Ở TPHCM, từ 6 năm nay, để tri ân
thế hệ đi trước của Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, con em Lục quân ở TPHCM đã
thành lập Ban Liên lạc Lục quân Trần Quốc Tuấn phía Nam. Năm nào, vào dịp kỉ niệm
Ngày truyền thống 15/4[1],
BLL cũng tổ chức họp mặt, để các thế hệ thầy trò Lục quân được gặp nhau.
Năm nay, Họp mặt truyền thống được
tổ chức tại Nhà khách C59B BTTM. Danh sách có 80 thành viên nhưng vắng nhiều cụ
vì tuổi cao, sức yếu. Thật cảm đông khi thấy cụ Lâm Quế (khóa 5) râu dài bạc
phơ đi xe từ Vũng Tàu lên dự họp mặt cùng cụ bà Hoa Tâm (quả phụ cựu học viên
khóa 5 Đỗ Giang Tấn)… Tuổi đã trên dưới 90, các cụ lưng còng, tay chống gậy
nhưng gặp nhau tay bắt mặt mừng, vẫn “mày tao chi tớ” vui nhộn như ngày nào.
Những kỉ niệm xưa được cùng nhau nhắc
lại. Xin được kể một câu chuyện cảm động.
… Đến họp mặt có anh Vũ Quang
Trung – con trai của cựu học viên khóa 2 Vũ Khổng Tước. Anh Trung cảm động khi
gặp lại các bạn học cùng khóa của bố: Thiếu tướng Hoàng Dũng (nguyên Chánh văn
phòng BTTM), Thiếu tướng Hoàng Niệm (nguyên Tư lệnh Binh chủng Thông tin), cụ Đỗ
Bảo Cường…
![]() |
Thầy trò k4 bầu Hội đồng Binh sỹ. |
![]() |
Bài thơ của cụ Vũ Khổng Tước. |
“Khi cha tôi tốt nghiệp khóa 2 Võ
bị Trần Quốc Tuấn thì được giữ lại làm giáo viên khóa 4. Lúc này, trường đổi
tên thành Trung học Lục quân Trần Quốc Tuấn, đóng ở Phúc Trừu, Thái Nguyên. –
Anh tâm sự – Tôi được bố đón lên cho ở cùng đơn vị… thời gian đó là năm 1949.
Còn nhỏ, thấy các chú sống kham khổ nhưng tập luyện rất nghiêm túc,
đặc biệt rất yêu đời. Các học viên thời ấy dường như toàn những thanh niên có
trình độ học vấn khá, có tinh thần yêu nước nồng nàn, đặc biệt tài hoa và có
hoài bão lớn...
Đây là hình ảnh của thầy trò khóa 4 bầu Hội đồng
Binh sĩ. – Anh đưa ra cái ảnh đen trắng đã bạc màu theo năm tháng – Đã gần 70
năm rồi đấy! Cha tôi là người đứng thứ 2 bìa trái, cụ mặc
bộ quân phục sáng… Cha tôi để lại nhiều kỉ niệm, nhưng cụ thường nói: “Quãng đời
ở Trường Lục quân là quãng đời đẹp nhất”. Ông có để lại bài thơ “Nhớ trường
xưa” được viết ngày 2/4/1992, 5 năm trước ngày cụ từ giã cõi đời. Hôm nay, tôi
mang bài thơ đến tặng lại các chú”.
Sau khi cả hội trường được cụ
Nguyễn Xuân Hòa (khóa 5) cầm càng bắt nhịp hát “Hành khúc Lục quân Trần Quốc Tuấn”
(sáng tác năm 1946 của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước), cụ Hoàng Dũng đã xúc động đọc
bài thơ.
Bâng khuâng nhớ mái trường xưa
Sương mai núi Giuộc, nắng trưa Phúc Trừu
Bá Vân tường cũ xanh rêu
Đường rừng Soi Mít, gió chiều Tân Cương
Trăng ngàn soi bóng sông gương
Lao xao vó ngựa rặm đường hành quân
Quanh đồi Thịnh Đán, Phú Xuân
Còn in dấu những bước chân oai hùng
*
Làm trai chí lớn vẫy vùng
Hải Vân cũng vượt, Kỳ Cùng cũng qua
Từ Trường Sơn đến Trường Sa
Điệp trùng nhịp sóng Hồng Hà, Cửu Long
Vẫn thèm tắm nước sông Công
Vẫn say ngọn lửa bập bùng liên hoan
Những chàng vệ trọc mũ nan
Tuổi xanh chẳng tiếc, khó khăn chẳng sờn
“Từ bao lâu nuốt căm hờn”
Vung gươm giết giặc, đền ơn giống nòi
Mái trường!
Chỉ mái trường thôi,
Đã nâng đôi cánh chúng tôi vào đời!
[1]
Trường Lục quân 1 (còn gọi là Đại học Trần Quốc Tuấn) lấy 15/4/1945 - Ngày
thành lập Trường Quân chính Kháng Nhật là ngày truyền thống. Từ 1945, nhà trường
thay đổi nhiều tên cho phù hợp tình hình: Quân chính Việt Nam, Đào tạo Cán bộ
Việt Nam (10/1945-12/1945), Võ bị Trần Quốc Tuấn (26/5/1946-1948), Trung học Lục
quân Trần Quốc Tuấn (1949-1950), Lục quân Việt Nam (1951-1956), Sĩ quan Lục
quân (1956)…