Thứ Tư, 16 tháng 5, 2018

Xứng danh trường Võ bị Trần Quốc Tuấn



Sau khi cách mạng tháng 8/1945 thành công, thực dân Pháp âm mưu quay trở lại xâm lược Việt Nam một lần nữa. Trước tình hình đó, Bác Hồ tranh thủ thời gian hòa hoãn sau Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 đã chỉ thị cho Bộ Quốc phòng tổ chức một trường quân sự theo khuôn phép nhà binh chính quy đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vì thế, với học viên khóa đầu của ngôi trường này, ngày khai giảng đầu tiên vô cùng đáng nhớ.
Phạm Thiệu

Kí ức về đội tiêu binh danh dự
Sau khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chính quyền cách mạng non trẻ phải đối mặt với rất nhiều thử thách cả trong và ngoài nước. Đặc biệt là thực dân Pháp đang lăm le trở lại xâm lược Việt Nam một lần nữa trong khi lực lượng vũ trang cách mạng của ta còn non trẻ.
Vì vậy, nhu cầu cán bộ chỉ huy có kiến thức cơ bản về quân sự là rất lớn. Nhận thấy tình hình đó, Bác Hồ tranh thủ thời gian hòa hoãn sau Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 đã chỉ thị cho Bộ Quốc phòng tổ chức một trường quân sự theo khuôn phép nhà binh chính quy đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (tiền thân của trường Sĩ quan Lục quân I hiện nay) đã được thành lập trong hoàn cảnh như vậy.
Bác Hồ trao lá cờ thêu 6 chữ “Trung với nước, Hiếu với dân” cho trường Võ bị Trần Quốc Tuấn.
(Ông Đỗ Hạp, người bồng súng đứng bên tay phải người cầm cờ).


Đến nay, hơn 70 năm đã trôi qua, những học viên khóa đầu của Trường người còn, người mất. Nhưng may mắn làm sao chúng tôi có cơ hội đã gặp được ông Đỗ Hạp (sinh năm 1927, học viên khóa đầu, hiện nay là Trưởng ban liên lạc truyền thống khóa I trường Võ bị Trần Quốc Tuấn) để nghe ông chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị.
Ông tâm sự: “Thời bấy giờ, việc chọn người vào học trường Võ bị Trần Quốc Tuấn đòi hỏi phải có trình độ học vấn tương đối cao. Tiêu chuẩn chọn học viên được Bác Hồ đồng ý là chọn những người có trình độ cao đẳng tiểu học trở lên (thời đó ở miền Bắc chỉ có 5 trường đào tạo lên trình độ cao đẳng). Nhưng Bác cũng lưu ý hai trường hợp cần đặc biệt châm chước là: Đối với dân tộc ít người thì chỉ cần trình độ tiểu học và với các chiến sỹ đang chiến đấu ở mặt trận miền Nam thì chỉ cần giấy giới thiệu của Mặt Trận. Nói vậy để thấy rằng, được là học viên trường Võ bị là niềm tự hào và là một thử thách lớn với những chàng trai chưa từng quen chịu đựng gian khổ. Thời đó, tôi đang là học sinh trường Cao đẳng tiểu học Đông Dương, được tập trung về trường từ cuối tháng 4/1946. Trường lúc bấy giờ đặt tại Trường bộ binh và pháo binh của quân đội Pháp đóng trên địa phận xã Mai Trai nay thuộc thị xã Sơn Tây. Từ đầu tháng 5, chúng tôi bắt đầu được học quân phong, quân kỷ, luyện tập đội ngũ để chuẩn bị cho ngày khai giảng”.
Ông Đỗ Hạp cho biết, lúc bấy giờ Bác Hồ chỉ thị cho Bộ Quốc phòng làm sẵn một lá cờ đỏ thêu 6 chữ vàng “ TRUNG VỚI NƯỚC, HIẾU VỚI DÂN” để Bác trao cho nhà trường làm cờ truyền thống. Ban Giám Hiệu đã thành lập đội danh dự để tiếp nhận lá cờ lịch sử này. Đội danh dự gồm có 6 thành viên đại diện cho ba miền là Bắc, Trung, Nam và người nhận cờ được Bác chỉ định phải là một học viên quê Miền Nam (người được chọn là ông Bùi Minh Trân). Ông Đỗ Hạp được chọn là người đại diện cho Miền Bắc trong đội danh dự đó.
Nhớ lại khung cảnh của buổi khai giảng đầu tiên năm ấy, ông kể: “Lễ khai giảng năm đó được tổ chức đúng ngày Chủ nhật 26/5/1946, tại sân vận động của trường sau tòa nhà trung tâm. Toàn thể chúng tôi, quân phục chỉnh tề, đội ngũ nghiêm chỉnh. Gần đến giờ khai mạc, các vị khách mời lần lượt đến đông đủ trong đó có nhiều thành viên trong Chính phủ, Ban thường trực Quốc hội, Mặt trận Việt Minh, Hội Liên hiệp quốc dân, các hội cứu quốc, các đại diện tôn giáo ở Trung ương, Bộ Tư lệnh khu 2, chính quyền và các đoàn thể ở Sơn Tây.
Sau lễ chào cờ và mặc niệm là bài diễn văn khai mạc của Bộ trưởng Bộ quốc phòng Phan Anh và lời phát biểu của giám đốc Hoàng Đạo Thúy. Tiếp đó, Bác Hồ đã thân mật nói chuyện với chúng tôi. Bác dạy chúng tôi rằng, anh em thuộc nhiều giai cấp, tư tưởng khác nhau nên trước hết phải đoàn kết, đoàn kết chặt chẽ, thật thà. Phải có kỷ luật, phải noi gương các liệt sỹ hồi khởi nghĩa và làm gương cho các lớp về sau; là thanh niên phải thích làm việc to chứ không thích làm quan lớn. Cuối cùng Bác dặn, anh em phải Trung với nước, Hiếu với dân. Đây là bổn phận thiêng liêng, một trách nhiệm nặng nề nhưng cũng là một vinh dự của người chiến sỹ trong đạo quân quốc gia đầu tiên của nước ta. Chúng tôi hưởng ứng lời Bác bằng những lời thề vang lên như sấm rền”.
Những kỉ niệm về Bác Hồ
Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, ông Đỗ Hạp tuy về sau có đôi lần được gặp Bác nhưng gặp Bác lần này là lần đầu tiên và cũng là lần để lại nhiều kỉ niệm sâu sắc nhất. Ông tâm sự: “Khi còn học ở trường Cao đẳng tiểu học Đông Dương, tôi đã cực kỳ ngưỡng mộ Nguyễn Ái Quốc nhưng chưa được gặp. Thế rồi, sau khi cách mạng tháng 8 thành công, ước mơ được gặp cụ Hồ ngày càng tha thiết với tôi. Vì thế, khi được chọn vào đội danh dự tiếp nhận cờ truyền thống, được đứng gần Bác, với tôi là một vinh dự rất lớn. Cảm xúc lúc đó cho tới bây giờ vẫn rất khó diễn tả, tôi thấy vừa xốn xang, vừa hồi hộp mà vừa gần gũi, thân thiết. Bài học đầu tiên mà tôi được Bác dạy chính là 6 chữ vàng “Trung với nước, Hiếu với dân”. Bác giải thích ý nghĩa của 6 chữ vàng này với những bài học rất sâu sắc về chiến đấu và lòng yêu nước. Tôi và những anh em đồng học cho tới hôm nay vẫn ghi nhớ như in những lời dạy đó, và trong suốt cuộc đời làm cách mạng của mình coi đó là kim chỉ nam trong mọi hành động.
Ông Đỗ Hạp vẫn còn nhớ như in buổi lễ trao cờ năm ấy. Đó là thời điểm ông được nhìn Bác rõ nhất. Ông kể: “Sau khi căn dặn chúng tôi những điều tâm huyết, Bác bước xuống lễ đài đi về phía đội danh dự. Cục trưởng Cục quân huấn Phan Phác cầm lá cờ đi theo Bác. Khi Bác đến trước đội danh dự, đồng chí Bùi Minh Trân bước lên 3 bước bằng một động tác rất thuần thục và nhận từ tay Bác lá cờ thêu 6 chữ vàng (sau này lá cờ này trở thành lá cờ truyền thống của trường cho tới tận ngày nay). Bác Hồ thân mật nắm chặt tay đồng chí Trân, tiếng hô “Hồ chủ Tịch muôn năm” lại vang lên nhiều lần. Chúng tôi đã bắt đầu cuộc đời binh nghiệp cách mạng bằng một lễ tuyên thệ, một lễ trao cờ trọng thể và những lời giáo huấn cao cả, chí tình như thế đấy”.  
Theo dòng cảm xúc, ông Hạp cho biết, Bác Hồ trong mắt anh em học viên khoá I chúng tôi là người cha đôn hậu rất ân cần. Mặc dù bận trăm công nghìn việc, trong bối cảnh nước ta đang ở thế như ngàn cân treo sợi tóc mà Bác luôn quan tâm tới đời sống của học viên và nhất là đối với anh em trí thức. Ngày 31/5/1946 Bác phải sang Pháp công tác mà ngày 26/5 Bác vẫn tranh thủ lên dự lễ khai giảng khóa học và dạy dỗ chúng tôi. Thế rồi khi đi Pháp về được mấy hôm, Bác lại vồn vã lên thăm Trường. Tính ra khóa học đầu tiên của các học viên trường Võ bị Trần Quốc Tuấn kéo dài trong 6 tháng, Bác lên đã lên thăm 3 lần (trong khi thời điểm này, thời gian ở trong nước của Bác chỉ có hơn 1 tháng).
Trong buổi nói chuyện hôm đó, ông Đỗ Hạp nhớ như in những lời nói nặng tính thân tình: “Sau khi ở Pháp về, nhớ những đồng chí trẻ của mình ở đây, đồng chí già liền lên thăm ngay và căn dặn anh em mấy điểm ....”. Cách xưng hô thân tình, đối xử với mọi người bình đẳng chính là những kỷ niệm và bài học không bao giờ quên với học viên khóa I trường Võ bị Trần Quốc Tuấn chúng tôi.


Học viên khóa I trường Võ bị Trần Quốc Tuấn đều có đóng góp quan trọng cho đất nước
Học viên khóa I của Trường đều là những người có đóng góp đáng kể cho cuộc cách mạng của dân tộc. Trong số gần 300 học viên ra trường đợt đầu, gần 100 người đã hi sinh vì tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế trên chiến trường Đông Dương. Mỗi trường hợp hi sinh đều là một tấm gương về lòng dũng cảm, tinh thần xả thân vì nghĩa cả, vì độc lập tự do của tổ quốc. Trong số các liệt sỹ đó có 2 người được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (là Đại tá tình báo huyền thoại Phạm Ngọc Thảo - nguyên mẫu nhân vật Nguyễn Thành Luân trong bộ phim Ván bài lật ngửa nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam và Thiếu tướng Nguyễn Kim Tuấn , Tư lệnh quân đoàn hy sinh trên đất nước Chùa Tháp ). Ngoài ra các học viên khóa đầu còn 4 người được phong Trung tướng, 2 người được phong Thiếu tướng và rất nhiều người thành danh trong quân đội cũng như khi công tác ngoài xã hội.

1 nhận xét:

  1. Khác với lời cụ Đỗ Hạp, cụ Hoàng Đạo Thuý cho biết không có việc Bác Hồ lên thăm Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn sau khi đi Pháp về.

    Trả lờiXóa

Viết nhận xét, nếu chưa đăng kí, bạn có thể ghi tên mình (hoặc nickname) và xuống mục "Chọn 1 nhận dạng" nháy vào "Ẩn danh" rồi xuất bản nhận xét.