Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

Khoá 5, những gương mặt quen thuộc

(Ghi theo lời kể của các cựu học viên k5)
















Khóa 5 Lục quân trung học Trần Quốc Tuấn có 2 lớp 5A và 5B. Lớp 5B có 100 anh từ Khu IV ra nhập học cùng lớp 5A đang học ở Việt Bắc. Anh em sau đó cùng nhau sang TQ nhận vũ khí rồi về Vân Nam học tập.

Trong khóa 5 sau này có nhiều người nổi tiếng. Nào nhà báo như đại tá Nguyễn Trần Thiết với những phóng sự, bình luận sắc sảo; nào các nhạc sĩ để lại nhiều tác phẩm cho đời như Phạm Tuyên, Tô Hải...
Đại tá Nhà báo Nguyễn Trần Thiết.
Với Tô Hải ngay từ những ngày đầu chập chững khoác áo lính Lục quân đã viết nhiều bài mà chúng ta thuộc đến tận ngày hôm nay (xin mở ngoặc khi đã ở cái tuổi "ngoại bát tuần"). Hôm họp mặt truyền thống từ khóa 1 đến khóa 12 (26/5/2012) vừa rồi, các bạn k5, k6 được quản ca Nguyễn Xuân Hòa bắt mơ-duya còn hát không sai nhịp phách, cao độ, trường độ Trường ca Sông Lô (Văn Cao) và Trường Lục quân đang cần lính đánh Tây (Tô Hải)...
Nhạc sĩ Phạm Tuyên vừa được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật; còn nhạc sĩ Tô Hải đang phải nằm viện điều trị (tuổi đã 85 rồi!). Song lúc nào các bạn cũng vẫn là niềm tự hào của khóa 5 chúng tôi!
Nhạc sĩ Phạm Tuyên  cùng khóa 5 bên bạn Tô Hải
nhân sinh nhật thứ 75 (1927-2002) tại HN.

Vợ chồng ông Bùi Ngọc Sách cùng bạn bè đến thăm
nhà nhạc sĩ Tô Hải ở chung cư Miếu Nổi.

Cựu học viên k5 Quản Xuân Tuyên tử nạn năm 1989 (KQ)

Trong số ảnh do lão đ/c Bùi Ngọc Sách gửi BBT có tấm ảnh đồng đội k5 truy điệu bạn Quản Xuân Tuyên tử nạn máy bay ngày 30/7/1989. Với tôi có kỉ niệm riêng với gia đình ông.
Quản Xuân Trung là con trai lớn của ông. Giữa những năm 1980, Trung hay đến số nhà 99 Trần Hưng Đạo giao du với anh em tôi và tập Vĩnh Xuân Quyền. Qua Trung biết thân phụ của em là học sinh Lục quân của cha tôi. Anh em thân thiết và hy vọng có dịp gặp chú Tuyên. Nhưng cái dịp hội ngộ ấy mãi không có.
Quãng đầu tháng 8/1989, Trung đến nhà và buồn rầu báo tin: chuyến máy bay quân sự mà bố em bay vào TpHCM, do càng không hạ được mà phải bay ngược ra Cam Ranh. Khi hạ cánh đã cháy và bố em bị bỏng nặng rồi mất.

Các giáo sư dạy khóa 5


Các giáo sư của Trường dạy khoá 5 (theo các trường phái quân sự khác nhau):
Thầy Huấn, ông Đoàn Đình Hoè, ông Đương (sĩ quan thời Pháp).
- Thầy Phan Lai (tên Việt) sĩ quan Nhật.
- Thầy Lam Sơn (tên Việt) đại tá Nhật.
- Thầy Đức Việt (tên Việt) sĩ quan hàng binh Lê dương, người Đức.


Hồi kí Bùi Ngọc Sách

Đoạn  12   -  Tôi sang Trung Quốc

Trong cuốn Thông tin Lịch sử quân sự số ra …./1992, đồng chí Nguyễn Việt Hồng có viết chuyện sang Trung Quốc năm 1950 của chúng tôi trên quãng đường dài 1.800km, riêng đi bộ 800km. Tôi thì không nhớ, cũng không biết độ dài chuyến đi ấy nên cũng tạm chấp nhận thông tin như thế.
Tôi nhớ vào khoảng giữa tháng 7 năm 1950 thì chúng tôi lên đường, mà bắt đầu từ Tân Cương - vùng chè nổi tiếng của Thái Nguyên.

Đường đi lên biên giới không có điều gì đáng nói lắm. Qua Tuyên Quang, tôi ghé vào nhà Nguyễn Viết Thành cùng khoa. Qua Hà Giang theo con đường lên huyện Thanh Thủy, chúng tôi nghỉ qua đêm bên này biên giới. Đêm đến nghe kể chuyện về đồng chí Nguyễn Trí Hiểu đại đội trưởng dẫn chúng tôi sang Trung Quốc, đã được mệnh danh là “Anh hùng Tây Côn Lĩnh”; mà Ngọn Tây Côn Lĩnh ở Hà Giang không đâu xa, ngay sau lưng chỗ chúng tôi nghỉ đêm, có độ cao 2419m so với mặt biển. Ở đó là địa bàn thống lĩnh của quân Phỉ Mẹo cũng là chiến trường của đồng chí Hiểu. Anh đã chiến đấu oanh liệt để diệt chúng, sau đó mới về Trường Lục Quân. Nghe thế chúng tôi rất phục.
Hà Giang có những rặng núi đá sừng sững thật ấn tượng. Núi dựng đứng nhọn hoắt. Nhiều núi tạo nên một màu xanh sẫm khi nhìn toàn cảnh (nhưng để nhìn toàn cảnh núi non ở Hà Giang phải sang qua biên giới TQ, từ đó nhìn về VN mới thấy đẹp).

Biên giới Việt Trung ở đây là dòng chảy của con sông đầu nguồn: sông Lô chảy giữa 2 dãy núi cao sừng sững, một bên là đất Việt một bên là đất Hoa. Một cái cầu treo giữa 4 mố trụ xây bằng đá hộc, mặt cầu lát gỗ. Cầu Thanh Thủy không đẹp, cũng không có giá trị lịch sử nhưng các học viên Lục Quân đã qua đây đều không thể quên. Thực tế biên giới Việt còn bên kia cầu Thanh Thuỷ khá xa. Theo đồng chí Đinh Công Thâu nhớ lại, phải đi bộ tới 2giờ nữa mới thấy mốc biên giới từ thời Pháp trồng - một bên ghi tiếng Pháp, một bên ghi chữ Hán (một bên là chữ Tonkin, bên kia là chữ Vân Nam). Tonkin là tên do Pháp đặt ra để chỉ xứ Bắc Kỳ lúc đó.