2 bài học ngược nhau của chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 và
chiến dịch CCRĐ 1953-1956
I)- Bài học của chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 : Bài học về tính độc lập tự chủ .
Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu ngày 13/3/1954 , kết thúc ngày 7/5/1954 , tại thung lũng Mường Thanh , Điện Biên Phủ.
* Lực lượng tham chiến của mỗi bên :
Trong chiến dịch này , phía quân đội liên hiệp Pháp có 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh , 2 tiểu đoàn pháo 105 mm , 1 đại đội pháo 155 , 2 đại đội cối 120 , 1 tiểu đoàn công binh , 1 đại đội tank 10 chiếc M24 Chaffee 18 tấn do Mỹ chế tạo , 1 đại đội 200 xe vận tải , 1 phi đội máy bay 14 chiếc ( chưa kể 42 máy bay yểm trợ ) . Số quân lúc cao điểm là 16.200 người . Chỉ huy trưởng là đại tá Christian de Castries ( sau lên Thiếu tướng ) , Tham mưu trưởng đầu tiên là Trung tá Louis Guth . Toàn bộ tập đoàn cứ điểm được tổ chức thành 3 phân khu ( Bắc , Trung tâm và Nam có sân bay Hồng
Cúm ). Mỗi phân khu có khả năng phòng ngự độc lập đồng thời yểm trợ cho nhau . Riêng phân khu trung tâm , diện tích khoảng 2 Km2 có 12 khẩu pháo 105 , 4 khẩu 155 , 24 cối 120 và 81 , số đạn dự trữ khoảng trên 10 vạn viên .
Phía bộ đội Việt Nam đã đưa hầu hết lực lượng chủ lực xung trận , với 11 trung đoàn bộ binh thuộc 4 đại đoàn ( 304 , 308 , 312 và 316 ) , 1 trung đoàn công binh , 1 trung đoàn pháo 105 , 1 trung đoàn pháo 75 và cối 120 , 1 trung đoàn cao xạ thuộc đại đoàn công-pháo 351 . Bộ chỉ huy chiến dịch có 4 người , gồm Tư lệnh là Đại tướng Võ Nguyên Giáp , Tham mưu trưởng là Thiếu tướng Hoàng Văn Thái , Chủ nhiệm hậu cần là Đặng Kim Giang và Chủ nhiệm chính trị là Lê Liêm . 4 Tư lệnh của 4 đại đoàn bộ binh là Lê Trọng Tấn ( 312 ) , Vương Thừa Vũ ( 308) , Hoàng Minh Thảo ( 304) , Lê Quảng Ba ( 316) . Quyền tư lệnh đại đoàn công-pháo 351 là Đào Văn Trường .
* Phương án tác chiến của phía Việt Nam :
Phương án ban đầu : được Tướng Giáp và Bộ chỉ huy chiến dịch phổ biến ngày 14/1/1954 là “ đánh nhanh , thắng nhanh “ trong 3 ngày 3 đêm tiến công ồ ạt đồng loạt , bắt đầu từ ngày 20/1/1954 ( sau hoãn lại đến 25/1/1954) . Phương án này đã được duyệt bởi trung ương ĐLĐVN , Quân uỷ trung ương , Bộ tổng tham mưu ,trùng khớp với ý kiến của Đoàn cố vấn quân sự trung ương Trung quốc .
Phương án chuyển đổi : do Tướng Giáp quyết định lại vào ngày 25/1/1954 là “ đánh chắc , tiến chắc “ , đánh dài ngày làm nhiều đợt không liên tục , đánh theo cách “ bóc vỏ dần toàn bộ tập đoàn cứ điểm “.
Tướng Giáp phân tích 3 lý do chủ yếu dẫn đến Phương án chuyển đổi là :
Thứ nhất : Cho đến thời điểm này , bộ đội chủ lực vẫn chưa thành công trong việc đánh các công sự nằm liên hoàn trong 1 cứ điểm ( ví dụ trận Nà Sản trước đó ).
Thứ hai : Đây là chiến dịch tác chiến hợp đồng binh chủng nhưng bộ binh và pháo binh chưa qua tập luyện và diễn tập hợp đồng .
Thứ ba : Bộ đội Việt Nam từ trước đến nay chỉ quen tác chiến ban đêm , ở những địa hình dễ ẩn náu , chưa có kinh nghiệm công đồn ban ngày trên địa hình bằng phẳng với đối thủ có ưu thế về hoả lực pháo binh , không quân và xe tank chi viện . Ở tầm chiến dịch thì quân Pháp phòng ngư trong lòng chảo thung lũng , bộ đội Việt Nam ở trên cao nhưng trong từng trận đánh thì quân Pháp phòng ngự trong các cứ điểm trên cao , bộ đội Việt Nam phải tấn công từ dưới lên. Để có thể xung phong tiếp cận hàng rào phòng thủ của Pháp , bộ đội Việt Nam phải vận động khoảng 200 mét qua địa hình trống trải dày đặc mìn và dây kẽm gai , phơi mình trước hoả lực rất mạnh của đối phương mà không được che chắn bởi xe thiết gíáp hoặc vật chướng ngại
Từ những lý do này , Tướng Giáp cho rằng Phương án “ đánh nhanh , thắng nhanh “ mang nhiều tính chủ quan , không đánh giá đúng thực lực mỗi bên do đó không thể bảo đảm chắc thắng . Trong Phương án thay thế không chỉ dùng cách đánh xung phong ồ ạt trực diện mà sẽ dùng cách đánh vây lấn dần , đào hào áp sát các cứ điểm của Pháp . Bộ binh được chiến hào che chở sẽ giảm được thương vong do hoả lực của pháo binh và không quân của Pháp và tạo ra được vị trí xuất phát xung phong gần nhất . Tuy nhiên , để thực hiện Phương án này , phải lui quân , kéo pháo về vị trí tập kết , bố trí lại trận địa pháo và tổ chức lại hậu cần đáp ứng nhu cầu đánh dài ngày . Về sau , Đoàn cố vấn quân sự Trung quốc cũng tán thành Phương án chuyển đổi này .
* Diễn biến chiến dịch trên thực địa : Chiến dịch được thực hiện làm 3 đợt .
Đợt 1 tấn công Phân khu Bắc , từ 13/3/1954 đến 17/3/1954 , kéo dài liên tục 5 ngày . Lực lượng tham chiến có đại đoàn 312 ( Tư lệnh là Lê Trọng Tấn , Chính uỷ là Trần Độ , Tham mưu trưởng là Hoàng Kiện ) tấn công trung tâm đề kháng Him Lam ( Pháp đặt tên là Béatrice ) . Trung đoàn 165 ( của 312) đột phá hướng chủ yếu và Trung đoàn 88 ( của 308) đột phá hướng thứ yếu , cùng tấn công trung tâm đề kháng Đồi Độc Lập . Trung đoàn 36 ( của 308) tấn công khu trung tâm Bản Kéo . Trung đoàn 57 ( của 304) kiềm chế pháo binh của Pháp ở Hồng Cúm . Ngày 14/3/1954 trung tâm đề kháng Him Lam và trung tâm đề kháng Đồi Độc Lập bị bộ đội Việt Nam xoá sổ . Ngày 17/3/1954 , binh lính người Thái ở Đồn Bản Kéo bỏ chạy vào rừng . Trung đoàn 36 chiếm được Đồn Bản Kéo mà không cần nổ súng .
Đợt 2 tấn công Khu trung tâm , từ ngày 30/3/1954 đến 30/4/1954 , kéo dài 1 tháng . Lực lượng tham chiến có đại đoàn 312 với nhiệm vụ tiêu diệt các cao điểm E , D1 và D2 . Đại đoàn 316 ( Tư lệnh là Lê Quảng Ba , Chính uỷ là Chu Huy Mân , Tham mưu trưởng là Vũ Lập ) vói nhiệm vụ tiêu diệt các cứ điểm đồi A1 ( Pháp đặt tên là Aliance ) , C1 và C2 . Trong các trận đánh này , bộ binh được đại đoàn công-pháo 351 trực tiếp yểm trợ . Đến ngày 31/3/1954 , quân Pháp chỉ còn lại cao điểm cuối cùng là đồi A1 . Các trận đánh trên đồi A1 diễn ra giằng co . Đôi bên đều phản kích chiếm lại nhiều lần . Nhiều đợt xung phong của bộ binh Việt Nam không vượt qua được hàng rào hoả lực từ hệ thống công sự ngầm kiên cố của Pháp . Để chống lại hoả lực từ các hệ thống cứ điểm phòng ngự kiên cố của Pháp còn lại rất mạnh ở khu trung tâm , bộ đội Việt Nam dùng “ chiến thuật vây lấn “ bằng 2 loại giao thông hào . Một loại dùng để cơ động pháo và chuyên chở thương binh . Một loại dùng để bộ binh tiến quân từ những vị trí trong rừng đổ ra cánh đồng Mường Thanh trống trải , ém sát vào các vị trí phòng ngự của quân Pháp . Các chiến hào đã hạn chế được thương vong do pháo binh và không quân Pháp bắn phá , ném bom , đồng thời tạo ra những bàn đạp xuất phát xung phong rất gần vị trí cố thủ của quân Pháp. Vòng vây bằng chiến hào xiết lại dần làm cho khoảng 50% hàng tiếp tế của quân Pháp bằng hàng không , trong đó có nhiều đạn pháo lớn , bị rơi vào trận địa của phía Việt Nam , được dùng để tấn công lại quân Pháp .
Đợt 3 từ 1/5/1954 đến 7/5/1954 , kéo dài 7 ngày đêm , nhằm tiêu diệt nốt các cứ điểm của Pháp còn lại và tổng tiến công . Toàn bộ 4 đại đoàn bộ binh đều tham chiến , gồm 312 , 316, 304 , 308 . Thay cách xung phong đánh chiếm cứ điểm , trận đánh Đồi A1 được giải quyết bằng cách đào đường hầm từ bên ngoài vào tận giữa Đồi A1 đặt 1 tấn bộc phá và cho nổ , phá huỷ toàn bộ hệ thống hầm ngầm của cứ điểm này . Sáng 7/5/1954 bộ đội Việt Nam chiếm được Đồi A1 .
Vào khoảng 5 giờ 30 phút chiều ngày 7/5/1954 , đại đoàn 312 báo cáo lên Tư lệnh chiến dịch :” Toàn bộ quân Pháp tại khu trung tâm đã đầu hàng . Đã bắt được tướng De Castries “. Chiến dịch kết thúc . Trong tổng số quân Pháp bị chết trận và bị bắt làm tù binh có 1 Thiếu tướng ( De Castries ) , 16 Đại tá và Trung tá , 353 sĩ quan từ cấp Thiếu uý đến Thiếu tá . Ngày 8/5/1954 Hội nghị Genève về Đông Dương bắt đầu họp .
* Sau này , Tướng Giáp nói với phóng viên về việc chuyển đổi Phương án tác chiến ở Điện Biên Phủ là một quyết định khó khăn nhất trong đời cầm quân của ông . Quyết định đó là 1 bài học cho các thế hệ sau này về sự tư duy sáng suốt , tính độc lập tự chủ , tài thao lược , lòng trung thành vô hạn đối với vận mệnh của dân tộc và tính trách nhiệm cao của vị Tư lệnh đối với sinh mạng của các Tướng lĩnh , sĩ quan và binh lính dưới quyền. Tướng Lê Trọng Tấn nói với báo chí khi phỏng vấn ông rằng : “ Nếu vẫn giữ phương án đánh nhanh , thắng nhanh thì một số trong chúng tôi – lời ông Tấn – không còn cơ hội để tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 “ . Tướng Pháp Navarre viết trong hồi ký :” Nếu Tướng Giáp tiến công vào ngày 25/1/1954 như đã dự định thì chắc chắn ông ta sẽ thất bại . Không may cho chúng ta , ông ta đã nhận ra điều đó “. Nhà báo Pháp Julle Roi viết :” Tướng Navarre bị đánh bại không phải do viện trợ của Trung quốc cho Việt Minh mà thất bại do hàng vạn chiếc xe đạp Peugeot thồ từ 200 đến 300 Kg hàng hoá của họ , được đẩy bằng sức người và thất bại do tài thông minh và ý chí của họ “. Tại Uỷ ban điều trần của Bộ quốc phòng Pháp , De Castries nói :” Người ta có thể đánh bại một quân đội nhưng không thể đánh bại cả một dân tộc “. Trả lời phóng viên nước ngoài , Tướng Giáp nói :” Giải phóng dân tộc là nghĩa vụ thiêng liêng của cả dân tộc Việt Nam . Chúng tôi đánh bại quân đội đế quốc hiện đại bằng tinh thần yêu nước của nhân dân và bằng chủ nghĩa anh hùng cách mạng . Vị tướng dù có công lao đến đâu cũng chỉ là một giọt nước trong biển cả “.
II )- Bài học về sai lầm của chiến dịch CCRĐ 1953-1956 : Bài học về sự để mất tính độc lập tự chủ.
Chiến dịch Cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam kéo dài 3 năm , từ 25/12/1953 đến 30/7/1956 , thực hiện qua 6 đợt , tại 3.314 xã , do ông Trường Chinh là Trưởng ban chỉ đạo chiến dịch . Cải cách ruộng đất nhằm “ Ruộng đất trở về với người cày “ là một đường lối hoàn toàn đúng .
Từ xưa đến nay , ở Châu Á , Châu Âu , Châu Mỹ đã có nhiều cuộc cải cách ruộng đất . Các cuộc cách mạng tư sản dân quyền đều đặt vấn đề chia lại ruộng đất cho nông dân nhưng không ở đâu cải cách ruộng đất theo cách của Stalin và của Mao Trạch Đông . Tình hình nông thôn của miền Bắc Việt Nam khi đó khác xa với Trung quốc về nhiều mặt , từ chính trị , kinh tế , mức độ chiếm hữu ruộng đất , sự phân tầng giai cấp và các tầng lớp nhân dân , tình hình các Đảng phái chính trị . Chẳng hạn theo kết quả khảo sát của chuyên gia Liên Xô , địa chủ cỡ trung bình ở miền Bắc Việt Nam chỉ sở hữu bình quân 0, 65 ha ruộng đất là mức diện tích ruộng đất rất thấp so với thế giới và so với nước Nga trước Cách mạng tháng Mười . Phần đông địa chủ ở Trung quốc đều có mối liên hệ với Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch là Đảng cầm quyền , còn ở miền Bắc Việt Nam hồi kháng chiến chống Pháp không như vậy và một số lớn địa chủ đã tham gia kháng chiến giải phóng dân tộc .
Để chuẩn bị cho chiến dịch , từ năm 1953 đã có 48.818 cán bộ cải cách được đào tạo theo kinh nghiệm của Trung quốc và một số trong đó đã sang Trung quốc học tập mô hình “ Thổ ty cải cách của Trung quốc thời kỳ 1946-1949 “ . Từ 1952 , Tổng cố vấn của Trung quốc về cải cách ruộng đất Hồ Kiều Quang cùng đoàn cố vấn CCRĐ đã từ Trung quốc sang khu kháng chiến Việt Bắc tham gia chỉ đạo CCRĐ ở miền Bắc Việt nam , truyền cho Ban chỉ đạo CCRĐ của Việt Nam phương châm “ Phóng tay phát động quần chúng “ , kinh nghiệm tổ chức “ bắt rễ xâu chuỗi “ , kinh nghiệm tổ chức
tố khổ , đấu tố và xử án địa chủ . Do bị tê liệt khả năng tư duy , tính độc lập tự chủ , Ban chỉ đạo CCRĐ của Việt Nam đã giáo điều tiếp thu và thực hành rập khuôn kinh nghiệm “ thổ địa cải cách “ của Trung quốc . Các cán bộ CCRĐ được tổ chức thành từng Đội , từ trên phái xuống các Xã . Xã nào đã có Đội CCRĐ thì Chính quyền sở tại bị đình chỉ công việc . Mọi việc đều do Đội CCRĐ nắm giữ . Ban chỉ đạo CCRĐ trung ương lại qui định khoán tỉ lệ địa chủ là 5% so với dân số nông thôn miền Bắc lúc đó và mỗi xã phải truy tìm được địa chủ ác bá phản động để xử tội chết nhằm cổ vũ khí thế đấu tố của nông dân . Đây là gốc rễ của mọi sai lầm và hậu quả của chiến dịch . Bước sang năm 1955 , các hiện tượng “ tố điêu “ phát triển do bị kích động hận thù và kích động lòng tham được chia của , “ tố oan nhằm kích thành phần cho đủ tỉ lệ địa chủ 5%” ( có tới 70% số người bị quy oan là địa chủ , phú nông ) , xử bắn địa chủ bừa bãi , đã dẫn đến tình trạng mất kiểm soát , vô chính phủ , gây nên tình trạng đối lập giữa các tầng lớp xã hội trong nông thôn , giữa cán bộ cũ và cán bộ được cất nhắc thông qua CCRĐ , xáo động tình hình xã hội và mất đoàn kết sâu sắc trong nông thôn . Mãi đến tháng 9/1956 , hội nghị trung ương ĐLĐVN lần thứ 10 mới công khai thừa nhận sai lầm và có chủ trương sửa sai . Tướng Giáp là người không dính líu gì đến sai lầm cải cách ruộng đất khi đó đã thay mặt Chủ tịch nước đọc báo cáo thừa nhận sai lầm và công bố chương trình sửa sai . Tuy vậy , trong báo cáo thừa nhận sai lầm vẫn chưa đánh giá đúng nguồn gốc sai lầm do tự để mất tính độc lập tự chủ , giáo điều thực hành rập khuôn kinh nghiệm CCRĐ của Trung quốc nên vẫn để lại di chứng này trong tư duy của một số không ít người ./.
Ghi chú nguồn tư liệu : Bài “ Chiến dịch Điện Biên Phủ “ ( 34 trang A4 ) , bài “ Cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam “ ( 11 trang A4 ) , tại Thư viện điện tử Bách khoa toàn thư .
This piece of writing presents clear idea designed for the new visitors
Trả lờiXóaof blogging, that truly how to do running a blog.
Also visit my site; Information About X Ray Technicians