Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

Hồi ký Bùi Ngọc Sách (tiếp)



Ngày khai giảng mưa như trút nước (sau biết là ngày 23/07/1949). Sân tập hợp toàn trung đoàn học viên lũng bũng nước. Cổng chào dựng cài lá thanh hao, chính giữa trên cao là cái huy hiệu lớn của trường Võ bị: Một thanh kiếm thẳng đứng cắm giữa ngọn lửa đỏ cháy rực. Đó là ý nghĩa luyện kiếm đào tạo võ quan (có vẻ Nhật).
Tất cả cờ quạt ướt lướt thướt, mùa mưa lớn bắt đầu. Rất nghiệm với lời của bài ca chính thức của trường do Lưu Hữu Phước sáng tác; mở đầu “Nhìn ngàn đám mây che mịt mù rợp trời…”. Mưa ở đầu nguồn là nước suối dâng rất nhanh, vì vậy tiểu đoàn 53 bên kia suối phải dùng bè đưa quân bơi sang để kịp giờ khai giảng. Trong vụ này lại một học viên bị trôi mất tích. Đó là những tổn thất đầu tiêncủa khoá học.



Toàn trung đoàn tập họp xong, làm các nghi thức quân sự đến lời khai mạc của Đại tá Hoàng Điền, các đại biểu đến d phát biểu. Đại biểu phụ nữ Liên khu 4 lên nhận đỡ đầu cho nhà trường… Cuối cùng thay mặt Hồ Chủ tịch, đại biểu Ủy ban kháng chiến Liên khu 4 lên trao lá cờ cho Đại tá Điền. Lá cờ thêu 6 chữ“Trung với nước, hiếu với dân”. Đến lượt diễu binh. Sau lá cờ vừa trao, toàn trung đoàn diễu qua khán đài do học viên dựng lên.


Tối đến, có điện từ máy nổ, anh em biểu diễn văn nghệ dưới ánh điện và cả ánh đuốc nứa. Các tiết mục đều do học viên tự biên, tự diễn như nhạc cảnh Lao công, các bài hát từ nhạc đến lời vui vẻ quấy đảo tuổi trẻ. Nhạc sĩ Tô Hải cho ra đời bài “Trường Lục Quân đang cần lính đánh Tây” lời rất thực, rất quân sự theo thể nhạc Swing rất là nhộn. Tôi trích vài câu:
“Trường Lục quân đang cần lính đánh Tây
Tớ vội vàng bỏ nhà ra đi ngay…
..
Vào trường Lục quân, tập nghề bắn súng
Nghiêm, đi đều, nhìn trước thẳng, đằng sau quay!
Rồi một hôm tới một miền đồi núi.
Không được văn minh lắm, rất vắng bóng người.
Đoàn vệ trọc ôi thôi từ bình minh đến tối,
xoay trần ra phạt núi, cuối đồi, vác tre”…


(Đến chỗ này cậu Phụng khi hát bèn đưa 2 tay lên miệng làm như thổi kèn, đế thêm tiếng kèn đồng … te… tè…te…tè…te, te!”. Anh em nghe tâm đắc vô cùng.
Anh Tô Hải, sau này lúc đã 70 tuổi, đến nhà tôi chơi nói lại: “Hồi đó buồn, chả có gì làm vui, sáng tác cho anh em cùng vui; hoá ra thành nhạc sĩ sau đó! Tôi là một anh lính làm nhạc sau đó làm nhạc cho lính”. Đúng thế, hồi học Lục quân làm nhạc, chỉ là làm cho nhau vui thôi!.” Cũng lúc đó khóa 5 ở Việt Bắc, Phạm Tuyên cũng là học viên Lục quân 5, cũng sáng tác, nhưng những bài của anh không đọng lại mãi mãi trong chúng tôi, đến 50 năm sau các “cụ” học viên cũ lên hát tập thể các bài của Tô Hải vẫn nhớ hết câu chữ, vẫn quậy đều! Và học viên sĩ quan Lục quân các khoá của năm 2008 vẫn cứ hát bài của Tô Hải hồi xưa.( Xem trong đĩa ghi hình lưu gửi anh Kiến Quốc ) .


Và đây nữa. Cái hôm về thăm lại nơi luyện rèn ở Rào Rộ xưa, năm 1993 mà tôi có nói, đoàn cựu học viên chúng tôi ghé thăm Ủy ban nhân dân huyện Thanh Chương. Các “cụ” đồng thanh hát tập thể bài “Trường Lục quân đang cần lính đánh Tây”. Khi nghe đến câu “rồi một hôm tới một miền đồi núi, không được văn minh lắm, rất vắng bóng người” thì ông chủ tịch huyện còn trẻ lắm cứ cười cười rồi phát biểu:
- Đúng là huyện chúng tôi còn vùng Hà Cháy là heo hút lắm, nhưng nói là không văn minhthì buồn cho chúng tôi quá. Lúc đó thế thật, nghe hát mà chúng tôi cảm thông cho các bác…
Đồng chí Hoàng Điền phải đỡ lời: Phải làm sao biến Hà Cháy là cháy khô thành Hà Tươi. Mọi người cười ồ…! Xoá tan không khí lắng xuống ấy.


Viết 06/08/1960 - Viết lại có bổ sung 25/11/2002












Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Viết nhận xét, nếu chưa đăng kí, bạn có thể ghi tên mình (hoặc nickname) và xuống mục "Chọn 1 nhận dạng" nháy vào "Ẩn danh" rồi xuất bản nhận xét.