Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012

Hồi kí Bùi Ngọc Sách


ĐOẠN    13   -   TRÊN ĐƯỜNG HÀNH QUÂN BỘ SANG DU HỌC TQ, KHOA THÔNG TIN LIÊN LẠC TRỞ THÀNH MỘT ĐẠI ĐỘI MẠNH, ĐI TIÊN PHONG TRONG CUỘC HÀNH QUÂN NĂM  1951, LÀM GƯƠNG CHO KHÓA 6 VÀ CÁC KHÓA HỌC TRUNG CAO CÙNG SANG VÂN NAM  NĂM ẤY .

Như đã nói Trung Quốc lúc này vừa được giải phóng nên tàn quân Tưởng Giới Thạch* còn tản mác trong rừng núi phá hoại. Ngày rằm tháng tám âm lịch này, chúng định đánh úp một đơn vị pháo binh của Quân giải phóng TrungQuốc ngay gần bệnh viện của trường chúng tôi, tạm đặt ở Nghiên Sơn. Ngày 02/09/1950, chúng tôi mừng Quốc Khánh Việt Nam tại đây (nhờ những mốc này sau này viết lại mà tôi dò tìm ra các ngày khác nơi khác cho hồi ký).

Hồi kí Bùi Ngọc Sách

ĐOẠN 12 – “DU HỌC” KIỂU LỤC QUÂN KHÓA 5 & 6

 Vào đất Trung Quốc thì mọi thứ do Trung Quốc cấp nên chúng tôi ăn uống khá hơn, việc lo ăn ở dọc đường nhẹ đi rất nhiều. Nhất là đối với tôi là người lãnh nhiệm vụ tiền trạm trong cuộc đi này của khoa ở vai trò Ủy viên kinh tế, Phó chủ tịch Hội đồng binh sĩ như đã nói. Tôi chỉ việc đi trước nửa ngày, tới nơi nghỉ thì nhận nhà nghỉ do giải phóng quân bạn chỉ, nhận thực phẩm, gạo nước cũng do hậu cần bạn đã lo, chỉ cần cho họ biết quân số…, khác với khi còn ở bên “nhà” phải đi dân vận từng nhà, mua vét từng mớ rau, ký thịt …
Tới đây tôi tả một chút cảnh đi tiền trạm ở đoạn Tuyên Quang – Hà Giang. Đoạn này dân ít nuôi bò, trâu thì nhiều nên phải mua thịt trâu ăn. Cái vai tiền trạm cũng có cái thú hơn mọi lính khác. Đi trước chỉ 2,3 người nên tự do phóng khoáng. Tới nơi nào có cái gì hay hay mà ít thì mua không sợ bị ép, hớ và có để mà mua. Hôm tới Vĩnh Tuy (Hà Giang), nơi đây có chỗ nuôi trâu sữa. Chúng tôi mua sữa tẩm bổ. Sau này cả khoa đi sau, hỏi lại anh em thì không còn sữa nữa! Đó là chưa kể hoa quả có dọc đường nhưng chỉ bán rất ít, vài người chúng tôi thì đủ mua. Đại quân thì chịu, lấy đâu cho cả tiểu đoàn dùng. Lúc đó vùng này còn nghèo, sản phẩm có cũng chỉ đủ tự cung tự cấp là tốt rồi.