Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012

Hồi kí Bùi Ngọc Sách


ĐOẠN    13   -   TRÊN ĐƯỜNG HÀNH QUÂN BỘ SANG DU HỌC TQ, KHOA THÔNG TIN LIÊN LẠC TRỞ THÀNH MỘT ĐẠI ĐỘI MẠNH, ĐI TIÊN PHONG TRONG CUỘC HÀNH QUÂN NĂM  1951, LÀM GƯƠNG CHO KHÓA 6 VÀ CÁC KHÓA HỌC TRUNG CAO CÙNG SANG VÂN NAM  NĂM ẤY .

Như đã nói Trung Quốc lúc này vừa được giải phóng nên tàn quân Tưởng Giới Thạch* còn tản mác trong rừng núi phá hoại. Ngày rằm tháng tám âm lịch này, chúng định đánh úp một đơn vị pháo binh của Quân giải phóng TrungQuốc ngay gần bệnh viện của trường chúng tôi, tạm đặt ở Nghiên Sơn. Ngày 02/09/1950, chúng tôi mừng Quốc Khánh Việt Nam tại đây (nhờ những mốc này sau này viết lại mà tôi dò tìm ra các ngày khác nơi khác cho hồi ký).


Do những bất ổn về an ninh trên đất Nghiên Sơn nên Trung đoàn quyết định đại đội (khoa) chúng tôi được tăng cường 4 trung liên Brno, 1 đại liên Hotchkiss, đủ súng trường cho mỗi học viên và được điều ra trấn thủ tại một vị trí tiền đồn ở đầu lối vào thị trấn. Bởi vì khoa (đại đội) chúng tôi là một đơn vị thuần tuý của khoá Lục quân 5 mà bây giờ đều đã trưởng thành là cán bộ cả, có thể tác chiến được.
Sống ở tiền đồn này khá hơn, có một giếng nước rất sâu phải dùng cần quay nhưng sạch sẽ. Trong những ngày ở đây, chi bộ họp quyết định rút ngắn thời gian dự bị cho tôi trước 6 tháng. Nhưng cuộc hành quân bận rộn tiếp nhiều việc nên nghị quyết đó không thực hiện được. Lúc này khoá 6 Lục quân đang vác vũ khí về nước, các cơ quan hiệu bộ phải chia nhau ra một phần phục vụ cho cuộc hành quân vác vũ khí, một phần tiếp tục lên địa điểm của trường thiết lập cơ sở để nhà trường chuẩn bị cho khai giảng khoá 6, chuẩn bị nhân sự cho bộ khung cán bộ khoá 6. Một bộ phận cán bộ khoá 5 phải phụ trách các đơn vị học viên khoá 6 vác vũ khí. Còn lại tiếp tục về trường để được học một khoá sư phạm trước khi về làm cán bộ khung cho khoá 6 (khi họ kết thúc nhiệm vụ vác vũ khí trở về trường).

Rời Nghiên Sơn, do được trang bị mạnh hơn và với lý do đã nói, Trung đoàn đưa đại đội chúng tôi đi đầu tiếp tục tiến lên Vân Nam; trong khi khoá 6 tiếp tục ở lại Nghiên Sơn vác vũ khí về Việt Nam. Vì cuộc Bắc tiến này gồm hỗn hợp học viên khoá 5 đã tốt nghiệp, sang Trung Quốc làm cán bộ cho khoá 6, và học viên khoá 6 sang Trung Quốc để học, phải quay về vác vũ khí phục vụ chiến dịch Biên giới, mỗi người mỗi ngả, mỗi nhiệm vụ. Trong hồi ký này tôi chỉ biết nói về phần của mình.
Là đơn vị đi đầu, chúng tôi được phổ biến qua tình hình: Ở đây địch còn lại hàng trung đoàn (hàng ngàn quân), đầy đủ súng cối, đại bác tối tân, nay chúng phân tán nhưng có khi hoạt động tập trung. Cũngvì vậy “bạn”* cho một Trung đoàn Quân giải phóng rải quân chốt trên các mỏm núi mà chúng tôi hành quân qua để bảo vệ.

 Từ đây đường mở rộng hơn, dân và phố đông hơn, tầm mắt nhìn rộng hơn, địa hình bằng phẳng và đường ô tô đã xuất hiện. Khoảng nửa tháng tiếp sau (nghĩa là đi khoảng 300 cây số) chúng tôi bước vào con đường cái ô tô để tới ga Khai Viễn. Sau đó trên đoạn đường này chúng tôi bắt đầu chứng kiến cảnh nhân dân Trung Quốc mở đầu cuộc cải cách ruộng đất và dần dần con đường đi xuống dốc.
Cảm giác hôm nhìn thấy ga Khai Viễn tôi còn nhớ. Sau mấy năm kháng chiến, sau mấy tháng hành quân rừng núi vắng bóng người, không biết gì đến xe cộ, ô tô. Người chúng tôi ù lì đi rồi thành quen với rừng, với núi, với những gì đơn giản, lùi về thời cổ hủ. Bỗng nhiên khi vượt qua một con dốc cao ló sang bên kia ở một khúc quanh thì dưới tầm mắt chúng tôi bày ra một khung cảnh khiến ai cũng sung sướng, phải reo lên: Một thung lũng bằng phẳng, rất xa là nhà ngói tây đỏ, ống khói vươn lên, vài khu nhà nhả khói - dấu hiệu hoạt động công nghiệp. Xe ô tô đi lại tuy còn rất ít. Đó là thành phố Khai Viễn, một thành phố cổ vừa nằm trên con đường sắt Lào Cai - Vân Nam (Côn Minh), mà nếu tới Côn Minh còn khoảng 1.500km đường xe lửa nữa.

Chúng tôi tự nhiên thấy khoẻ lên, hết sức phấn chấn. Tuy rằng nếu đi bộ cũng còn khá xa mới tới thành phố này. 
Tới Khai Viễn tấp nập, phố xá khang trang (dưới con mắt lạ lẫm của chúng tôi lúc đó). Chúng tôi đóng tại một trường học lớn. Đêm ấy, chúng tôi có một giấc ngủ yên lành dưới ánh điện, không một ai được phép ra khỏi hàng quân.
Thế nhưng sớm hôm sau có vẻ hơi thoải mái hơn khi chúng tôi rời ngôi trường để tới ga Khai Viễn, lên tàu ngược lên Côn Minh. Trong lúc chờ đợi ở sân ga, chúng tôi được phát mỗi anh 5 chiếc bánh bao nhân thịt. Những nhân viên nhà ga tò mò đứng nhìn chúng tôi, có người cười vẫy vẫy thân thiện, phần lớn có vẻ người Việt Nam(?). Nhưng chúng tôi không được phép tiếp xúc, và họ cũng chỉ dám đứng xa xa. Cũng có vài người đánh bạo xán lại gần, hỏi có phải bộ đội Việt Nam (à! ra đúng người Việt!), nhưng chúng tôi chỉ im như thóc. Họ có vẻ không hài lòng, giận chúng tôi vì cái mặt Việt này sao che được mắt họ - những người Việt đã lâu xa Tổ quốc, chưa biết đến ngày Độc lập ở nước nhà đã được 4 năm. Họ chưa có dịp trở về vì chiến sự, kém may mắn so với anh em tôi. Họ làm cho Pháp ở Quảng Châu Văn. Tôi cũng chợt liên tưởng về Hà Nội nơi có trụ sở to đùng của Công ty đường sắt Vân Nam toạ lạc trên đường Trần Hưng Đạo (nay là trụ sở Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải cùng làm việc, mà thời Pháp gọi là Chemin de fer Ha Noi – Yunanfu CFY) - Nhớ Hà Nội quá !

------ 
Chú thích:
* Trong Thế chiến II, Tưởng theo Mỹ, Mao Trạch Đông theo Liên Xô. Nhưng cả hai cùng đứng về một phe lớn: Anh, Mỹ, Nga, Tàu để đánh lại Nhật, Đức, Ý (phe trục). Khi "phe Trục" đầu hàng thì ở Trung Quốc là cuộc nội chiến Quốc – Cộng, Tưởng - Mao.
* Để chỉ Giải phóng quân Trung Quốc của Mao Trạch Đông.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Viết nhận xét, nếu chưa đăng kí, bạn có thể ghi tên mình (hoặc nickname) và xuống mục "Chọn 1 nhận dạng" nháy vào "Ẩn danh" rồi xuất bản nhận xét.