Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

Một số vật kỉ niệm về Trường LQ Trần Quốc Tuấn tặng lại Trường Đại học Trần Quốc Tuấn


Bài học về Bom nguyên tử.
Cựu học viên Vũ Diệu tốt nghiệp khóa 6 Lục quân VN tại Vân Nam, TQ; sau đó được giữ lại làm giáo viên, dạy tới k11. Ông giữ được nhiều kỉ vật ngày làm giáo viên, nay qua BLL xin tặng lại Nhà truyền thống Đại học Trần Quốc Tuấn.
Kỉ vật bao gồm:
1) Giáo án viết tay giảng bài “Cách ghi chép tình huống chiến đấu trên bản đồ của Phân đội" cho học viên khoá 11 (1957-1958).
2) Thước chỉ huy 3 cạnh bằng gỗ nhà trường phát cho giáo viên.
3) Vở ghi chép lớp tập huấn chiến thuật cho giáo viên trong khóa 10 (1957-1958).
4) Vở ghi chép lớp tập huấn môn địa hình quân sự cho giáo viên trong khoá 10.
Sau đây là thuyết minh của ông về xuất xứ các kỉ vật này.




Vở chép bài môn Hóa học.

Phần học Pháo binh.
Sau khoá 9, toàn Hiệu bộ trường Lục quân VN chuyển từ Quế Lâm (Quảng Tây – Trung Quốc) về Sân bay Bạch Mai – Hà Nội.
Hồi đó đây là khu quân sự, biệt lập với khu dân cư. Đi từ phía thôn Phương Liệt vào trường thì cơ quan Hiệu bộ và 5 khoa giáo viên nằm bên tay phải đường nhựa và đường xe lửa, gồm Khoa Giáo dục văn hoá (bổ túc cho học viên trước khi vào học chính khoá), Khoa Giáo dục chính trị, Khoa Chiến thuật, Khoa Kỹ thuật  và Khoa Hóa học (tiền thân của Binh chủng Hoá học). Bên trái đường nhựa và đường xe lửa là doanh trại học viên, sân tập điều lệnh đội ngũ và nhà ăn.
Tôi là giáo viên Khoa Chiến thuật.  Trưởng khoa là đồng chí Lê Dư.  Thời gian này, đối tượng tác chiến của quân đội ta là quân đội xâm lược Mỹ.  Vì thế tất cả giáo viên các Khoa Chiến thuật, Kỹ thuật, Hoá học đều được tập huấn lại theo chương trình do chuyên gia Liên xô giảng dạy.  Đồng chí Nguyễn Hoà thuộc Phòng Huấn luyện, nguyên học viên Võ bị khoá 1, được cử đi trực tiếp dự lớp học do chuyên gia và cố vấn Liên xô dạy rồi về tập huấn cho giáo viên. Hầu hết giáo viên các khoa cùng học lớp tập huấn này.
Chương trình tập huấn về chiến thuật có tên: "Chiến đấu Công – Phòng của quân đội, từ Quân đoàn trở xuống, trong điều kiện tập kích vũ khí nguyên tử và hoá học". Trong cuốn vở của tôi viết tay, ghi chép đầy đủ khi học lớp tập huấn này. 
Phần thứ hai của chương trình là tập huấn về 1 số vũ khí mới: súng trường tự động Si-mi-nốp (tức CKC), tiểu liên Klát-xnhi-kốp (tức AK), trung liên RPD, ống phóng B40 (hồi đó là mới với quân đội ta).
Chương trình môn học: "Địa hình quân sự và cách đo đạc bản đồ ngoài thực địa của cấp Phân đội" cũng nằm trong chương trình tập huấn. Tôi  ghi chép trong 1 quyển vở mà bên ngoài đề tên  “Sổ tay huấn luyện". Mỗi giáo viên được phát 1 thước chỉ huy 3 cạnh và 1 máy đo ly giác (máy này đã trả lại cho nhà trường).
Chương trình tập huấn đã được dùng 1 phần giảng dạy cho học viên, chủ yếu là khoá 11. Trên giáo án viết tay của tôi giảng cho khoá 11 có tên: "Cách ghi tình huống chiến đấu trên bản đồ của Phân đội", huấn luyện cách trinh sát địa hình, đo vẽ bản đồ ngoài thực địa và ghi tình huống chiến đấu trên bản đồ.  Hồi đó cách ghi phù hiệu quân đội đều dùng theo cách ghi của quân đội Liên xô, ví dụ: AK là quân đoàn, b là tiểu đoàn, otd là tiểu đội…
Trải qua hơn nửa thế kỷ  (từ khoá 10 đến nay đã 55 năm), nét chữ viết tay trong 2 cuốn vở này và  bản giáo án đều đã mờ. Xin tặng lại trường Đại học lục quân Trần Quốc Tuấn, xem  đây là 1 mốc đánh dấu sự trưởng thành về trình độ giáo viên  của trường Lục quân Trần Quốc Tuấn cách đây nửa thế kỷ, ở một thời kỳ lịch sử: thời kháng chiến chống Mỹ, khác  với thời kháng chiến chống Pháp (các khoá 6, khoá 7, khoá 8 và khoá 9).
Chúc nnhà trường cùng giáo viên phát triển  nhanh chóng vượt bậc, hơn về mọi mặt so với chúng tôi trong quá khứ.
-----
Ghi chú: Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn khoá 6 thực chất là 1 trường bách khoa, đào tạo sĩ quan cho nhiều binh chủng. Ngoài bộ binh còn có pháo binh, công binh gọi là Tiểu đoàn 5 ở Minh Hồ; thông tin, đặc chủng ở Đào Viên. Sau này một số khoa tách ra thành lập trường riêng như các trường Sĩ quan Công binh, Sĩ quan Pháo binh, Sĩ quan Thông tin...
Ngoài nhiệm vụ đào tạo, Lục quân khoá 6 còn bổ túc cho các sĩ quan trung cấp từ đại đội trưởng đến cấp trung đoàn, gọi là Tiểu đoàn  4 ở Dương Tôn Hải. Đoàn trưởng là Đàm Quang Trung và Chính uỷ là Đoàn Quang Thìn.
Vũ Diệu   ( K6– K11 trường Lục quân TQT, 1950-1958).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Viết nhận xét, nếu chưa đăng kí, bạn có thể ghi tên mình (hoặc nickname) và xuống mục "Chọn 1 nhận dạng" nháy vào "Ẩn danh" rồi xuất bản nhận xét.