Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012

Chuyện của 2 cựu học viên từng qua trường

CHUYỆN VỀ BẢN TÌNH CA CỦA HAI CỰU BINH
SƯ ĐOÀN PHÒNG KHÔNG “CẬN VỆ ĐỎ” 361

KIẾN QUỐC


Báo QĐND cuối tuần ra ngày 30-5-2004 có bài viết “Bài thơ tình của ngưới lính Điện Biên Phủ” nhắc lại kỷ niệm lãng mạn về sự ra đời của bài thơ “Chim Nhạn” (tác giả: Văn Giang). Đầu xuân At Dậu, tôi lại hân hạnh được gặp người đã phổ nhạc cho bài thơ - Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc. Có một điều thú vị: hai vị tướng, hai “nghệ sĩ không chuyên” lại là “hai người bạn cũ cùng binh đoàn”. Đã qua tuổi “bát thập” nhưng cả hai còn khỏe mạnh, minh mẫn. Và chuyện về bản tình ca của những người lính được kể lại thế này!


… Tháng 4-1949,  anh lính Vệ Trần Văn Giang mới cưới vợ được 3 ngày thì có lệnh lên đường. “Quân lệnh như sơn!”, anh vội chia tay người vợ trẻ. Dù thủ trưởng Chính trị Cục Văn Tiến Dũng đã hứa cho nghỉ phép nhưng công việc quá nhiều, rồi nửa năm trôi qua mà chưa có lúc nào để nghỉ. Những lúc rảnh, Văn Giang lại nhớ tới cô vợ “chưa bén hơi”. Trong một đêm đông, sương giăng đầy trời, văng vẳng tiếng chim nhạn… đã là nguồn cảm hứng để anh ghi lại mấy vần thơ: “Tiếng nhạn đêm sương nghe buồn da diết/ Ngọn đèn khuya tha thiết mắt chờ mong/ Chày giã gạo bập bùng vừng trăng khuyết/ Gió xạc xào cây lá ngẩn ngơ trông... Anh lỡ hẹn mấy tuần trăng không gặp/ Đêm đêm nghe con chim nhạn gọi đàn/ Anh ao ước biến mình thành chim nhạn/ Sai trời mây bay đến đậu bên em”.

“Chim Nhạn” cùng hàng trăm bài thơ đã theo ông suốt nửa thế kỉ. Đầu năm 2000, ông sắp xếp lại và cho xuất bản tập thơ “Con Tằm”; trong cánh bạn cũ, ông không quên tặng cho Đỗ Văn Phúc. Khi kể về tướng Phúc, ông Văn Giang nhắc tới một kỉ niệm: “Hai anh em cùng là lính 316. Khi mình cùng Đoàn phòng không 367 từ Trung Quốc về tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ thì Đỗ Văn Phúc, sau khi tốt nghiệp khoá 6 Lục quân Việt Nam, cũng từ Trung Quốc về chiến đấu ở mặt trận. Vốn có khiếu văn nghệ, nhạc lý thì tự học và lúc nào anh ta cũng thủ trong túi chiếc kèn ac-mô-ni-ca, rảnh là lại thổi cho chiến sĩ nghe những “Trường ca Sông Lô”, “Du kích Sông Thao”, những “Suối Mơ”, “Thiên thai”… để quên đi những gian khổ của lính. Và trong 31 ngày giành giật trên Đồi C1, Đỗ Phúc đã dùng kèn “thổi địch vận”. Anh hay thổi những bài có giai điệu đồng quê, những bản dân ca Pháp, những bài đánh vào lòng người: “Làng tôi” (Hồ Bắc), “Qua miền Tây Bắc”, hay “Ngày ấy” (Johan Strauss)… Chính những giai điệu du dương qua hệ thống tăng âm đã luồn vào tận hầm sâu của địch, đám lính lê-dương nghe thấy đã ngỡ ngàng, buồn chán nhớ quê hương rồi suy sụp, có tên vứt cả súng chạy về với bộ đội ông Giáp”.

Chục năm sau, vào ngày sinh nhật Bác 19-5-1965, Văn Giang về Hà Nội nhận nhiệm vụ Chính uỷ sư đoàn phòng không 361. Sau đó năm 1970, Đỗ Văn Phúc được điều về làm Phó tham mưu trưởng sư đoàn. Cán bộ, chiến sĩ đã xây dựng sư đoàn 361 từ không đến có, từ ít đến nhiều, từ yếu đến mạnh. Hà Nội luôn dành tình cảm và sự quan tâm cho sư đoàn. Sư đoàn có đường dây nóng nối với Tổng tư lệnh và Quân uỷ. Ngày còn sống, Bác Hồ từng đến thăm sư đoàn phòng không “Cận vệ đỏ”. Và trong những ngày cuối năm 1972, cùng với Không quân nhân dân, tên lửa sư đoàn 361 đã hạ nhiều “pháo đài bay” B52 của giặc Mỹ.

Tướng Phúc tâm sự: “Về nghỉ hưu tại phía Nam, vốn mê văn nghệ, mình đã mua sách vở về sáng tác để tự học rồi tự mầy mò viết những ca khúc. Vì là lính cùng binh đoàn, cùng tham gia nhiều mặt trận suốt nửa thế kỉ qua nên mình rất hiểu con người Văn Giang. Khi đọc tập thơ “Con Tằm”, mình thực sự xúc động và tâm đắc nhất với bài “Chim Nhạn”. Đầu xuân Giáp Thân, vớ giấy bút hí hoáy phổ nhạc cho bài thơ. Viết đi viết lại rồi thể nghiệm ngay trên chiếc ac-mô-ni-ca nhỏ bé. Mình đã ghép câu “Khi anh đến, em chỉ cười không nói/ Trời trong xanh riêng đôi má em hồng“ trong một bài thơ của Văn Giang để kết…”.

Có trong tay tập ca khúc của ông, tôi như được xem lại những hồi ức cuộc đời ông và đồng đội. Nhân dịp 30 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, ông đã viết “Người canh giữ bầu trời” (bài được in trên Báo QĐND) ghi lại kỉ niệm sống động về sư đoàn 361 và quân chủng Phòng không-Không quân anh hùng, từng bắn rơi hàng nghìn máy bay và vít cổ nhiều “pháo đài bay B52”. Nhớ Hà Nội da diết, nhân dịp 10-10-2004, kỷ niệm 50 năm giải phóng Thủ đô, ông đã sáng tác ca khúc “Hà Nội, em và tôi”;  bài được tuyển chọn trong “Tuyển tập 50 năm ca khúc Hà Nội”. Ông còn viết “Em đến trường” để tặng các cháu học sinh thân yêu; tiết mục được các cháu trường tiểu học Hùng Vương biểu diễn trên sóng HTV7 trong năm 2002…

Đầu năm 2004, trong tiệc trà mừng thọ bạn vào tuổi 80, “nhạc sĩ không chuyên“ Đỗ Văn Phúc đã mang bản thảo “Chim Nhạn” đến tặng tướng Văn Giang. Giữa bạn bè, ông đã cao hứng hát tặng vợ chồng “nhà thơ” ca khúc trữ tình. Khi lặp lại điệp khúc, ông xuất thần phóng tác “Trời trong xanh, xanh như mắt em cười!”. Trong tiếng pháo tay, chính tôi đã chứng kiến cảnh Chuẩn đô đốc già chạy lên ôm lấy bạn, tay vỗ vỗ vào lưng, miệng tấm tắc khen: “Câu kết đắt quá!”. Khi đó tướng Phúc rưng rưng: “Chẳng hiểu có phải là sự sắp đặt của… số phận? Hai đứa mình có cuộc đời gắn với hai con số “16” và “61”, chỉ khẽ đảo là cặp này thành cặp kia! Có phải là “từ đại đoàn 316 đến sư đoàn 361”?!” Thật cảm động trước những người lính già đã cống hiến sức lực, trí tuệ cho 2 cuộc kháng chiến, đến khi về già họ vẫn có nhiều đóng góp cho đời!

Tháng 5 năm nay kỉ niệm 40 năm ngày thành lập sư đoàn 361, qua Báo QĐND, hai cựu chiến binh, đồng tác giả bản tình ca “Chim Nhạn“, muốn gửi lời chúc mừng tới cán bộ, chiến sĩ các thế hệ đã xây dựng nên sư đoàn phòng không 361 anh hùng, xứng đáng với cái tên “Cận vệ đỏ” - bảo vệ vùng trời Hà Nội những tháng năm chống chiến tranh phá họai của giặc Mỹ và gìn giữ trong sạch bầu trời Thủ đô suốt 30 năm qua!

Sau Tết At Dậu 2005








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Viết nhận xét, nếu chưa đăng kí, bạn có thể ghi tên mình (hoặc nickname) và xuống mục "Chọn 1 nhận dạng" nháy vào "Ẩn danh" rồi xuất bản nhận xét.