Thứ Năm, 11 tháng 2, 2016

Về một người mới ra đi (Hoàng Quang Vinh)

Hoàng Quang Vinh - tác giả kịch bản văn học phim "Những người làm CMT8 ở HN" - có bài viết ngay sau khi cụ Lê Trọng Nghĩa từ trần (4 tết Ất Mùi). Đến hôm nay, vừa tròn 1 năm. Xin đăng tải đề tưởng nhớ 1 con người tài năng, dám hy sinh cuộc đời mình cho đất nước, dân tộc. (BBT).

Đang đi chụp mấy kiểu ảnh hoàng hôn ở bờ biển thì Trần Tuấn Hiệp gọi, giọng nghe có chút thảng thốt, hỏi “sao máy anh nãy giờ toàn ngoài vùng thế?”, hỏi có chuyện gì gấp à, Hiệp thông báo cụ Lê Trọng Nghĩa đã qua đời lúc 14h chiều nay. Rồi ông đạo diễn Hiệp kể lể chuyện quay phim hồi tháng 12/2014, hóa ra đoàn làm phim chúng ta là nhóm cuối cùng quay phim về câu chuyện của cụ Nghĩa, sau đó cụ mệt và không tiếp ai cả...
Đại tá Lê Trọng Nghĩa (1955)

Tôi nhìn lên bầu trời đầy mây vàng, mây hồng: thế là một người nữa về cõi âm. Tôi thuộc nhóm người có chút ít hiểu biết về cõi ấy, nên ít khi buồn thương quá mức khi tiễn một người nào  đó “lên cõi”. Thường thì tôi quay về bàn thờ nhà mình, thắp nén nhang và ngẫm nghĩ vài chuyện linh tinh. Khi thắp hương cho cụ Nghĩa, tôi chợt nhớ  quyển sách của Lê Trọng Nghĩa có in ảnh cụ, nên mang cuốn  “Từ Hỏa Lò đến Bắc Bộ Phủ”, nhìn bức ảnh rồi để lên bàn thờ.
                                                    
Đây là cuốn sách làm thay đổi hiểu biết của tôi về CMT8, vì sau khi đọc cuốn này, tôi mới thấy cần tìm hiểu thêm nhiều điều thú vị của cuộc cách mạng  “long trời lở đất”, mà suốt gần 70 năm, các tài liệu lịch sử chỉ kể những chuyện nhàn nhạt.
                                                                  ***
Phòng thờ của tôi khá rộng, nằm trên bờ Mũi Đá Nhảy ở Kê Gà, nên thắp hương xong tôi thường rót 3 chén rượu nhỏ cho người “mới lên đường”, sau khoảng 15 phút lại tự rót cho mình 1 ly , ngó ra biển  hoàng hôn, nhìn mây nhìn trời nhìn sóng, đầu óc ngổn ngang các suy tưởng... Không biết thời trẻ cụ Nghĩa có uống rượu không nhỉ?


                                      
... Cụ Lê Trọng Nghĩa tôi mới quen khoảng 8 tháng trước, sau khi đọc cuốn hồi ký của cụ và được anh Trần Kiến Quốc dẫn đến thăm cụ, thế mà nghĩ đến con người này luôn có cảm giác kính phục. Cụ Nghĩa qua đời vào 2015, sau người anh, người đồng chí  Trần Đình Long đến 70 năm.  Năm ngoái đến thăm, cụ bảo tớ sống thế này cũng có lãi lắm rồi, bạn bè tớ đã đi gần hết, so với nhiều người thì tớ sống đến... 2 cuộc đời.
Khi cụ 90 tuổi.
Lúc đó tôi nghĩ là cụ nói đùa như nhiều người già có tính hóm hỉnh. Bây giờ nhớ  chuyện đó, lại nghĩ câu đó cụ dành cho cụ Trần Đình Long, người bị quân Tàu Tưởng ám sát ngay cuối 1945. Có lẽ cụ Long là người ảnh hưởng nhiều đến cụ Nghĩa, vì cụ Long hơn cụ Nghĩa 18 tuổi, là người già dặn, có kinh nghiệm đối đầu với kẻ thù, lại tốt nghiệp khoa Đông Phương  Mat-xcơ-va khóa 1928-1931.  Nghĩ chuyện cụ Nghĩa lúc mới 23 tuổi đã đàm phán với những  Thủ tướng Trần Trọng Kim, Khâm sai Phan Kế Toại, Tư lệnh Nhật Tsuchihashi..., đúng là can đảm và rất quyền biến. Tôi nhớ nhất là trong hồi ký Trần Trọng Kim có nhận xét về Lê Trọng Nghĩa là “Việt Minh thiếu niên”...
Đúng là người làm chiến dịch phải có người bày chiến thuật và nghe người làm chiến lược. Những chiến thuật tinh tế của Trần Đình Long khi đàm phán với Nhật “phải nói đến Thiên Hoàng”, “cần tránh đụng vào tinh thần ‘võ sĩ đạo’ Nhật bản”, nghe cũng đơn giản, nhưng lại… cực kỳ hiệu quả, vì được thực hiện  đúng đối tượng và... đúng thời điểm!
                                                             ***
Kỷ niệm tôi nhớ nhất ở lần đầu gặp cụ Nghĩa là tư duy sắc sảo của cụ. Khi nghe tôi trình bày tóm tắt dự thảo kịch bản về CMT8 (đã gửi cụ xem trước), cụ trầm ngâm giây lát rồi nói rất rành rọt:
-         Suốt gần 70 năm,  nhất là những lúc “thất nghiệp”, tớ vẫn nghĩ về cuộc cách mạng ấy, tớ lật đi lật lại nhiều chuyện quanh chủ đề ấy... Bây giờ tớ nghĩ thế này: chúng ta phải nói về cái mới, đừng nói những cái người ta đã nói rồi. Cái kịch bản mà các cậu viết cũng tàm tạm, nhưng chưa hay vì… vẫn còn những điều người ta đã nói, đã viết...
Cụ ngừng lại uống nước với 2 viên thuốc gì đó. Tôi nghĩ cụ góp ý thế là đúng, nhưng làm thế nào mà lại viết hoàn toàn mới câu chuyện vĩ đại đầy chất kinh điển ấy được, làm mới được 20-30% đã là… kinh lắm rồi. Thế cụ muốn diễn tả điều gì nhỉ?
-         Những cái mới mà tớ ngẫm nghĩ suốt 70 năm, tập trung vào 2 điều quan trọng: Một là, cuộc CMT8 là  công trình hoàn toàn của dân, do dân, vì dân. Chúng tớ có tham gia lãnh đạo thật, có giải quyết chuyện này chuyện kia thật, chúng tớ là đảng viên Cộng sản Đông Dương thật... nhưng đều bị cuốn theo dòng thác của nhân dân Hà Nội. Tớ khâm phục anh  Nguyễn Khang táo bạo quyết định khởi nghĩa, khâm phục anh Trần Đình Long, Trần Tử Bình đã bình tĩnh phân tích các nước cờ quân ta quân địch, nhanh chóng  “chụp được” những thời cơ rất ngắn, rất mong manh... Nhưng tất cả vẫn là dựa vào lòng dân Hà Nội, thế trận của  người Hà Nội, sức mạnh sáng tạo của quần chúng Hà Nội... Và chỉ ngày hôm sau của cuộc cách mạng, sáng 20/8/1945, chính quyền Nhân dân Hà Nội đã được thành lập với tên gọi Ủy ban Nhân dân Cách mạng Bắc Bộ, hoàn toàn do các nhân sĩ yêu nước tập họp dưới lá cờ Việt Minh...
Tôi bắt đầu thấy ù tai. Đấy quả là một nhận định  rất táo bạo, dù rằng trên các trang web đã có nhiều người trình bày ý tưởng này, nhưng cụ là người trong cuộc, nói nhận xét ấy sau 70 năm suy ngẫm... thì vẫn có cái gì đó lôi cuốn hơn. Tư duy của cụ già này thật lạ, và đây đúng là cái mới, thật sự mới với cá nhân tôi. Phải dịch ghế lại gần để nghe kỹ hơn, vì cụ đôi khi giọng bị ngắt quãng do xúc động.
-         Tớ muốn nhấn mạnh tính sáng tạo của  người dân Hà Nội nhé. Sáng tạo lớn nhất là... tránh đối đầu quân Nhật. Các cậu viết là chủ trương ấy do anh Trần Đình Long, do Ủy ban Khởi nghĩa..., không phải thế đâu nhé, là do dân họ nghĩ ra, họ truyền cảm nghĩ ấy cho chúng tớ thôi.  Cứ nói dân dân dân... thì người ta bảo tớ mắc bệnh tuyên huấn, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tớ thấy là phải nói như thế, đúng như thế, chính xác là như thế... Còn điều quan trọng thứ hai là tớ rất phục cụ Hồ và cụ Trường Chinh về thay đổi đường lối cách mạng sau sự kiện 19/8. Nhìn mắt các cậu, tớ biết là điều tớ nói không có gì mới. Này nhé, cái mới mà tớ nghĩ mãi là làm sao ông Trường Chinh sáng 21/9 về đến Chèm, nghe Nguyễn Khang báo cáo, lập tức chỉ thị các tỉnh phải chuyển đường lối “kháng Nhật cứu nước”, thành chủ trương mới “học tập Hà Nội, thuyết phục Nhật chuyển giao chính quyền cho Việt Minh”...
Tranh thủ cụ ngừng vài giây, tôi hỏi xen vào: khi cụ Trường Chinh về đến Chèm sáng 21/8, thấy hiệu quả của sự kiện 19/8, thì chỉ đạo như thế là… tất yếu chứ? Cụ Nghĩa xua tay, lắc lắc đầu liên tục:
-         Bây giờ thì ai cũng nghĩ là chuyện đương nhiên, chứ hồi 1945, trong Đảng chặt chẽ lắm. Vì sau sự kiện Nam kỳ khởi nghĩa 1940, Đảng quy định mọi quyết sách lớn phải thông qua tập thể Xứ ủy. Thế thì tớ mới phục cụ Trường Chinh chứ. Nhưng tớ cũng đoán là trước khi rời Tân Trào, cụ Trường Chinh đã hỏi ý cụ Hồ rồi. Đấy là sau này tớ luận ra vậy, chứ còn ngày 21/9, nghe  anh Nguyễn Khang kể lại kết luận của cụ Trường Chinh, cảm giác đầu tiên của tớ là “đã thoát chết”, vì làm chệch đường lối mà… không sao cả(!).
                                                              ***
Tôi có thói quen dậy lúc 5 giờ sáng, sang phòng thờ pha trà , đặt 3 chén trà lên bàn thờ rồi ngồi nhìn ra màn đêm mênh mông trên đại dương. Rồi chân mây hồng lên, tôi rót trà 3 lần cúng ông bà, rót cho mình vài chén, coi như hầu trà các cụ, rồi ngắm nhìn biển khơi bao la, lại lan man đủ các loại chủ đề...
Sáng hôm nay, chả hiểu sao lại không nghĩ chuyện gì khác ngoài cuộc đời cụ Nghĩa. Câu chuyện ông kể, cuốn sách ông viết đã ghi dấu ấn trong nhận thức của tôi. Thế mới thấy các cụ xưa nói đúng “lập ngôn” còn quan trọng hơn “lập danh”. Cuộc đời cụ Nghĩa có muôn vàn chuyện,  nhưng cụ vẫn say sưa chiêm nghiệm sự kiện 19/8/1945. Cụ bảo suy cho cùng, giành được Độc lập cho đất nước là chuyện quan trọng nhất, và chính cái mong mỏi Độc lập đã tạo nên sức mạnh của nhân dân Hà Nội vào năm 1945, dù người dân chỉ hiểu đơn giản Độc lập là lối thoát khỏi nạn đói Ất Dậu...
Có lần tôi hỏi cụ về bản chất cuộc đấu trí Hồ Chí Minh - De Gaule, Võ Nguyên Giáp -D’Argenlieur. Cụ Nghĩa bảo, chuyện đó dài lắm, tớ đang viết thêm cuốn nữa. Anh Trần Kiến Quốc nói luôn là cuốn này chú cho phép cháu và các bạn cháu lo việc xuất bản nhé. Không biết cuốn sách mới của cụ viết đến đâu rồi? Tôi đồ rằng trong cuốn sách ấy sẽ có những tình tiết thú vị về cuộc đấu trí suốt 9 năm kháng chiến, vì cụ Hồ, cụ Giáp là các vĩ nhân, còn  De Gaule cùng với D’Argenlieur, Le Clerck, H. Navare... cũng không phải là kém nổi tiếng.
                                                                        ***
Nhớ chuyện nhà sử học Dương Trung Quốc có lần giục anh Trần Kiến Quốc “Các cậu có ý định làm phim về câu chuyện lịch sử  CMT8 thì phải nhanh chân lên, chứ các nhân vật lịch sử và nhân chứng lịch sử không còn trẻ để chờ các cậu đâu...”. Hôm nay, một nhân vật lịch sử của sự kiện trọng đại ấy đã  về với ông bà tổ tiên. Trong cái rủi nào cũng có chút may, ấy là chúng tôi đã kịp ghi hình lại câu chuyện xúc động của cụ về sức mạnh sáng tạo của nhân dân Hà Nội trong  CMT8. Chắc là chúng tôi phải nhanh tay, nhanh mắt, nhanh tư duy... để hoàn tất bộ phim tài liệu này, để nói cho lớp trẻ hiểu... ngày ấy, thời ấy... đã có những chàng trai độ tuổi mười tám đôi mươi dám làm những việc táo bạo và đã thành công nhờ  “chụp được” những thời cơ được tạo ra bởi sức dân, lòng dân  quyết hướng về Độc lập.
Biết đâu trong tang lễ của cụ Lê Trọng Nghĩa, chúng tôi sẽ nghe được nhiều bạn bè và đồng đội của cụ nói rõ hơn về cuộc kháng chiến 9 năm và về cuộc đời cụ. Tôi cứ tin rằng, vào tuổi 93 mà cụ còn sắc sảo như khi tôi được nghe cụ nói chuyện, thì thời ở độ tuổi 30, với vai trò Cục trưởng Quân báo, cụ đã có vai trò không nhỏ trong chiến trận Điện Biên Phủ. Ấn tượng nhất của cụ với tôi gọn trong 4 chữ: phong cách tư duy

Lên mạng đọc, thấy chỉ vài giờ sau khi cụ quy tiên, BBC đã có bài “Ông Lê Trọng Nghĩa 'từ trần'”. Chả hiểu BBC dùng chữ ‘từ trần’ trong ngoặc đơn là nghĩa gì, nhưng họ hiểu một nhân vật “từng làm Cục trưởng Quân báo Bắc Việt vào năm 28 tuổi”... ắt là người tài.  Và quan trọng là rốt cuộc, người Việt đã thắng Pháp vào 1945 và 1954.

Thôi kệ mấy anh BBC với những chuyện muôn thủa của báo chí. Tôi cứ tần ngần cầm ly rượu nhỏ, nhìn ra đại dương mênh mông, nghe sóng vỗ lao xao:

Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây

Đã vui chơi trong cuộc đời này

Đã bay cao trong vòm trời đầy...

Không biết cụ Lê Trọng Nghĩa lúc sinh thời có nghe bài hát này không, nhưng bên tai tôi cứ văng vẳng ca khúc buồn buồn ấy.
Cảm ơn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có những bài hát chia sẻ những tâm trạng đầy luyến tiếc. Qua mấy lần hầu chuyện cụ Nghĩa, tôi tin  cụ thực sự “vui chơi trong cuộc đời này” và tôi vẫn nghĩ cụ “đã bay cao trong vòm trời đầy...”.
Ra bờ đá nhìn lên, thấy có chiếc máy bay lấp lánh trên vòm trời hồng. Bay xa mãi...
                                                                                          Chiều 23/2/2015

                                                                                        Hoàng Quang Vinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Viết nhận xét, nếu chưa đăng kí, bạn có thể ghi tên mình (hoặc nickname) và xuống mục "Chọn 1 nhận dạng" nháy vào "Ẩn danh" rồi xuất bản nhận xét.