Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

CHUYỆN VỀ 2 CHIẾC MÁY BAY CỦA VUA BẢO ĐẠI (ANH THY)

Ai cũng biết 3/3/1955 là Ngày truyền thống của Không quân nhân dân Việt Nam, nhưng không phải ai cũng biết trước đó gần chục năm quân đội ta đã có một đơn vị đặc biệt nghiên cứu, huấn luyện không quân?
Chuyện bắt đầu từ 2 chiếc máy bay riêng của vua Bảo Đại...…


Lớp Hàng không đầu tiên bên chiếc Morane của Bảo Đại, 1948.
Vốn quý đầu tiên

Sau ngày thoái vị, vua Bảo Đại vẫn được Cụ Hồ mời ra Hà Nội làm cố vấn cho Chính phủ. Vốn là “tay chơi”, ông có 2 chiếc máy bay riêng. Đó là chiếc Tiger Moth có 2 chỗ ngồi, 2 tầng cánh, thân bọc vải, 1 động cơ do hãng Havilland (Anh) chế tạo, dùng để bay huấn luyện; chiếc thứ 2 là Morane Saulnier (Pháp) – máy bay thể thao, thân kim lọai, 1 tầng cánh, 1 động cơ, 2 chỗ ngồi, có thể nhào lộn. Khi ra Hà Nội, ông xin phép đưa 2 chiếc máy bay ra, hiến cho ta để thành lập Câu lạc bộ hàng không. Chính phủ đã chấp thuận. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu giao cho đ/c Phan Phác (Cục trưởng Cục Quân huấn, người có chút hiểu biết về máy bay khi còn phục vụ trong quân đội Pháp) tổ chức di dời. Hai máy bay được tháo cánh và bí mật chở bằng tầu hỏa ra Bắc rồi chuyển về cất ở sân bay Tông (Sơn Tây) vào đầu năm 1946. (Khi đó sân bay Bạch Mai và Gia lâm đang bị quân Tàu Tưởng chiếm giữ).


Sau ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, có ý kiến cho chiếc Morane bay qua Nam Định, ném đạn cối vào khu vực quân Pháp đang bị vây hãm nhưng Cụ Hồ không đồng ý và chỉ thị phải cất giấu máy bay lên Việt Bắc. Vậy là tháng 1/1947, đ/c Lê Thạch Liên, Lê Văn Nho nhận nhiệm vụ đưa 2 máy bay theo đường sông lên Bình Ca, Tuyên Quang. Đêm đi ngày nghỉ, chặt cành lá ngụy trang để tránh máy bay Pháp phát hiện, thuyền đi ngược dòng rất vất vả. Hai tháng sau, khi tạm dừng ở sân bay Bình Ca, chiếc Tiger Moth bị trúng đạn máy bay địch, làm thủng vài chỗ. Tổ bảo dưỡng mua lụa Hà Đông và vá lại bằng sơn ta. Sau đó lại đưa xuống thuyền chuyển ngược lên Chiêm Hoá. Vận chuyển toàn bằng sức người, cực kì vất vả cho đến khi giấu trong lán ở Soi Đúng, tả ngạn sông Gâm, cách thị trấn Chiêm Hóa  về phía nam 10km. “Đường băng” hạ cất cánh là bãi trồng ngô dài 400m, rộng 25m. Xăng dầu cho máy bay được lăn từng phuy từ Cao Bằng về. Máy bay được bảo dưỡng chờ lệnh.

Cuối 1948 đầu 1949, cục diện chiến trường có nhiều thay đổi. Bộ Tổng tham mưu kiến nghị với Tổng tư lệnh hình thành các tổ chức ban đầu của không quân, thuỷ  quân và một số binh chủng. Khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp và thiếu tướng Hoàng Văn Thái báo cáo về việc thành lập “Đội huấn luyện không quân”,  Bác đã chỉ thị: Đã làm cái gì là phải làm cho bằng được! Hướng đi (về mặt chiến lược để đón thời cơ) đã có, nhưng phải kiểm tra cơ sở thực tế xem có thực hiện được hay không. Và bước đầu chỉ nên gọi là Ban nghiên cứu, chỉ tổ chức lớp không quân, chưa phải là trường. Ban nghiên cứu có lớp để phối hợp nghiên cứu, vừa học vừa làm.

Chấp hành chỉ thị của Bác, ngày 9/3/1949, Võ Tổng[1] đã kí quyết định thành lập Ban nghiên cứu không quân với mật danh “Nông trường thí nghiệm”, đóng ở thôn Ngòi Liễm, xã Hữu Lộc, Sơn Dương, Tuyên Quang, tả ngạn sông Lô, cạnh Nha nghiên cứu kĩ thuật quân giới ở thôn Đĩa. Nhiệm vụ đặt ra là xây dựng cơ sở nghiên cứu ban đầu của không quân, tìm hiểu hoạt động của không quân Pháp và tìm cách chống lại, chuẩn bị cơ sở vật chất, tài liệu, huấn luyện cán bộ, chuẩn bị từng bước để tiếp thu, “đón thời cơ” triển khai hoạt động. Phương châm ban đầu là đi từ nhỏ đến lớn, cụ thể, thiết thực, bí mật, phù hợp tình hình… Đ/c Hà Đổng được bổ nhiệm Trưởng ban, đ/c Đoàn Mạnh Nghi (cán bộ Bộ Tổng tham mưu, vốn là nhân viên khí tượng cũ) được giao phụ trách công tác Đảng, công tác chính trị; sau này đ/c Trần Hiếu Tâm về làm chính trị viên. Đặc biệt có hàng binh người Đức Nguyễn Đức Việt, từng là phi công lái máy bay liên lạc, cũng được điều về. Các tiểu ban Hành chính, Chính trị, Nghiên cứu sân bay, phòng không, khí tượng, xưởng cơ khí, tổ bảo dưỡng, tổ huấn luyện… được thành lập.

Việc đầu tiên là kiểm tra chất lượng 2 chiếc máy bay. Đ/c Hà Đổng cùng đ/c Đức Việt, Thạch Liên cùng tổ bảo dưỡng lên Chiêm Hoá, kiểm tra rồi chọn chiếc Tiger Moth để bay thử. Trong bài “Chuyến bay đầu tiên của Không quân Việt Nam” của ông Thạch Liên còn ghi lại: “Chiều hôm đó, khoảng 5 giờ. (Phải chọn thời gian này vì máy bay địch đã ngưng họat động). Anh Việt cùng bay với cụ Nguyễn Văn Đống, trưởng ban Cơ khí. Hai người chỉ mang theo có 2 cặp kính che mắt chứ không mang theo dù. Máy bay chạy trên sân khoảng 250m thì bắt đầu lên cao khoảng 100m, lượn về phía nam, sau đó hạ thấp độ cao. Anh Việt có ý định cho bay theo dòng sông Gâm về sân bay nhưng vì máy bay xuống quá thấp, cánh bên trái chạm mặt nước nên đâm xuống sông. Hôm sau, anh em cùng bà con lội ra sông, tháo từng bộ phận, đem về cất giấu”.

Vậy, ngày 14/9/1949 là một mốc lịch sử quan trọng của Không quân nhân dân Việt Nam – lần đầu tiên, chiếc máy bay mang cờ đỏ sao vàng bay trên vùng trời Tổ quốc.



Nghiên cứu, huấn luyện

Những ngày đầu, cán bộ Ban nghiên cứu không quân đã tự xây dựng doanh trại, lớp học, kho, xưởng. Xưởng cơ khí được trang bị một số máy cắt, gọt, rèn, hàn… Ngay trong những ngày đầu, Ban đã tiếp nhận những “tặng phẩm” của không quân Pháp: xác chiếc máy bay vận tải Junkers 52 bị bắn rơi ở Phú Lương (5/1949) và chiếc khu trục  King-Cobra P-63 (hè 1950).

Giáo viên là những đ/c ở Ban cùng một số nhân viên hàng không được chọn trong số hàng binh Pháp (Trần Hà - phi công Nhật, từng đánh nhau ở Singapore, Nguyễn Ba - thợ máy Nhật, Malenbach - thợ máy Đức, Lubrisch - gấp dù và nhẩy dù Đức, Schertaner - thợ máy Ao…).

Ban đã đào tạo được 2 khóa. Khoá 1 khai giảng vào Thu-Đông năm 1949, đào tạo trong 4 tháng với 28 học viên hoa tiêu, bế giảng vào đầu năm 1950. Một số đ/c tốt nghiệp lớp Hoa tiêu khóa 1 lặn lội đến những nơi có xác máy bay Pháp bị bắn rơi, nhặt nhạnh các bộ phận, linh kiện, mang về làm học cụ. Khoá 2 khai giảng tháng 5/1950 và đào tạo 87 học viên cho 3 ngành: hoa tiêu, khí tượng, thợ máy. Học xong phần lí thuyết, học viên hành quân về Chiêm Hoá thực hành tháo mở máy, vận hành và cho máy bay lăn trên đường băng cỏ.

Ban còn nghiên cứu cơ cấu các loại sân bay, cách xây dựng sân bay dã chiến, đồng thời còn nghiên cứu phương pháp bắn máy bay địch bằng các loại súng máy, súng trường bộ binh, làm giá ghép 2 trung liên, chế tạo máy ngắm bắn mục tiêu trên không, v.v… Tháng 5/1951, theo lệnh Bộ Tổng, Ban đã cử 20 đ/c sang Trung Quốc tham gia nhận và chuyển loại pháo cao xạ 37mm phòng không. Đây là đơn vị phòng không đầu tiên của QĐNDVN.

Suốt trong thời kì xây dựng, Bộ Tổng thường xuyên kiểm tra và cử cán bộ tác chiến xuống giúp đỡ, lên lớp. Thiếu tướng Hoàng Văn Thái thường xuyên theo dõi và nhiều lần xuống thăm. Tại Hội nghị  “Tham mưu và Quân huấn toàn quân lần thứ 4”, đầu năm 1950,  trong giai đoạn “Tích cực chuẩn bị chuyển sang Tổng phản công”, Tổng tham mưu trưởng đã đến dự lễ bế mạc lớp Hoa tiêu khoá 1 và trở thành người anh thân thiết của thầy, trò “nhà trường”.

Vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, việc phát triển các ban nghiên cứu không quân, thuỷ quân tạm thời ngưng lại, tập trung xây dựng các lực lượng mới: pháo binh, phòng không. Cơ sở vật chất của Ban, kể cả 2 chiếc máy bay, được niêm phong và bàn giao. Sau đó một số đ/c được bổ sung cho các đơn vị, một số được cử đi học hàng không ở nước ngoài. Sau chiến thắng  Điện Biên Phủ và Hiệp định Genéve được kí kết, quân đội ta đã cử các đ/c có kiến thức về hàng không, mà phần lớn là cán bộ, học viên của Ban nghiên cứu không quân, đi tiếp quản các sân bay và cơ sở hạ tầng của lực lượng không quân Pháp. 

… Mới ngày nào cán bộ, giáo viên, học viên của Ban nghiên cứu không quân hầu hết mới ngoài 20. Nay thì kẻ còn người mất, lớp còn sống “trẻ nhất” cũng đã là U80. Chuyện mới đây mà đã 60 năm!





[1] Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Viết nhận xét, nếu chưa đăng kí, bạn có thể ghi tên mình (hoặc nickname) và xuống mục "Chọn 1 nhận dạng" nháy vào "Ẩn danh" rồi xuất bản nhận xét.