Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

Từ Võ bị Trần Quốc Tuấn 1946 đến Đại học Trần Quốc Tuấn hôm nay

Xin trân trọng giới thiệu bài phát biểu của CCB Trần Kháng Chiến, con em Võ bị, tại họp mặt 26/5/2012.


Kính thưa các đồng chí,
(Xin cho phép xưng hô với các lão tướng bằng 2 từ "đồng chí"!).

Hôm nay đúng vào ngày khai giảng của Khóa 1 Võ bị Trần Quốc Tuấn cách đây 66 năm (26/5/1946 – 26/5/2012), ngày Bác Hồ trao cho nhà trường thêu 6 chữ vàng “TRUNG VỚI NƯỚC, HIẾU VỚI DÂN”; cán bộ, giáo viên, cựu học viên những khóa đầu của Võ bị Trần Quốc Tuấn, Lục quân Việt Nam, Trường sỹ quan Lục quân I cùng đại diện gia đình các  thế hệ đang sinh sống tại thành phố  HCM họp mặt tại đây, cùng nhau  nhớ về mái trường xưa -  đơn vị đào tạo cán bộ quân sự đầu tiên của Nước Việt Nam độc lập non trẻ, là tiền thân của nhiều học viện, trường sỹ quan của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, nơi đào tạo hơn 100 ngàn cán bộ, đáp ứng cho  việc xây dựng quân đội suốt  hai cuộc chiến tranh vĩ  đại chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và quân bành trướng xâm lược,  bảo vệ  Tổ  quốc, phục vụ sự nghiệp xây dựng Quân đội lên chính quy,  hiện đại.

Thay mặt cho Ban tổ chức, thay mặt cho thế  hệ học viên đương chức của Trường sỹ quan Lục quân I, thay mặt đại diện gia đình các cán bộ, học viên, thay mặt cho gia đình Chính ủy Trần Tử Bình  - người nhận nhiệm vụ phụ trách nhà trường từ tháng 9-1945 đến 6-1956; xin  gửi lời chào mừng  nồng nhiệt nhất tới các lão đồng chí cán bộ, giáo viên, cựu học viên các khóa đầu của Trường Đại học  Trần Quốc Tuấn nhân buổi họp mặt truyền thống này.






Kính thưa các đồng chí,

Tháng 4-1945, tại Chiến khu Việt Bắc, Thường vụ Trung ương và lãnh tụ Hồ Chí Minh quyết định thành lập Trường Quân chính kháng Nhật, phụ trách là đồng chí Hòang Văn Thái. Trường cấp tốc đào tạo cho Giải phóng quân hơn 100 cán bộ phân đội. Cuối tháng 8-1945, thầy trò nhà trường  trong đội hình Giải phóng quân tiến về Hà Nôi.

Tháng 9-1945, Trường đổi tên thành Trường Quân chính Việt Nam (sau là Cán bộ Việt Nam). Hiệu trưởng là cựu học viên quân sự Hòang  Phố Trương Văn Lĩnh. Thường vụ Trung ương giao cho ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ  Trần Tử Bình  nhiệm vụ Chính trị ủy viên nhà trường. Trường đào tạo cấp tốc  7 khóa cán bộ đầu tiên, chi viện ngay cho cuộc kháng chiến của nhân  dân Nam Bộ.

Tháng 4-1946, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh thành lập Trường Võ bị lục quân Trần Quốc Tuấn, với nhiệm vụ đào tạo cán bộ quân sư sơ cấp trong thời gian 6 tháng cho Quân đội Quốc gia.  Giám đốc là Nhà giáo Hòang Đạo Thúy, Phó giám đốc-chính trị ủy viên là đ/c Trần Tử Bình. Giáo viên là các đ/c Vương Thừa Vũ, Vũ Lập, Nguyễn Văn Sỹ... Khóa 1  được gấp rút khai giảng vào 26-5-1946  tại Tông, Sơn Tây, kết thúc vào 5-12-1946. Tòan thể học viên tốt nghiệp được điều động về các đơn vị, bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp.

Trong các năm 1947, 48, 49, Trường liên tục thay đổi nơi đóng quân, tiến hành đào tạo các khóa 2-3-4. Ngay sau khi sáp nhập khóa 2 và 3, nhà trường đã tham gia chiến đấu bảo vệ Chiến khu Việt  Bắc, sau đó vinh dự đón nhận lá cờ Trung dũng, quyết thắng của Bác. Các đồng chí được giao nhiệm vụ lãnh đạo là  Nguyễn Sơn, Hòang Đạo Thúy, Hòang Điền…

Năm 1950 sau khi nước CHND Trung Hoa ra đời, Hồ Chủ tịch có chuyến công tác sang Trung Quốc, Liên Xô. Hai nước đàn anh quyết định chi viện cho cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta. Mùa hè 1950, Trường  Võ bị  Trần Quốc Tuấn được đổi tên thành Trường Lục quân Việt Nam (với phiên hiệu  E200),  Hiệu Trưởng là thiếu tướng Lê Thiết Hùng, chính ủy là thiếu tướng Trần Tử Bình. Đội hình nhà trường hành quân từ Tuyên Quang qua Hà Giang, sang Vân Nam (Trung Quốc), về đóng quân tại châu Hồng Hà. Trên đường hành quân, học viên khóa 5 tham gia vận chuyển vũ khí, đạn dược  do Trung Quốc giúp, chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng biên giới vào tháng 10-1950.

Trong các năm từ 1950 đến 1954 với sự giúp đỡ về cơ sở vật chất, bảo đảm hậu cần và sự tham gia của các chuyên gia-giáo viên  có kinh nghiệm  trong chiến tranh cách mạng của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, nhà  trường đã tiến hành đào tạo học viên các khóa 5, 6, 7, 8. Trường xây dựng thêm các ngành đào tạo: pháo binh mặt đất, pháo binh phòng không, công binh, thông tin (các khoa này  là tiền thân của các trường sỹ quan binh chủng sau này).

Trường đã cung cấp cho các chiến trường, các đại đòan chủ lực hơn 9000 cán bộ chỉ huy cấp trung đội có chất lượng tốt. Nhà trường còn có Khoa bối dưỡng kiến thức cho cán bộ trung, cao cấp (tiền thân của  Học viện Lục quân  Đà Lạt hiện nay).

Năm 1953, Trường tiếp nhận một số pháo 105mm do Trung Quốc giúp, chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Pháo được tháo rời, đưa lên bè, xuôi  theo sông Hồng về Phú Thọ. Các cán bộ pháo binh (nguyên là học viên  tiểu đòan  Pháo binh) đã hòan thành việc chuyển pháo đến mặt trận Điện Biên Phủ. Đồng thời nhà trường bố trí cho các cán bộ tốt nghiệp  khoa Pháo cao xạ tham gia xây dựng các phân đội cao xạ,  tiếp  nhận cao xạ 37mm, 12,7mm   từ Quảng Tây về Việt Bắc, sau đó hành quân lên Điện Biên Phủ.

Các đơn vị văn công của các đại đòan chủ lực, với nhiệm vụ động viên tinh thần bộ đội  cũng được xây dựng một cách có hệ thống tại Trường Lục quân  Việt Nam trong giai đọan này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, các  cán bộ nguyên  là học viên Trường  Lục quân  Việt Nam đã chiến đấu anh dũng, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch lịch sử có ý nghĩa chiến lược, góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 9 năm  vô cùng gian khổ nhưng đầy vinh quang của dân tộc.

Tháng 8-1954, Trường chuyển quân đến thành phố Quế Lâm (tỉnh Quảng  Tây). Hiệu trưởng lúc đó là  Đại đòan trưởng Đại đòan 312 Lê Trọng Tấn, chính ủy là Thiếu tướng Trần Tử Bình. Tại Quế Lâm từ 10-1954 đến 12-1955, Trường tiến hành đào tạo khóa 9  với số lượng 3000 học viên.

Với mục tiêu chuẩn bị xây dựng các đơn vị thể thao cho quân đội, trong thời gian đóng tại Quế Lâm, Hiệu trưởng Lê Trọng Tấn rất quan tâm xây dựng các đội bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, bắn súng. Lực lượng cán bộ, vận động viên  này là nòng cốt của đòan Thể công sau này.

Trong thời gian đóng quân tại Vân Nam và Quảng Tây, với sự giúp đỡ chí tình của nhân dân Trung Quốc, Trường  Lục quân Việt Nam  đã đào tạo 11 ngàn cán bộ quân sự. Đó là một cố gắng, một thành công rất có ý nghĩa trong việc góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến và xây dựng quân đội  trong thời kỳ hòa bình trên Miền Bắc.

Từ 1956 đến 1975, Trường mang tên Trường sỹ quan Lục quân, đào tạo hàng chục ngàn cán bộ cho quân đội, góp phần vào chiến thắng của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Sau 30-4-1975, Trường mang tên Trường sỹ quan Lục quân I, đào  tạo cán bộ  chỉ huy cấp phân đội có trình độ cao đẳng. Từ 28-10-2010, Trường đổi tên thành Đại học Trần Quốc Tuấn.

Từ ngày  khai giảng 26-5-1946 đến nay, Trường đã đào tạo hơn 100 ngàn cán bộ cho Quân đội nhân dân Việt Nam và hàng ngàn cán bộ  chỉ huy  cho các phong trào giải phóng dân tộc tại châu Á, Phi, Mỹ La-tinh.

Nhà trường có hơn  200  cựu  học viên được phong quân hàm cấp tướng, trong đó có thể kể đến các đồng chí Lê Ngọc Hiền, Vũ Lăng, Đỗ Trình, Đàm Quang Trung,  Đào Đình Luyện, Lê Khả Phiêu,  Đòan Khuê,  Phùng Quang Thanh… Nhiều cựu học viên được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động. Nhà trường được phong tặng  danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang.

Chúng ta - các cán bộ, giáo viên, cựu học viên nhiều thế hệ - tự hào về truyền thống vinh quang này.

Các đồng chí lão thành (nguyên học viên, cán bộ, giáo viên các khóa đầu tiên), các đồng chí cựu học viên  Trường sỹ quan Lục Quân 1 hiện đương chức, trong công việc của mình đã góp phần tô thắm lịch sử vinh quang của Đại học Trần Quốc Tuấn ngày nay.

Từ ngày hôm nay CLB truyền thống Lục quân Trần Quốc Tuấn phía Nam được thành lập. CLB hoạt động với tiêu chí: tri ân thế hệ cha anh, nghĩa tình đồng đội, giáo dục truyền thống và là cầu nối giữa các thế hệ cán bộ, giáo viên, cựu học viên. Xin các lão tướng cho phép lấy ngày 26/5 là ngày truyền thống của CLB.   

Xin kính chúc  các đồng chí  sức khỏe, hạnh phúc!

Hẹn  vào ngày này  năm sau, chúng ta lại gặp nhau.

Xin chân thành cảm ơn!


























Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Viết nhận xét, nếu chưa đăng kí, bạn có thể ghi tên mình (hoặc nickname) và xuống mục "Chọn 1 nhận dạng" nháy vào "Ẩn danh" rồi xuất bản nhận xét.