được sống một cuộc đời an toàn, tương đối đầy đủ về vật chất. Nhưng họ đã chọn con đường thứ hai là con đường đi theo tiếng gọi của Tổ Quốc, của Bác Hồ, của độc lập tự do, dấn thân vào con đường binh nghiệp cách mạng đầy gian nan, vất vả, nguy hiểm. Những chàng trai chưa quen với gian khổ, thiếu thốn như vậy mà sau 6 tháng rèn luyện tại trường đã trở thành những người chỉ huy cấp Phân đội vững vàng. Họ mang theo lời thề “Trung với nước – Hiếu với dân.”, phấn đấu vượt qua những thử thách ác liệt của chiến tranh và cả những thử thách nội bộ không kém phần cam go và đã trưởng thành. Gần 100 cán bộ học viên đã hi sinh trên chiến trường 3 nước Đông Dương ở cương vị từ Trung đội trưởng tới Tư lệnh quân đoàn. Có nhiều đồng chí hi sinh ngay từ những đầu cuộc kháng chiến chống Pháp như: Đặng Đồng Khuê, Tôn Thất Xuân, Lâm Hữu Chương, Phạm Văn Hiếu,…Đa số các bạn hi sinh tuổi còn rất trẻ, chưa lập gia đình riêng. Có hai đồng chí được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (Đồng chí Đại tá Phạm Ngọc Thảo, chiến sĩ tình báo huyền thoại, nguyên mẫu của kĩ sư Nguyễn Thành Luân trong bộ phim “Ván bài lật ngửa” nổi tiếng; đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Kim Tuấn, tư lệnh Quân đoàn 3, đã anh dũng ngã xuống khi làm nhiệm vụ quốc tế trên đất nước Chùa Tháp). Số còn lại đa số là cán bộ cao cấp trong quân đội; một số được phong quân hàm cấp Tướng: cá giáo viên và học viên có 1 Thượng tướng (giáo viên), 6 Trung tướng (trong đó có 4 học viên), 4 Thiếu tướng (trong đó có 2 học viên). Số được chuyển ra ngoài cũng đã được giao những trọng trách trong các cơ quan Đảng và Nhà nước trong các ngành kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao, khoa học – kĩ thuật, công tác Đảng: Thứ trưởng, Cục vụ viện trưởng, Đại sứ, giáo sư, nhà văn, nhà báo…
Điểm lại sau 68 năm nhìn lại, đến nay kẻ còn người khuất, chúng tôi không hề hổ thẹn với lời thề “Trung Hiếu” năm xưa đã phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trên mọi cương vị công tác trên mọi lĩnh vực.
Càng suy ngẫm, chúng ta càng kính yêu Bác Hồ. Thành công của khóa I trường Võ bị Trấn Quốc Tuấn là một minh chứng hùng hồn cho sự thành công của đường lối đại đoàn kết toàn dân, của tư tưởng “Trồng người” của Bác Hồ vĩ đại. Và như Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương trong bài viết “Là cờ thêu sáu chữ vàng” (đăng trên báo Nhân dân số ra ngày 26/5/1996) đã viết: “…ngay từ thời ấy, tôi (nhà văn Hồ Phương) vẫn còn nhớ khi nhắc tới các sĩ quan trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, nhiều đồng chí lãnh đạo đã vui vẻ nói: ‘Họ không chỉ là một khóa, một lớp mà dường như tầm ảnh hưởng và vai trò của họ được mở rộng hơn làm cho chúng ta nghĩ về họ như nghĩ về cả một thế hệ trẻ Cách mạng tháng 8 bước vào kháng chiến.’”

II.               Những công việc đã làm trong năm qua

1.     Trong năm qua, chúng ta đau buồn vĩnh biệt 5 bạn chiến đấu và 2 thân nhân: đ/c Đỗ Đức, Phó Ban liên lạc, đ/c Nguyễn Văn Đạo, Phó Ban phụ trách phía Nam, đ/c Phạm Hồng Sơn, đ/c Đinh Tường, đ/c Bùi Xuân Tứ và các chị Hồ Thị Chuyên (vợ đ/c Lê Mộng Hùng), chị Chu Thị Vĩ (vợ đ/c Cung Kim Oánh).
2.     Cuộc họp mặt ngày 26/5/2013 đã được tiến hành rất thân mật và trang trọng. Ở các tỉnh xa về có đ/c Lâm Quang Minh (từ Đà Nẵng) và vợ chồng đ/c Hoàng Anh Tuấn (từ Huế) ra dự. Chúng ta được đón tiếp đoàn đại biểu của nhà trường do đ/c Phó chính ủy Lê Viết Anh dẫn đầu. Đặc biệt có đ/c Đại tá Huỳnh Công Hùng, Phó Ban liên lạc phân hiệu Lục quân Nam bộ từ Tp Hồ Chí Minh ra dự.
3.     Thường trực Ban liên lạc đã làm việc với lãnh đạo nhà trường để nhà trường tiếp đồng chí Huỳnh Công Hùng lên thăm trường, nối liên lạc giữa phân hiệu Nam bộ với cội nguồn. Cuộc làm việc rất kết quả: đ/c Hùng đã tặng nhà trường các tư liệu về các khóa của phân hiệu Lục quân Nam bộ, tạo điều kiện để nhà trường bổ sung thêm vào lịch sử nhà trường, bổ sung thêm 4 đ/c vào danh sách các Anh hùng Lực lượng Võ trang là học viên của phân hiệu Nam bộ. Cũng trong cuộc làm việc này thường trực Ban liên lạc đã tặng nhà trường hai bức ảnh do phòng viên người Pháp chụp hôm khai giảng phóng to cỡ 50x75.
4.     Như thường lệ hàng năm, Thường trực Ban liên lạc gửi tới tất cả các đ/c và gia đình các đ/c hi sinh từ trần thiếp chúc Tết và giấy mời họp mặt truyền thống với mục đích nếu tới dự họp được thì quý, không đến được thì vẫn biết được chúng ta duy trì được sin hoạt thường xuyên và vẫn nhớ tới đ/c và gia đình đ/c
5.     Đã giữ liên lạc chặt chẽ với Ban liên lạc truyền thống Võ bị - Lục quân Trần Quốc Tuấn phía Nam và Ban liên lạc phân hiệu Nam bộ. Phối hợp với nhau chặt chẽ trong hoạt đồng tình nghĩa và trao đổi kinh nghiệm.
6.     Đã liên hệ với nhà trường: sẵn sàng nhận sự phân công của nhà trường trên những việc có thể làm được để chuẩn bị cho lễ kỉ niệm 70 năm ngày thành lập. Đã bước đầu tham gia vào việc bổ sung quyển Lịch sử nhà trường: đã photo đoạn viết về khóa I gửi trong các quyển lịch sử hiện nay, gửi đến các đ/c cán bộ giáo viên, học viên khóa I để tham gia ý kiến. Đã tổng hợp ý kiến và bước đầu làm việc với phái viên của nhà trường (đ/c Sinh – trưởng ban tuyên huấn). Sẽ xin làm việc với lãnh đạo nhà trường và các đ/c trực tiếp biên soạn.

III.                  Công việc năm tới (2014 – 2015)

1)    Tiếp tục duy trì các hoạt động tình nghĩa: tuổi cao sức khỏe yếu, nếu không đi thăm nhau được nên năng gọi điện thoại hỏi thăm nhau. Khi được tin có người trong đại gia đình từ trần (cả thành viên và thân nhân) đề nghị các đ/c và các gia đình tích cực khắc phục khó khăn đi viếng cho đông.
2)    Tích cực hưởng ứng các hoạt động tiến tới lễ kỉ niệm 70 năm thành lập trường, tích cực tham gia cuộc vận động: “Sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật và sưu tầm, bổ sung tư liệu, hiện vật truyền thống”.
3)    Tích cực hưởng ứng và tin tưởng tuyệt đối vào các chủ trương của Đảng và Nhà nước, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ trên cơ sở luật pháp Quốc tế; yêu cầu Trung Quốc mau chóng rút giàn khoan ra khỏi khu vực định hạ đặt phi pháp. Mong rằng mọi thành viên trong đại gia đình khóa I Võ bị Trần Quốc Tuấn luôn sẵn sàng chấp hành nghiêm chỉnh mọi mệnh lệnh của Tổ quốc.
Thưa các chị và các cháu,
Ngọn lửa truyền thống “Trung với nước – Hiếu với dân” mà chúng tôi đã   được Bác Hồ giao cho, ngọn lửa đã soi đường cho chúng tôi, ngọn lửa mà chúng tôi đã giữ gìn trong suốt gần 7 thập kỉ cho đến nay, chúng tôi đều muốn truyền lại cho con cháu – những người mang dòng máu Võ bị I - tiếp tục giữ nó và thắp sáng nó trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta hiện nay.
          Chúng tôi rất vui mừng thấy nguyện vọng này bước đầu đã được hưởng ứng. Sự có mặt đông đảo của các chị và các cháu trong các lễ kỉ niệm những năm vừa qua và năm nay đã nói lên điều đó.
          Xin chúc tình cảm thương yêu lẫn nhau trong đại gia đình khóa I Võ bị Trần Quốc Tuấn ngày càng thắm thiết, sâu đậm.

          Xin cám ơn các vị đại biểu và toàn đại gia đình Võ bị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Viết nhận xét, nếu chưa đăng kí, bạn có thể ghi tên mình (hoặc nickname) và xuống mục "Chọn 1 nhận dạng" nháy vào "Ẩn danh" rồi xuất bản nhận xét.