Năm rồi vừa
kỷ niệm 70 năm thành lập QĐNDVN. Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn đã có mặt trên
suốt chặng đường này. Tôi là học viên khóa 6 của Trường, xin ghi vài dòng, nhớ
lại thời gian đã cùng Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn trên đất Trung Quốc.
Hầu hết học
viên khóa 6 là học sinh thuộc thành phần tiểu tư sản, từ các trường trung học
được tuyển thẳng vào Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, ở độ tuổi khoảng 18. Đa số
là các trường trung học phổ thông thuộc Liên khu 3 cũ. Số còn lại từ các trường
trung học ở Việt Bắc. (Có 2 loại: Trung học phổ thông như Trung học Tân Trào, tỉnh
Tuyên Quang. Chỉ các học sinh đang học lớp đệ tam trở lên mới được tuyển vào.
Trung học chuyên khoa ở Đào Dã (tỉnh Phú Thọ), nổi tiếng về Toán – Lý (nhà văn
Vũ Hùng, nguyên học viên khóa 7, đã học ở trường này).
Tôi từ Hanoi
tản cư lên Tuyên Quang trước ngày 19/12/1946, rồi giữa tháng 3/1950, từ Trường
trung học Tân Trào được tuyển vào khóa 6 Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn. Ngày
đó cách đây đã 65 năm. Hồi đó trường có tên là Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn.
(Không có cụm từ “Trung học lục quân“, vì khóa 6 không chỉ đào tạo sĩ quan cấp
phân đội, tốt nghiệp ra trường là trung đội bậc phó, mà còn bổ túc sĩ quan sơ cấp
và sĩ quan trung cấp - từ cấp đại đội đến cấp trung đoàn ).
Ban đầu, học
viên khóa 6 đóng quân phân tán rải rác từng đại đội trong nhà dân, xung quanh
khu vực Sông Công và Núi Guộc, tỉnh Thái Nguyên, để tránh bị máy bay địch truy
lùng bắn phá. Thời gian này học viên tập luyện điều lệnh đội ngũ, chưa học kỹ
thuật, chiến thuật , cũng chưa phân khoa binh chủng.
Một sự kiện
đáng nhớ ở thời gian này là đêm lửa trại của toàn trường , tại khu vực đóng
quân, gồm 3 tiểu đoàn học viên số 1, 2, 3 và Hiệu bộ, để đón tiếp ông Leo
Figuerre, ủy viên Trung ương ĐCS Pháp.
Các tiểu
đoàn học viên góp củi khô, nứa khô để đốt lửa trại. Mỗi tiểu đoàn trình diễn một
vở kịch ngắn tự biên tự diễn. Toàn trường đồng ca theo nhịp vỗ tay mạnh, đều
bài “Trường Lục quân đang cần lính đánh Tây“ của Tô Hải (nguyên học viên khóa
5B) và bài hát chính thức của Trường Lục quân “... Chúng ta cùng bước nhịp hào
hùng. Lục quân Trần Quốc Tuấn...”.
Sau này, về
đến nước Pháp, Leo Figuerre đã thuật lại đêm lửa trại đó trên báo “L' humanité”
cùng với những cụm từ “rất ngạc nhiên, rất xúc động“, “Quân đội Việt Minh là lực
lượng có thật và rất trẻ trung “. Cũng từ đó, tại nước Pháp phong trào phản đối
cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam phát triển mạnh hơn trước.
Khoảng trước
Tết Nguyên Đán năm đó, toàn trường sang học nhờ trên đất nước CHND Trung Hoa tại
tỉnh Vân Nam.
Chúng tôi
hành quân phân tán từng đại đội, từ Thái Nguyên sang Tuyên Quang, lên Hà Giang,
qua Cầu treo Thanh Thủy và Cổng Trời để sang phía bên kia biên giới, rồi đến
Giao Chỉ Thành, Ma Lìn Phố, Siêng Cai, Tây Thọ và dừng lại trong một doanh trại
cũ của một trung đoàn quân Tưởng Giới Thạch ở Diên Sơn.
Siêng Cai,
Tây Thọ có nhiều trường trung học. Học sinh ở đó được học tiếng Anh nên học
viên Lục quân nhà ta thoải mái nói chuyện với các nữ học sinh trung học xinh đẹp
của họ bằng tiếng Anh.
Nghỉ lại
Diên Sơn chừng một tuần, các tiểu đoàn học viên khóa 6 vác vũ khí do Trung Quốc
viện trợ về Việt Nam, theo đường hành quân đã đi từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Sau 3 lần vác vũ khí về nước, toàn trường tiếp tục hành quân đến Liễu Châu, đi
xe lửa từ ga Liễu Châu, trên những “toa đen“ chở hàng, cửa đóng kín mít, trải
rơm trên sàn toa để nằm, tránh bị lộ bí mật về cuộc hành quân này. Tới địa điểm
tập kết là ga Phụng Minh Thôn, thuộc tỉnh Vân Nam.
Từ đây các
tiểu đoàn hành quân về doanh trại của mình, sau đó hưởng cái Tết Nguyên Đán đầu
tiên tại nước CHND Trung Hoa trong khung cảnh hòa bình, rất ấm cúng, gần gũi với
phong tục Việt Nam.
Từ lúc này,
Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn mang mật danh là E200. Ai ra khỏi doanh trại thì
xưng danh là “bộ đội Lưỡng Quảng“ (tức bộ đội thuộc 2 tỉnh Quảng Đông và Quảng
Tây. Tiếng nói của người Vân Nam hơi khác tiếng nói người Lưỡng Quảng. Phải nói
dối để không bị lộ bí mật tông tích quân ta).
Đến địa điểm
tập kết, trường đóng quân tại 4 khu vực gần nhau: Khu trung tâm là Phụng Minh
Thôn, cách ga Phụng Minh Thôn chừng 3 Km; Khu Đào Viên, Khu Minh Hồ và Khu
Dương Tôn Hải.
Khu Phụng
Minh Thôn nằm trên 1 sườn núi cao, có một lạch nước rất trong chảy qua, dùng
làm nước sinh hoạt. Lượn theo lưng chừng núi là đoạn đường sắt khổ rộng 80 cm,
dài chừng 50 Km, nối từ ga Phụng Minh Thôn, chui qua nhiều hầm xuyên núi để tới
thành phố Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam.
Khi mùa đông
đến, vào những buổi sáng sớm, vùng núi Phụng Minh Thôn có tuyết rơi rải rác
trên sườn núi và trên mái nhà các doanh trại. Trong Khu Phụng Minh Thôn có Hiệu
bộ, gồm nhà ở của Chính ủy nhà trường Trần Tử Bình, nhà của Hiệu trưởng Lê Thiết
Hùng, Phòng Chính trị với Ban Cán Bộ (tức Ban tổ chức) và Ban Tuyên huấn, Phòng
Huấn luyện, Phòng Hành chính (với tên gọi của Trung Quốc là Tổng Vụ Cổ), Tiểu
đoàn học viên bộ binh số 3 , 1 đại đội cảnh vệ của Việt Nam , 1 Bệnh xá, 1
Cang-tin, 1 hồ bơi, 1 sân vận động (đồng thời là nơi tập họp toàn trường vào những
ngày lễ), chỗ ở và làm việc của Đoàn Cố vấn GPQ TQ và 1 đơn vị Hoa Kiều Liên.
Theo tiếng
Trung Quốc thì Liên là đại đội. Hoa Kiều Liên là đại đội bộ binh QGP TQ, gồm những
người Hoa gốc Việt. Các thành viên của đại đội này có cấp bậc thấp nhất là
trung đội phó (theo QGP TQ thì đó là cấp Bài).
Sau khi Cố vấn
giảng bài ở thao trường thì đại đội này làm thị phạm (làm mẫu). Đã có một mối
tình lưỡng quốc giữa anh phiên dịch Cao Tử Dũng (nguyên là học viên đã tốt nghiệp
khóa 5) với cô phiên dịch Xẻo Tính (Tiểu Tính) xinh đẹp của đơn vị Hoa Kiều
Liên này. Cách đây chừng 5 năm, cụ bà Xẻo Tính đã từ TQ sang thành phố Hồ Chí
Minh thăm người yêu cũ là cụ ông Cao Tử Dũng. Hai cụ có mời một số học viên
khóa 5 là bạn của 2 cụ đến họp mặt.
Cụ Vũ Diệu tốt nghiệp k6, được gi74 lại trường công tác tới tận k10. Xin cảm ơn những ghi chép của cụ!
Trả lờiXóaLiệu có danh sách cụ thể nào về học viên K6 năm đó. Ông toi Phạm Văn Quýnh SN 1931 cg là học viên K6 nhưng đã Hi sinh, gia đình vẫn chưa tìm lại dc phần mộ của ông. Ai biết Thông tin gì có thể cung cấp hộ với.
Trả lờiXóa