Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

CHUYỆN ÍT BIẾT VỀ LỚP SÁNG TÁC NHẠC ĐẦU TIÊN TRONG QUÂN ĐỘI

Ghi theo hồi ức của Nhạc sĩ Tô Hải
Trần Kiến Quốc

                                                                                   


            Cha mẹ tôi từng công tác ở Trường Lục quân Việt Nam từ ngày đầu nên chúng tôi có quan hệ thân tình với các cô chú là học viên một thời. Trong số đó có các nhạc sĩ Doãn Nho (Tiến bước dưới quân kỳ), Doãn Quang Khải (Vì nhân dân quên mình) hay nhạc sĩ Tô Hải (Hợp xướng Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy). Năm nay họ đều đã ngoài 80 nhưng không quên kỉ niệm xưa.
Lớp học sáng tác đầu tiên tại 13 Lý Nam Đế, Hà Nội.
- Hàng đứng, trái qua: Nhạc sĩ Trọng Loan, Nguyễn Xuân Khoát, Tô Hải,
Văn Đông, Nguyên Nhung, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Văn Tý.
- Hàng ngồi, trái qua: đ/c phiên dịch, nhạc sĩ Lưu Cầu, Văn An,
giáo sư Mao Vĩnh Nhất, Vũ Trọng Hối, Văn Chung, Lương Ngọc Trác.

Từ một ý tưởng ham học hỏi

Cách đây chục năm tới thăm nhạc sĩ Tô Hải. Cầm điếu thuốc trên tay, với cái nhìn thăm thẳm, ông chậm rãi tâm sự: “Thời gian qua đi, thế hệ trẻ hình như ít biết đến những nhạc sĩ có công với sự nghiệp sáng tác âm nhạc trong quân đội. Trong số họ phải kể đến nhạc sĩ Trần Du, nguyên “Hiệu trưởng” đầu tiên của Trường VHNT quân đội, trước khi về hưu anh mang quân hàm đại tá…”.


            Trần Du vốn là dân Hà Nội, sinh ra trong một gia đình khá giả. Trước cách mạng, gia đình từng làm chủ một nhà xuất bản âm nhạc, còn Trần Du được học nhạc và chơi viô-lông rất khá. Kháng chiến bùng nổ, anh mang theo cây đàn xung phong vào bộ đội, đi khắp các mặt trận. Trưởng thành trong chiến tranh, anh trở thành một cán bộ chính trị.

Hoà bình lập lại, Trần Du được điều về cơ quan Tổng cục và thường tiếp xúc với các cán bộ làm công tác văn hóa, văn nghệ. Anh và Phúc Minh trăn trở: 9 năm kháng chiến chống Pháp, bộ đội ta vì phải chiến đấu mà việc học hành bị gián đoạn. Cho dù đã có nhiều cố gắng nhưng mọi sáng tác của các nhạc sĩ quân đội chỉ là theo bản năng, thiếu bài bản, tất cả chỉ mới dừng ở hình thức: ca khúc, nếu không học sẽ không thể tiếp tục sáng tác. Ngược lại suốt thời gian đó, văn nghệ sĩ ở lại trong thành vẫn được học hành. Nếu không cẩn thận, trình độ của anh em bộ đội sẽ thua xa họ, không có khả năng phát triển. Mang suy nghĩ này trao đổi với 2 trợ lí Phòng Văn nghệ là nhạc sĩ Lương Ngọc Trác và Vũ Trọng Hối (cả 2 từng phụ trách các đoàn văn công sư 308 và sư 320). Hai nhạc sĩ đã mạnh dạn trình bày với thủ trưởng Tổng cục. Thật là vui, cấp trên đã chấp thuận tổ chức lớp sáng tác đầu tiên trong toàn quân và cho mời các giáo sư giỏi từ Triều Tiên sang dạy.



Tổ chức lớp học sáng tác

Việc tổ chức lớp cũng có những chuyện thú vị! Nhạc sĩ Đỗ Nhuận được Tổng cục giao sử dụng ngôi nhà 13 Lý Nam Đế làm lớp học, sát tường là nhà Cục trưởng Cục Tuyên huấn Lê Chưởng. Bí thư chi bộ Vũ Trọng Hối kiêm phụ trách lớp.

Về nguyên tắc, học viên về dự phải là các nhạc sĩ từ các đơn vị và có trình độ âm nhạc nhất định, đã có tác phẩm. Thế là nhạc sĩ Tô Hải đang là Trưởng đoàn văn công quân khu IV được gọi về cùng các nhạc sĩ Trọng Loan (Trưởng đoàn ca múa 3 Văn công TCCT1), Văn An (phụ trách Văn công quân khu Việt Bắc) và Đỗ Nhuận, Lương Ngọc Trác. Nhạc sĩ Văn Chung đang tăng cường sang Bộ Văn hóa được gọi về học.

Biết quân đội tổ chức lớp, Bộ Văn hóa có công văn đề nghị cho các nhạc sĩ bên ngoài cùng dự. Thủ trưởng Tổng cục đồng ý nhưng chỉ chấp nhận cho số này thỉnh giảng. Các nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Văn Tý, Lưu Cầu, Văn Đông được tham gia nghe giảng nhưng bài tập không được chấm vì giáo viên phải tập trung thời gian dạy cho cánh lính. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khóat đang là Chủ tịch Hội Nhạc sĩ cũng về dự lớp. Riêng trường hợp của Nguyên Nhung (Nguyễn Văn Nhung) được cử về khá đặc biệt, ở sư đoàn 325 anh chỉ là trung (hay thượng) sĩ, chưa phải nhạc sĩ nhưng được cử đi vì trên đánh giá “có nhiều triển vọng”.

Ngày tập trung thật là vui! Anh em vai khoác ba-lô từ các đơn vị, người đi bằng xe lửa, người đi xe ca xuống bến Hàng Đậu, người đạp xe mang theo giấy giới thiệu qua cổng gác ba-rie ở đầu đường Lý Nam Đế về số nhà 13. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, ai nấy hồ hởi mang theo cái không khí sôi động của đơn vị về lớp.

Lớp học bắt đầu từ hè năm 1957. Giảng viên chính là các chuyên gia Triều Tiên: Triệu Đại Nguyên, Mao Vĩnh Nhất từng du học âm nhạc ở Nhật, Pháp. Những năm kháng chiến, đa số các nhạc sĩ ở ta đều tự học, trình độ về lí luận âm nhạc mới chỉ là “a-b-c”, khi tiếp thu kiến thức mới, ai cũng ngỡ ngàng. Càng học lại càng thấy mình dốt.

Để học sáng tác, có môn học bắt buộc là đàn pi-a-nô. Các học viên phải bỏ tiền túi đến tận nhà các pianist Thái Thị Sâm, Lê Liên, Minh Thu để học. Ngày ấy, các cô giáo còn rất trẻ, nhiều “trò” lần đầu gặp còn cảm thấy ngượng ngùng. Hai đồng chí Trần Du và Phúc Minh lặn lội đi khắp nơi tìm kiếm đàn mua về phục vụ lớp sáng tác.

Thời kì “nhân văn”, lớp học tạm dừng 3 tháng để tập trung về Lăng Hoàng Cao Khải chỉnh huấn. Sau đó lại tiếp tục. Thầy Triệu dạy về “Phân tích tác phẩm và chỉ huy dàn nhạc”, còn thầy Mao giảng “Hoà thanh và sáng tác”. Sau này có mời thêm các giáo sư Balarutsev (Liên Xô) và Thỉnh Lệ Hồng (Trung Quốc).

Có những ngày phải học đến 18 tiếng, mệt nhưng ai cũng say sưa học. Các thầy tận tình chỉ bảo, học sinh không giấu dốt. Sau mỗi bài lí thuyết là thực hành sáng tác. Học viên tập viết các tiểu phẩm với các chủ đề về tình yêu Tổ quốc, xây dựng quê hương, xây dựng lực lượng vũ trang… Ngày đó, giáo sư Mao Vĩnh Nhất gọi vui đây là “đại học của đại học” vì chỉ trong 18 tháng mà phải “ngốn” hết chương trình sáng tác, hòa thanh, phối khí, phân tích tác phẩm… mà với chương trình này giáo sư đã từng dạy ở nhiều nước phải mất đến 4 năm(!). Thế mới thấy sự nỗ lực vô bờ của cả thầy và trò cùng quyết tâm của quân đội.

Cuối năm 1958, kết thúc khóa học, mỗi học viên phải làm báo cáo tốt nghiệp. Nhạc sĩ Tô Hải với kinh nghiệm của những năm công tác tại quân khu IV cùng những tháng ngày đưa văn công vác đàn sáo lên biên giới phía tây Tổ quốcm, biểu diễn cho sĩ quan, chiến sĩ các đồn biên phòng đã cảm hứng sáng tác giao hưởng hợp xướng 4 chương “Tiếng hát người chiến sĩ biên thuỳ”. Viết ròng rã trong 6 tháng. Khi báo cáo, tác phẩm được các thầy khen và hy vọng có dịp dàn dựng mang công diễn. Qua lớp học, trình độ các nhạc sĩ được nâng cấp, các tác phẩm đều đồ sộ hơn và mang tính “hàn lâm”.

Có một kỉ niệm không thể quên với thầy trò của lớp. Trước ngày bế mạc, không báo trước, Bác Hồ đã “đột kích” đến thăm khi lớp đang tập dàn dựng tác phẩm của nhạc sĩ Tô Hải trong khu Xưởng phim quân đội (số 17 Lý Nam Đế). Bác đến bất ngờ làm thầy trò ngạc nhiên và cảm động. Sau khi thăm hỏi thầy giáo và học viên, giáo sư Triệu Đại Nguyên đã cầm đũa chỉ huy dàn hợp xướng hát cho Bác nghe chương III “Tiếng gọi của quê hương”. Bác đã khen ngợi sự tiến bộ của lớp và cảm ơn sự giúp đỡ chí tình của các giáo sư.

Đến tháng 3-1959, lớp học bế giảng. Cũng năm đó, quân đội ta vào thời kì xây dựng lên chính quy hiện đại, các nhạc sĩ của chúng ta được phong quân hàm. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận có quân hàm cao nhất - thiếu tá, sau đó là các đại úy Trần Du, Trọng Loan; hàm trung uý có Lương Ngọc Trác, Vũ Trọng Hối, Tô Hải, Văn Chung, thiếu uý Văn An…

Cuối năm 1959, quân đội ta chuẩn bị kỉ niệm 15 năm thành lập. Tác phẩm của nhạc sĩ Tô Hải được chọn làm tiết mục chính cho đêm biểu diễn. Thế là các thầy bắt tay vào dàn dựng. Vì Văn công TCCT thiếu quân mà dàn hợp xướng phải huy động thêm lực lượng của Văn công quân khu Việt Bắc, quân khu Tả ngạn, dàn nhạc giao hưởng phải bổ sung thêm nhạc công từ Trường Nhạc và cả “ban kèn hơi” của đồng chí Đinh Ngọc Liên.

Đêm 22-12-1959, chương trình chào mừng quân đội được tổ chức công diễn tại Nhà hát Lớn. Nhưng có một chuyện buồn, chả hiểu sao ban tổ chức lại quên không có giấy mời cho nhạc sĩ Tô Hải. Thấy lạ, trước giờ biểu diễn, giáo sư Mao Vĩnh Nhất cùng phiên dịch phóng xe đến 13 Lý Nam Đế, đưa ông giấy mời: “Đồng chí là nhân vật quan trọng đêm nay. Hãy cầm giấy mời của tôi!”. Thật sự cảm động trước sự quan tâm của thầy nhưng còn vì quan hệ đối ngoại mà ông trả lời: “Là người lính tôi phải chấp hành mệnh lệnh.” Cuối cùng, buổi công diễn cũng đã thành công rực rỡ.

Ngay sau đó, thấy việc đào tạo cơ bản về âm nhạc trong quân đội là đúng hướng, mà Bộ Văn hóa đã quyết định cho thành lập Trường trung cấp Âm nhạc do giáo sư Tạ Phước làm Hiệu trưởng cùng các giáo viên thuở ban đầu là Lê Yên, Doãn Mẫn, Tô Vũ… Đó là nền tảng của Học viện quốc gia Âm nhạc ngày nay.



Tấm ảnh tư liệu quý

Nhạc sĩ Tô Hải trao cho tôi tấm ảnh lớp sáng tác chụp kỷ niệm tại cửa nhà số 13. Thấm thoắt đã gần nửa thế kỉ trôi qua, nhiều học viên của lớp đã thành người thiên cổ như các nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Nguyễn Văn Thương, Vũ Trọng Hối, Văn Chung, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn An…; những người còn lại đều đã qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng họ vẫn yêu đời, vẫn sáng tác. Những học viên ngày đó là những chiến sĩ xung kích của nền âm nhạc đích thực và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền âm nhạc cách mạng. Cùng những tác phẩm bất hủ, họ sẽ sống mãi với non sông.

Chợt nhớ tới Trung tướng Trần Độ, vị tướng văn nghệ, đã nói: “Mọi quyền lực và tiền bạc sẽ qua đi, chỉ có giá trị tinh thần của những tác phẩm văn hoá, văn nghệ là sống mãi!”.








1 Văn công TCCT ngày đó có 3 đoàn ca múa cùng các đoàn Kịch nói (đ/c Đào Hồng Cẩm phụ trách), Cải lương (đ/c U-Đa) và Chèo (đ/c Cao Kim Điển).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Viết nhận xét, nếu chưa đăng kí, bạn có thể ghi tên mình (hoặc nickname) và xuống mục "Chọn 1 nhận dạng" nháy vào "Ẩn danh" rồi xuất bản nhận xét.