Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2012

Hồi kí Bùi Ngọc Sách (tiếp)

BA NGAY` LUC QUAN

... Ba ngày ấy lấy tên là “Ba ngày Lục Quân”*
Chúng tôi phải luyện tập, duyệt binh để ra mắt quân dân Đức Thọ. Để làm nhiệm vụ ấy học viên chúng tôi phải ráo riết tập luyện đi, đứng, nghỉ, nghiêm, bỏ mũ, đeo ba lô cho đến thao diễn đội hình và kỷ luật sao cho nghiêm cho rắp. Toàn trung đoàn vào cuộc phấn đấu, hối hả; chuẩn bị cho cuộc “hạ sơn” sau khi được khổ luyện. Dưới nắng và gió Lào ai nấy đen xạm nhưng rắn rỏi.

Chúng tôi hành quân tề chỉnh (khác hẳn với cuộc đi lếch thếch lúc vào trường), đi vào ban ngày qua xã Đoài. Nhân dân các thị trấn dọc đường hành quân của chúng ta cũng đã được phổ biến: Trường Sĩ quan Lục quân sẽ đi qua. Hội liên hiệp phụ nữ liên khu đã chuẩn bị chu đáo tới các Hội cấp cơ sở để đón và động viên nhân dân và chúng tôi được bà con động viên trở lại, thật là thắm thiết. Xã Đoài là vùng cây cam nổi tiếng. Chị em phụ nữ 2 bên đường để một dãy bàn đầy cam, bàn nào cũng cao ngất như  kiểu bày đồ bái vọng chào đón các quan trên thời phong kiến. Chúng tôi được lệnh không được nhận, nhưng các chị em Hà Tĩnh vừa đẹp vừa ngoan cứ theo nhau chạy theo đoàn quân nhét cam vào túi áo, túi quần, vào bất cứ chỗ nào có thể chứa được mà bộ đội mang theo; chẳng lẽ bỏ đi, chúng tôi đành giữ lại, ai cũng được vô số cam, cán bộ cũng lờ đi.


Khi tới Nam Đàn chúng tôi nghỉ lại giữa phố, hai hàng quân đặt ba lô xuống hai bên đường cái, và được tự do trong 2 giờ. Phần tôi tạt vào một hàng phở. Đang ăn dở thì toán lính kèn tập họp giữa phố, thổi kèn báo động và tập họp. Tôi phải vội vã trả tiền bỏ dở bữa ăn chạy chí chết về vị trí.

Không ngờ đâu. Về sau tôi được biết, những hoạt động như thế đã để lạicảm tình sâu sắc trong nhân dân với Trường Sĩ Quan Lục Quân về tính kỷ luật, về những động tác thao tác, về cái gọi là quân phong quân kỷ. Bà con vì nể, cảm phục và hãnh diện thấy mình có một bộ đội như thế.

Từ Nam Đàn, bộ đội tập hợp chuẩn bị qua sông Cả. Trong lúc đợi thuyền, các chị phụ nữ đi tận từng hàng quân, từng  chiến sĩ dán vào súng của chúng tôi mỗi người một khẩu hiệu nhỏ in sẵn “Tin tưởng ở các sĩ quan tương lai”; chúng tôi phổng cả mũi!

Quãng sông Cả ở đây rất rộng. Thuyền gỗ lớn đã túc trực để chở chúng tôi qua sông; đó là một cuộc phối hợp quân dân tài tình, chúng tôi rất tin tưởng. Khi đến lượt trung đội tôi lên thuyền, đồng chí Đinh Duy Tú lóng ngóng làm sao làm rớt khẩu súng kíp xuống sông sâu. Đại đội phải cho phép ở lại để thuê người mò gần một ngày trời mới tìm ra, hình như tiền thuê mò còn cao hơn tiền khẩu súng “khổ” ấy. AnhTú là học viên nhiều tuổi nhất trong số chúng tôi, anh là huấn luyện viên thể dục (moniteur) đã tốt nghiệp trường Thể dục Phan Thiết, rồi ra dạy thể dục cho thuỷ thủ trên một tàu chiến Pháp, nay đi học cùng chúng tôi, chúng tôi coi nể anh lắm.

Dạo đó bộ đội rất hay hát, nhất là học viên Lục Quân lại vừa hát hay nên khi hành quân chúng tôi có lúc vừa đi vừa hát. Khi nghỉ vệ đường ở xóm phố lại càng thích hát. Có khi toàn trung đoàn gần 1.000 học viên cùng đồng ca một bài hát dài, và khó như bài Trường ca Sông Lô của Văn Cao mà không thể tìm một sai sót về nhịp điệu.

Các động tác bỏ mũ, đội mũ, xuống địu (ba lô)… thi hành đều tăm bắp; địu, mũ, ba lô, súng khi nghỉ đặt bên đường cái hằng ngàn vị trí y như một. Đó là thành quả của các động tác quân sự thành thục nhưng lớn hơn là tác phong rèn luyện qua các tuần lễ nhanh chóng, kỷ luật gian khổ.


Sau đợt đại náo đó chúng tôi lại về Hà Cháy để chuyển sang các khoa mục chiến thuật cá nhân kết thúc thời kỳ tân binh. Phân hiệu khu 4 rục rịch chọn một số học viên ra Việt Bắc để có thể theo học các ngành chuyên môn chỉ có ở ngoài đó. Một số lớn vẫn ở lại học bộ binh đến cấp đại đội. Tôi được chọn lên Việt Bắc.

Số học viên lên Việt Bắc ước 1 đại đội (100 người) do đại đội trưởng Bửu Đích (học viên khóa 1) dẫn đi. Chúng tôi hành quân lên phía bắc, từ Nghệ An qua Thanh Hoá, Hoà Bình, Phú Thọ toàn theo đường tắt. Khi qua Đồn Vàng Phú Thọ thì ta đánh Đồn Vàng, lửa còn cháy nghi ngút, thương binh khiêng trêncáng ngược đường chúng tôi, về trạm quân y. Khi vượt qua đường số 6, chúng tôi còn thấy nhiều thây người bị giặc bắn giết dọc đường.

Một tiểu đoàn thuc Trung Đoàn 66 của Liên khu III (lúc đó chưa thành lập F 304) vừa đánh thắng đồn Đồng Bến. Lần đầu tiên tôi trực tiếp với không khí chiến trường, lòng thấy nặng chĩu buồn buồn. Nhưng khi gặp dân công tấp nập đi phục vụ chiến trường cười nói vui vẻ thì tôi dịu đi. Hình như đó là hình ảnh của đợt Tổng phản công. Hãy mau mau ra đi để sớm được trở về, kẻo vuột mất thời cơ. Thật là xốc nổi! (Về sau xem sử Quân đội tôi biết đó là ngày 25/11/1949)…

(Đoạn này viết ngày 05/08/1960)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Viết nhận xét, nếu chưa đăng kí, bạn có thể ghi tên mình (hoặc nickname) và xuống mục "Chọn 1 nhận dạng" nháy vào "Ẩn danh" rồi xuất bản nhận xét.