Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

Kỉ niệm với cụ Hoàng Xuân Tùy, ghi nhận của thế hệ con cháu (KQ)


Tháp tùng Thiếu tướng Hoàng Dũng trong đoàn của Ban Liên lạc Lục quân Trần Quốc Tuấn phía Nam đến viếng cụ Hoàng Xuân Tùy, tôi không hỏi bồi hồi, tưởng nhớ... Không phải họ hàng gì nhưng tôi lại có một mối thân tình khá đặc biệt với cụ và gia đình.
Chuyện khá dài dòng vì cha chúng tôi (Thiếu tướng Trần Tử Bình) sinh thời, luôn công tác xa nhà; khi đó tụi tôi lại quá nhỏ (đứa lớn 14-15, đứa nhỏ mới 5-6 tuổi) phải đi sơ tán xa nhà vì chiến tranh nên ít có điều kiện được gần ông và nghe ông kể về cuộc đời hoạt động của mình. Năm 1967, cha tôi mất, các nguồn tư liệu về ông gần như chả còn.
Nhưng may thay, ngoài mẹ, chúng tôi còn có đồng đội, bạn bè, chiến sĩ của ông. Và qua họ mà chúng tôi biết về cuộc đời của cha. Cụ Hoàng Xuân Tùy cũng là một trong những nguồn tư liệu đó.

Chuyện cụ Tùy được cha tôi giới thiệu vào Đảng
Sau ngày 2/9/1945, cha tôi được giao nhiệm vụ cùng cụ Trương Văn Lĩnh tiếp nhận Trường Quân chính kháng Nhật (thành lập từ 15/4/1945 trên Chiến khu Việt Bắc) từ cụ Hoàng Văn Thái. Nhà trường chuyển về Hà Nội, đóng ở khuôn viên trường Trung học Đỗ Hữu Vỵ (gần Cửa Bắc Thành Hoàng Diệu).
Cụ Tùy cũng trong số chiến sĩ này vinh dự đón cờ của Bác. (Ảnh tư liệu mới tìm được ở Pháp 2010).
Từng tham gia Việt Minh Hoàng Diệu cướp chính quyền ở Hà Nội, tháng 10 năm ấy, cử nhân vừa tốt nghiệp Cao đẳng Công chính Đông Dương gia nhập quân đội quốc gia và được chọn đi học khóa đầu tiên của Trường Quân chính Việt Nam (tên mới của trường); sau khi tốt nghiệp ông Hoàng Xuân Tùy được giữ lại trường làm cán bộ khung.
Cuối 1945, vì tình hình chính trị phức tạp, Đảng Cộng sản Đông Dương phải tuyên bố “tự giải tán” và trường lần nữa phải đổi tên thành Trường Huấn luyện cán bộ Việt Nam. Đầu năm 1946, cụ Trương Văn Lĩnh mất, cha tôi vừa là giám đốc kiêm bí thư chi bộ. Từ một trí thức trẻ mới giác ngộ tinh thần yêu nước, nay Hoàng Xuân Tùy được giác ngộ về giai cấp, về Đảng, rồi được cha tôi giới thiệu kết nạp vào Đảng cùng đồng chí Phạm Ngũ Kiên; ít lâu sau là đồng chí Nguyễn Văn Bồng (sau này là chuyên viên cao cấp Bộ Tài chính) và đồng chí Triệu Huy Hùng (sau là thiếu tướng QĐNDVN). Bốn đảng viên trẻ ngày ấy là 4 đảng viên đầu tiên của nhà trường, đã sát cánh cùng các đảng viên đi trước Trần Tử Bình, Vương Thừa Vũ, Vũ Lập, Nguyễn Văn Sĩ xây dựng nhà trường đào tạo cán bộ chính quy đầu tiên của nước Việt Nam mới.
Tháng 4/1946, Hồ Chủ tịch kí quyết định đổi tên trường thành Võ bị Trần Quốc Tuấn, đào tạo cán bộ quân sự tiểu, trung đội với thời gian dài hơn - 6 tháng. Ngày 26/5/1946, khóa 1 của nhà trường được khai giảng tại Tông, Sơn Tây (doanh trại Trường Sĩ quan Xanh-xia cũ của Pháp). Chính trị viên trung đội Hoàng Xuân Tùy được vinh dự cùng hơn 300 cán bộ, giáo viên, học viên khóa 1 đón Bác cùng Bộ trưởng Quốc phòng Phan Anh, Chủ tịch Quân ủy hội Võ Nguyên Giáp đến thăm và dự lễ khai giảng. Tại đây, Bác đã trao cho nhà trường lá cờ thêu 6 chữ vàng TRUNG VỚI NƯỚC, HIẾU VỚI DÂN cho nhà trường.
(Chuyện này năm 2004, sau ngày cha tôi mất đã 37 năm, chúng tôi mới được cụ Hoàng Xuân Tùy kể lại cho nghe).

Người thư kí thân cận, sát cánh củng Võ Đại tướng
Trong lần đến thăm cụ Lê Trọng Nghĩa (đại tá, Cục trưởng Cục Quân báo từ 1950) chúng tôi được tặng bức ảnh tư liệu quý “Sở chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ đang họp trong hang ở bản Thẩm Púa”. Ông nhớ lại: Theo tin quân báo, đêm 19 và 20/1/1954, quân Pháp đã phát lệnh mở Chiến dịch Atlande đánh vào Tuy Hòa (vùng tự do Khu V Trung bộ). Sau khi hội ý, Đại tướng yêu cầu toàn bộ Sở chỉ huy phải ra mặt trận thị sát. Trưởng ban Tác chiến Đỗ Đức Kiên, Cục phó Cục 2 (Quân báo) Cao Pha cùng Thiếu tướng Hoàng Văn Thái - Phó tổng Tham mưu trưởng lập tức lên đường.
Theo phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” thì chỉ còn vài ngày nữa là tới “ngày N”. Các sĩ quan có mặt vây quanh bàn lớn đặt giữa hầm, trên trải tấm bản đồ lớn của chiến dịch. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang đưa tay chỉ vào các cứ điểm của địch.
Trong hang Thẩm Púa, Điện Biên trước ngày N.

Ở bìa phải tấm ảnh là Thiếu tướng Lê Thiết Hùng - Tổng Thanh tra quân đội (vừa được điều từ Trường Lục quân Việt Nam ở Trung Quốc về thanh tra chiến dịch), cạnh ông là Cục trưởng Quân báo Lê Trọng Nghĩa. Giữa Võ Đại tướng và ông Nghĩa là ông Lê Liêm - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Chủ nhiệm Chính trị mặt trận. Người đứng sau lưng Đại tướng là ông Trần Văn Quang – Cục trưởng Cục Tác chiến và ngồi kế bên là Cục phó Cục Bảo vệ Phạm Kiệt – người phát hiện ra sự trống trải, không an toàn của pháo binh mặt trận, được Võ Đại tướng đánh gía “phát hiện này của Cục Bảo vệ đã tránh được tổn thất rất lớn cho bộ đội ở mặt trận”.
Trưởng ban Tuyên huấn kiêm Tổng biên tập Báo QĐND tại mặt trận Hoàng Xuân Tùy ngồi ngay đầu bàn bên phải, không xa Đại tướng (sát ống kính máy ảnh). Ông có nhiệm vụ nắm bắt tình hình chiến sự và nhanh chóng chuyển tải quyết tâm chiến đấu xuống tới các đơn vị qua những tờ báo in tại mặt trận.
Sau hội nghị này, trong đêm 25/1/1954, Võ Đại tướng đã quyết định chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Đám cưới tại mặt trận Điện Biên Phủ
Giữa cái sống và cái chết, giữa không khí nóng bỏng của chiến tranh, tình yêu vẫn nảy nở và tại mặt trận có một “đám cưới lịch sử” của Chỉ huy Sư đoàn cấp phó Hoàng Xuân Tùy với diễn viên Song Ninh. Hai người yêu nhau đã mấy năm nhưng vì chiến tranh mà nguyện vọng ấy chưa được thực hiện. Vì thế cán bộ, chiến sĩ trong đại bản doanh rất ủng hộ và cặp uyên ương xin phép tổ chức đám cưới ngay tại Mường Phăng. 
Võ Đại tướng Nguyên Giáp nghe tin vui về người cán bộ từng là thư kí của mình đã giơ tay ủng hộ. Anh em phân công nhau đi chặt tre nứa về dựng một cái lều nhỏ núp dưới tán cây rừng, bên một bờ suối trong khu Sở chỉ huy chiến dịch. Cơ quan hậu cần cho mượn một cái dù lớn do máy bay địch thả đồ tiếp tế xuống mà ta thu được, căng lên làm rạp cho hôn lễ. Chủ hôn là Chủ nhiệm Chính trị mặt trận Lê Liêm. Đại tướng hôm đó cũng có mặt chia vui.
(Thật cảm động, hôm đến viếng cụ, tôi gặp cả anh Trịnh Thành Công, con trai của Chủ nhiệm Lê Liêm – vị chủ hôn cho đám cưới tại mặt trận hôm nào).

Chuyện quanh đám tang
Chúng tôi là những người sớm nhất nhận được tin buồn từ Hoàng Lê Minh, con trai cụ. Minh không quên dặn: “Anh dặn mọi người miễn điếu chấp. Ba em đã dặn thế khi cụ còn sống”. Thật cảm phục sự giản dị, thanh bạch của cụ - trước khi đi xa không muốn làm phiền đến mọi người.
Đọc cáo phó thấy cụ sẽ an táng ở Nghĩa trang thành phố ở Củ Chi, cũng có thắc mắc: cả cuộc đời cống hiến như thế, lẽ ra cụ có tiêu chuẩn an nghỉ trên Thủ Đức, sao lại…? Nhưng đâu có phải vậy. Cụ bà, nữ diễn viên Song Ninh yêu quý đã yên nghỉ cùng một vài người thân trong họ hàng tại Củ Chi nên cụ ông đã chọn trước chỗ hậu sự cho mình. Có gì hạnh phúc hơn khi đã về cõi Vĩnh hằng vẫn được gần bên người thân.
Đọc danh sách ban tang lễ thấy có Trung tướng Hoàng Nghĩa Khánh - cựu học viên khóa 1 Võ bị Trần Quốc Tuấn, chiến sĩ của Chính trị viên trung đội Hoàng Xuân Tùy tháng 5/1946, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến BTTM, tuổi cũng đã 90 - là phó ban; tôi mới hiểu cụ đã sống thế nào!

Và bài này đã được đăng trên Báo điện tử Dạy & Học!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Viết nhận xét, nếu chưa đăng kí, bạn có thể ghi tên mình (hoặc nickname) và xuống mục "Chọn 1 nhận dạng" nháy vào "Ẩn danh" rồi xuất bản nhận xét.