Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2015

Trích giới thiệu Hồi ký của Đinh Công Thâu, nguyên học viên khoá 6 trường Lục quân Trần Quốc Tuấn (phát hành năm 2001 với tên cuốn sách "Đời Lục quân:") - Vũ Diệu

Lời tác giả: Tôi viết hồi ký này để tặng các anh cán bộ khung của khóa 6 và tặng các bạn cùng khóa , cùng lưu niệm về quãng đời học viên sĩ quan lục quân khóa 6 cùng với nhửng tình cảm đẹp mà chúng ta đã được nhận.
***********
Cuộc hành quân từ nơi nhập ngũ đến nơi tập kết để đến trường lục quân
Tôi được Ban tuyển quân tiếp nhận tại trường học văn hóa , theo tuổi tôi tự kê khai là 18 nhưng tuổi thực của tôi là 17 và đang học năm thứ ba trường trung học Nguyễn Du của tỉnh Thái Bình . Khi đó tôi đang ở cùng bố mẹ và 1 em gái 9 tuổi . Hai người anh đã thoát ly gia đình . Ngày lên đường dân làng đưa tiễn rất đông . Ngày đó vào tháng 1/1950 .


Chúng tôi vượt sông Hồng ở bến đò Nhật Tân vào ban đêm để tới Cầu Không . Qua sông vẫn là vùng tự do thuộc tỉnh Hà Nam . Chúng tôi dừng lại ở Bích Tri . Sau khi vượt qua sông Hồng , đội ngũ của chúng tôi đã thiếu hụt khoảng một phần ba quân số do bỏ cuộc . Từ Bích Tri chúng tôi qua cầu phao Quế Sơn rồi Chợ Dầu . Chợ Dầu là một điạ điểm dân cư đông đúc , phần lớn là người tản cư . Đại đội trưởng của chúng tôi là anh Thiên , Chính trị viên là anh AnTâm , trung đội trưởng là anh Tô Linh . Anh Tô Linh vừa tốt nghiệp từ trường quân chính Khu 3 . Từ Chợ Dầu chúng tôi tiếp tục hành quân đến Sếu . Giáp Tết Canh Dần ( 1950 ) thì đến Tế Tiêu rồi đến Chợ Bến , Đồn Vàng , Hoàng Xá . Hoàng Xá là cửa ngõ của chiến khu Việt Bắc , tiếp giáp giữa Việt Bắc và Khu 3 , Khu 4 . Tại Hoàng Xá có 1 dãy phố nhỏ đông đảo người Hanoi tản cư về , tràn ngập các hàng hóa lúc đó gọi là xa xỉ phẩm . Giữa mùa Xuân năm đó chúng tôi vượt đường số 6 ( người ta gọi là con đường chết vì bất thần địch rót đạn ô-buy xuống lúc nào không biết trước ) rồi đến thị trấn Vũ Ẻn , nằm ven sông Thao .Tới đây , chúng tôi được bàn giao cho các cán bộ của Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn để hành quân tiếp đến trường . Vài ngày sau chúng tôi tới địa điểm của Trường ở Thái Nguyên . Tại đây chúng tôi được phân tán rải rác ở các lán trại trong rừng . Trại gồm những nhà lán dài , bán mái , lợp bằng cỏ gianh . Tường bằng phên nứa . Sàn nằm là các ống bương ghép lại , bên trên trải bằng các thanh bương đập dập . Từ trong lán có thể nhìn ra Núi Guộc và Sông Công .
Lễ khai giảng khóa 6 được tổ chức vào ban đêm , trên một bãi rộng . Dưới ánh sáng đuốc bằng nứa chúng tôi thấy có mặt Đội nhạc binh . Sau ngày khai giảng là những ngày học đội ngũ . Tại đây đại đội tôi đã bị máy bay khu trục của địch oanh tạc , thương vong 2 học viên . Sạp nứa là nơi tiểu đội chúng tôi vẫn nằm bị đạn trọng liên của máy bay xé nát . Đại đội tôi phải di chuyển sơ tán vào Làng Ngòi , phân tán trong nhà dân . Tôi được biên chế vào Trung đội 8 , đại đội 3 , tiểu đoàn 324A. Lúc này trung đội trưởng của tôi là anhVi Văn Đức , đại đội trưởng là anh Đôn Tự , tiểu đoàn trưởng là anh Sơn Xuyên . Hàng ngày chúng tôi hành quân ra rừng từ sáng sớm , luyện tập và ăn trưa ở thao trường , đến đêm mới về nhà . Chúng tôi đã được học các môn cơ bản và bước đầu học chiến thuật bộ binh cấp tiểu đội và trung đội . Trong số các thầy có thầy Báu nguyên là một sĩ quan Nhật .
Những điều nhớ nhất trong thời gian này là đói . Thường xuyên đói . Và rét . Chúng tôi vốn là lính đồng bằng . Cái rét ở Việt Bắc thật là ghê gớm trong khi mỗi học viên chỉ có 1 chiếc áo trân thủ và 1 chiếc chăn trấn thủ mỏng .
Là học viên khóa 6 , khi còn học trong nước , có lẽ không ai quên những hình phạt của các cán bộ khung . Sau này kể lại cho con cháu chúng ta nghe chắc chúng không thể hình dung nổi tại sao quân đội nhân dân lại có các hình phạt đó ; chúng không những hành hạ về thể xác mà còn nhục mạ học viên về tinh thần . Nhiều cán bộ đã nổi danh với những hình phạt thật quái ác . Trong số đó có thể kể đến là các ông Thạch Đen , Công Võ Hiển , Lê Tam . Có những hình phạt rất kỳ cục như bắt học viên dùng tăm đo chiều dài cái sân . Hình phạt “ đại chúng “ nhất là bắt lăn , lê , bò , toài . Có khi phải bò mấy vòng đồi . Riêng ông Công Võ Hiển lại thích phạt học viên trước mặt các cô gái . Học viên rất căm ghét ông và cho rằng ông ta bị mái xùy . Ông Thạch Đen thì phạt bằng cách bắt học viên nằm xuống đất liếm nước bọt . Do nổi tiếng sáng tạo ra các loại hình phạt , ông đã bị chính một số học viên khóa 5 cho một trận đòn cảnh cáo .
Một điều nữa tôi còn nhớ trong thời gian này là đón ông Leo Figuerre UVTU ĐCS Pháp . Đêm đó là đêm lửa trại có rất đông học viên với các tiết mục múa , hát , kịch tự biên tự diễn . Ông đã cùng cán bộ nhà trường đi duyệt các đơn vị và đã tận tay kiểm tra cơ bẩm khẩu súng Indochinoise của 1 học viên xem có lau chùi sạch sẽ không và ông ta đã khen học viên này .
Hành quân sang Trung Quốc
Vào cuối mùa hè năm 1950 , chúng tôi bắt đầu hành quân sang Trung Quốc . Ban đầu tiểu đoàn trưởng Sơn Xuyên chỉ nói đây là 1 cuộc hành quân dã ngoại . Nhưng đội ngũ cứ tiến dần lên biên giới , qua Bờ Dậu , Đại Từ , huyện Sơn Dương , sang Tuyên Quang . Đến Bình Thuận thuộc Tuyên Quang , đơn vị nghỉ lại chừng 1 tuần . Về sau mới biết lúc đó phải chờ kết quả giải quyết 2 vấn đề lớn : Một là chờ kết quả làm việc cụ thể trực tiếp với Bạn ( QGPTQ ) . Hai là chấn chỉnh nội bộ trước khi sang đất Bạn . Mọi hình phạt quân phiệt phải chấm dứt . Từ Tuyên Quang chúng tôi hành quân theo dọc đường cái rải nhựa lên Hà Giang , đi qua Bắc Quang , Bắc Mục , Vĩnh Tuy , Ngô Khê , gắn với tiếng kêu tha thiết của loài chim rừng “ bắt cô trói cột “. Tại Ngô Khê có cánh đồng lúa xanh mướt của đồng bào thiểu số với những máng nước bằng thân cây , dẫn từ trong rừng ra . Đại đội tôi đến Ngô Khê ngày 16/8/1950 rồi nghỉ 1 ngày tại đây . Ngày 18/8/1950 chúng tôi đến thị xã Hà Giang . Tiểu đoàn chúng tôi tập trung trên một địa điểm trung tâm thị xã . Đồng chí Đào Chính Nam tuyên bố bắt đầu hành quân sang đất Trung Quốc . Tiểu đoàn trưởng Thái thay thế anh Sơn Xuyên . Trên đường Tuyên Quang đi Hà Giang có những đoạn đường đã bị phá hoại nhưng vẫn còn các bảng chỉ đường và các cột cây số . ( còn nữa )
( 2 )
Hai bên đường là rừng nên dễ ẩn tránh máy bay địch . Đồng bào tản cư làm nhà dưới các rặng cây . Bộ đội vào uống nước thì các chủ nhà đều không nhận tiền . Sau này chúng tôi đã viết báo tường kể lại :
“... Vì non sông các đồng chí dãi dầu ,
Bát nước dọc đường , tôi ủng hộ .
Lính ta nghẹn ngào nhìn quanh vách lá ,
Đặt vội tiền trên chiếc chõng lung lay ,
Đường bốc hơi ( vì nắng ) thoăn thoắt bước không quay ,
Mặc bà già nhiều lần sửng sốt gọi “...
Đến khi có lệnh truyền từ đầu hàng quân xuống “ Đã gặp tiền trạm “ thì lính sung sướng vô kể .
Trên đường hành quân , đơn vị tôi đã có 2 đêm lửa trại tại Đại Từ và thị xã Tuyên Quang . Để giữ bí mật , lính không được hát bài ca chính thức của Trường lục quân . Bài Trường lục quân đang cần lính đánh Tây của Tô Hải thì đổi lời thành
“ Tổng phản công đang cần lính đánh Tây “.
Hành quân đến Thanh Thủy thì mọi người đã rất mệt . Đơn vị tôi có 1 học viên xuống suối tắm , bị cảm lạnh , mất tại Thanh Thủy . Đêm hôm đó chúng tôi ngủ tại Thanh Thủy nhưng không ngon giấc vì nơi đây có phỉ hoạt động , có thể bị tấn công bất ngờ . Giữa đêm có 1 con bò đi lạc , gây tiếng động . Một học viên gác đêm nổ súng . Thế là cả đơn vị thức dậy và không ngủ tiếp được nữa . Sớm hôm sau chúng tôi vượt cầu Thanh Thủy . Thanh Thủy là 1 chiếc cầu treo . Hai cổng cầu xây bằng đá hộc . Cầu vắt qua dòng thượng nguồn sông Lô . Vượt qua cầu chúng tôi bắt đầu leo dốc . Khoảng 2 giờ sau thì tới cột mốc biên giới . Đó là 1 viên đá to có hình thù giống cột cây số . Phía Việt Nam nhìn vào có hàng chữ tiếng Pháp “ Chine “ ( tức Trung Hoa ) . Mặt bên kia có chữ “ Tonkin “ ( Bắc kỳ của Việt Nam ) . Hai mặt đều có chữ Hán , không có chử quốc ngữ của Việt Nam . Từ đây trở đi , chúng tôi bắt đầu sống những ngày xa Tổ Quốc . Một cảm giác khó tả thành lời . Nhìn xuống thấp , phía bên trái , chúng tôi nhận ra doanh trại bọn thổ phỉ nằm bên cạnh dòng sông Lô . Trên đường đi , chúng tôi gặp 1 phân đội cùa đại đoàn 308 hành quân ngược chiều . Họ không mặc quân phục của bộ đội Việt Nam mà mặc quân phục của quân Tưởng Giới Thạch màu vàng nghệ . Hình như họ có nhiệm vụ bảo vệ đường hành quân cho chúng tôi . Địa điểm trú quân của chúng tôi đêm đầu tiên ở bên Trung Quốc là Giao Chỉ Thành ( thành lũy cổ xưa của người Giao Chỉ còn sót lại ) . Giao Chỉ Thành chỉ có 2 căn nhà sàn giống như nhà sàn người thiểu số bên Việt Nam . Chúng tôi ngủ ngoài trời , trên những đống cỏ khô do anh em tiền trạm mượn của dân . Ngày 22/8 chúng tôi leo một cái dốc rất cao . Khoảng 3 giờ chiều chúng tôi dừng lại trên một địa hình yên ngựa rộng . Chúng tôi nghỉ khá lâu chờ cán bộ đơn vị đi gặp tiền trạm và cán bộ địa phương của TQ . Sau đó toàn đại đội tập trung để nghe phổ biến nơi nghỉ lại sắp tới là Ma Lìn Phố , huyện lỵ đầu tiên trên nước TQ . Chúng tôi sẽ nghỉ 1 ngày tại đây . Những thứ đem theo nhếch nhác như áo tơi , gậy chống phải bỏ lại rồi thay quần áo mới , không có quân hiệu . Khi tập họp lại , toàn đại đội như bỗng sáng lên . Đại đội tiếp tục hành quân . Qua thung lũng , một khu dân cư mái ngói âm dương có đường cong vút lên 4 phía hiện ra . Nhiều đèn lồng màu đỏ được treo trên các lan can nhà , giống như hình vẽ trong các truyện tranh kiếm hiệp của TQ , hình ảnh đặc trưng của khu dân cư TQ . Tiến vào dãy phố chính , chúng tôi được các cháu thiếu nhi hoan hô xen với nụ cười niềm nở của người dân . Có lẽ Bạn đã chuẩn bị chu đáo từ trước khi chúng tôi đến . Từng tiểu đội được phân vào ở trong nhà dân , trên những căn gác bằng gỗ thấp lè tè . Gác thì tối , bụi và rất nhiều bọ chó . Tại đây chúng tôi không còn phải đề phòng máy bay Pháp nữa , tha hồ phơi quần áo . Sau khi ổn định nơi nghỉ , chúng tôi được ra chơi ngoài phố . Ma Lìn Phố chỉ có 1 dãy phố dài . Các cửa hàng ăn uống có một mùi vị rất lạ . Anh em tạm gọi là “ mùi Tầu “. Các bữa ăn ở Ma Lìn Phố cho chúng tôi rất nhiều ấn tượng mới lạ , đặc biệt là món rau cải của TQ . Sau bữa ăn , mỗi người được phát 2 quả trứng gà và vài miếng đường móng ngựa ( loại đường màu vàng đóng thành từng bánh nhỏ hình móng ngựa ) . Ngay tối đầu tiên , chúng tôi dự buổi liên hoan lửa trại , giao lưu văn nghệ với dân địa phương . Lần đầu tiên chúng tôi được xem điệu ương ca , người múa vừa đi vừa nhún nhảy một chân mà sau này chúng tôi đặt tên là điệu múa thọt cho dễ nhớ . Tiếp theo là 2 ngày hành quân leo đèo vượt suối . Dốc Xin Cai rất cao . Chúng tôi đã bỏ lại các gậy chống nên leo dốc rất vất vả . Bản Xin Cai rất nghèo , nằm ở lưng chừng dốc ( Xin Cai có nghĩa là chợ mới ) . Có những hình ảnh khó quên : những phụ nữ có nét mặt lầm lũi , khắc khổ , địu con nhỏ sau lưng , cần mẫn đào bới từng mảnh đất nhỏ để tra hạt ngô và đậu tương . Thỉnh thoảng gặp nương trồng thuốc phiện . Đường lên bản được lát những tấm đá hộc , nhiều tấm lâu ngày đã nhẵn bóng , gặp trời mưa thì rất trơn . Hương vị chung ở Xin Cai là mùi pha trộn giữa mồ hôi áo chàm , mồ hôi ngựa , mùi khói thuốc bào ( một loại sợi thuốc lá ) và mùi phân ngựa . Ngày hôm sau chúng tôi đến Tây Thọ . Đây là một huyện lỵ lớn hơn Ma Lìn Phố .
Tây Thọ có vài dãy phố , có trường sơ học ( cấp 1 ) và trường trung học . Lần đầu tiên chúng tôi trông thấy vườn trồng sâm . Cuộc liên hoan giữa chúng tôi với thanh niên địa phương và học sinh trường trung học là một chuyện rất vui . Nhiều điệu múa của họ với trang phục đẹp và cầu kỳ . Các cô học sinh xinh đẹp , nước da trắng hồng . Lính GPQTQ hồi bấy giờ đa số ít được học . Các học sinh trung học tưởng chúng tôi cũng vậy . Một hôm chúng tôi ra xem trường trung học , gặp giờ kiểm tra toán , nhiều học sinh đang bí chưa giải được . Chúng tôi giải toán và vứt vào cho họ . Tin đồn về bộ đội Lưỡng Quảng giỏi toán bắt đầu lan ra từ trường này . Từ đó người dân và các học sinh ở Tây Thọ nhìn chúng tôi với cặp mắt thiện cảm khác trước . Sau 2 ngày nghỉ ở Tây Thọ , chúng tôi hành quân tiếp đến Diên Sơn . Trên đường đến Diên Sơn chúng tôi phải ngủ lại một đêm ở Pa Kha . Pa Kha là một bản nghèo và bẩn hơn Xin Cai . Dân chúng nghèo khổ nên bộ mặt khó đăm đăm . Đến Diên Sơn chúng tôi ít ra khỏi doanh trại nên không biết đó là khu dân cư lớn hay nhỏ . Doanh trại Diên Sơn rất rộng , nguyên là doanh trại của quân Tưởng Giới Thạch , chia thành nhiều khu vực . ( còn nữa )
( 3 )
Chúng tôi ở khu bên phải , nhìn từ cổng vào Tại đây chúng tôi kỷ niệm ngày Quốc Khánh 2/9/1950 . Bữa ăn ngày Quốc Khánh có rất nhiều thịt lợn . Đại đội tôi được cấp 5 con lợn đã mổ sẵn . Tôi được phân công nấu ăn . Lợn rất to , chừng gần một tạ chứ không nhỏ như lợn ỉn của Việt Nam . Lính nhiều tháng không được ăn thịt nên bị dị ứng , ỉa chảy hàng loạt . Tại Diên Sơn chúng tôi được nhận quân trang của QGPTQ . Ai cũng ngỡ ngàng vì được trang bị rất đầy đủ , chu đáo , từ ba-lô , chăn , màn , khăn mặt , ca uống nước , thuốc đánh răng đến bít-tất và giầy .
Hành quân vác vũ khí về nước
Đang háo hức chuẩn bị tinh thần vào học chính thức thì chúng tôi được lệnh tất cả học viên , trừ một số cán bộ khung và Hiệu Bộ , phải vác vũ khí do TQ viện trợ về nước . Thật ngại ngùng khi nghĩ đến chặng đường đầy núi cao , đèo dài , suối sâu đã trải qua từ nước nhà sang đây . Thế rồi cuộc vận chuyển vũ khí bắt đầu . Đoàn văn công của trường do ông Đỗ Nhuận chỉ huy đón chúng tôi trên đỉnh dốc với bài hát “ Súng về Nam “ của Đỗ Nhuận , trong đó có câu “ đường không xa , dốc không cao “ trong khi chúng tôi mệt thở không ra hơi . Anh em rất bực bội , mắng thầm “ ông Đỗ Nhuận này đánh răng chưa sạch nên nói bừa “ . Đơn vị tôi vác vũ khí về nước tổng cộng bốn lần . Chuyến thứ nhất bàn giao ở Ma Lìn Phố . Hai chuyến tiếp theo bàn giao ở Tây Thọ . Chuyến thứ tư vác về tận thị xã Hà Giang .
Đến trường để chính thức học tập
Trở lại Diên Sơn , chúng tôi được lệnh chờ ôtô của QGPTQ đưa đến trường nhưng cuối cùng do Bạn còn nhiều khó khăn không điều được đủ xe nên chúng tôi lại phải đi bộ . Hành quân theo đường cái , dễ đi . Phong cảnh núi rừng Vân Nam rất đẹp nhưng dọc đường rất ít cây , nhiều ngày nắng gắt , rất chóng mệt . Chúng tôi có 1 ngày nghỉ chân trong một trang viên đại địa chủ ở Mã Chí Sào . Đây là một khu rộng lớn , có hệ thống nông giang hoàn chỉnh , một khu nhà chính rất đồ sộ . Tại cổng trang viên có 2 lô cốt cao xây bằng đá và nhiều lỗ châu mai . Đại đội tôi trú quân trong nhà thư viện của trang viên . Có nhiều kỷ niệm hữu nghị trong cuộc hành quân này . Có thôn đã được báo trước quân số của ta sẽ đến . Họ nấu sẵn cơm nhưng chờ mãi không thấy đến . Trưởng thôn phải đi dạo ngoài phố , đánh cồng , rao bán cơm và thức ăn . Hồi đó dân chúng còn nghèo . Phần lớn các hoạt động đều là thủ công . Có những giếng nước sâu thăm thẳm . Nhìn xuống thấy rợn tóc gáy . Xung quanh giếng chỉ được rào chắn sơ sài bằng phên tre hoặc bằng gỗ . Bạn bố trí mỗi giếng 3 đến 4 người múc nước cho chúng tôi . Hai nam QGPTQ thay nhau kéo gầu nước . Hai cô gái bưng khay có khăn mặt và xà phòng thơm mời chúng tôi rửa mặt trong những chậu sắt tráng men có vẽ hoa rất đẹp . Những thứ này ngày nay là những đồ dùng rất bình thường nhưng hồi đó đối với chúng tôi là quá sang trọng . Chặng đi bộ cuối cùng là đến Ga Khai Viễn để lên xe lửa đến trường . Trời rất nóng lại thiếu nước uống , nhiều người bị say nắng . Khai Viễn là một thành phố khá lớn của tỉnh Vân Nam . Đường xe lửa này trước đây do người Pháp là chủ Công ty hỏa xa Vân Nam xây dựng . Đa số công nhân viên là người Việt nên ở Khai Viễn rất nhiều Việt Kiều . Để giữ bí mật chúng tôi được lệnh không nhận mình là người Việt mà là người Lưỡng Quảng . Vì vậy đã xảy ra nhiều chuyện buồn cười ra nước mắt . Nhiều người Lưỡng Quảng đến nhận đồng hương . Họ xổ ra hàng tràng tiếng Quảng Đông nhưng lính ta đều “ Pu tuây “ tức là không biết . Họ lại nói tiếng Quảng Tây , lính ta cũng “ Pu tuây “ khiến họ lắc đầu không hiểu ra sao . Rồi đến một bà Việt Kiều tìm ra cháu ruột . Biết là Cô mình nhưng anh ta cũng “ Pu tuây “ khiến bà tức giận chửi um lên . Từ đó có tin đồn trong kiều bào rằng bộ đội ta thua trận , sang đây lánh nạn nên xấu hổ không dám nhận họ hàng và Việt kiều . Sau này Bạn đã phải giải thích cho Việt Kiều thông cảm . Khi về đến trường , chúng tôi được biết anh ta là anh Hòa đen , nguyên học viên võ bị khóa 1 , làm cán bộ khung của trường . Trước khi lên xe lửa đến trường chúng tôi được nghỉ 2 ngày ở Khai Viễn cho lại sức và tắm giặt . Buổi tối chúng tôi được đi xem phim Trung Quốc “ Bạch y chiến sĩ “ ( Chiến sĩ áo trắng ) kể chuyện về một cô y tá QGPTQ . Với nhiều người trong chúng tôi đây là lần đầu tiên biết đến đèn điện và xi-nê . Chúng tôi hành quân ra Ga Khai Viễn từ sáng sớm , trời chưa sáng hẳn . Vì háo hức chờ đi xe lửa nên ít người ngủ được ngon giấc . Chúng tôi lên các toa đen chở hàng có trải rơm trên sàn toa để nằm . Vì cửa toa đóng kín nên chẳng biết gì về bên ngoài . Chúng tôi được đánh thức vài lần dậy để ăn uống rồi lại ngủ . Chúng tôi xuống xe lửa tại 1 nhà ga nhỏ , rất vắng khách , chỉ có vài ba nhân viên . Ga này có ghi chữ Hán là Phụng Minh Thôn . Lúc này vào mùa đông năm 1950 . Tiểu đoàn chúng tôi từ Ga đi bộ khoảng 4 Km thì đến doanh trại có tên là doanh trại Minh Hồ . Khi phân khoa thì đây là doanh trại của Khoa Pháo binh và Khoa Công binh , có 2 tiểu đoàn . Học viên của Khoa Pháo binh là tiểu đoàn 1 . Khoa Công binh được gọi là tiểu đoàn 5 , gồm 3 đại đội . Anh Ung Răng là tiểu đoàn trưởng . Chính trị viên tiểu đoàn là anh Miên . Đại đôi 1 gồm các học viên khóa 5 . Tôi là học viên khóa 6 được biên chế vào đại đội 2 công binh . Đại đội trưởng là anh Mẫn . Chính trị viên là anh Lê Thủy . Đại đội phó là anh Lê Văn Long . Lần đầu tiên trong đời tôi được ngủ trên chiếc giường 2 tầng bằng gỗ , có trải nệm bông .
Học viên công binh được học 5 môn : chính trị , bộc phá , trúc thành , cầu đường và kỹ thuật xạ kích của QGPTQ . Môn bộc phá và làm cầu treo do tiểu đoàn trưởng Ung Răng dạy . Thày Ung Răng nguyên là kỹ sư cầu đường tốt nghiệp từ Pháp . Công bằng mà nói thầy Ung Răng có trình độ vững hơn các thầy TQ . Các thầy TQ gồm thầy Vương dạy bộc phá , thầy Phùng dạy trúc thành ( làm công sự ) , thầy Triệu dạy làm cầu . Các thầy đều nhiệt tình và tận tụy với học viên . Các thầy TQ cũng dạy chính trị . Thành thực mà nói hầu như chúng tôi không hiểu . Cuối đợt học chính trị có liên hệ , kiểm thảo rồi viết quyết tâm thư . Quyết tâm thư là một văn bản đã được thảo sẵn . Mấy chữ mở đầu là : “ Kinh qua học tập , tôi ….....” . Học viên chỉ cần chép lại , điền họ tên rồi ký tên . Kết thúc là cuộc sát hạch cuối khoa rồi tự phong mình thuộc loại nào ( loại điển hình hay loại khá , trung bình , kém ) . Tôi tự nhận loại trung bình .Hôm mở tiệc chia tay của tiểu đoàn có rất nhiều rượu . Ai uống được bao nhiêu thì uống . Trong toàn bộ thời gian học của khóa 6 ở nước bạn chỉ có 1 lần tập trung toàn trường ở sân Hiệu Bộ tại Phụng Minh Thôn để kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5/1951 . ( còn nữa )
( 4 )
Vào những ngày cuối khóa , 2 tiểu đoàn Công binh và Pháo binh tập trung 4 ngày nghe Hiệu trưởng Lê Thiết Hùng nói chuyện . Bài nói của Hiệu trưởng sau này trở thành điều lệnh nội vụ của nhà trường . Bằng tốt nghiệp của chúng tôi có 2 chữ ký của Thiếu tướng Hiệu trưởng Lê Thiết Hùng và Thiếu tướng Chính ủy Trần Tử Bình . Việc trao bằng lại khá tùy tiện . Cán bộ mang bằng đi phát trong khi đang kiểm tra quân trang và tư trang của học viên ngoài sân . Trời mưa nên nhiều chữ trên bằng bị nhòe .
Hành quân trở về nước nhận nhiệm vụ
Vào một buổi sáng sớm tháng 7 năm 1951 , chúng tôi hành quân ra Ga Phụng Minh Thôn , lên xe lửa về Ga Khai Viễn rồi hành quân bộ trở về nước . Bạn ra tiễn rất chân thành và cảm động . Có cả những đội múa ương ca , biểu diễn đi cà kheo . Lính đã nhiều ngày được rèn luyện khắc khổ mà vẫn không nén được súc động như thời học sinh , mắt đỏ hoe . Lần này chúng tôi không phải nằm trong toa đen mà ngồi trong những toa khách loại thường , có 3 hàng ghế chạy dài dọc toa , do đó được ngắm phong cảnh nước bạn lần cuối . Từ Khai Viễn về Hà Giang , chúng tôi vẫn đi qua các địa danh cũ nhưng với tinh thần cảnh giác cao để tránh lộ bí mật và bất trắc trên đường . Qua Mã Chí Xào rồi núi Sư Tử có mây mù bao phủ , rồi Diên Sơn , bản Pa Kha , thị trấn Tây Thọ , rồi Xin Cai , Ma Lìn Phố , Giao Chỉ Thành . Tây Thọ không còn hình ảnh những học sinh vui tươi , nhí nhảnh , niềm nở đón tiếp như hồi chúng tôi sang . Sân trường trung học đầy lá vàng rụng . Học sinh thưa thớt và đều mặc đồng phục màu xanh “ Sĩ Lâm “. Tây Thọ vừa trải qua bão táp . Cuộc cải cách ruộng đất long trời lở đất đã diễn ra ở đây . Nhiều thầy Cô giáo và học sinh đã bị quy tội là bọn tạo phản . Nhiều người đã bị xử bắn vì bị quy tội có liên hệ với Quốc Dân Đảng . Đến Xin Cai , một số người dân ở đây gạ chúng tôi đổi cho họ tiền Việt Nam lấy tiền Trung Quốc để sang Việt Nam mua hàng . Ma Lìn Phố vẫn như xưa và cũng như Tây Thọ , vừa trải qua cơn bão táp chưa hồi phục . Tại Giao Chỉ Thành , dân cư đã đông hơn .
Trên đường về Giao Chỉ Thành , chúng tôi gặp học viên từ Việt Nam sang học khóa 7 . Cột mốc biên giới lúc này không gây xúc động như hồi chúng tôi từ Việt Nam sang . Hôm nay qua cột mốc này , chúng tôi gửi lại Bạn lòng biết ơn của chúng tôi với đất nước và người dân nước bạn , đã giúp chúng tôi trong những ngày rèn luyện bản lĩnh để đón nhận nhiệm vụ sắp tới của Tổ Quốc . Cầu treo Thanh Thủy chỉ còn 2 chiếc cổng bằng đá . Bọn thổ phỉ đã dùng thuốc nổ cắt dây cáp . Chúng tôi tự hào đến nay chúng tôi đã có đủ năng lực làm lại chiếc cầu này . Chúng tôi phải đi vòng theo bờ sông , lên thượng nguồn để qua sông trên một con đập đắp sơ sài bằng đất đá . Thị xã Hà Giang đã đông hơn trước . Chúng tôi được ăn phở và nói chuyện thoải mái với đồng bào . Từ Hà Giang chúng tôi phải hành quân ban đêm . Chỉ huy cuộc hành quân là trung đoàn trưởng Đoàn Đình Hòe . Chúng tôi gọi ông là “ Cụ Ké “ vì Cụ rất cảnh giác với máy bay địch . Sau này chỉ huy nhiều cuộc hành quân lớn tôi đã thông cảm với tính cẩn thận của Cụ . Về đến thị xã Tuyên Quang thì chúng tôi đi theo hướng bến phà Hiên rồi đến Phú Thọ , qua các địa danh Đức Quân , Nghĩa Quân , Bàng Luân , Tây Cốc , Đại Phạm . Có 2 đồng chí bị sốt rét ác tính và mất ở Đại Phạm . . … Nơi đây là căn cứ của đại đoàn công pháo 351 . Không may cho chúng tôi , lúc này đại đoàn 351 đã chuyển lên Cao Bằng . Chúng tôi lại phải hành quân lên Cao Bằng . Chúng tôi hành quân qua những địa danh mới : Phố Du , thị xã Bắc Cạn , Phủ Thông , Đèo Gió , Đèo Giàng , Ngân Sơn , Cao Bắc , Tài Hồ Xình , rồi đến thị xã Cao Bằng , Tới đây chúng tôi hành quân ban ngày , phân tán thành từng tốp nhỏ .
“ Đèo Giàng gió lặng mây im ,
Sương mù mờ mịt tầm nhìn không xa .
Tài Hồ Xình ánh dương tà ,
Dốc cao , vực thẳm bao la điệp trùng ...”
Chúng tôi phải đến thị xã Cao Bằng vào ban đêm . Điểm cuối là Trùng Khánh , Nước Hai . Cả 2 tiểu đoàn sĩ quan Công Pháo được gặp Bộ tư lệnh đại đoàn 351 trong 1 cái hang . Đồng chí Phan Phác và đồng chí Vũ Hiền đã tiếp chúng tôi nhưng cho biết đại đoàn không thể bố trí công tác cho tất cả anh em chúng tôi . Chúng tôi lại hành quân về Phú Thọ . Lúc này quân ta mới nhận một số súng cối 120 mm chưa có sĩ quan chỉ huy . Chúng tôi được đào tạo lại cấp tốc để nhận nhiệm vụ này . Riêng tôi được nhận 1 quyết định mới làm đảo lộn mọi dự định về tương lai . Đó là về đại đoàn bộ 351 để thành lập Đội văn công của đại đoàn . Trọng Lanh và Phạm Vinh cũng nhận được quyết định này . Sang năm 1952 , tôi được thuyên chuyển về Tỉnh đội Vĩnh Phúc . Lúc ấy 95% lãnh thổ Vĩnh Phúc thuộc vùng bị tạm chiếm . Địa bàn hoạt động chủ yếu của chúng tôi là sau lưng địch , làm một phần nhiệm vụ của đặc công . Từ Tam Đảo xuống vùng địch hậu Tam Dương vẫn còn đường nhựa , có thể đi xe đạp . Tôi đã được ra mặt trận đôi lần , thực sự bước vào cuộc đời trận mạc . Chặng đường này là bước ngoặt của tôi tiếp theo những ngày sống trong Đời Lục quân mà tôi đã ghi lại trong hồi ký này ./.
Hanoi tháng 12 năm 2000
Đinh Công Thâu
nguyên học viên trường lục quân Trần Quốc Tuấn khóa 6
Địa chỉ liên lạc : 187/36 Phố Hồng Mai , phường Quỳnh Lôi .
Quận Hai Bà Trưng , Hanoi , Tel 08 8 621688 .

1 nhận xét:

  1. Cám ơn anh Quốc đã dày công gõ lên. Đọc vào hình dung ra được con đường ngày trước cha chúng ta đã đi qua, mấy trăm km hành quân bộ gian khổ và cả chết chóc nữa.

    Trả lờiXóa

Viết nhận xét, nếu chưa đăng kí, bạn có thể ghi tên mình (hoặc nickname) và xuống mục "Chọn 1 nhận dạng" nháy vào "Ẩn danh" rồi xuất bản nhận xét.