Thứ Tư, 18 tháng 2, 2015

Cha Trần Tử Bình, niềm tự hào của anh chị em chúng tôi (Trần Kiến Quốc)

Bài viết trên tập 1 bộ sách "TƯỚNG LĨNH VN THẾ KỶ XX QUA LỜI KỂ CỦA NGƯỜI THÂN" (THÁI HÀ BOOKS)

Anh em trong gia đình tôi gọi thân phụ là Cha có căn nguyên của nó. Cha tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình Công giáo. Cả cái làng Tiêu Thượng (xã Tiêu Động) của miền quê đồng chiêm trũng huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam là dân theo Đạo toàn tòng. 
Thiếu tướng Trần Tử Bình (chụp 1958).

Ngày nhỏ do chiến tranh kéo dài rồi tứ tán mưu sinh mà anh em tôi không có điều kiện về thăm quê. Năm 1993 sau ngày mẹ tôi mất, anh em về quê cảm ơn họ hàng đã lên Hà Nội viếng và đưa tiễn bà. Về quê mới biết, cha tôi còn một “mảnh đất cắm dùi” rộng chừng 16 mét vuông. Ông bà nội chúng tôi từng có túp lều tranh rách nát trên mầu đất này…



Cuộc đời của chaNghe cha tôi kể lại, dòng họ chúng tôi là họ Phạm, gốc Thanh Hóa, vì nghèo đói mà các cụ phiêu bạt về tận thôn Đồng Chuối, Tiêu Thuợng, kiếm kế sinh nhai. Ông nội là Phạm Văn Cống, còn cha tôi là Phạm Văn Phu. Nhà nghèo quanh năm, ông bà nội chả có ruộng, đầu đội trời, vai gánh đôi quang, lang thang nhặt phân rơi, bán cho nhà có ruộng. Cho tới Thế chiến thứ nhất, người nghèo muốn sống được chỉ có cách sung lính. Ông nội tôi được tuyển làm lính thợ và bị đẩy sang Pháp. Vậy là có chút tiền gửi về cho bà nội.
Cũng vì thế mà cha tôi được gửi vào nhà thờ, trước là phục dịch các cha cố, sau là học lỏm chữ, học lỏm Kinh Thánh. Cha tôi sáng dạ, học nhanh, hay được cha cố cho đi đây đi đó nên tầm mắt được mở rộng. Sau đó, cha tôi được vào học ở Chủng viện Hoàng Nguyên (thuộc giáo phận Hà Đông).
Cuối năm 1925, cả nước có phong trào đấu tranh đòi Pháp thả cụ Phan Bội Châu rồi tháng 4/1926 có phong trào để tang cụ Phan Chu Trinh. Vì được tiếp xúc với sách báo tiến bộ, cha tôi được giác ngộ tinh thần yêu nước và cầm đầu nhóm chúng sinh của Chủng viện ủng hộ 2 cụ Phan. Việc làm này trái ý các cha nên ông bị đuổi học. Với các gia đình Công giáo có con được vào học trường dòng là niềm kiêu hãnh và kì vọng sau này có nghề kiếm cơm; nhưng với việc cha tôi bị nhà thờ đuổi học là một nỗi sỉ nhục. Ông bà nội cùng cha tôi bị nhà thờ “rút phép thông công”. Không thể sống nổi ở Đồng Chuối, ông bà nội phải rời bỏ quê hương, tha phương cầu thực, đi làm thuê làm mướn cho các nhà thờ, lên tận cả nhà thờ Hưng Hóa, Phụ Thọ; sáu về tá túc ở Phúc Tá, Ân Thi, Hưng Yên.
Từ ngày bị đuổi học cha tôi cũng đứng giữa ngã ba đường. Đi đâu, làm gì để kiếm sống? Có thực mới vực được đạo, có ít chữ, có ít kiến thức về Kinh Thánh, cha tôi đã đi giảng Đạo kiếm miếng ăn. Trong những ngày vất vưởng ấy, ông gặp hương sư Vĩnh Trị - một nhà giáo yêu nước. Ông giới thiệu cha tôi với nhà cách mạng Tống Văn Trân. Qua tâm sự, ông Trân khuyên cha tôi nên vào Nam kiếm sống vì đây là vùng “đất mới”, dễ tìm đường xuất dương cứu nước.
Cuối năm 1927, cha tôi kí hợp đồng với Hãng tuyển phu Phan Tất Tạo, đi làm phu cao su ở Đồn điền Phú Riềng, Nam Bộ. Những ngày tập trung ở Hải Phòng xuống tầu đi Nam, vì biết chữ hơn người, ông đã giúp đỡ bạn thuyền đấu tranh đòi chủ đảm bảo điều kiện sống. Dọc đường lênh đênh trên biển, ông là chỗ dựa của những người bỏ quê tha phương. Đến đồn điền, ông lại trở thành hạt nhân đoàn kết giữa các phu phen. Được Ngô Gia Tự giác ngộ, ông được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, rồi tháng 10/1929 trở thành đảng viên Đông Dương Cộng sản Đảng. Vào dịp Tết năm 1930, ông là bí thư chi bộ lãnh đạo cuộc đấu tranh của 5.000 phu cao su, làm chủ Đồn điền Phú Riềng trong mấy ngày tết. Cuộc đấu tranh thất bại, ban lãnh đạo bị bắt. Cha tôi bị Tòa đại hình Sài Gòn kết án khổ sai, đày ra Côn Đảo. Nhà tù là trường đại học lớn, ông học được nhiều lí luận cách mạng và gặp nhiều bạn tù mà sau này họ là những lãnh đạo của nước Việt Nam mới (Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng...).
Nhờ có Mặt trận Bình Dân ở Pháp mà nhiều tù chính trị ở Côn Đảo được trả tự do. Cha tôi cũng được về đất liền nhưng bị đưa ngay về quê hương quản thúc. Ý chí cách mạng không tắt, ông tiếp tục hoạt động. Là bí thư chi bộ rồi bí thư Huyện ủy Bình Lục, bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, đến năm 1941 là Xứ ủy viên Bắc Kỳ. Cuối 1943 ông lại bị bắt ở Thái Bình. Tại Phủ Lý, Hà Nam ông đã bẻ song cửa trốn thoát nhưng không thành, bị đưa về nhà tù Ninh Bình rồi về Hỏa Lò, Hà Nội.
Lợi dụng Nhật đảo chính Pháp ngày 9/3/1945, ông cùng các tù chính trị tổ chức 2 đường vượt ngục: “thăng thiên” (vượt tường rào) và “độn thổ” (chui cống ngầm) cho hơn 100 tù chính trị Hỏa Lò về với phong trào, vào các đêm 10,12/3/1945 và sau đó.
Và tháng 8/1945 là ủy viên Thường vụ Xứ ủy cùng ông Nguyễn Khang, cha tôi đã tham gia lãnh đạo Tổng khởi nghĩa thành công ở Hà Nội và 10 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.
Sau ngày cách mạng thành công, cha tôi lấy tên mới là Trần Tử Bình với nghĩa sống cuộc đời phong trần, lãng tử, đấu tranh vì sự bình đẳng bác ái.
Chúng tôi còn giữ được tấm ảnh ông gửi cho anh cả Trần Kháng Chiến (khi anh tình nguyện nhập ngũ chống Mỹ cứu nước 1965), với lưu bút phía sau: “Cuộc đời cha theo cách mạng đã 3 lần bị thực dân Pháp bắt, 10 năm bị giam trong nhà tù đế quốc, 2 lần vượt ngục nhưng tự hào vì đã góp sức làm nên một Phú Riềng Đỏ lịch sử 1930 khi 23 tuổi và Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội năm 1945 khi 38 tuổi”.
Sau ngày 2/9/1945, ông nhận ngay nhiệm vụ xây dựng Trường Quân chính Việt Nam (tiếp nhận từ Trường Quân chính kháng Nhật của cụ Hoàng Văn Thái) – nhà trường đào tạo cán bộ đầu tiên của nước Việt Nam mới, sau này là Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Ngày 16/5/1946, nhà trường được vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh lên dự lễ khai giảng và trao lá cờ thêu 6 chữ vàng “TRUNG VỚI NƯỚC, HIẾU VỚI DÂN”.
Đầu năm 1948, sau khi cùng cụ Lê Thiết Hùng chỉ huy bộ đội bẻ gãy gọng kìm phía tây của giặc Pháp, dùng tầu thủy tấn công dọc sông Lô, hòng tấn công tiêu diệt đầu não kháng chiến của ta ở Việt Bắc, Cụ Hồ đã kí quyết định tấn phong hàm thiếu tướng cho cha tôi và 8 cán bộ cao cấp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Nguyễn Bình.
Tiếp sau đó, ông là Phó tổng Thanh tra quân đội, tham gia điều tra, xét xử vụ tham nhũng lớn nhất đầu tiên trong quân đội – vụ án Trần Dụ Châu năm 1950, mang lại niềm tin cho nhân dân, cán bộ, chiến sĩ trước khi vào trận đánh lớn.
Vì công tác chuẩn bị cán bộ cho tổng phản công vô cùng cần thiết, một lần nữa ông nhận nhiệm cùng Thiếu tướng Lê Thiết Hùng đưa Trường Lục quân Việt Nam sang Trung Quốc, đào tạo gần 1 vạn cán bộ quân sự cung cấp cho chiến trường.
Hòa bình lập lại, ông là Tổng Thanh tra quân đội, Phó tổng Thanh tra Chính phủ, tham gia sửa sai của Cải cách ruộng đất.
Đến năm 1959, ông được cử đi làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam DCCH tại Bắc Kinh, Trung Quốc và Mông Cổ. Với 8 năm liên tục làm ngoại giao, ông đóng góp nhiều công sức trong việc vận động sự ủng hộ tối đa của nhân dân Trung Quốc cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước.
Tiếc rằng, ngày mùng 3 tết năm 1967, ông đột ngột từ trần tại Hà Nội, hưởng thọ 60 tuổi.
Ngày mới phong tướng. Việt Bắc 1948.


Chuyện đời thường của cha tôiCha mẹ tôi sinh được 8 người con và đặt tên gắn với những sự kiện trọng đại của nước Việt Nam mới: Yên Hồng (khi mẹ tôi bụng mang dạ chửa chị vẫn “súng lục giắt lưng”, xông xáo, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa ở huyện Kim Động và tỉnh lỵ Hưng Yên), Kháng Chiến (sinh sau ngày 19/12/1946), Thắng Lợi (sinh sau Chiến dịch Biên giới 1950), Kiến Quốc (khi Bác phát động thi đua Kháng chiến – Kiến quốc), Thành Công (sau thắng lợi Điện Biên Phủ 1954), Hữu Nghị (kỉ niệm ngày cùng Trường Lục quân đóng ở đất bạn), Hạnh Phúc (cô con gái sinh sau 5 ông con trai) và Việt Trung (khi cha tôi nhận nhiệm vụ “đi Sứ” năm 1959).
Khi vài ba tuổi được sống gần cha thì chưa hiểu biết gì, đến tuổi đi học thì cha tôi lại đi công tác xa biền biệt. Hiểu sự thiếu thốn tình cảm của các con, mỗi lần về, ông thường đưa chúng tôi ra công viên Ba Đình hay Bảy Mẫu chơi, cha con có dịp trò chuyện. Đúng kì họp phụ huynh của đứa nào, cha tôi đều thu xếp đến trường, gặp thầy cô để biết tình hình học hành của con cái. Từ năm 1964-65, giặc Mỹ ném bom ra miển Bắc, chúng tôi phải sơ tán theo trường về vùng rừng núi, thiếu thốn đủ điều. Lần nào về nước, cha tôi đều mua đèn bão (đốt bằng dầu), bóng đá, bóng bàn, kèn ac-mô-ni-ca… tặng nhà trường, để các cháu có đèn thắp sáng và có đồ chơi giải trí sau giờ học.
Với bọn trẻ, ông không lí luận phức tạp mà chỉ giảng dạy rất giản dị, làm chúng tôi nhớ mãi: là con em cán bộ cao cấp không có nghĩa là có quyền ăn trên ngồi trốc… chỉ khi nào có lao động sáng tạo thì các con mới có tự do chân chính. Ngay khi ngồi vào mâm cơm, đứa nào làm rơi vãi, ông bắt nhặt hạt cơm bỏ vào miệng: “Hạt gạo là hạt vàng mà người nông dân phải vất vả, một nắng hai sương mới làm ra, các con ăn phải biết quý trọng”… Quần áo của thằng em mặc chật thì để cho đứa em, ở nhà tôi có cái áo của đứa thứ 3 còn được dùng cho đứa thứ 8. Mặc quần áo vá không có gì đáng ngượng hay câu “đói cho sạch, rách cho thơm” còn được chúng tôi dạy cho con cháu. Khi đã trưởng thành, Trần Thành Công là chủ một doanh nghiệp may mặc đã gắn ngay cổng nhà máy slogan: “Có lao động sáng tạo mới có tự do chân chính!”.
Với hạnh phúc gia đình, mẹ tôi phải chịu nhiều thiệt thòi. Chúng tôi còn lưu giữ nhiều bức thư qua lại giữa cha, mẹ. Mẹ tôi từng trách cứ cha: “Hòa bình lập lại rồi, các gia đình khác được đoàn tụ thì anh lại đi công tác xa biền biệt, sang tận xứ người”. Vậy mà cha tôi đã nhẹ nhàng viết thư về: “Anh hiểu nỗi lòng em, nhưng hạnh phúc của cá nhân không thể tách rời hạnh phúc của đất nước, dân tộc. Mong em cùng anh chia sẻ”.
Nhớ thời bao cấp khó khăn, dù đã có lương hưu, mẹ tôi vẫn tăng gia nuôi lợn, nuôi thỏ để cải thiện đời sống. Sáng sáng, bà con dân phố thường thấy bà xách làn ra chợ Cửa Nam, nhặt nhạnh rau thừa về chăn nuôi. Có người lên tiếng “phê bình”: “Chị là vợ Tướng, lại là cán bộ cao cấp, làm thế thì còn mặt mũi nào?”. Bà cười: “Là vợ Tướng thì cũng phải lao động. Tôi lao động chân chính, có ăn cắp của ai đâu mà phải xấu hổ?”. Nhiều người nghĩ, cha chúng tôi mất đi thì các con sẽ mất đi điều kiện để tiến thân. Nhưng tấm gương của ông bà, lời dạy của ông bà đã dẫn lối cho chúng tôi. Anh em tôi chả ai làm quan to nhưng đều là những công dân tốt, được bà con, bạn bè quý mến.
Ngày 11/4/1966 ông nội tôi mất. Vì bận công tác ở Bắc Kinh, không thể về chịu tang, cha tôi đã nhờ Văn phòng Trung ương (bác Bân, chú Đỉnh) cùng đồng chí, bạn bè thân thiết (chú Ngô Minh Loan, Nguyễn Cơ Thạch, Lê Quý Quỳnh…) giúp tổ chức tang lễ... Còn nhớ mãi hình ảnh bà nội ngồi còng lưng, buồn rầu, lầm rầm đọc Kinh Thánh. Ai cũng xúc động khi nghe trên loa đọc bài điếu của cha tôi gửi về:
Cha ơi, cha ơi
Một đời cần cù lao động,
tay xách, nách mang,
Một gánh bên nồi bên con,
nay đông mai bắc
Một đời lầm than vất vả
Nay đến khi tắt thở
Cha, con cũng chả gặp nhau
Con ân hận vô cùng!
… Nhưng công tác cách mạng là trên hết
Cha, con xa cách nhưng lòng con hiếu thảo,
Cha biết cho lòng con
Xin vĩnh biệt cha từ đây,
An giấc ngàn thu
Con của cha – Trần Tử Bình


Với đồng chí đồng độiCha chúng tôi mất sớm nhưng nhiều chuyện về cha, chúng tôi được nghe qua các chú các bác là bạn bè, đồng đội của cha. Mỗi lần tết đến hay giỗ cha tôi đều thấy các chú các bác từng cùng cha mẹ hoạt động thời kì bí mật, hay thời kì trong quân ngũ qua lại thăm viếng, làm chúng tôi hiểu cha mẹ tôi đã sống như thế nào.Chú Nguyễn Trung con cụ Ba Triệu – điền chủ lớn ở Cổ Tiết, Phú Thọ, từng là cơ sở bí mật đón Bác và Trung ương trên đường từ Hà Nội lên Việt Bắc sau ngày 19/12/1946. Chú từng là tỉnh ủy viên tỉnh Yên Bái… Thời kì “Sửa sai” 1956, chú bị “đội” quy là đảng viên Quốc dân Đảng và bị bắt tống giam, chờ ngày xử bắn. Nghe tin ấy, cha tôi đã phóng xe lên tận nhà giam Phú Thọ, yêu cầu thả ngay chú ra rồi thay mặt Đảng xin lỗi chú. Sau này chú kể lại: “Bị giam trong tù, chú đã nghĩ sẽ hô gì trước khi chết. Nhưng oan ức quá. Khi cha cháu đến giải cứu, xin lỗi và mời chú tiếp tục công tác, chú đã trả lời: “Thôi anh ơi, anh cho em về nhà với vợ với con. Bây giờ em sợ cách mạng lắm rồi”... Nhưng chính sự chân thành và thân tình của cha cháu, sau đó chú mới trở lại làm việc”.Lại như chú Nguyễn Văn Bồng, là công chức thuế của Pháp, được giác ngộ rồi tham gia cướp chính quyền ở Hương Canh, Vĩnh Phúc. Chú là học sinh Trường Cán bộ Việt Nam của cha tôi cuối 1945 và được cha tôi kết nạp Đảng. Vậy mà chú cũng bị quy kết là Quốc dân Đảng, bị tống giam. Cha tôi biết tin đã đến nói thẳng với tay cán bộ tổ chức: “Nếu thằng Bồng là Quốc dân Đảng thì Trần Tử Bình này là Quốc dân Đảng từ lâu rồi”. Trên bàn thờ nhà chú, cùng với di ảnh các cụ thân sinh là di ảnh cha tôi. “Anh Trần Tử Bình đã sinh ra chú lần thứ hai”, chú luôn nói như thế mỗi lần chúng tôi đến thăm.
Chuyện ông Dương Văn Khái cũng vậy, là bí thư chi bộ Nông trường Đông Hiếu, Tây Hiếu (Nghệ An) vì có ít chữ mà cũng bị quy sai. Sáng sớm hôm ấy chuẩn bị lên đoạn đầu đài thì thấy có chiếc xe com-măng-ca phóng tung bụi đến. Bước xuống xe là một ông mặc quân phục tướng. Sau khi xem qua bản án, ông tuyên bố: “Nhân danh Thanh tra Chính phủ, tôi – Phó tổng Thanh tra - hủy bản án này”. Nói rồi ông lên xe đi tiếp.
Sau này vô tình tôi lại chơi với anh Bính, con rể ông. Biết tôi là con trai Tướng Bình, ông đã tâm sự: “Thật ra chú có biết cha cháu là ai. Chắc chỉ nghe báo cáo ở Nghệ An có vụ đó mà cha cháu phi ngay về. Nhưng chỉ cần cha cháu không thật trách nhiệm, chỉ đến muộn vài giây thì chắc chú đi rồi. Đứng trước giá treo cổ nhìn thằng con bé tí ngồi vắt vẻo trên cành cây, nhìn bố sắp bị người ta xử tử mà chả hay biết gì. Thật đau lòng. Cha cháu đúng là người sinh ra chú lần thứ hai”.
Từng được các cơ sở cách mạng đùm bọc những ngày hoạt động bí mật gian khó, khi cách mạng thành công cha mẹ tôi không quên ơn họ. Có dịp rảnh là các cụ lại về địa phương thăm hỏi; hay tìm mọi cách giúp đỡ, xác minh để họ được hưởng chế độ “Gia đình có công với nước”. Họ không quên anh Núi, ông Lang tiêm, chị Đề, chị Tân… (tên hoạt động bí mật của cha mẹ tôi). Thậm chí, các bà, các cô bác thuộc lòng cả tên từng đứa chúng tôi. Chúng tôi còn được về cùng ăn, cùng ngủ với các cơ sở cách mạng (như bà Bủ Chính ở Cổ Tiết), để hiểu hơn những ngày gian khổ vất vả của cha mẹ. Ngày mẹ chúng tôi mất, nhiều cơ sở cách mạng ở Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình nghe tin cũng lên đưa.
Những năm gần đây mỗi khi gia đình có việc đại sự, học trò, đồng đội của cha tôi đều có mặt. Thật cảm động khi thấy các tướng lĩnh trong bộ đại lễ phục, trên ngực gắn đầy huân chương, chống gậy đến với gia đình thầy Trần Tử Bình.
Bà Hưng, ông Bình ở Việt Bắc 1949.




Kỷ niệm với BácLàm đại sứ ở Trung Quốc, cha tôi có nhiều dịp được đón tiếp Bác những lần sang thăm chính thức và không chính thức.
Xuất thân là người lao động, cha tôi cho liên hệ với Công xã Trung Việt giúp sứ quán trồng lê, táo, nho ngay trong vườn. Vào ngày nghỉ, cán bộ công nhân viên dành thời gian chăm sóc cây. Năm 1962, vườn cây cho ra lứa đầu tiên. Sứ quán thu hoạch, đóng thùng gửi về nước. Cha tôi gửi biếu Bác Hồ, bác Tôn, bác Cả và bạn bè thân thiết.
Sau đó chú Vũ Kỳ - bạn tù Hỏa Lò của cha tôi, thư kí của Bác – có gửi cho cha tôi một bức thư cảm ơn: “Bác giao cho tôi viết thư cảm ơn anh và cán bộ Đại sứ quán ta ở Bắc Kinh, đã gửi quà “cây nhà lá vườn” cho Bác và văn phòng. Bác khen hoa quả rất ngon, nhất là táo, lê và ngợi khen tinh thần lao động, ý thức xây dựng sứ quán tươi đẹp của anh chị em. Bác gửi lời chúc anh mạnh khỏe!”.
Những ngày giáp Tết Đinh Mùi 1967, cha tôi về họp Trung ương, không may bị cảm lạnh phải cấp cứu vào Bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô. Chiều 30 tết, mẹ tôi và em gái Hạnh Phúc đang ngồi chơi với cha thì thấy Bác và chú Vũ Kỳ đến thăm. Cha tôi định xuống giường chào Bác thì Bác xua tay:- Chú còn mệt, cứ nằm nghỉ. Thế sức khỏe của chú ra sao rồi?
- Dạ, vào viện có thuốc và được nghỉ ngơi nên huyết áp đã ổn định hơn. – Cha tôi trả lời.
- Vậy là tốt, chú cố gắng chữa cho khỏi. Công việc cách mạng ngoài kia đang rất cần nhiều người như chú. Và hôm nay có chút quà cho chú đây.
Chú Vũ Kỳ lấy trong túi ra mấy quả táo, đặt lên bàn. Bác vui vẻ:
- Đồng chí Chu Ân Lai tết này có gửi sang ít hoa quả biếu Bác. Nay Bác có quà cho chú bồi dưỡng chóng lành bệnh, sớm về làm việc. Vậy chú là “bệnh nhân đặc biệt” của 2 nước Việt, Trung đấy nhé. Còn vài giờ nữa là sang năm mới, Bác tranh thủ đi thăm mỗi nơi một tí. Nghe anh em báo cáo, Đại sứ Trung Quốc Chu Kỳ Văn cũng bị cao huyết áp, đang điều trị tại đây. Tết nhất xa nhà lại bị ốm, chắc đồng chí cũng buồn. Bác tranh thủ sang thăm đồng chí ấy. Chúc chú chóng khỏi bệnh và chúc cả nhà một năm mới đầy hạnh phúc!
Nói rồi Bác chia tay cha mẹ tôi.
Ai ngờ, chỉ 3 ngày sau, sớm mùng 3 Tết, cha tôi chuyển bệnh và vĩnh viễn ra đi.
Ngày cha tôi mất, 3 anh em tôi (Thắng Lợi, Kiến Quốc, Thành Công) ở xa quê hương, không thể về để tiễn cha. Sau này xem bộ ảnh tang lễ ở Câu lạc bộ Quân nhân trên đường Hoàng Diệu, có hình ảnh Bác đến viếng, ôm lấy mẹ tôi chia buồn mà không sao cầm được nước mắt.
Bác đến chia buồn với gia đình tại CLB
Quân nhân, sáng 3 Tết 1967.


Cha tôi sống mãi với quê hươngTháng 8/2004, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã cùng gia đình tổ chức Lễ tưởng niệm Thiếu tướng Trần Tử Bình tại Bảo tàng Cách mạng, Hà Nội. Chúng tôi cảm động khi được đón hơn 200 khách mời là bạn bè, cơ sở cách mạng, đồng chí đồng đội thân thiết của cha mẹ về dự. Nhiều bản tham luận sinh động đánh giá đúng công lao của cụ với đất nước. Thế mới biết cha mẹ chúng tôi đã sống thế nào, cho dù các cụ đi xa đã lâu.
Mảnh đất 16 mét vuông cắm dùi ấy, sau này chính quyền địa phương quy hoạch lại, nhà chú em họ ở sát rào được dời ra vùng đất mới và gia đình có một diện tích đất rộng hơn. Nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhật ông (5/5/1907 – 5/5/2007), cũng tròn 40 năm ngày mất (1967 – 2007) anh em chúng tôi đầu tư cùng họ hàng, bà con địa phương xây dựng Nhà tưởng niệm Thiếu tướng Trần Tử Bình và Nhà văn hóa thôn Tiêu Thượng. Chúng tôi lại vinh dự được đón đại diện các tỉnh nơi các cụ từng hoạt động thời kì bí mật, các đơn vị (Tổng Thanh tra quân đội, Trường sỹ quan Lục quân, Bộ Ngoại giao) nơi cha mẹ từng công tác cùng các bạn bè, đồng chí đồng đội, học trò của cụ về dự.
Bác Võ Nguyên Giáp không về được, đã cử cô Đặng Thị Bích Hà đi thay cùng một lá thư chúc mừng. Thư có đoạn: “Được biết nhân dịp này, con cháu của Anh cùng Đảng ủy, chính quyền địa phương, nhân dân xã Tiêu Động, Bình Lục, Hà Nam và xã Tân Phúc, Ân Thi, Hưng Yên đầu tư tiền của, công sức xây dựng Nhà tưởng niệm Thiếu tướng Trần Tử Bình và Nhà văn hóa thôn Tiêu Thượng cùng Trường Mầm non Trần Tử Bình – thôn Phúc Tá. Đây là những việc làm đầy ý nghĩa nhằm tôn vinh người chiến sĩ cách mạng đã hy sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau. Tôi đáng giá cao việc làm này.
Mong các đồng chí và bà con lương, giáo quê hương cùng con cháu học tập tấm gương sáng của Anh, xây dựng địa phương ta thật giàu, đẹp.
Chúc các đồng chí và bà con mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt!”.
Đầu năm 2008, Bộ Ngoại giao đã tổ chức lễ truy tặng Huân chương Sao Vàng cho cha tôi tại Nhà khách Chính phủ, lại đúng vào nơi cách nay 63 năm, sáng ngày 19/8/1945, 2 thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ Nguyễn Khang, Trần Tử Bình chỉ huy quần chúng cách mạng tiến vào Phủ Khâm sai, cướp chính quyền về tay nhân dân.
Cũng thật vô tình Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết người thay mặt Đảng, Nhà nước trao cho gia đình tấm huân chương này nguyên là Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé – mảnh đất mà ông Trần Tử Bình cùng chi bộ Đảng đã làm nên một Phú Riềng Đỏ lịch sử vào năm 1930.
… Nhớ ngày mới hòa bình, cha mẹ tôi đón ông bà nội lên Hà Nội để tiện chăm sóc. Cứ sáng chủ nhật, ông nội lại chống gậy dọc đường Hoàng Diệu lên nhà thờ Cửa Bắc. Nhưng biết mình là con chiên ghẻ bị rút phép thông công nên ông chỉ đứng ngoài bờ rào, hướng vào bên trong nghe giảng Đạo. Các chú ở Cục Bảo vệ đã thắc mắc với cha tôi thì được ông giải thích “đó là tín ngưỡng, niềm tin của dân có Đạo, điều chính tôi là con cũng phải tôn trọng”.Và khi nhà thờ Tiêu Thượng được bề trên và bà con giáo dân góp tiền của, công sức xây lại; gia đình tôi được vinh dự “tiến” bộ cửa chính ra vào. Đây là một vinh hạnh lớn vì với dân Công giáo thì cửa đó là nơi đón họ sinh ra, được đặt tên Thánh và cũng là nơi tiễn họ lên Thiên đàng, về với Chúa.
Ngày 27/10/2010 – ngày gia đình chính thức bàn giao bộ cửa quý cho nhà thờ lại nằm trong “tháng linh hồn”. Cha Được (vị linh mục “hương bản” (giáo dân của Tiêu Thượng) sau 100 năm mới xuất hiện) đang hành giáo ở Hà Nội, đã về làm lễ cầu cho linh hồn ông bà nội và cha tôi cùng các cô bác trong gia đình. Chúng tôi coi “phép thông công” đã được trả cho ông bà nội và Phê-rô Phạm Văn Phu – Trần Tử Bình.
Tiêu Thượng có Phê-rô Nguyễn Văn Hiếu được Tòa Thánh Va-ti-căng phong Thánh Tử vì Đạo năm 1900; còn cha chúng tôi được Cụ Hồ phong tướng năm 1948. Vì lẽ ấy giáo dân quê tôi có niềm tự hào riêng - Tiêu Thượng là đất “phát” cả Thánh lẫn Tướng, điều không phải nơi nào cũng có.
Đó là những gì chúng tôi tự hào về cha mình!
Gia đình năm 1961. Hiệu ảnh Quốc tế Bờ Hồ.

Ông Văn không quên đồng đội và gia đình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Viết nhận xét, nếu chưa đăng kí, bạn có thể ghi tên mình (hoặc nickname) và xuống mục "Chọn 1 nhận dạng" nháy vào "Ẩn danh" rồi xuất bản nhận xét.