Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

Người phụ nữ mẫu mực mà tôi được biết tại Trường Lục Quân (Vũ Diệu)

Anh Bình, chị Hưng ở Việt Bắc 1949.
Sau khoá 6, tôi ở lại trường, công tác tại Phòng Chính trị rồi sau này mới chuyển về Khoa Chiến thuật. Do có thâm niên công tác tại Hiệu bộ nên tôi biết các nữ quân nhân (rất hiếm, thật sự là của quý!) của nhà trường.
Đó là chị Hưng (vợ Thiếu tướng Chính uỷ Trần Tử Bình, nhiều tuổi nhất, cấp bậc cao nhất), chị Mai (vợ Thiếu tướng Hiệu trưởng Lê Thiết Hùng), chị Thoa (vợ Trưởng Phòng Huấn luyện Đỗ  Trình), chị Mai (vợ Bác sĩ Chương, bác sĩ duy nhất của trường), chị Kiều Miên và sau này thêm chị Thuỷ (cán bộ thông tin vô tuyến do TCCT điều sang).
Trẻ hơn thì có Xẻo Tính, nữ giải phóng quân TQ, gốc Việt, rất xinh gái,  làm phiên dịch, biên chế thuộc “Hoa kiều Liên “ (Liên là tiếng TQ, tức Đại đội). Cách đây khoảng 5 năm, chúng tôi lại có dịp đón Xẻo Tính tại TP Hồ Chí Minh, lúc này đã là “Cụ“ rồi.  Xẻo Tính đem con gái sang Việt Nam thăm bố, nguyên là học viên khoá 5 ở lại công tác khoá 6 ở Trường Lục Quân.
Hồi đó tôi có chút tài lẻ ghi được “tốc ký“ và viết tổng kết khá nhanh, ít bị sửa nên được phân công phục vụ Chính uỷ Trần Tử Bình. Công việc hàng ngày là chuyên theo dõi tin tức về chiến tranh Đông Dương qua các đài BBC, AFP, Tiếng nói Việt Nam. Tin tức được ghi chép cẩn thận trong 1 cuốn sổ, buổi chiều lên trình cho Chính uỷ Bình xem, để nắm và phân tích cục diện tình thế. Hiệu bộ ở Phụng Minh Thôn (thuộc tỉnh Vân Nam) rất khó liên lạc với Bộ và TTCT ở trong nước. Hồi đó chưa có Internet như bây giờ, muốn không bị “mù thông tin" chỉ có cách nghe qua các đài phát thanh.
Ngày ở Vân Nam.

Do công việc này, tôi có nhiều dịp gặp chị Hưng. Theo trí nhớ của tôi, trước khi sang trường, chị Hưng là tỉnh uỷ viên Hà Giang nên sang TQ, chuyển vào quân đội là “cấp Dinh" (cấp cán bộ tiểu đoàn, theo cách gọi của Gỉai phóng quân TQ),  được hưởng chế độ “ăn Trung táo" và mặc “Áo Trường Y". (Trung táo là chế độ ăn cho cán bộ, nấu bếp cỡ nhỏ của quân giải phóng TQ, khác với ăn Đại táo là chế độ của cán bộ cấp Bài (từ trung đội trở xuống), nấu bếp cỡ lớn bằng chảo. Mùa đông ở Vân Nam có tuyết, rất lạnh nên phải mặc áo bông. Áo bông dài gọi là trường y).
Chị Hưng là cấp phó cho Phan Thái, Trưởng Tổng Vụ Cổ của trường (Tổng Vụ Cổ là cách gọi Trưởng phòng Hành chính của Trường quân sự TQ).
Hình ảnh về chị còn lưu lại trong trí nhớ của tôi là một phụ nữ Việt Nam giàu lòng yêu nước, tận tâm và đầy tinh thần trách nhiệm với việc chung và với gia đình, chồng con. Ai gặp chị đều có cảm giác thoải mái, được tiếp rất chân tình, cởi mở và khiêm tốn.
Ngày hội ngộ Lục quân cuối tháng 5 vừa qua, chị Kiều Miên cũng có cùng ý nghĩ với tôi như vậy.  Chị Hưng chính là mẹ của Trần Kháng Chiến, Trần Kiến Quốc. Mẹ như vậy ắt các con phải như vậy. Chị đã xa chúng ta. Nhớ đến chị, xin viết vài dòng kể lại để người thân, bạn bè của chị  và các thế hệ sau này cùng biết về chị.

Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

BLL phía Nam tiếp nhận "kỉ vật Lục quân" của đ/c Vũ Diệu

Hội ngộ 2 thế hệ Lục quân.
Sáng nay, 29/6/2012, tại nhà riêng cựu học viên k6 Vũ Diệu, Phó ban thường trực Trần Kiến Quốc cùng ủy viên Trần Kháng Chiến thay mặt BLL tiếp nhận những "kỉ vật Lục quân". Chứng kiến sự kiện này còn có mặt 2 lão đ/c Nguyễn Đức Thiêm và Nguyễn Xuân Hòa cùng là học viên k5 (1949 ở Soi Mít, Sông Công, Thái Nguyên).
Đ/c Thiêm sau khi tốt nghiệp k5 thì đi xây dựng đơn vị vận tải quân sự, sau đó sang Liễu Châu học 3 năm rồi tiếp nhận xe vận tải về phục vụ chiến dịch Điện Biên. Cuộc đời đ/c Thiêm khá chìm nổi, đầu những năm 60 chuyển ngành ra xây dựng HTX cơ khí Chiến Thắng thì bị "đánh", bị bỏ tù vài năm rồi về Cục Chuyên gia. Sau 1975 vào Nam rồi về công tác ở Seaprodex. Nay có đam mê dựng phim tư liệu cho bạn bè Lục quân.

Một số vật kỉ niệm về Trường LQ Trần Quốc Tuấn tặng lại Trường Đại học Trần Quốc Tuấn


Bài học về Bom nguyên tử.
Cựu học viên Vũ Diệu tốt nghiệp khóa 6 Lục quân VN tại Vân Nam, TQ; sau đó được giữ lại làm giáo viên, dạy tới k11. Ông giữ được nhiều kỉ vật ngày làm giáo viên, nay qua BLL xin tặng lại Nhà truyền thống Đại học Trần Quốc Tuấn.
Kỉ vật bao gồm:
1) Giáo án viết tay giảng bài “Cách ghi chép tình huống chiến đấu trên bản đồ của Phân đội" cho học viên khoá 11 (1957-1958).
2) Thước chỉ huy 3 cạnh bằng gỗ nhà trường phát cho giáo viên.
3) Vở ghi chép lớp tập huấn chiến thuật cho giáo viên trong khóa 10 (1957-1958).
4) Vở ghi chép lớp tập huấn môn địa hình quân sự cho giáo viên trong khoá 10.
Sau đây là thuyết minh của ông về xuất xứ các kỉ vật này.


Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Đến thăm Trung tướng Hoàng Nghĩa Khánh

Lưu bút cho cuốn sách tặng Sơn.
Sáng qua theo hẹn, anh em Kháng Chiến, Kiến Quốc cùng anh Trần Tuấn Sơn (con trai Tướng Trần Văn Nghiêm (Hai Nghiêm), cựu học viên Trường Cán bộ VN 1945, nguyên Cục phó Cục Tác chiến, Tư lệnh QK9) đến thăm lão tướng tại nhà riêng ở khu Phú Gia, Phú Mỹ Hưng. Vợ chồng cụ Khánh ở trong 1 villa đẹp, xung quanh là cây cối hoa lá, sau có mảnh vườn xinh treo đầy lan rừng.
Đọc cuốn "Đường dẫn đến Tổng hành dinh" của ông, thấy nhắc tới nhiều bạn cũ của cha mẹ mà chúng tôi quen biết (các cụ Đỗ Đức Kiên, Lê Trọng Nghĩa, Nguyễn Văn Hiếu...), nhất là cái tên Hai Nghiêm nên khi đặt vấn đề sẽ mời Tuấn Sơn cùng đến thăm là ông đồng ý ngay.
Ông rất vui khi thấy con em Lục quân cùng con trai đồng đội đến thăm. Chú, cháu dốc bầu tâm sự. Đã 86 tuổi, dù đã đại phẫu thuật tim nhưng cụ vẫn tinh tường và nhớ nhiều chuyện xưa.
"Tiếc là bố Nghiêm không còn".
"Các cháu như vậy là biết sống có trước có sau".
... Ông Hai Nghiêm cùng cụ Khánh đều từ đơn vị chiến đấu về Cục Tác chiến từ 1950 (ông Nghiêm từ Đại đoàn Đồng bằng), rồi cùng đi các chiến dịch tới 1954. Sau đó cụ Khánh đi học Học viện QS Nam Kinh, còn ông Nghiêm đi học Frunze. Trở về nước, cả 2 cùng công tác ở BTTM suốt những năm chống Mỹ và chiến tranh biên giới sau này.
"Các cháu không học Lục quân mà nghĩa tình với Lục quân quá!".
Hai gia đình cùng sống ở khu tập thể 1A Hoàng Văn Thụ, thân thiết với nhau. Cụ Khánh nhớ tên từng đứa con trong nhà cụ Nghiêm. Cụ kể: "Ngày bố cháu đi B, mẹ cháu ở nhà mắc bệnh nặng rồi mất mà bố không thể ra tiễn đưa. Khi ông Nghiêm là Tư lệnh QK9, mỗi lần ra Bắc họp anh em vẫn gặp nhau. Năm 1986, ông Nghiêm bị ung thư gan, hồi ấy y học không như bây giờ, cụ Văn Tiến Dũng thương bố cháu lắm (thủ trưởng cũ mà!) giao nhiệm vụ cho Viện 108 dùng mọi cố gắng chữa trị mà bất lực".
Sau đó cụ Khánh lên nhà lấy sách tặng Tuấn Sơn. Chú, cháu hẹn gặp nhau trong lần họp mặt truyền thống BTTM năm nay.
Qua sự việc này càng cảm thấy tình bạn, tình đồng đội của các cụ với nhau là bài học lớn cho thế hệ con cháu chúng ta.


Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

Gặp gỡ với BLL Lục quân Trần Quốc Tuấn phân hiệu Nam bộ

Trái qua: các lão tướng Hoàng Dũng, Tám Trí, Sáu Hùng, Nguyễn Văn Minh.
Sáng thứ bảy, nhận lời mời của BLL Lục quân Trần Quốc Tuấn phân hiệu Nam bộ (1950-53), Trưởng ban Hoàng Dũng và Phó ban thường trực Trần Kiến Quốc có mặt tại nhà riêng Trưởng ban Phân hiệu Nam bộ Tám Trí tại số 4B Yên Thế - 1 cơ ngơi rộng rãi, thoáng đãng, đầy cây xanh.
Tại đây chúng tôi còn được gặp các cựu học viên k1, k2 Phân hiệu Nam bộ: Sáu Hùng, Nguyễn Văn A (Tư Trung), Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Thành Linh. Cuộc gặp mặt rất vui vẻ, thịnh tình.

Thêm Bs Nguyễn Thành Linh (giữa).


Hai đ/c Tư Trung và Sáu Hùng.
Các CCB phía Phân hiệu Nam bộ trẻ nhất là 2 đ/c Tư Trung và Nguyễn Thành Linh cũng đã 75, còn lại đã ngoài 80. Cùng là lính tráng 1 thời lại cùng mái trường Lục quân mang tên Trần Quốc Tuấn nên không khí rất ấm cúng, gần gũi.
Các cá nhân tự giới thiệu về bản thân và gia đình. Cả 5 đ/c sau khi học Lục quân về đơn vị chiến đấu rồi đều tập kết sau 1954, ra Bắc học tập rồi đi B quay trở lại miền Nam.
Đại diện 2 BLL cũng giới thiệu về tổ chức và hoạt động của mình. BLL Lục quân Trần Quốc Tuấn phân hiệu Nam bộ đã sinh hoạt được 32 năm nay, trong 1 tổ chức khá chặt chẽ. Năm nay các đ/c đang hoàn thành bộ phim tư liệu lịch sử về Phân hiệu Nam bộ.
Trưa được 1 thành viên nữ trong BLL (chị là phu nhân 1 cựu học viên đã mất) chuẩn bị cho bữa cơm đặc sản Nam bộ với món cá lóc nướng cuốn bánh tráng, gà ta nướng, chả giò... rất ngon miệng.
Xin cảm ơn các đ/c!

Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

Tâm tư của người lính già khi dân bị đàn áp

Tại họp mặt Lục quân hôm 26/5/2012, được gặp nhiều cựu học viên các khóa từ Võ bị 1 đến Lục quân 12. Trong đó có cụ Vũ Diệu là học viên k6, sau đó ở lại làm giáo viên tới k11 (khi trường về nước, đóng ở Bạch Mai rồi lên Sơn Tây). Còn giữ nhiều sách vở cùng giáo cụ dạy pháo binh, cụ hứa sẽ tặng lại BLL để tặng nhà trường, đưa vào Nhà truyền thống. Cụ còn tặng tôi bản copy 2 bài viết trên Vietnamnet và Tiền phong nhân vụ Tiên Lãng. Nay xin đăng tải dưới dạng ảnh:
"Máu đổ nhưng không có anh hùng, cũng không có huân chương" là tựa bài viết:


Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

Nhớ một trường Võ bị ở rừng U Minh

Mời các bạn đón đọc bào viết của tác giả Nguyễn Thành Linh về kỉ niệm của 1 thời Lục quân.

Tóm tắt về Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn phân hiệu Nam bộ

Khi thông báo: nhóm cựu học viên Phân hiệu Nam bộ (Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn 1950-53) muốn tham gia sinh hoạt trong đội hình chúng ta, Trung tướng Hoàng Nghĩa Khánh có gửi kèm 1 cuốn sách do các đ/c xuất bản. Trong đó có ghi lại lịch sử của Phân hiệu. Đây là tư liệu quý. Xin trân trọng giới thiệu.

Thu đông 1947, cuộc tiến công chiến lược của thực dân Pháp lên căn cứ địa Việt Bắc thất bại hoàn toàn. Chúng phải chuyển từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh lâu dài, thực hiện chính sách "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt".
Về phía ta, LLVT đã trưởng thành. Cục diện chiến tranh chuyển biến có lợi cho ta nhưng quân dân ta chưa đủ mạnh để đánh tiêu diệt lớn. Việc đào tạo, nâng cao chất lượng cho cán bộ chỉ huy là nhu cầu cấp bách.

Một chặng đường hành quân theo dấu chân Bác (Nguyễn Việt Hồng)

Đến thăm cụ Bùi Ngọc Sách, tôi được tặng bài viết của tác giả Nguyễn Viết Hồng trên tạp chí Thông tin lịch sử quân sự 1-1992. Nay xin đăng lại toàn bài dưới dạng ảnh! Để đọc rõ hơn, xin mời click vào ảnh.


Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Hai tác phẩm cách nhau 10 năm

Học viên k5 "chuẩn bị Tổng phản công" lắm người tài: nào các nhạc sĩ Phạm Tuyên, Tô Hải, Doãn Quang Khải... nào những tay máy Nguyễn Đức Thiêm, Bùi Ngọc Sách...
Nhân kỉ niệm 50 năm (1949-1999) các cụ làm kỉ yếu với 1 số hình ảnh của học viên k5. Đến dịp 60 năm (1949-2009), các cụ lại xuất bản cuốn "Những bài ca Trường Sỹ quan Lục quân Trần Quốc Tuấn". Sách chỉ dày vài chục trang nhưng rất tâm huyết và chứa đựng những kỉ niệm của 1 thời.
Toàn trên 80 cả rồi nhưng các cụ sống rất tích cực, nhiều cụ còn đọc báo điện tử mỗi ngày. Chúc các cựu học viên k5 và toàn trường sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc bên gia đình, con cháu!

Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn tháng 11/1949

Gửi các giáo viên và học sinh:
Nhân ngày khai giảng, tôi gửi lời thân ái chào các giáo viên và học sinh. Chắc các cháu học sinh mong Bác có vài lời dạy bảo.  Thì đây: Trường của các cháu lấy tên là TRẦN QUỐC TUẤN. Cái tên ấy đã chỉ rõ nhiệm vụ nặng nề và tương lai vẻ vang của các cháu.
Ngày xưa, nhà Nguyên là những người hùng mạnh, đang tiến bước; quân đội Nguyên thì đánh đâu thắng đấy, họ lại ở sát hẳn nước ta. Lúc đó nước ta đất hẹp, dân ít hơn ngày nay.
Ngày nay, giặc Pháp là những kẻ suy đồi, kẻ thoái bộ, quân Pháp thì tinh thần kém và chúng lại phải băng ngàn vượt bể hơn 20.000 cây số mới đi đến nước ta. Nước ta thì đất rộng, người đông hơn trước nhiều.
Gặp hoàn cảnh khó khăn hơn, kẻ địch mạnh hơn mà tổ tiên ta, với sự lãnh đạo của ông Trần Quốc Tuấn, đã đánh thắng nhà Nguyên, đã để lại cho chúng ta một đất nước tư do độc lập. Ngày nay chúng ta quyết noi theo tinh thần quật khởi ấy, quyết đánh ta giặc Pháp, quyết tranh lại thống nhất và độc lập thực sự cho Tổ quốc ta.
Kháng chiến đã ba năm. Trong những ngày tháng qua, chúng ta kinh nghiệm thiếu, phương tiện kém, điều kiện eo hẹp, địch thì còn hăng. Thế mà chúng ta vẫn mạnh dạn tiến, thắng lợi từ giai đoạn thứ nhất sang giai đoạn thứ hai.
Ngày nay, hoàn cảnh đã thay đổi hẳn:Lực lượng ta mạnh hơn, kinh nghiệm nhiều hơn, phương tiện dồi dào hơn, điều kiện rộng rãi hơn. Địch thì đã tỏ vẻ bi quan thất vọng. Thêm vào đó, tình hình quốc tế, nhất là cuộc đại thắng của nhân dân Trung Hoa làm cho cuộc kháng chiến của ta thêm thuận lợi, làm cho thêm dễ dàng đẩy cuộc cầm cự, chuẩn bị tổng phản công. Có thể ví dụ rằng: Các lớp cán bộ trước là những người đã phát rừng cày đất, gieo mạ tát nước. Mà các cháu trong lớp này là những cán bộ sẵn sàng để đi gặp lúa. Vậy các cháu phải ra sức thi đua:
Luyện tập thân thể cho mạnh mẽ
Nghiên cứu kĩ thuật cho thông thạo
Trau dồi tinh thần cho vững chắc
Hun đúc cho đạo đức của người quân nhân cách mạng cho vững vàng
Các cháu phải ra sức thi đua làm tròn nhiệm vụ để xứng đáng cái tên trường vẻ vang của các cháu, để xứng đáng với lòng tin cậy của Chính phủ và đồng bào đặt nơi các cháu.
Bác đang chờ để khen thưởng những cháu nào đã tiến bộ nhất ở trong trường và nhiều thành ích nhất khi ra trước mặt trận.
Các cháu cố lên!
Chào thân ái và quyết thắng!
Tháng 11 năm 1949
Hồ Chí Minh

Vài hình ảnh tư liệu của k5 Lục quân

Khóa 5A khai giảng tại Thái Nguyên. Nghi thức chào cơ. Phải qua: Tướng Lê Thiết Hùng,
ông Tạ Quang Bửu và Đại tá Trương Trung Phụng Trưởng phòng Huấn luyện.

Đến thăm cựu học viên k5 Bùi Ngọc Sách, ông tặng BBT trang mạng mấy ảnh tư liệu cũ, chất lượng đã mờ nhưng còn nguyên giá trị. Xin post lên cho mọi người cùng chiêm ngưỡng.

Tìm thêm nhiều đồng đội mới

Đại tá Huỳnh Công Hùng, cựu học viên Lục quân Trần Quốc Tuấn phân hiệu Nam bộ (1950-53) vừa liên lạc thông báo: BLL của Phân hiệu Nam bộ có đến vài trăm hội viên sinh hoạt. Phân hiệu cũng đã làm được 1 phim video về lịch sử của mình. Tuần tới đại diện BLL Phân hiệu Nam bộ sẽ gặp BLL truyền thống Lục quân Trần Quốc Tuấn phía Nam. Thật vui!
Cựu học viên k5, giáo viên k6 Nguyễn Viết Tá cũng thông báo, k6 còn 1 số học viên; sẽ cung cấp danh sách cho BLL.

Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

Chuyện vui Lục quân

Theo cụ Hoàng Dũng kể lại:

1. Ngày ở Vân Nam TQ, từ 1952 thêm tiểu đoàn học viên Công-Pháo. Học viên phải học toán, lượng giác... các môn này rất khó, phải có thầy VN dạy về toán, còn thầy TQ dạy chuyên môn (tấm, hướng, điểm chuẩn, bắn mục tiêu...) nhưng qua phiên dịch.
Phiên dịch lúc đó là các cô Việt kiều xinh xắn. Trong quá trình học tập, cô - trò nảy nở tình cảm. Sau khi ra trường nhiều đôi xin tổ chức cho xây dựng gia đình.
Chả thế có vè:
Ăn cơm đặc táo
Mặc áo đại y
Lấy vợ "phan y"
Thế thì ở lại
"Cơm đặc táo" thì khỏi nói, ngon hơn, nhiều thịt hơn cả tiểu táo. "Áo đại y" là đại y phục, có 4 túi. (Học viên ra trường thành cán bộ là được mặc đại y). Vợ "phan y" là từ phiên dịch "fan yi". Ở lại TQ thì quá sướng, vừa là sĩ quan lại vừa được sống bên  vợ con.

2. Từ những năm 50s, ở Trường Lục quân, cụ Lê Thiết Hùng và cụ Bình cho lính tráng học Quốc tế vũ (tiếng Tàu: Guo ji wu. Có lẽ theo trào lưu văn hóa mới của Liên-xô?). Chiều thứ bảy là ra sân nhảy tập thể từng đôi theo nhạc; hết Valse đến Boton, Rumba... Chát xình xình Chát xình xình... Chát xình chát chát bùm...
Hôm rồi họp mặt Lục quân, cụ Dũng gặp lại bà Kiều Miên (Văn quân Lục quân). Cụ Dũng hỏi:
- Chị còn nhớ ngày đó được nhảy "Guo ji wu" không?
- Có chứ! - bà Miên cười tươi - Nhưng nam chỉ được nhảy với nam, nữ nhảy với nữ. Hiệu trưởng sợ nam, nữ nhảy với nhau thì... thì... nên cấm.
Cả 2 cụ cùng cười vui.

Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BLL TRUYỀN THỐNG

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập – Tự do - Hạnh phúc
-------oOo------

QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG
BAN LIÊN LẠC TRUYỀN THỐNG
TRƯỜNG LỤC QUÂN TRẦN QUỐC TUẤN PHÍA NAM


CHƯƠNG 1 – TÔN CHỈ, MỤC ĐÍCH

ĐIỀU 1: Ban Liên lạc (BLL) truyền thống Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn phía Nam là tổ chức tập hợp những đ/c cán bộ trong và ngoài quân đội đã nghỉ hưu -  nguyên là cán bộ, giáo viên, cựu học viên các thời kì cùng con em Lục quân; hoạt động theo nguyên tắc: Tự nguyện – Bình đẳng – Không vụ lợi - Quyết định theo đa số.

ĐIỀU 2: Tiêu chí hoạt động
- Tri ân các thế hệ đi trước.
- Nghĩa tình đồng đội.
- Là cầu nối với các thế hệ thầy, trò đi trước với thế hệ sĩ quan Lục quân trẻ hiện nay; nhằm giáo dục truyền thống Trung với Nước, Hiếu với Dân mà Hồ Chủ tịch đã trao cho nhà trường nhân ngày khai giảng Võ bị khóa 1 - 26/5/1946.


CHƯƠNG 2 - THÀNH VIÊN

ĐIỀU 3: Thành viên BLL gồm:
- Các cán bộ, giáo viên, cựu học viên nhà trường đã nghỉ hưu.
- Con em các gia đình Lục quân.
- Thừa nhận Quy chế hoạt động và tình nguyện tham gia.

ĐIỀU 4: Quyền và nghĩa vụ
4.1 Quyền: Các thành viên có quyền
- Được thông tin đầy đủ, thảo luận, góp ý, biểu quyết về Quy chế hoạt động.
- Bầu ra Thường trc BLL thay mặt mình điều hành hoạt động chung.
- Góp ý, chất vấn Thường trc BLL về hoạt động chung.
4.2 Nghĩa vụ:
- Thực hiện nghiêm túc Quy chế hoạt động.
- Tham gia sinh hoạt, xây dựng BLL.


CHƯƠNG 3 – NGUYÊN TẮC VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC

ĐIỀU 5:  BLL truyền thống hoạt động theo nguyên tắc: Tự nguyện – Bình đẳng – Không vụ lợi - Quyết định theo đa số.
Cơ quan lãnh đạo cao nht là Thường trc BLL, được bầu ra với nhiệm kì 2 năm, thực hiện lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách từng công việc.

ĐIỀU 6: Cơ cấu tổ chức Thường trực BLL:
- Trưởng BLL: 1.
- Phó BLL: 2-4, có 1 Phó thường trực.
- Thư kí: 1.
- Các ủy viên: bao gồm cả trưởng BLL các khóa (hoặc nhóm khóa tùy theo số lượng) .

ĐIỀU 7:  Quyền và nghĩa vụ của Thường trực BLL
- Lập kế hoạch và điều hành hoạt động.
- Kêu gọi sự giúp đỡ của các cá nhân về tinh thần, vật chất cho hoạt động chung.
- Liên hệ thường xuyên với nhà trường và hoạt động trong đội hình Hội CCB TpHCM.
- Quyết định công việc theo đa số biểu quyết.


CHƯƠNG 4 – TÀI CHÍNH

ĐIỀU 8:
- Tài chính hoạt động không dựa trên cơ sở đóng góp hội phí của các thành viên. Nhưng  sẽ xây dựng quỹ của BLL nhờ những khoản đóng góp tự nguyện của các thành viên và đóng góp từ các nguồn thu vận động khác.
- Thường trực BLL giao cho Phó BLL thường trực phụ trách quỹ.
- Quỹ được sử dụng vào hoạt động chung: hiếu hỷ, họp mặt toàn thể.
- Ít nhất 6 tháng một lần, Phó thường trực phụ trách quỹ phải báo cáo thu chi cho toàn th thành viên được biết.


CHƯƠNG 5 - ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

ĐIỀU 9: Điều khoản thi hành
Quy chế hoạt động được toàn thể thành viên BLL truyền thống nhất trí thông qua ngày 26 tháng 5 năm 2012.
Mọi thành viên BLL truyền thống Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn phía Nam có trách nhiệm thi hành quy chế này.

                                         Trưởng Ban Liên lạc 
                                              Thiếu tướng Hoàng Dũng

Họp thường trực BLL

Sáng nay, 11/6/2012, tại nhà cụ Hoàng Dũng, Thường trực BLL đã họp nhanh, thông qua Quy chế hoạt động và danh sách thành viên đã tổng hợp sau họp mặt.
Các cựu học viên Phân hiệu Lục quân Trần Quốc Tuấn (1950-53) nghe tin BLL truyền thống Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn phía Nam được thành lập, thông qua cụ Hoàng Nghĩa Khánh, đã đề đạt nguyện vọng được sinh hoạt trong ngôi nhà chung. Với tinh thần đoàn kết, đồng đội của những người lính Cụ Hồ dưới cùng 1 mái trường, chúng ta sẵn sàng đón nhận các thành viên mới.
Sau họp mặt, trở về Kiên Giang, cựu học viên k9 Lưu Quang Xe đã báo cáo với Tỉnh đội và Hội CCB Kiên Giang. Tại đây có 1 số cựu học viên Lục quân trở về sinh hoạt. Như vậy có thể thành lập chi hội ở Kiên Giang. Tại Cần Thơ có anh Bảy, cựu học viên k12, hứa sẽ nhóm họp các cựu học viên đang sinh sống tại đây.
Hy vọng BLL truyền thống Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn phía Nam sẽ là nơi quy tụ các lão tướng của Lục quân Trần Quốc Tuấn và hoạt động đúng tiêu chí.

Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

Giới thiệu tác phẩm

Các cựu học viên Lục quân từ thế hệ 1 vốn là các học sinh khi đất nước lâm nguy đã  xếp bút nghiên lên đường tranh đấu. Sau những giờ phút hành quân, chiến đấu, họ mê thơ ca, hò vè, viết các bài thơ, ca khúc... Viết vì có 1 tình yêu. Xin trân trọng giới thiệu 1 số tác phẩm mà chính các tác giả tặng chúng tôi nhân họp mặt vừa rồi.
Ngoài "Đường lên cơ quan Tổng hành dinh" của Trung tướng Hoàng Nghĩa Khánh (học viên k1 Võ bị) đã được giới thiệu, còn có "Tập ca khúc của Phạm Phan Hàm" và "Nhớ lại để tự tin và sống" (Hồi ký của Bùi Ngọc Sách)...
Nhạc sĩ không chuyên Phạm Phan Hàm là học viên k6 Lục quân, ngày trường đóng quân ở Vân Nam, TQ. Ông coi viết ca khúc như ghi nhật ký; nào Chiều thứ lữ (Việt Bắc 1951), Chiều nhớ Việt Bắc (Bạch Ngọc 1952)... đến Đường về quê cũ (1971), Nụ hôn Paris (những năm 80) và ông thích phổ thơ của Trần Hữu Lục, Dương Trọng Dật, Phan Thị Thanh Nhàn... Ông coi "viết nhạc để ghi lại những cái mốc lớn trong 50 năm sống đẹp nhất của đời mình".
Còn Bùi Ngọc Sách, học viên Lục quân k5, đang học nghề Thú y ở Thanh Hóa thì xin đi bộ đội. Đó là năm 1949, khi ta chuẩn bị chuyển sang thời kì Tổng phản công. Là học viên k5 ông cùng học viên k6 đi vác vũ khí về cho đất nước. Ra trường, ông về Sư 304 chiến đấu, theo đơn vị đi các chiến trường.
Trong cuộc đời và gia đình ông có 1 chi tiết rất đặc biệt: bà cụ thân sinh ra ông được Cục Địch Vận "phái khiển" vượt Tuyến 17 vào Nam "làm cơ sở" ngày 9/8/1961. (Gia đình có ông anh cả bị bắt quân dịch cho Pháp nên đã vào Nam từ 1954). Cụ được tổ chức cho vượt sông Bến Hải an toàn. Nhưng rất thương, ngày ông Sách gặp lại cụ sau 30/4/1975 thì cụ đã bị tâm thần.
Thế mới biết trong 2 cuộc kháng chiến vĩ đại ấy của dân tộc, nhiều gia đình đã thầm lặng hy sinh.

Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

Thăm nhạc sĩ Tô Hải


Lần họp mặt 26/5 vừa rồi thấy vắng nhạc sĩ, hỏi ra mới biết cụ ốm. Sau đó liên lạc mà thấy máy kêu tò te tí. (Chắc ai đó khóa máy?). Chiều qua, cụ Nguyễn Xuân Hòa k5 cho điện thoại chị Ái, gọi thì biết cụ nằm Bệnh viện Hoàn Mỹ (60 Phan Xích Long). Sáng nay, 2 anh em hẹn nhau đến thăm.
Lần đầu vào Hoàn Mỹ thấy sạch sẽ, bệnh nhân ra vào tấp nập. Cụ nằm phòng 1008, tầng 10. Cụ tỉnh táo và nhận ra ngay 2 anh em. Phòng bệnh sạch sẽ, có 6 bệnh nhân. Gia đình có cái giường gấp, xếp bên. Đầu giường là cái lap-top để đọc báo mạng. Mấy hôm nay ăn yếu, phải tiếp đạm, chân hơi phù nhưng cụ tỉnh và có thể tự ngồi dậy (vậy là còn sức).
Tóc cụ để dài, búi tó; năm nay 86 nhưng vẫn lạc quan, móm mém cười khi nghe 2 anh em tôi hát lại mấy câu "Ngẩng đầu hiên ngang ta nhắm thẳng vào đầu giặc Mỹ đó...". Cụ khoe: "Mà như tớ là sướng, có chết cũng chả sao, vì có tới 7 triệu bạn đọc ngày ngày vẫn lên trang mạng của tớ".

Mấy hôm nay nhiều bạn bè cũ, cả người quý mến, hâm mộ vào thăm. Chiều qua có cháu 16 tuổi vào ngồi ké. Hỏi cháu, vào thăm bố à? Cháu trả lời: Dạ không, thăm ông Tô Hải. Lại có anh bạn từ Vũng Tàu đưa vợ lên đẻ ở Từ Dũ; vợ chưa đẻ nên tranh thủ tạt qua thăm; vợ đẻ xong lại đến... Mọi người dành cho cụ sự quan tâm và tình cảm trân trọng.

Mấy tuần trước, Sơn con trai cụ từ HN vào chăm bố mấy ngày; còn hôm kia vợ chồng Tô Hà lại thăm.
Chúc cụ qua khỏi lần này để còn sinh hoạt Lục quân Trần Quốc Tuấn năm sau!

Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Trang Thơ: Nghe lại Văn Cao (Nguyễn Viết Hùng k6)

Nghe em ca "Suối Mơ" róc rách
Ca Trương Chi "dìu dặt tiếng tơ rơi"
Thức dậy cả tuổi trai cùng hát
Xôn xao nỗi nhớ một thời
"Sông Lô thu du... sóng ngàn Việt Bắc"
"Ôi, còn đâu đây..."
                      tiếng đàn khao khát
Dấu lặng ba mươi năm
                       trên khúc hát này!
*
Sông suối ngày xưa xa khuất
Chỉ thấy một dòng đăm chiêu tất bật
Đám bụi mù quẩn khói xe say!
*
Cảm ơn người hát hôm nay
Cho sống lại bước đường thì thoăn thoắt
Cho ta say
             Cho ta sướng
                                 hết mình
Được tắm mát cả mạch tình tưởng mất
Phút sững sờ
               phòng chật hóa Thiên Thai!
*
Hát nữa em ơi! 
Cho run rẩy đôi môi
                        Cho sõi lại Giọng Người
                                                           Em nhé!

Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

Đọc sách: Đường lên cơ quan Tổng hành dinh

Tại họp mặt Lục quân hôm 26/5 vừa rồi, tôi nhận được nhiều quà là sách vở, băng đĩa, tập thơ... của các cựu học viên Lục quân các thế hệ; trong đó có cuốn sách "Đường lên cơ quan Tổng hành dinh" của Trung tướng Hoàng Nghĩa Khánh. Chú tặng tôi cùng lưu bút:
Thân tặng cháu Trần Kiến Quốc, con trai đ/c Trần Tử Bình, nguyên Chính ủy đầu tiên Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khóa I 1946 ở Sơn Tây.
Học viên Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khóa I - Hoàng Nghĩa Khánh.
Tôi đọc 1 cách cẩn thận, mới xong phần đầu. Vậy mà đã gặp lại bao nhân vật thân quen, gần gũi công tác ở BTTM như các chú Lê Trọng Nghĩa (bố Trọng Huấn), Trần Văn Nghiêm (bố Tuấn Sơn), Đỗ Đức Kiên (bố chị Cầm, Thi)...
Từ 1 cán bộ trưởng thành từ đơn vị chiến đấu, rồi là tiểu đoàn trưởng của Trung đoàn chủ lực đầu tiên của QK4 (E Quang Trung) tác giả được gọi về cơ quan tham mưu nhưng phụ trách các đơn vị chiến đấu nên vừa có cái nhìn tổng quát từ phía trên, lại vừa có kinh nghiệm thực tế khi xuống đơn vị.
Chú từng xuống các đơn vị của Đại đoàn Đồng bằng của Tướng Dũng đầu năm 1950. Ngày hòa bình được cử đi học Học viên Quân sự Nam Kinh (Trung Quốc) rồi về lại BTTM. Thời gian đầu những năm 1960 từng sang Lào giúp quân Coongle. Và khi xảy ra sự kiện 5/8/1964, chú là người được chứng kiến.
Những sự kiện trọng đại này được ghi lại hết sức cụ thể, tỉ mỉ và hấp dẫn. Thật thú vị cho những ai đam mê tư liệu.

Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

Chùm thơ Nguyễn Viết Hùng (K6 Lục quân): Ta tặng cho Mình

CHÍN
Nhận nha em! Mùa chín vườn anh
Anh muốn trao em trái trĩu cành
Đây chùm lộc mới vui bừng cánh
Xuân về, vỏ rám bật chồi xanh!

NGHE
Hồn nhiên ríu rít ngân vang
Trong veo nhạc điệu, rộn ràng âm thanh
Chuỗi lời. chuỗi ngọc long lanh
Nghe nhau, nghe cả mùa xanh trổ mầm...

HÔN
Em biết đấy
                           dẫu bạc vàng chức sắc
Sao thay được
                một vòng tay ủ ấp
                                      của người thương
Một cái hôn-hết-mình
                                    trọn hồn vía thịt xương
Đủ cho ta
                   cả Thánh đường, tiên động
Đóa hôn giải phóng
                   Cho lộc xuân sẽ biếc dậy đầy vườn
                   Cho bung nở bao tháng ngày khát sống
                   Cho đền bù ước vọng lại lên hương...