Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

Hồi kí Bùi Ngọc Sách (tiếp)


Tuần lễ kỷ luật

Tiếp sau tuần nhanh chóng là “Tuần lễ kỷ luật”. Quân đội ta lúc đó chưa có điều lệnh. Bước vào chính quy chúng ta còn mò mẫm, chưa mở được cửa để tiếp nhận khoa học quân sự của Liên Xô; c òn Trung Quốc thì chưa giảiphóng. Vì vậy chúng ta tiếp nhận những gì gọi là chính quy của bất kỳ nước nào có thể (về quân sự).

Vào lúc này có các cán bộ mà ta cứ gọi là giáo sư dậy quân sự ngườiĐức, người Nhật. Những người theo chúng ta tự nguyện có mặt ở trường đào tạo sĩ quan Lục quân Việt Nam và họ dạy chúng ta một số môn học như Trúc Thành (Công binh), đâm lê… Còn nhớ những ngày lưu động học ở Thái Nguyên, chúng tôi được đọc, chép cả lô điều lệnh chiến đấu của quân đội Nhật mà chẳng hiểu một tý gì.



nhiên trong tình hình ấy, thứ kỷ luật của chúng ta mang hơi hướng quân phiệt, phát xít. Điều này sử sách quân sự của ta không hề nhắc tới, nhưng tôi đã bị học như thế thì tôi cứ nói ra. Nếu tuần lễ nhanh chóng hành chúng tôi nhừ tử thì tuần lễ kỷ luật làm chúng tôi khiếp đảm. Chẳng mấy ai trải qua tuần lễ này mà không bị phạt  lỗi này hoặc lỗi nọ.

Ngày nay khi ta có pháp luật thì người vi phạm cũng biết lỗi, sợ lỗi khi sai sót ở điều khoản nào, điều nào và họ có thể biết khung hình phạt với lỗi ấy. Còn lúc đó chúng tôi nhiều khi bị phạt về cái gì,chẳng ai biết và hình phạt thì có vẻ cực hình thật sự.

Chúng tôi không phải là thánh và bản thân tôi hiền như cục đất mà có lần bị phạt đeo súng vào cổ như con bò đeo mõ rồi bò quanh chu vi cái sân bóng chuyền 30 vòng. Lý do: dọn chuồng tiêu, đốt rác sơ ý làm cháy hàng rào che chuồng tiêu. Tôi đã thấy đồng chí Vượng bị đứng nghiêm 2 giờ trước chân cột cờ, giữa trời nắng trưa gió Lào; mà đứng nghiêm đúng kiểu sĩ quan học trong Lục Quân là 1 cực hình. Chả thế trong các động tác cơ bản ai cũng sợ nhất đứng nghiêm chứ không sợ quay trái phải, đi… Chúng tôi thực sự coi lần đi học này là đi “tu luyện” đúng nghĩa.

Lại có cậu bị phạt phải lấy một cái tăm đi đo vòng quanh chu vi sân bóng chuyền 10 lần, thật là một động tác quái dị của cán bộ, rồi phải báo cáo xem chu vi được bao nhiêu lần cái tăm. Chúng tôi coi các hình phạt như thế là quân phiệt, là phát xít,nhưng đã qua thì lại thấy tự hào, khẳng định được mình. Có lần một học viên ngồi nghỉ trên đất sợ lấm đít bèn đặt cái gậy gỗ làm súng rồi ngồi lên. Thế là anh bị phạt. Phạt vì dám ngồi lên “súng”. Cái mà anh ta dám quên! Nhưng lúc ấy chúng tôi cho là phải.

Vào đây chúng tôi học đi, học đứng, học ăn, học đủ thứ lặt vặt y như trẻ con. Lắm lúc nghĩ con người đấy nhưng cái thần hồn nó bay đi đâu? Mình hình như có cái gì sai thì phải, tâm tưởng ấy cứ treo lơ lửng trên đầu! Nó có thể là ở cái cúc áo cài chưa khéo, cái nếp tay áo sơ mi chưa vén đủ 7 phân, cái bảng tên ở ngực nhoè chữ hay thiếu một ly chiều rộng… Tất cả sẽ là nguyên nhân của cái tội! Nhưng rồi tất cả cũng thoát tội.

Tập nhẩy qua bãi chông là môn đặc sệt kiểu của Nhật. Một bãi cát dài ước 2 mét, rộng 1 mét, cắm tua tủa những cái chông tre nhọn hoắt. Người ta bắt lính nhảy qua. Chỉ sơ sẩy một tí là lòi ruột, chí ít cũng què giò. Trò chơi cũng dữ dằn. Trò vật voi là ví dụ: 3 người gác 2 tay lên vai người kia rồi một người cưỡi lên trên (2 chân gác 2 bên cặp tay người làm voi). Một “đàn voi” như vậy xô vào vật ngã người trên vai xuống. Nhiều anh cưỡi “voi” lao vào nhau vật nhau ngã xuống đất như một khối thịt, cuối cùng còn ai ngồi vững được người ấy thắng. Toàn là trò dùng sức.

Về sau này các khoá tiếp bỏ dần các thứ kỷ luật và trò oái ăm ấy. Nhất là từ khi mở cửa biên giới Việt Trung, có phong trào Tam Đại Dân Chủ (Dân chủ về quân sự, về chính trị, về hậu cần) thì con người mới chuộc lại giá trị được phần nào!



Sang tháng rèn luyện thứ hai thì các động tác cơ bản đã khá lắm, tác phong bộ đội càng khá hơn, rõ ra là anh lính trường võ bị, có thể thao diễn tốt. Khẩu hiệu của chúng tôi lúc tập là: Đúng, đều, nhanh, mạnh, đẹp. Chúng tôi thường hô vang, nhất là vừa chạy vừa hô vang theo nhịp chân… Và còn “vui nổ trời - tập chết thôi!”.

Nhà trường đổi cho chúng tôi khẩu súng gỗ lấy khẩu súng kíp kiểu khu IV. Khẩu này về nguyên lý điểm hoả không khác loại súng kíp của bà con thường thấy ở Bắc, nhưng cái báng thì giống như báng súng trận của Tây, tì vai chứ không tì má mà bắn.

Liên khu IV đang mở cuộc vận động tòng quân lớn. Vì vậy chúng tôi sẽ có mặt 3 ngày ở Đức Thọ - một trung tâm đô thị kháng chiến của khu IV thời đó - để khuấy động phong trào. Ba ngày ấy lấy tên là “Ba ngày Lục Quân”*.

---

* Suốt thời kỳ chống Pháp, bộ đội ta là những chiến sỹ tình nguyện; vì vậy họ là đội ngũ có tinh thần rất cao, một lực lượng rất quý.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Viết nhận xét, nếu chưa đăng kí, bạn có thể ghi tên mình (hoặc nickname) và xuống mục "Chọn 1 nhận dạng" nháy vào "Ẩn danh" rồi xuất bản nhận xét.