Thứ Tư, 18 tháng 3, 2015

Ghi chép: Thời kì Trường Lục quân ở TQ 3 (Vũ Diệu)

ĐỢT PHẢN TỈNH

Khóa 6 kết thúc trong năm 1951. Trước khi về nước, tất cả các học viên đã trải qua một đợt Phản tỉnh, đối chiếu với 10 lời thề của QĐNDVN, nhằm gột sạch lập trường tư tưởng thối tha của tầng lớp tiểu tư sản, xây dựng lập trường tư tưởng của giai cấp công – nông (cụ thể ở Việt Nam là bần cố nông).
Cuộc phản tỉnh của khóa 6 tương đối nhẹ nhàng, có lẽ vì hầu hết xuất thân từ tầng lớp tiểu tư sản học sinh, chưa từng ra trận mạc, cũng chưa từng tham gia công tác xã hội, đương nhiên ít khuyết điểm. Nhưng cũng có trường hợp truy bức tư tưởng, biến tự phê bình và phê bình trong nội bộ trở thành những vở kịch rất bi hài. Xin kể 1 sự việc có thật ở tiểu đoàn học viên số 3:
Một học viên bị tiểu đội truy: ”Đồng chí chưa thành khẩn . Đồng chí xuất thân từ giai cấp tiểu tư sản thối tha. Vậy mà đồng chí kiểm điểm sơ sài như vậy à?”. Bí quá , học viên này chợt nhớ ra: Lần trên đường hành quân từ Tuyên Quang lên Hà Giang để sang Vân Nam. Khi qua 1 bản làng người thiểu số ở ven đường, có hàng rào là những bụi cây thấp xen lẫn những cây ớt chỉ thiên đang ra quả đỏ mọng. Hồi đó bữa ăn thường ngày của lính chỉ là cơm với ít muối trộn ớt giã nhỏ. Cả nhà đã lên nương từ sớm. Không có ai để hỏi xin. Lính ta bèn tự tiện ngắt vài trái ớt để dành cho các bữa ăn trên đường hành quân. May quá, thế là có khuyết điểm để kiểm điểm rồi.
Học viên này thành khẩn: ”Có 1 lần trên đường hành quân, tôi đã ăn cắp của dân nhiều quả ớt. Dân phải bỏ công sức 1 nắng 2 sương, lao động mệt nhọc mới trồng được nó. Bác Hồ đã dạy chúng ta phải trung với nước, hiếu với dân. Thế mà tôi lại làm hại dân. Con chó còn biết coi nhà cho dân. Lập trường tư tưởng của tôi thật là xấu xa, không bằng lập trường tư tưởng con chó!”.



Sang khóa 7, cuộc Phản tỉnh ở cuối khóa trùng với thời gian chuẩn bị tiến hành thí điểm CCRĐ ở Việt Bắc. Lại được các cố vấn Trung Quốc truyền lại kinh nghiệm, trở thành nặng nề, khốc liệt. Đã xảy ra nhiều cuộc truy bức và dùng nhục hình, dồn người “phản tỉnh“ vào ngõ cụt. Những đoạn mô tả tâm lý hoang mang hoảng sợ của học viên trong cuộc phản tỉnh khóa 7, thể hiện trong 2 tập truyện ngắn “Trang lứa" và “Cô giáo quốc tế vũ“ của nhà văn Vũ Hùng (nguyên học viên binh chủng Thông tin khóa 7) và những mẩu truyện do cụ Nguyễn Xuân Hòa (nguyên học viên khóa 5, và là cán bộ khung các khóa sau) kể lại đều là có thật.
Có những sự việc tôi đã được chứng kiến.
Ở khu Phụng Minh Thôn có 1 lạch nước chảy qua và 1 dãy hố xí xây bằng gạch (hồi đó chưa có hố xí tự hoại như bây giờ). Trong thời tiết lạnh buốt mùa đông ở Vân Nam, người ta lột trần 1 học viên tiểu đoàn 3 bị quy kết là “ngoan cố“ chỉ còn 1 chiếc quần đùi, rồi khiêng 2 tay, 2 chân dìm xuống nước, cho đến khi anh ta không chịu đựng nổi , xin “thành thật kiểm điểm“ mới được khiêng lên và cho vào nhà.
Người ta ngăn riêng ra một nửa dẫy hố xí làm trại giam. Cho kê ván gỗ che miệng hố xí, quây lại thành từng buồng nhỏ, nhốt các học viên bị quy kết là “ngoan cố“, cho ăn uống và ngủ trong đó, đến khi nào chịu không nổi, phải xin thành khẩn kiểm điểm thì mới được trở về đơn vị để tiếp tục "phản tỉnh".
Một khi đã bị truy bức và nhận mình đã có tư tưởng phản động hoặc đã có hành vi phản động thì học viên đó phải khai tiếp “ai là đồng bọn“ (lúc đó đồng bọn là bất kể học viên nào anh ta thân quen trong tiểu đoàn hoặc trong các tiểu đoàn khác). Họ được chuyển đến doanh trại tập trung của “Tiểu đoàn Việt gian là tiểu đoàn 7“, nằm gần khu Đào Viên, tách biệt với các tiểu đoàn học viên khác.
Sau này Tổng cục chính trị đã cho đặc phái viên Nguyễn Huy Định (*) và 1 thành viên nữa (tôi không còn nhớ đầy đủ họ và tên) sang, nghiên cứu về cuộc phản tỉnh này. Cụ Bình, nhân danh Chính ủy nhà trường, đã sửa sai, phục hồi danh dự cho các học viên bị oan, công khai đốt tất cả các hồ sơ phản tỉnh trước mặt các học viên. Tuy nhiên đối với họ, nỗi kinh hoàng đó cho đến nay vẫn không dễ quên.

Hồi đó, từ Vân Nam nhà trường chưa có liên lạc bằng thông tin vô tuyến với Tổng Quân ủy và TCCT. Mọi thông tin đều phải chuyển theo đường bộ, rất khó khăn và rất chậm.
Hồi đó, “mười nguyên tắc chiến thuật của Mao Trạch Đông“ và phương châm “lấy chính trị làm thống soái“ của Mao Trạch Đông đều là mới mẻ đối với cả cụ Bình, cụ Lê Thiết Hùng, cụ Lê Chiêu và cụ Đỗ Trình. Phải dựa vào các Cố vấn. Vai trò Cố vấn rất khác vai trò Chuyên gia . Người ta có thể coi ý kiến của Chuyên gia là để tham khảo nhưng một khi đã công nhận vai trò của Cố vấn thì không thể không thi hành ý kiến của Cố vấn.
Trong những nguyên nhân dẫn đến sai lầm, không thể bỏ qua tác động cực đoan, tả khuynh của cụ Chính ủy cấp Đoàn (tức cấp trung đoàn), Chủ nhiệm Tổng Vụ Cổ là Phan Thái. Cụ rất được lòng Cố vấn nhưng gây hại cho ta. Cụ đã đi giảng chính trị cho nhiều tiểu đoàn, rằng: ”Tất cả các triều đại vua chúa ở Việt Nam (bất kể có là minh quân hay không) đều là phản động. Tiểu tư sản là 1 lũ thối tha, ăn bám, không lao động ra của cải vật chất. Ở Việt Nam chỉ có tầng lớp bần cố nông , nhất là cố nông mới là giai cấp tiên tiến, triệt để cách mạng“.
Có 1 sự việc chứng thực cho lời giảng của cụ Phan Thái. Người ta phái người về nước, tuyển chọn cụ Dụng (1 cố nông đã 50 tuổi, hoàn toàn mù chữ, cũng chưa từng làm lính) theo học viên khóa 7 sang trường làm cần vụ, chuyên quét nhà, giặt quần áo cho các thủ trưởng cấp cao của trường. Quả thật cụ rất yên tâm và cần mẫn làm nhiệm vụ này.
Cụ mù chữ nhưng rất thuộc lời giảng của Chủ nhiệm Phan Thái. Trong các buổi sinh hoạt thi đua, cụ Dụng cũng kịch liệt lên án lập trường tư tưởng xấu xa của giai cấp tiểu tư sản. Cụ Dụng được nhiều người khen ngợi và kêu gọi mọi người học tập cụ. Cụ luôn luôn được phong “ Anh Mô“, được cưỡi ngựa, ngực đeo bông hoa hồng bằng giấy màu đỏ to tướng. Đội nhạc binh của cụ Quản Liên (thuộc Đội Văn công nhà trường ) nổi nhạc bài “Noi gương Anh Mô“ của Doãn Nho để chào mừng cụ.
Sau khi đặc phái viên Nguyễn Huy Định trở về nước, TCCT đã cử ông Lê Sĩ Thiện (kỹ sư vô tuyến điện) cùng 1 nhân viên mật mã, đem theo máy truyền tin vô tuyến sang trường, thành lập Tổ thông tin vô tuyến (trực thuộc Chính ủy nhà trường, biên chế thuộc Phòng chính trị).
Sau khi kết thúc khóa 7, theo trí nhớ của tôi, nhà trường tạm ngưng , không tuyển học viên từ Việt Nam sang, tinh giản biên chế Hiệu bộ , chỉ đào tạo thêm khóa bộ binh thứ 8 (chọn học viên từ đơn vị cảnh vệ của trường và các nhân viên Hiệu bộ, các nhân viên của các tiểu đoàn bộ dôi ra sau tinh giản biên chế và chuẩn bị chuyển trường từ Vân Nam sang Quảng Tây).
Một phần bộ khung của Phân khoa binh chủng Pháo binh về tăng cường cho Trung đoàn pháo 105 mm ở Mông Tự, chuẩn bị về nước tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Bộ khung của các phân khoa binh chủng Công – Pháo – Thông tin còn lại về sau được chuyển thành bộ khung của Trường Sĩ quan Pháo binh, Trường Sĩ quan Công binh, Trường Sĩ quan Thông tin, Trường Sĩ quan Hậu cần.
Một số cán bộ cao cấp của trường không theo sang Quảng Tây. Cụ Phan Thái ra khỏi quân đội.
Cụ Dụng mất việc làm. Cụ cũng không theo sang Quảng Tây, mà được về nước và giải ngũ. Theo nguyện vọng của cụ, cụ được kết nạp vào Đảng LĐVN. Tôi có hỏi: sao cụ không theo trường sang Quảng Tây? Cụ nói: “Tôi không còn việc gì để làm. Công việc suy nghĩ, tính toán, viết lách như các đồng chí không hợp với tôi“.
Khóa 9 khai giảng tại thành phố Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây đã có mặt những học viên người Nam Bộ và chỉ đào tạo sĩ quan bộ binh. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Hiệu trưởng từ khóa 9 là cụ Lê Trọng Tấn.
Khóa 10 khai giảng tại khu vực sân bay Bạch Mai, Hanoi. Kinh nghiệm của chiến dịch Điện Biên Phủ đã được tổng kết. Nguyên tắc chiến thuật thứ nhất trong 10 nguyên tắc chiến thuật của Mao Trạch Đông là “Tập trung binh lực...” được nghiên cứu lại. Tư tưởng chiến thuật “phân tán binh lực nhưng hỏa lực tập trung tùy từng tình huống“ cũng được nghiên cứu kỹ, cùng với sự tăng cường các loại binh khí kỹ thuật mới có uy lực sát thương cao như AK-47, súng trường tự động, B-40, súng phun lửa có bình chất đốt lớn.
Khóa 10 có thêm Khoa Hóa học là tiền thân của Binh chủng Hóa học và Khoa Bổ túc văn hóa (có nhiệm vụ bổ túc Toán học cho học viên trước khi vào chương trình học Kỹ – Chiến thuật). Khoa Chiến thuật cùng với Khoa Kỹ thuật và Khoa Hóa học đã được bắt đầu nghiên cứu và tập huấn “Chiến thuật Công – Phòng dưới điều kiện mới“.


Từ khóa 10 Trường có tên là “Trường Sĩ quan Lục quân Việt Nam“.
Thời gian đóng quân ở Trung Quốc không chỉ có chuyện buồn như chuyện “phản tỉnh“ của khóa 7. Còn có nhiều chuyện vui. Hình tượng trong bài hát “Bà mẹ nuôi người Trung Quốc“ của Doãn Nho là có thật.
Năm đầu tiên sang Trung Quốc rất nhớ nhà, nhớ nước. Chúng tôi được hưởng Tết Nguyên Đán đâu tiên trên đất nước CHND Trung Hoa trong không khí hòa bình, đầy đủ và ấm cúng, tương tự phong tục ở Việt Nam.
Riêng tôi có một kỷ niệm không thể quên. Đó là thời gian Trường Lục quân ở Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây. Tôi công tác ở Hiệu bộ.
Một lần, tôi được điều trị bệnh, phẫu thuật tại Bệnh viện của 1 Quân đoàn QGP TQ ở thành phố Quế Lâm. Chỉ 1 mình tôi là quân nhân người Việt, được điều trị ở 1 buồng riêng. Khi đó tôi đã biết bập bẹ vài từ Trung Quốc để giao tiếp thông thường và tối thiểu.
Một lần khi vắng y tá trực, 2 bệnh nhân là sĩ quan QGP TQ ở buồng bên cạnh sang chơi trong khi tôi đang viết nhật ký bằng tiếng Việt. Họ thắc mắc về chữ tôi viết giống chữ La-tinh, chứ không phải là chữ Trung Hoa. Và sau đó, họ phát hiện ra tôi là lính Việt Nam. Từ đó, hàng ngày, ngoài giờ điều trị, nhiều bệnh nhân quân nhân QGP TQ sang thăm tôi. Họ ký tên vào ảnh của họ và tặng tôi.
Riêng cô y tá Hoang Sang Pải, nguyên là 1 nữ sinh trung học, rất xinh đẹp và duyên dáng, ở Quế Lâm, thường đến thăm tôi vào buổi tối. Chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Hoa, đôi khi xen lẫn tiếng Anh hoặc dùng "tín hiệu của người khuyết tật". Có những buổi nói chuyện kéo dài đến 11 giờ khuya. Cô mặc y phục thường dân dẫn tôi đi chơi ngoài thành phố Quế Lâm vào những ngày Chủ nhật. Trước khi tôi trở về trường , Hoang Sang Pải tặng tôi tấm ảnh kèm theo chữ ký của cô.
Rất tiếc vào năm 1979, sau nhiều lần Công an đến thăm và gặng hỏi tôi về thời gian tôi sang học và công tác ở Trung Quốc, tôi đã buộc lòng phải vứt xuống sông Hồng tất cả ảnh của các bạn GPQ TQ đã tặng, cả ảnh của Hoang Sang Pải và chiếc kỷ niệm chương Mao Trạch Đông (**).

Saigon, tháng 3 năm 2015
VŨ DIỆU - Học viên khóa 6 Lục quân TQT tại Vân Nam, Giáo viên khóa 10 thuộc Khoa Chiến thuật Trường Sĩ quan Lục quân tại Hanoi.



Ghi chú :
(*): Khi ông Nguyễn Huy Định sang trường, tôi công tác ở Phòng Chính trị và được cử làm thư ký cho ông. Ông đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và trong thời gian đó giữa tôi và ông vẫn có liên lạc bằng thư. Năm 1958, tôi đã đến thăm ông Định tại Khu Nam Đồng, Hanoi. Khi đó, ông vẫn công tác tại Tổng cục chính trị với quân hàm đại tá.

(**): Trước khi Trường Lục quân chuyển từ Vân Nam sang Quảng Tây , Hiệu Bộ còn lại khoảng 450 người. Mỗi người được Ban Thường vụ Quốc hội CHND Trung Hoa tặng 1 Kỷ niệm chương. Kỷ niệm chương hình ngôi sao 5 cánh, có chân dung bán thân Mao Trạch Đông nổi lên ở chính giữa. Kỷ niệm chương bằng hợp kim mạ vàng. Đến năm 1979, tức là sau 25 năm, kỷ niệm chương vẫn còn nguyên mầu vàng kim loại, không bị han gỉ. Cuống kỷ niệm chương bằng vải dệt, màu đỏ, có vạch ngang màu vàng ở giữa. Mỗi kỷ niệm chương có 1 giấy chứng nhận mang chữ ký của cụ Trần Tử Bình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Viết nhận xét, nếu chưa đăng kí, bạn có thể ghi tên mình (hoặc nickname) và xuống mục "Chọn 1 nhận dạng" nháy vào "Ẩn danh" rồi xuất bản nhận xét.