Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

MỘT THỜI TRƯỜNG LỤC QUÂN Ở TRUNG QUỐC (Kỳ 1) - NGUYỄN XUÂN HÒA

Tự giới thiệu :
Nguyễn Xuân Hòa tốt nghiệp khóa 5 Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, theo trường sang Vân Nam làm cán bộ khung các khóa 6, 7, 8. Nay là Trưởng ban liên lạc khóa 5 Trường lục quân TQT tại Saigon , cán bộ tham gia tiền khởi nghĩa. Năm nay ( 2015 ) đã có 65 năm tuổi Đảng .
Bài này bổ sung bài viết của bạn Vũ Diệu (khóa 6) .

Kỳ 1 có các phần : Bối cảnh khi chuyển trường từ Việt Bắc sang Vân Nam – Đường hành quân qua biên giới -
Câu đố vui dành cho các bạn từ khóa 1 đến khóa 10 .

* * *

Trước khi Trường ta chuyển từ Việt Nam sang học nhờ bên Trung Quốc,
Về phía ta , cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã bước sang giai đoạn chuẩn bị tổng phản công . Quân đội lúc đó có nhu cầu rất lớn về cán bộ quân sự các binh chủng lục quân có chát lượng cao , do đó số lượng tuyển sinh từ khóa 6 nhiều gấp bội so vói các khóa trước , huy động toàn lực các nguồn tuyển chọn từ tất cả các trường trung học ở Việt Bắc và các vùng kháng chiến trên miền Bắc .
Khóa 4 và khóa 5 là các khóa đi trước, học ở Thái Nguyên , thả sức tung hoành trên đất nhà nhưng bị địch luôn luôn tìm kiếm bắn phá , ném bom và đã có thương vong Hồi đó có lán trại do học viên tự xây dựng tập trung , xung quanh khu vực Sông Công , Núi Guộc nhưng đều là tạm bợ . Vùng căn cứ kháng chiến đang bị địch bao vây . Kinh tế thiếu thốn đủ mọi bề , thiếu từ gạo , muối đến các trang bị khí tài . Mỗi đại đội học viên chỉ có vài khẩu súng thật , nhưng đã cổ lỗ sĩ ( súng trường mousqueton , trung liên Breno , lựu đạn …) , còn lại đều là súng giả , lựu đạn giả bằng gỗ tự đẽo ( mà phải coi như thật , khi đi ăn cũng phải đem theo ) . Bàn ghế của học viên là các tấm bảng nhỏ buộc ghép vào chiếc ghế nhỏ bằng gỗ để làm bàn học , đeo lưu động trên lưng .




Về phía bạn : GPQTQ vừa giải phóng Hoa Nam , mới ổn định . Dân chúng đang hồ hởi đón chế độ mới và được sinh sống trong hòa bình . GPQTQ đã tổng kết kinh nghiệm tác chiến , kỹ – chiến thuật đánh vận động , đánh công kiên .
Khu doanh trại phía bạn dành cho Trường ta là 1 căn cứ quân sự lớn của quân đội Tưởng Giới Thạch ở phía tây-nam thành phố Côn Minh của tỉnh Vân Nam , có trung tâm chỉ huy ở Phụng Minh Thôn ( sau là nơi đặt Hiệu Bộ ) , các doanh trại của các tiểu đoàn ( quy ước từ nay gọi các tiểu đoàn là các d , khóa học là K ) nằm rải rác trên 1 vòng cung từ Đào Viên đến Phụng Minh Thôn – Minh Hồ và Dương Đông Hải . Tại Đào Viên có 1 công binh xưởng cũ của quân Tưởng và hầm tránh bom ( hồi K7 , d của tôi đóng quân tại đây – NXHòa) . Tại khu trung tâm có sân vận động lớn , đủ sức chứa để tập họp trên 1 trung đoàn . Nhìn chung giao thông khá thuận tiện , có đường bộ cho xe tải nối giữa các doanh trại của các tiểu đoàn , Ga xe lửa ( ở Phụng Minh Thôn ) , nơi đậu thủy phi cơ ( ở Dương Đông Hải ). Thao trường để học viên tập luyện thì nhiều và rộng , có đủ các loại địa hình : đồi núi để tập đánh vận động ; thị trấn , làng mạc để tập đánh công kiên .


Cuộc hành quân sang nước bạn 
Khi Trường ta từ Thái Nguyên sang Vân Nam , vùng căn cứ kháng chiến bao gồm cả các tỉnh Phú Thọ , Tuyên Quang , Hà Giang nhưng chỉ có Hà Giang là cửa ngõ duy nhất có thể sang Trung Quốc . Lên đến biên giới thuộc Hà Giang là vùng cổ lọ , từ đó vượt qua thượng nguồn sông Lô để sang Trung Quốc . Từ đây là con đường độc đạo nhỏ hẹp , liên tiếp gặp núi đá . Các tiểu đoàn học viên K6 và Hiệu Bộ trước tiên phải qua chiếc cầu Thanh Thủy là chiếc cầu biên giới rồi vượt dốc Cổng Trời để sang phía đất bạn . Cầu Thanh Thủy là chiếc cầu treo cũ kỹ , dùng dây song để thay cáp , căng giữa 2 mố cầu bê tông . Mặt cầu trải ván , có người đi trên cầu thì rung rinh , lắc lư . Nhiều đoạn thiếu ván , không đi được phải bò lổm ngổn , nhìn xuống khe thật rợn tóc gáy . Qua cầu Thanh Thủy là dốc Cổng Trời , 1 con dốc vừa dài vừa dốc đến mức có những đoạn , nếu người đi trước vô ý có thể đá gót chân vào mũi người leo sau . Đường đã dốc lại dài , nói theo cách đo cự ly của người dân tộc thì phải “ dài đến vài trăm quãng dao “ ( họ đứng 1 chỗ , dùng toàn lực quăng 1 con dao đi rừng về phía trước . Dao rơi chỗ nào thì tính từ chỗ đó đến chỗ đứng ném là 1 quãng dao ) . Ai đi ngựa đến quãng này cũng phải xuống ngựa đi bộ cùng với ngựa . Mấy đợt học viên K6 hành quân vác vũ khí về nước đều phải qua lại quãng đường này , trong khi vai vác nặng đến hụt thở ( thế mà nhà soạn nhạc Đỗ Nhuận dám sáng tác là đèo không cao , dốc không cao đấy !). Tuy vậy , học viên nhà ta , trên đường hành quân , qua các thị trấn , có ối chuyện dí dỏm , lúc đó thì hầu như họ quên hết mệt , tuổi trẻ mà !
Tôi đã đọc bài của bạn Vũ Diệu . Xin được đính chính vài chỗ : K8 có học viên được tuyển từ Việt Nam sang . Số lượng bao nhiêu thì không nhớ nhưng tôi có tham gia cuộc tuyển sinh K8 . Theo phiên âm từ tiếng Hán thì thị trấn Sin Cai ( chứ không phải là Siêng Cai ) , hồ Dương Đông Hải ( chứ không phải Dương Tôn Hải ) , Ga Khai Viễn là ga xe lửa đầu tiên trên đường hành quân sang Trung Quốc .
Ga Khai Viễn nằm trong 1 khu đô thị sầm uất . Tại đây có nhiều Việt Kiều . Họ sang đây từ thời thuộc Pháp , được tuyển mộ sang xây dựng tuyến đường xe lửa Hải Phòng – Hanoi – Lao Cai – Khai Viễn – Côn Minh , rồi định cư ở đây . Việt Kiều ở Khai Viễn rất yêu nước . Không hiểu vì sao nhiều Việt Kiều biết “ lính ta “ từ Việt Nam sang , đến Ga Khai Viễn rồi đi xe lửa đến hướng Côn Minh . Nhiều người đã chờ ở Ga trước 1 ngày để đón , mang theo quà bánh . Vì kỷ luật tuyệt đối giữ bí mật cuộc hành quân này nên “ lính ta “ chỉ lắc đầu và nói vài tiếng Hoa bồi :“ pú-tủng , uổ sư Leng Quảng rẩn “ ( không biết , tôi là người Lưỡng Quảng ) . Bị từ chối, nhiều Việt Kiều tủi thân , trách móc . Có bà mẹ khóc và chửi :” Tao biết chúng mày là bộ đội Việt Nam rồi . Chúng mày không muốn nhận đồng bào hay sao “. Nghe thật cảm động .
Đến đây đã khá dài . 
Trước khi kết thúc kỳ 1 , xin đố các bạn , từ khóa 1 đến khóa 10 câu hỏi sau “ Mỗi khóa có những điều gì là nhất ?”.
Chúng ta cùng đoán và cùng tìm câu trả lời trong kỳ sau .


Kỳ sau tôi sẽ viết tiếp các phần : Cái rét ở Vân Nam – Học tiếng Tầu – Giữ bí mật – Chuyện vui về “ Ông Hòa đen “ -Chuyện ngắn về đại tá Trương Trung Phụng , Tạ Đình Đề , Cao Tử Dũng gặp cụ Trần Tử Bình - Quan hệ Việt Trung -một số bài hát đã vào dĩ vãng nhưng rất đáng nhớ .
Chào các bạn và hẹn gặp lại .


NGUYỄN XUÂN HÒA

1 nhận xét:

  1. Cảm ơn chú Nguyễn Xuân Hòa và chú Vũ Diệu. Những tư liệu này rất quý. Trần Việt Trung đang viết sách về cha cháu sẽ sử dụng những tư liệu này.

    Trả lờiXóa

Viết nhận xét, nếu chưa đăng kí, bạn có thể ghi tên mình (hoặc nickname) và xuống mục "Chọn 1 nhận dạng" nháy vào "Ẩn danh" rồi xuất bản nhận xét.