Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

Tìm hiểu hệ thống giáo dục của Pháp (kỳ 3 và hết)



Giáo dục trung học
Các Academie ( tạm dịch là các Khu giáo dục) trực thuộc Bộ Giáo dục . Mỗi Academie gồm 1 số tỉnh và 1 số thành phố . Các trường , kể cả trường đại học nằm trong Academie nào thì chịu sự quản lý của Academie đó . Năm 2009 , Pháp đã chi 64,6 tỉ euros cho giáo dục . Trong năm học đó có 15 triệu học sinh và sinh viên , chiếm 24% tổng dân số , gồm 6,7 triệu học sinh tiểu học , 4,8 triệu học sinh trung học , 2,3 triệu sinh viên.


Ở Pháp , các trường mẫu giáo 3 năm ( Maternelle) thu nhận trẻ em từ 3 tuổi đến 5 tuổi . Bậc tiểu học( Primaire) kéo dài 5 năm , tính từ thấp nhất là lớp thứ 11 đến cao nhất là lớp thứ 7 , thu nhận các học sinh có độ tuổi từ 6 đến 11 . Tuổi trẻ em Pháp bắt đầu nhập học là 6 tuổi . Bậc trung học kéo dài 7 năm , chia thành 2 giai đoạn . Trung học 1 là Collège , kéo dài 4 năm , tính từ thấp nhất là lớp thứ 6 đến cao nhất là lớp thứ 3 , thu nhận học sinh trong độ tuổi 11 đến 14 hoặc 15 ( tương tự THCS của VN) . Trung học 2 là Lycée , kéo dài 3 năm , tính từ thấp nhất là lớp thứ 2 (Seconde) đến lớp thứ nhất (Premìere) , lớp cuối ( Terminale) , thu nhận học sinh độ tuổi 15 đến 17 hoặc 18 ( tương tự THPT của VN).
Giáo dục ở Pháp gắn với xã hội nghề nghiệp . Trong bậc trung học 1 , từ lớp 6 học sinh học các môn Tiếng Pháp và Văn học Pháp (từ 4 đến 5 giờ/1 tuần) , Địa lý và Lịch sử Pháp , môn ngoại ngữ thứ nhất , Mỹ thuật và Nghề thủ công ( arts and crafts) , Âm nhạc , Toán ( 4 giờ/ tuần) , Sinh học và địa chất học ( Geology) , Công nghệ , Bổn phận công dân ( Citizenship) . Từ lớp 5 học sinh được học thêm môn Vật lý và Hoá học . Từ lớp 4 học sinh được học thêm ngoại ngữ thứ hai . Các môn ngoại ngữ có thể là tiếng Anh , tiếng Đức , tiếng Tây Ban Nha , tiếng Italia , tiếng Nga , tiếng Bồ Đào Nha. Số giờ chuẩn ( typical school week of schooling) học trong trường của bậc trung học 1 là 26 giờ/ 1 tuần . Số học sinh trong mỗi lớp , tuỳ từng trường , có thể từ 20 đến 35 . Mỗi môn học do 1 giáo viên dạy.
Cuối lớp 3 ( tương đương cuối lớp 9 THCS của VN) , học sinh phải dự kỳ thi kết thúc trung học 1, lấy bằng trung học 1 của quốc gia ( Brevet des Collèges) để lên trung học 2 . Các môn thi gồm : Tiếng Pháp , Toán , Địa , Sử , Bổn phận công dân . Sau kỳ thi này , học sinh sẽ được phân thành 2 nhánh . Một nhánh vào học các trường trung học 2 có dạy nghề trong 3 năm , gọi là Lycée Professionnel ( tạm dịch là THPT dạy nghề) , được cấp BằngBaccalauréat Professionnel ( Tú tài nghề ) vào khoảng 18 tuổi để hoà nhập ngay với xã hội nghề nghiệp. Năm 2011 , tổng số nghề đào tạo tại các Lycée Professionnel là 76 nghề khác nhau . Nếu có khả năng , học sinh có thể học tiếp 2 năm chương trình đại học tại các Lycée Professionnel để lấy Bằng Kỹ thuật viên cao cấp ( Brevet de Technicien Superieur). Trong năm học 2008-2009 , có 4302 trường Lycée , trong đó có 1672 Lycée Professionnel ( chiếm 39%) , gồm 1012 trường công và 660 trường tư . Trong 1672 Lycée Professionnel đó có 218 Lycée Agricolelà loại trường THPT nông nghiệp ( dạy về nông nghiệp , làm vườn , chăn nuôi , thú y).
Đầu năm học 2011-2012 , trong tổng số 12.051.100 học sinh và sinh viên tựu trường có 701.900 học sinh vào học các Lycée Professionnel , 695 Lycée Professionnel được nhận danh hiệu đơn vị đào tạo xuất sắc ( Label Excellent).
Một nhánh khác vào học các Lycée Général ( tạm dịch là THPT đại cương ) trong 3 năm rồi thi kết thúc bậc trung học 2 ( tương đương sau lớp 12 THPT của VN ), lấy bằng Baccalauréat Général ( Tú tài đại cương ) để vào bậc đại học . Trong trường Lycée Général , họ có thể học 1 trong 3 chuyên ban : Ban S ( Khoa học ) , Ban ES ( Kinh tế và Xã hội ) hoặc Ban L ( Nhân văn). Trong năm học 2003-2004 , số học sinh học Ban S chiếm 33% , Ban ES chiếm 19% . Các chuyên ban này chuẩn bị cho học sinh vào các chuyên ngành bậc đại học . Các trường đào tạo Kỹ sư chỉ tuyển chọn các ứng viên có Bằng Tú tài Ban S ( Baccalaureat Scientifique) .
Bằng Baccalaureat của Pháp được Châu Âu công nhận , có gíá trị tương đương với Bằng A-Level của Anh và Bằng Abitur của Đức .
Chương trình PISA của tổ chức hợp tác và phát triển quốc tế OCDE năm 2009 đánh giá học sinh trung học của 74 quốc gia , Pháp thứ 22 – 27 - 22/74 về Toán , Khoa học , Ngôn ngữ , không cao cũng không thấp ( Phần Lan đứng đầu , Đức 16 -13 -20/74 , Anh 28-16 -25/74 , Hoa Kỳ 31- 23 -17/74 ).
Giáo dục bậc cao :
Giáo dục bậc cao ở Pháp có từ thời trung cổ . Trường đại học đầu tiên của Pháp là Đại học Paris-Sorbonne được thành lập năm 1253 , cách đây 758 năm , nay là Université Paris 4 . Ngày nay , giáo dục bậc cao của Pháp thực hiệntheo Thoả ước Bologna của tất cả 47 nước Châu Âu ( trong đó có Nga) . Hệ thống giáo dục đại học gồm 3 bậc làLicence-Master- Doctorat ( Cử nhân-Thạc sĩ-Tiến Sĩ ) , ứng với thời gian đào tạo là 3 năm - 5 năm và 8 năm. Trong hệ thống này sinh viên Thạc sĩ không phải là Nghiên cứu sinh như Tiến sĩ . Pháp có 2 loại trường giáo dục bậc cao đặc trưng là : Université ( Đại học tổng hợp ) , đào tạo nhiều lĩnh vực ( như Khoa Y , Khoa dược , Luật , Khoa học và công nghệ , khoa học kinh tế và quản trị , khoa học nhân văn và xã hội ) , có nhiều chuyên ngành khác nhau , quy mô lớn . Grande Ecole có nguồn gốc từ thế kỷ 19 , là loại trường đẳng cấp cao , chuyên đào tạo quan chức cho chính phủ . Nay loại trường này đào tạo chuyên sâu các chuyên gia trình độ cao tương đương Master cho các Kỹ sư , kiến trúc sư , nhà quản trị , nhà thẩm phán , trong 5 năm. Pháp có 88 Université đều là công lập , khoảng 224 trường Kỹ sư công và tư , 210 trường ( Viện ) đại học kinh tế và quản trị công và tư . Số trường tư chiếm khoảng30% và thu nhận khoảng 14% tổng số sinh viên Tất cả những người có bằng Baccalaureat đều có quyền đăng ký vào học Université , không phải dự thi tuyển . Tuyển sinh vào các Grande Ecole thì theo
quy chế riêng từng trường . Có trường Grande Ecole chỉ tuyển các sinh viên đã hoàn thành 3 năm Licence vào học . Quá trình đào tạo trong trường bậc cao là quá trình có chọn lọc . Số giờ tiêu biểu đào tạo kỹ sư trong các Đại học bách khoa kể từ năm thứ ba ( ví dụ Polytech' Nantes) là : Lý thuyết / Bài tập / Thực hành = 1 / 1,36 / 1,8 . Sinh viên các trường công được miễn học phí ( kể cả sinh viên nước ngoài ) nhưng phải nộp phí đăng ký hàng năm từ 300 đến 600 euros tuỳ loại trường , bậc học , ngành học. Mức ngân sách của Pháp chi bình quân cho mỗi sinh viên khoảng 10.150 euros/ 1 năm học . Trong tổng chi phí , các phụ huynh phải gánh khoảng 9% , Nhà nước gánh khoảng 73%.
Hệ thống bằng đại học của Pháp được Châu Âu công nhận nên có giá trị trong việc trao đổi sinh viên và sử dụng họ trong toàn Châu Âu . Giữa các Grande Ecole có sự cạnh tranh về chất lượng đào tạo , thường do các Tạp chí bình chọn ( như tạp chí Nouvel Economiste , L' Usine Nouvelle , Le Point …) , do đó kỹ sư cùng ngành học , mới ra trường từ các trường khác nhau có thể được trả mức lương không giống nhau.
Năm 2008 , Pháp có 90.086 giáo viên đại học , trong đó có 57.549 giáo sư kiêm nhà nghiên cứu khoa học . Ở Pháp có 4 dạng giáo viên :
-Teacher researcher ( nhà giáo kiêm nhà nghiên cứu) , ít nhất phải là tiến sĩ . Họ có thể là Giáo sư ( Professor) hoặc Phó Giáo sư ( Maitre de conférences-Senior lecturers) . Lương ròng ( Net salaire- đã trừ thuế) của họ có thể từ 2300 đến 8800 euros/tháng . Mức bình thường là 4000 euros/tháng.
-Secondary school teachers ( Nhà giáo các trường trung học ) : không có yêu cầu phải là nhà nghiên cứu . Họ phải là thạc sĩ . Số giờ làm việc của họ từ 15 đến 18 giờ/ 1 tuần . Mức lương ròng của họ từ 1400 đến 3900 euros/ tháng.
-CPGE teachers ( Nhà giáo dạy các lớp dự bị đại học 2 năm CPGE – cours preparatoire de Grande École )
chuẩn bị cho các sinh viên vào học năm thứ 3 chương trình 5 năm của các Grande École . Họ phải là thạc sĩ . Số giờ làm việc của họ là 9 giờ/ 1 tuần , 33 tuần / 1 năm . Mức lương ròng của họ từ 2000 đến 7500 euros/ tháng .
-Primary school and Kindergarten teachers ( Nhà giáo trường Mẫu giáo và trường tiểu học ) : phải có bằng cử nhân 3 năm , được đào tạo từ các Institut Universitaire de formation des Maitres – IUPM ( Viện đại học đào tạo giáo chức ). Số giờ làm việc của họ là 31 giờ/ 1 tuần.

Theo xếp hạng của Đại học giao thông Thượng Hải 2007 , Pháp đứng thứ 6 trong số 37 quốc gia có trong danh sách 500 trường đại học có chất lượng đào tạo tốt nhất thế giới .
Một số trường ( và Viện ) đại học của Pháp có nhiều sinh viên nước ngoài theo học là :
-Université de Strasbourg 42.000 sinh viên , (http://unistra.fr/)
-Université de Nantes 30.000 sinh viên , ( http://univ-nantes.fr/)
-Đại học bách khoa Nantes ( http://polytech-nantes.fr/)
-Viện đào tạo kỹ sư khoa học ứng dụng INSA de Lyon ( http://insa-lyon.fr/)
Cách tra tìm các trường học của Pháp :
Tìm các Université và các Grande Ecole :
Tìm Liste of Collège and Universities in France trên trang Web tiếng Anh
Tìm các Viện cao đẳng công nghệ IUT 2 năm :
Tìm Liste các University Institutes of Technology in France trên trang Web tiếng Anh
Tìm các trường trung học Lycée Général và Lycée Professionnel vùng Languedoc :
tại : http://fr.wikipedia.org/ wiki/ Liste-des-lycées-du-Languedoc-Roussilon/)
Nguồn tài liệu tham khảo :
http://fr.wikipedia.org/wiki/Education en France ( tiếng Pháp ) ,tháng 11/2012
http://en.wikipedia.org/wiki/ Education in France ( tiếng Anh ), tháng 11/2012.
Vũ Thắng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Viết nhận xét, nếu chưa đăng kí, bạn có thể ghi tên mình (hoặc nickname) và xuống mục "Chọn 1 nhận dạng" nháy vào "Ẩn danh" rồi xuất bản nhận xét.