Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

TÂM ĐẮC 2


TÂM ĐẮC HỒ CHÍ MINH

Để kỷ niệm tháng Tám cách mạng, năm 1999

Bài 2

***
Bác Hồ và Chủ tịch Trần Duy Hưng thăm Trung đoan Thủ đô đầu 1947.
Chính ủy Trần Độ đừng thứ 3 từ trái.

Đọc lại “Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5 từ trang 231 đến 306, những câu trích dẫn trong bài đều lấy từ sách này.

Sau khi viết bài “Tâm đắc Hồ Chí Minh” (bài 1), tôi tiếp tục ngẫm ngợi mãi về cuộc đời và về tư tưởng của Bác Hồ. Tôi bèn đọc kỹ lại “Sửa đổi lối làm việc” vì như bài trước đã nói, cuốn sách này cũng là một điều tâm đắc của tôi với Bác Hồ. Tôi tiếp tục tâm đắc thế này:



Tại sao phải sửa chữa ? Sửa chữa cái gì ?

1. Bác Hồ viết xong tập sách này tháng 10 năm 1947, tức là lúc cách mạng mới giành được chính quyền có hơn hai năm một chút. Trong 2 năm đó, đất nước đã đi vào cuộc kháng chiến toàn quốc gần 1 năm (từ 19/12/1946 đến tháng 10/1947) riêng miền Nam thì đã kháng chiến đủ hai năm.

Như vậy, Bác Hồ viết sách này bắt đầu trước tháng 10/1947, không biết bắt đầu từ bao giờ ? Trước 1, 2 tháng, hay trước 6, 7 tháng. Nhưng rõ ràng là trước khi viết, Bác đã phải nghĩ nhiều về những điều Bác sẽ viết. Đó là các khuyết điểm, các bệnh chứng, thói của cán bộ đảng viên và của Đảng. Sách viết xong vào tháng 10/1947, thì là xong vào thời gian quân Pháp đang thực hiện cuộc tấn công Việt Bắc, ta đang ở thế vừa phòng ngự, vừa phản công đánh lại. Sau đó, tới cuối 1947, đầu 1948, Bác lại viết một cuốn sách nhỏ “Việt Bắc anh dũng” để thuật lại và biểu dương chiến thắng của ta trong các trận đánh trả quân Pháp.

Bác viết cuốn “Sửa đổi lối làm việc” này, có lẽ cũng có cảm hứng từ cuốn sách “Sự tu dưỡng và rèn luyện đảng viên” của Lưu Thiếu Kỳ (tôi nhớ đại khái như thế vì hiện nay không có sách tra cứu). Nhiều người nói như thế và tôi cũng thấy như vậy, vì tôi cũng có đọc sách của Lưu Thiếu Kỳ và rất khâm phục, điều đó cũng không lạ và dễ hiểu.

Tôi ngẫm nghĩ thế này: trong một hoàn cảnh như cuối năm 1947, Bác Hồ nghĩ gì và cái gì làm Bác phải nghĩ những điều như trong “Sửa đổi lối làm việc”. Nhân sách này có nhắc đến “Thư trước của Hồ Chủ tịch” tôi tìm ngược lại, thấy trước đó, Bác có “Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ” (trang 71) và “Thư gửi các đồng chí Trung Bộ” (trang 76). Trong các thư này Bác đều tỏ ra quan tâm hơn đến các khuyết điểm “óc địa phương”, “óc bè phái”, “óc hẹp hòi”, riêng đối với Bắc Bộ. Bác nói đến “óc quân phiệt, quan liêu” và “ham chuộng hình thức”, có lẽ là Bác đã trực tiếp nhìn thấy nhiều.

Tình hình chiến sự khẩn trương (đầu năm kháng chiến), nhưng đối với Bác Hồ, có lẽ những tình hình khuyết điểm và bệnh hoạn trong Đảng còn khẩn trương hơn, đáng lo lắng hơn. Phải chỉnh đốn trong Đảng, thì mới bảo đảm thắng lợi. Khi sắp mất, trong di chúc Bác lại dặn lại việc trước tiên là việc Đảng, phải chỉnh đốn Đảng.

Thế mà nay có người lại chỉ lo chỉnh đốn dân chứ không chỉnh đốn Đảng. Và trong Đảng, chỉ lo chỉnh đốn cấp dưới, còn cấp trên thì luôn luôn “căn bản là tốt, không có vấn đề gì lớn”. Thế chẳng là ngược lại với Bác không? Có chống Hồ Chí Minh không?



Thế nào là tự phê bình

2. Ngày ấy cách đây đã hơn 30 năm, ta đã từ những bước khởi đầu, đến nay đã trải qua nhiều thắng lợi vĩ đại và lẫy lừng. Đất nước từ chỗ 25 triệu đồng bào, nay đã gần 80 triệu đồng bào. Từ chỗ bước đầu chập chững và thô sơ, nay đã bắt đầu đi vào con đường phát triển giầu mạnh, từ chỗ nghèo đói thất học, nay đã có 100 trường đại học, hàng vạn cử nhân và hàng chục vạn tú tài, nước ta đã có tên tuổi và bộ mặt của thế giới. Các nước giầu và phát triển còn coi Việt Nam là nước nghèo, nhưng không thể coi Việt Nam là nước mọi rợ hèn kém được.

Vậy mà lúc đó, Bác phải lo nghĩ cách “Sửa đổi lối làm việc”. Nếu giả sử như đến nay Bác còn sống (thì Bác cũng mới chỉ hơn 100 tuổi thôi) thì với tình hình ngày nay Bác sẽ nghĩ gì? Tôi lẩn thẩn lắm lúc cứ giả vờ đặt mình trong cái đầu óc “Sửa đổi lối làm việc” và nghĩ theo cách đó xem có nghĩ ra được cái gì không? Tôi rất hào hứng tưởng tượng có một cuộc hội thảo gồm một số người trao đổi thế này: hãy giả vờ làm Hồ Chí Minh, năm 1947 nghĩ kiểu “Sửa đổi lối làm việc” và đến ngày nay nghĩ tiếp luồng tư tưởng đó thì có thể nghĩ như thế nào? Thử xem, tôi chắc là hay lắm đó. Trước vận mạng đất nước ngày nay, tôi cũng như có một số người cứ âm thầm mong ước: giá Bác Hồ còn sống hay sống lại. Ai cũng muốn, ai cũng nói và ai cũng tưởng là hiện nay ta đang tiếp bước của Bác Hồ, đang thừa kế Bác Hồ, đang học tập, đang làm theo Bác Hồ, đang thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh. Có thật không?

Nhưng năm 1947, Bác Hồ viết sửa đổi lối làm việc, nói toàn khuyết điểm, bệnh, chứng và các thói, các óc đó.

Ngày nay, những năm 90 con cháu Bác làm gì? Con cháu Bác đang cho lạm phát: những thắng lợi, thành tích, tiến bộ ưu việt, thần kỳ, tuyệt diệu, tuyệt vời, … chỗ nào cũng thấy “thành tích đáng phấn khởi”, “đáng khích lệ”, … Cuộc sống xã hội có lắm cái nhiều: nhiều biểu dương, nhiều khen tặng, nhiều tổng kết, nhiều khai mạc, khai trương, nhiều kỷ niệm, nhiều long trọng, nhiều diễn văn, phát biểu “quan trọng” mà không ai nhớ, nhiều lễ hội, nhiều diễu hành, nhiều danh hiệu và nhiều danh hiệu “đúp”: đã tiên tiến chưa đủ lại phải “tiên tiến xuất sắc”, “vững mạnh” chưa đủ lại phải “vững mạnh toàn diện”, “vững mạnh xuất sắc”, v.v… Nhiều người bận bịu về việc này và có những thợ chuyên nghiệp làm việc này, thì còn ai nghĩ đến sách “Sửa đổi lối làm việc” nữa. Người ta đang nêu cao phê bình, tự phê bình. Nhưng chắc kết quả sẽ lại là “đa số tốt”, “căn bản là tốt”, “không có vấn đề gì lớn” và rồi tình hình lại “chuyển biến rất tốt đẹp”, trở thành như lúc chưa

phê bình và tự phê bình.

Hồi xưa ở nhà tù hay ở bộ đội, khi thiếu đói cơm, thường có chuyện vui: hỏi nhau sau khi ăn cơm cảm tưởng thế nào? Trả lời: cảm tưởng giống như lúc chưa ăn!

Điều rõ rệt nhất là Bác Hồ làm phê bình và tự phê bình thật, còn ngày nay, chỉ là giả và rởm.



Ba bệnh

3. Một điều tôi chú ý và tâm đắc là bố cục của cuốn sách và sự lưu tâm của tác giả. Phải nói là bố cục của cuốn sách chưa tuyệt vời. Trật tự của nội dung chưa thuận lắm, có nhiều ý lặp đi lặp lại chỗ này chỗ khác. Nhưng tôi tâm đắc với Bác ở chỗ: sự nghiệp cách mạng mới bắt đầu thắng lợi mà Bác đã nhìn thấy ở Đảng và cán bộ mọi mặt đầy khuyết điểm. Nếu ngày nay có một cuốn sách như vậy, chắc phải dày gấp mấy chục lần. Đáng buồn là ngày nay ta chỉ có những chuyên gia biểu dương khen ngợi thành tích, không có ai biết phê bình khuyết điểm. Ta lại cũng chỉ có những chuyên gia “lý luận vẹt” ngập ngọng đọc lại Mác – Lê Nin; những chuyên gia tô vẽ nghị quyết, cả nghị quyết đúng và nghị quyết sai cũng được tâng bốc là “đầy tính lý luận”, có những chuyên gia viết diễn văn và là tác giả của những “sách chức vụ”. Ở Việt Nam, ai có chức vụ to là có sách in thật dày, in nhiều và bày trang trọng ở các thư viện.

Đó là nói về lý luận chính trị, chứ không phải nói về các môn khoa học. Như thế mà nhìn lại tình hình năm 1947 thì mới thấy sự ra đời của “Sửa đổi lối làm việc” đáng tâm đắc biết bao?

Mở đầu cuốn sách là chương 1 với đầu đề “Phê bình và sửa chữa”, Bác nêu lên đầu tiên ba khuyết điểm lớn:

“1. Khuyết điểm về tư tưởng là bệnh chủ quan.

2. Khuyết điểm về quan hệ Đảng với ngoài Đảng là bệnh hẹp hòi

3. Khuyết điểm về cách nói cách viết là ba hoa.

Đó là ba chứng bệnh rất nguy hiểm. Nếu không chữa ngay nó lây ra thì có hại vô cùng”. (trang 233)

Quyển sách được bố cục 6 chương. Trong chương 1 này, Bác dành hơn hai trang cho bệnh chủ quan và gần 4 trang cho bệnh hẹp hòi. Còn bệnh ba hoa thì Bác dành hẳn một chương là chương VI. Bác dành chương này dài đến bảy trang rưỡi chỉ để chỉnh đốn các bệnh trong nói và viết.

Bác nói ba khuyết điểm nhưng trong mỗi khuyết điểm Bác liệt kê nhiều bệnh chứng, thói và óc. Ở các chương, Bác đều có liệt kê các bệnh, thói, óc … tổng cộng cả quyển sách có đến hàng mấy chục.

Tại sao Bác lại gọi đó là những bệnh, những thói, những óc.

Óc thì : óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ.

Óc ta có thể hiểu là đầu óc, là tư tưởng, tư duy.

Thói thì thói ba hoa, thói cầu kỳ. Còn tất cả mọi nơi, Bác đều gọi là bệnh.

Tại sao vậy, vì những điều Bác nói không phải là những khuyết điểm vặt vãnh, vài ba người mắc; mà nó đã là bệnh, người người mắc. Nó đã là bệnh của cơ thể, cơ thể ấy là Đảng, phải chữa bệnh cho Đảng; phải chẩn đúng bệnh thì mới chữa được. Không chữa thì nó lây lan và nó càng ngày càng nặng đến mức có thể làm cho cơ thể chết. Bác dùng chữ bệnh ở nhiều nơi, cả những nơi Bác đã dùng chữ thói, óc, như bệnh ba hoa, bệnh địa phương. Tôi tâm đắc cái ý tưởng: Phải chữa bệnh cho Đảng, không chữa thì Đảng sẽ chết. Ngày nay cũng có nhiều người đang chẩn bệnh cho Đảng và hình như cũng chưa có sự chẩn đoán nào trúng cả. Có thể có nhiều người có ý kiến chẩn đoán, nhưng đoán đúng bệnh thì nghe nó đau lắm, người ta không muốn nghe và như thế còn khuya mới tìm được đúng bệnh.

Ngày nay ta hay làm lễ dâng hương để “báo công” lên Bác Hồ và chỉ có thể. Theo tôi thấy có “báo công” thì Bác cũng vui, nhưng theo tinh thần “sửa đổi lối làm việc” hình như Bác Hồ mong ta “báo bệnh” lên, Bác sẽ vui hơn. Ta thấy rõ bệnh mà báo cáo, Bác thấy đúng, Bác yên tâm hơn và vui hơn vì Bác Hồ cũng như tất cả chúng ta đều nói phê bình và tư phê bình là động lực thúc đẩy Đảng phát triển mà. Sách “Sửa đổi lối làm việc” là một sự nhắc nhở lớn điều đó, là một sự tư phê bình lớn.



Bệnh hẹp hòi

4. Sách nói nhiều đến “bệnh”, nhiều “chứng” và nhiều “thói”. Nhiều chỗ có liệt kê đến 15 bệnh, 12 bệnh. Tôi đặc biệt chú ý và nhiều tâm đắc ở những đoạn Bác nói về bệnh hẹp hòi. Về bệnh chủ quan, Bác chỉ nói về 3 chứng và đó cũng là nguyên nhân của bệnh chủ quan. Đó là chứng kém lý luận, chứng khinh lý luận và chứng lý luận suông. Nếu là bây giờ, chắc Bác phải thêm “chứng lý luận cũ” và chứng “lý luận rởm”. Bác Hồ viết đọc sách cũng không phải là đã biết lý luận. Bác không biết rằng bây giờ có người không đọc sách mà vẫn cứ nói lý luận thì không biết nó là các chứng gì ?

Về bệnh hẹp hòi, mở đầu Bác đã viết : “bệnh này rất nguy hiểm mà nhiều cán bộ và đảng viên còn mắc phải.

V.v…

Nhiều thứ bệnh khác như chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng tham danh vọng, tham địa vị, dìm người giỏi, bệnh hủ hóa, v.v… đều do bệnh hẹp hòi mà ra”.

Bác còn phân tích “trong thì bệnh này ngăn trở Đảng thống nhất và đoàn kết. Ngoài thì nó phá hoại sự đoàn kết toàn dân”.

Tiếp đó, Bác phân tích những mối quan hệ bên trong. Đó là quan hệ giữa cán bộ cấp trên phái xuống và cán bộ địa phương; giữa cán bộ quân sự và cán bộ địa phương, giữa cán bộ cũ (lớn tuổi) và cán bộ mới (trẻ hơn), địa phương này với địa phương khác, cơ quan này với cơ quan khác. Trong tất cả mối quan hệ đó mà cứ có bệnh hẹp hòi biểu lộ ở chỗ coi thường nhau, đùn khó, tranh dễ, theo chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa địa phương thì rất nhiều nguy hại. Ngày nay ta lại còn nhiều chuyện hơn như chuyện Trung, Nam, Bắc, chuyện nước ngoài, nước trong, quân sự, dân sự, già trẻ, về hưu và đương chức. Nhưng tôi thấy quan trọng hơn, thú vị hơn, tâm đắc hơn và có ý nghĩa thời sự hơn là chuyện (mà Bác gọi là) bệnh “hẹp hòi đối ngoại”, cũng tức là chuyện thông thường và then chốt nhất của Đảng, tức là chuyện quan hệ giữa Đảng và người ngoài Đảng, người không Đảng, cũng tức là nhân dân. Tôi trích nhiều đoạn này. Bác viết :

“Có nhiều đồng chí có bệnh tự tôn, tự đại, khinh rẻ người ta, không muốn biết, không muốn học những ưu điểm của người khác. Biết được vài câu lý luận đã cho mình là giỏi, không xem ai ra gì, tưởng mình là hơn hết. Đó là bệnh hẹp hòi hạng nặng” (trang 238).

Ngày nay nhiều người cứ với danh nghĩa đề cao sự lãnh đạo của Đảng thì phải tô vẽ ra cái gì Đảng Cộng sản cũng giỏi nhất, hơn hết, không coi ai ra gì. Đúng là hẹp hòi hạng nặng biến thành độc tôn, chuyên chế, toàn trị.

Bác viết tiếp :

“Họ quên rằng chỉ đoàn kết trong Đảng, cách mạng không thành công được, còn phải đoàn kết nhân dân cả nước. Họ quên rằng so với số nhân dân thì số đảng viên chỉ là tối thiểu, hàng trăm người dân mới có một người đảng viên. Nếu không có nhân dân giúp sức, thì Đảng không làm được việc gì hết” (trang 238).

Ngày nay Đảng đã phát triển mạnh, có tới hơn hai triệu, gần ba triệu đảng viên nhưng so với 76 triệu dân thì số đảng viên vẫn là 1/30.

Tiếp theo đó, Bác viết :

“Vì vậy, ta cần hợp tác với những người ngoài Đảng. Ta không được khinh rẻ họ, chê bai họ, … rời xa dân chúng là cô độc, cô độc thì nhất định thất bại”.

“Cũng vì bệnh hẹp hòi mà không biết dùng nhân tài, việc gì cũng ôm lấy hết. Ôm lấy hết thì cố nhiên làm không nổi …

… phải kiên quyết chữa cái bệnh hẹp hòi đó để thực hành chính sách đại đoàn kết dân tộc”.

“Bệnh chủ quan, ích kỷ, hẹp hòi, v.v… mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh cho kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ, địch bên trong đáng sợ hơn vì nó phá hoại từ trong phá ra …” (trang 239).

Những câu Bác nói thế, ta cũng đã quá quen thuộc và ngày nay có nhiều báo cáo viên còn hùng hồn và hùng biện hơn.



Bệnh hẹp hòi rất nguy hiểm

5. Tôi có vài ý kiến bình luận như sau :

Tại sao Bác tỏ ra đặc biệt quan tâm tới “bệnh hẹp hòi” ?

Vì Bác cho rằng bệnh hẹp hòi … đối với trong (nội bộ Đảng) thì bệnh này ngăn trở Đảng thống nhất và đoàn kết.

… đối với ngoài thì nó phá hoại sự đoàn kết toàn dân.

Ta học tập và kế thừa tư tưởng đoàn kết, đại đoàn kết của Hồ Chí Minh, thì phải thấy rõ điều này. Bác coi trọng nội bộ Đảng, nhưng Bác còn coi trọng nhân dân không Đảng nhiều hơn. Bác viết “Đảng cô độc thì nhất định thất bại, Đảng không có nhân dân thì Đảng không làm được việc gì hết”.

Cái bệnh hẹp hòi của Đảng này không hề thuyên giảm, mà ngày nay nó nặng thêm, nó chạy hậu, nó thành ra mãn tính và nó nguy hiểm hơn. Nó đang diễn ra đúng như Bác Hồ đã viết là rất nguy hiểm.

Bác nói: Đảng phải hợp tác với những người ngoài Đảng, không được khinh rẻ họ, chê bai họ. Ngày nay, ta làm ngược lại hết lời Bác, ngược lại hết những điều Bác làm năm 1945 – 1946 – 1947.

Người ta nêu cao yêu cầu giữ vững sự lãnh đạo của Đảng để gạt tất cả những người không Đảng ra tất cả các vị trí lãnh đạo quản lý từ xã đến trung ương. Ai muốn tham gia việc gì thì phải vào Đảng đã. Vào Đảng để phải theo điều lệ và gần đây là phải theo 19 điều cấm kỵ tức là phải tự nguyện từ bỏ quyền công dân mà Hiến pháp đã quy định. Nếu không dù có tài giỏi bao nhiêu thì nhiều lắm cũng chỉ là nhân sĩ “ngồi chơi xơi nước” và ngày Tết ngày lễ có người đến thăm có thiệp chúc Tết và ít quà. Tệ hơn nữa ai có ý kiến độc lập muốn góp thêm với Đảng thì lập tức liệt vào loại “chống đối” cho mật thám theo dõi và cắt điện thoại, bóc trộm thư. Đối với bất cứ ai người Việt Nam ở nước ngoài đều bị coi “gần như địch”.

Tôi thấy rất rõ Bác Hồ nói về bệnh hẹp hòi, chính là nói về một vấn đề lớn, vấn đề gấp, vấn đề nguyên tắc. Đó là chính sách đại đoàn kết, đó là vấn đề quan hệ giữa Đảng và nhân dân. Lúc Bác nói (1947) Đảng mới nắm chính quyền được 2 năm mà Bác đã thấy nguy cơ của những chứng bệnh có hại cho chính sách đại đoàn kết và mối quan hệ Đảng với dân. Ngày nay Đảng đã nắm chính quyền hơn 50 năm. Đảng đã có số đảng viên đông gấp hơn 1000 lần. Đảng đã có một bộ máy đồ sộ, cơ sở vật chất sang trọng lộng lẫy. Đảng đã xây dựng một hệ thống chính trị to lớn rộng khắp chiếm 10 % số dân cả nước và Đảng đã nắm trọn quyền. Thế nhưng bệnh hẹp hòi không giảm đi mà cứ nặng thêm, cứ phát triển, cứ biến chứng, nó đã trở thành bệnh “sợ mất quyền”. Bệnh “sợ mất quyền” nặng gấp trăm lần bệnh hẹp hòi và nó có cái lõi của nó là “sợ mất ghế”. Toàn bộ bộ máy tư tưởng đồ sộ: hàng nghìn cơ quan báo chí các loại, các nhà xuất bản, hàng chục vạn báo cáo viên, hàng trăm lớp học hàng năm và các học viên, viện nghiên cứu đều có một nhiệm vụ bắt mọi người phải công nhận quyền của Đảng và tiếp tục khinh rẻ, chê bai những người ngoài Đảng, kể cả những trí thức lớn có ý kiến độc lập ở trong nước và ngoài nước.

Đọc lại “Sửa đổi lối làm việc” trong điều kiện hiện nay là rất hay, rất có ý nghĩa.



Bệnh gì bây giờ

6. Như vậy là “bệnh hẹp hòi” đã phát triển và biến thành bệnh sợ mất quyền.

Bệnh chủ quan, Bác Hồ phê phán những biểu hiện là kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông, thì nay nó phát triển và biến chứng thành bệnh lý luận liều. Bệnh này có những nhánh của nó là ngụy biện, cứ bắt buộc sống phải khớp với các lý luận đã cũ và tỏ ra sai và dự đoán tương lai cũng dự đoán liều. Đồng thời nó có mắc các bệnh giáo điều, bảo thủ hạng nặng.

Bác nói về thói ba hoa (chương VI, trang 229) thì chỉ nói bệnh trong việc viết và nói. Bác kể ra các bệnh nhánh nói là “thói cầu kỳ”, “thói lông bông”, bệnh “theo sáo cũ”, bệnh “mênh mông”, bệnh “hay nói chữ”, v.v…

Ngày nay bệnh ba hoa nó phát triển phổ biến và nặng đến nỗi mọi người quen nhờn đi và cái bệnh này nó đã trở thành bệnh “thừa chữ” chỗ nào cũng thấy chữ thừa, cả nói và viết. Bệnh này gắn chặt với bệnh khẩu hiệu, bệnh công thức, thường nói một trăm, một nghìn lần nhưng có ích chỉ một hoặc 1/10. Của cải của dân đóng góp phần lớn được dùng vào việc nói thừa này.

Nếu Bác Hồ còn sống, chắc Bác sẽ phát hiện ra được hàng trăm bệnh nữa và nó đều có nguyên nhân là ở bệnh “sợ mất quyền”.

Tôi thấy rõ suy nghĩ của Bác Hồ nhất quán từ cuốn sách này cho đến di chúc, trước khi Bác đi xa. Có một nhà báo đã viết một bài về bốn chữ “thật” của Bác Hồ trong một đoạn văn di chúc. Như vậy Bác cũng đã nhìn thấy nhiều điều “giả”, cho nên Bác phải nhắc đi nhắc lại mọi người phải thật. Đó là câu mà nhiều người đã rất quen thuộc :

“Đảng ta là Đảng cầm quyền. Mỗi Đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” (Di chúc).

Xin mời các cụ, các bạn hãy tìm đọc lại “Sửa đổi lối làm việc” và bình luận và tâm đắc cùng tôi.

                        

                                                                Viết vào tháng 8 năm 1999.

                                                                                Trần Độ

2 nhận xét:

  1. Phải nhìn rất đơn giản như tác giả sẽ thấy cái sâu sắc khi viết ra ở Bác. Cán bộ là con người nên cũng có thói hư, tật xấu; đặc biệt rất thích được nịnh, được tâng bốc; nếu không nghiêm khắc với mình sẽ xa dân, sẽ thành quan tham.
    Giờ cán bộ là thế.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Trần Độ nói vậy, đúng với ngày xưa thôi, ngày nay đã là CB, ĐV làm gì có chuyện sai trái mà phải sửa.
      Thứ nữa, bây giờ dân nào dám gần CB, nó oánh cho tan xác pháo nha.

      Xóa

Viết nhận xét, nếu chưa đăng kí, bạn có thể ghi tên mình (hoặc nickname) và xuống mục "Chọn 1 nhận dạng" nháy vào "Ẩn danh" rồi xuất bản nhận xét.