Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

Hồi kí Bùi Ngọc Sách (tiếp)


Tuần lễ kỷ luật

Tiếp sau tuần nhanh chóng là “Tuần lễ kỷ luật”. Quân đội ta lúc đó chưa có điều lệnh. Bước vào chính quy chúng ta còn mò mẫm, chưa mở được cửa để tiếp nhận khoa học quân sự của Liên Xô; c òn Trung Quốc thì chưa giảiphóng. Vì vậy chúng ta tiếp nhận những gì gọi là chính quy của bất kỳ nước nào có thể (về quân sự).

Vào lúc này có các cán bộ mà ta cứ gọi là giáo sư dậy quân sự ngườiĐức, người Nhật. Những người theo chúng ta tự nguyện có mặt ở trường đào tạo sĩ quan Lục quân Việt Nam và họ dạy chúng ta một số môn học như Trúc Thành (Công binh), đâm lê… Còn nhớ những ngày lưu động học ở Thái Nguyên, chúng tôi được đọc, chép cả lô điều lệnh chiến đấu của quân đội Nhật mà chẳng hiểu một tý gì.


Hồi ký Bùi Ngọc Sách (tiếp)



Ngày khai giảng mưa như trút nước (sau biết là ngày 23/07/1949). Sân tập hợp toàn trung đoàn học viên lũng bũng nước. Cổng chào dựng cài lá thanh hao, chính giữa trên cao là cái huy hiệu lớn của trường Võ bị: Một thanh kiếm thẳng đứng cắm giữa ngọn lửa đỏ cháy rực. Đó là ý nghĩa luyện kiếm đào tạo võ quan (có vẻ Nhật).
Tất cả cờ quạt ướt lướt thướt, mùa mưa lớn bắt đầu. Rất nghiệm với lời của bài ca chính thức của trường do Lưu Hữu Phước sáng tác; mở đầu “Nhìn ngàn đám mây che mịt mù rợp trời…”. Mưa ở đầu nguồn là nước suối dâng rất nhanh, vì vậy tiểu đoàn 53 bên kia suối phải dùng bè đưa quân bơi sang để kịp giờ khai giảng. Trong vụ này lại một học viên bị trôi mất tích. Đó là những tổn thất đầu tiêncủa khoá học.