Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

Ghi chép: Thời kì Trường Lục quân ở TQ 2 (Vũ Diệu)

Hồi đó, Trưởng phòng Chính trị là cụ Lê Chiêu, Trưởng ban Cán bộ là cụ Đỗ Thi, Trưởng ban Tuyên Huấn là cụ Vũ Anh Tài (người kế nhiệm là cụ Nguyễn Đồng), Phó ban Tuyên Huấn là cụ Từ Thức. Trưởng phòng Huấn luyện là cụ Đỗ Trình (người tiền nhiệm là cụ Trương Trung Phụng, nhưng không sang Vân Nam). Chủ nhiệm Tổng vụ Cổ là cụ Phan Thái, mang cấp bậc Chính ủy trung đoàn. Đại đội trưởng đại đội cảnh vệ là ông Châu, nguyên học viên khóa 5 đã tốt nghiệp. Trưởng Bệnh xá của trường là bác sĩ Chương. Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn học viên số 3 là cụ Trương Cao Phong.


Khu Đào Viên là nơi đóng quân của Tiểu đoàn học viên bộ binh số 2 và gần đó là doanh trại của đại đội Binh khí đặc chủng (đại liên và trọng liên).
Khu Minh Hồ có doanh trại của Tiểu đoàn học viên số 5, gồm đơn vị binh chủng pháo binh 75 mm và 105 mm; đơn vị binh chủng công binh, đơn vị binh chủng thông tin và đại đội học viên sĩ quan hậu cần.
Khu Dương Tôn Hải có doanh trại của Tiểu đoàn học viên số 4 là các học viên sơ cấp và trung câp, có cấp bậc từ đại đội đến trung đoàn.
Khu doanh trại Minh Hồ nằm gần chợ Minh Hồ, nơi có dòng suối nước nóng chảy qua. Luôn luôn có hơi nước nóng bốc lên từ mặt suối. Người dân quanh nơi đây thường đem gà vịt đến nhúng xuống suối để dễ nhổ lông. Khu doanh trại Dương Tôn Hải nằm trên bờ 1 cái hồ rất rộng, có tên là hồ Dương Tôn Hải, đã từng là căn cứ thủy phi cơ của quân đội Tưởng Giới Thạch.


Khóa 6 có nhiều tên tuổi lớn :
Trong số các cán bộ cấp cao của Trường có:
- Cụ Trần Tử Bình là Thiếu tướng được phong hàm đợt đầu, sau này là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại CHND Trung Hoa.
- Cụ Lê Thiết Hùng trước khi là Thiếu tướng của Việt Nam đã từng là Tướng binh chủng thiết giáp của quân đội Tưởng Giới Thạch.
- Cụ Đàm Quang Trung, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn học viên số 4, từng là Tướng bộ binh của quân đội Tưởng Giới Thạch.
- Cụ Trương Trung Phụng (nguyên Trưởng phòng Huấn luyện) từng là đại tá của quân đội Tưởng Giới Thạch. Mộ cụ Trương Trung Phụng hiện đặt tại Nghĩa trang Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. (Cụ Nguyễn Xuân Hòa, trưởng ban liên lạc khóa 5 đã đến thăm mộ cụ Trương Trung Phụng).
- Cụ Ung Răng phụ trách đơn vị học viên công binh khóa 6, nguyên là kỹ sư cầu đường được đào tạo tại Pháp, sau này cụ là Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Công binh.
- Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn học viên bộ binh số 3 là cụ Trương Cao Phong, đã được đào tạo bài bản từ trường võ bị của Pháp, đã từng là Thiếu tá, đại diên của Việt Nam trong Ban Liên kiểm Việt – Pháp năm 1946.
- Trưởng ban Tuyên Huấn khóa 6 là cụ Vũ Anh Tài, sau này là Trưởng ban Lễ tân Bộ Quốc phòng và là chồng của nữ anh hùng quân đội Nguyễn Thị Chiên. Người kế nhiệm cụ Vũ Anh Tài là cụ Nguyễn Đồng, đảng viên cộng sản hoạt động trong Đảng Dân chủ, sau này cũng về Bộ Quốc phòng .

Trong số các học viên khóa 6 có:
- Đặng Xuân Kỳ, con trai trưởng của cụ Đặng Xuân Khu (tức Trường Chinh), thỉnh thoảng lên thăm và xin tiền của cụ Bình. Nghe nói sau này Đặng Xuân Kỳ là nhà lý luận, “suýt nữa" được là Viện trưởng Viện Mác – Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh.
- Tạ Đình Đề là học viên tiểu đoàn số 4, đã được đào tại Trường Gián điệp Hoa Nam của Tưởng Giới Thạch, từng được làm cận vệ cho cụ Hồ khi cụ hoạt động ở vùng Hoa Nam. Dương Tôn Hải vốn trong địa bàn hoạt động xưa kia của Tạ Đình Đề, có quan hệ quen biết rộng nên không chủ nhật nào Tạ Đình Đề có mặt tại doanh trại tiểu đoàn 4.
- Doãn Nho là học viên tiểu đoàn bộ binh số 2, tác giả bài hát “Bà mẹ nuôi người Trung Quốc“ , đã được phổ biến rộng toàn trường, đồng thời cũng là tác giả bài “Noi gương Anh Mô“ (sáng tác theo đơn đặt hàng. Anh Mô là cách gọi của Cố vấn, Mô tức là Mô Phạm, chỉ những quân nhân có nhiều thành tích thi đua xuất sắc về các mặt đoàn kết, công tác, kỷ luật và tiết kiệm. Bài hát có đoạn “đoàn, công, kỷ, tiết, bao việc chung anh đều hơn. Đón chào Anh Mô trong phong trào chiếm công đầu. Noi gương Anh Mô. Ngày vui khánh cộng, tưng bừng đón chúc Anh Mô“, được dùng trong các buổi “khánh công“ (tức là tuyên dương) chiến sĩ thi đua của trường và của các tiểu đoàn.
- Ngô Xuân Quýnh là học viên bộ binh khóa 6, sau này là thành viên của Đội bóng đá Thể Công rồi làm Chủ nhiệm CLB thuộc Bộ Quốc phòng.
- Tý Bồ (anh vợ cụ Đỗ Trình) và Thông - nguyên là danh thủ bóng đá của xứ Bắc Kỳ thời thuộc Pháp.


Khóa 6 nổi tiếng so với các khóa khác về sinh hoạt văn nghệ, viết báo và thể thao, nhất là môn bóng đá với những danh thủ Tý Bồ, Thông , Quýnh và Bảo Tân (cán bộ khung của khóa 6).


(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Viết nhận xét, nếu chưa đăng kí, bạn có thể ghi tên mình (hoặc nickname) và xuống mục "Chọn 1 nhận dạng" nháy vào "Ẩn danh" rồi xuất bản nhận xét.