Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

Trần Văn Nghiêm, cựu học viên Trường Cán bộ VN - tiền thân của Võ bị

TƯỚNG TRẦN VĂN NGHIÊM
CẢ CUỘC ĐỜI VỚI CHIẾN TRƯỜNG

KIẾN QUỐC

Sinh ra trong một gia đình công chức ở Ninh Bình, sớm tiếp thu những ảnh hưởng của phong trào cách mạng; tháng 5-1945 khi vừa 22 tuổi, Trần Văn Nghiêm tự nguyện gia nhập Đoàn Thanh niên Cứu quốc rồi tham gia cướp chính quyền ở thị xã Ninh Bình. Cuối 1945, ông được điều vào quân đội và cuộc đời chiến binh gắn bó với đ/c đến hơi thở cuối cùng.


Được cử đi học Trường Cán bộ Việt Nam (tiền thân của Võ bị Trần Quốc Tuấn), sau đó  ông được phân về Đại đoàn Đồng bằng F320 làm đại đội trưởng. Là đơn vị hoạt động trong vùng địch hậu phải độc lập tác chiến, nếm mật nằm gai cùng bà con nhưng với tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, bám đất bám dân ông đã hoàn thành nhiệm vụ. Trưởng thành trong chiến đấu, kinh qua các chức vụ Tiểu đoàn trưởng rồi Trung đoàn trưởng E64 - đơn vị làm cho quân Pháp ở đồng bằng Bắc Bộ “thất điên bát đảo”, góp phần chi viện cho các chiến trường. Đến năm 1951, ông được điều về công tác ở Cục Tác chiến (BTTM).

Năm 1963, ông là Cục phó Cục Tác chiến. Năm sau nhiệm vụ vào mặt trận B2, ông từ biệt gia đình khi con gái út mới tròn 8 tuổi. Tại chiến trường, ông đảm đương nhiều trọng trách: Tham mưu phó Bộ Tư lệnh Quân giải phóng, Phó Tư lệnh Binh đoàn 232, Phó Tư lệnh Quân khu 9. Suốt 11 năm liền, ông tham gia nhiều chiến dịch và góp phần chỉ đạo đánh bại nhiều chiến dịch lớn: Gian-xơn Xi-ty, Phước Long – Bù Đốp, Đường 22, Nguyễn Huệ, rồi Chen-la 1, Chen-la 2 trên chiến trường Campuchia…

Năm 1968, tại Hà Nội, người vợ thương yêu bị một căn bệnh hiểm nghèo cướp đi sự sống. Khi nhận được tin, ông vô cùng thương tiếc và ân hận vì  bận chiến đấu nên không thể dành thời gian chăm sóc người bạn đời trong những ngày cuối. Nhưng với nghị lực và lòng can đảm của người lính, ông nén đau thương tiếp tục giữ vững vị trí chiến đấu. Bảy năm sau, ông tham gia  Chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Năm 1977, sau khi hoàn thành nhiệm vụ Trưởng ban Tổng kết Chiến tranh Miền, ông được giao nhiệm vụ Phó Tư lệnh và đến năm 1979 là Tư lệnh Quân khu 9… Sau này, trong dịp gặp mặt các bạn chiến đấu, Trung tướng Nguyễn Thới Bưng - nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 9 - đã nhắc lại: ”Thời gian công tác ở Quân khu 9, anh Hai Nghiêm hết lòng, hết sức vì Đảng, vì dân. Anh rất khiêm tốn, tôn trọng, đoàn kết chặt chẽ với cấp uỷ và chính quyền địa phương, cùng các đ/c trong Bộ Tư lệnh chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang toàn quân khu trưởng thành. Đặc biệt, anh đã góp nhiều công sức cùng Quân khu 9 giúp đỡ nhân dân Campuchia nổi dậy lật đổ chế độ diệt chủng Pôn-pốt, giải phóng hoàn toàn đất nước Chùa Tháp…”.

Là một cán bộ có phẩm chất và năng lực, gắn cả cuộc đời với chiến trường, là một chỉ huy được cán bộ và chiến sĩ tin yêu, với công lao và thành tích đóng góp của mình cho sự nghiệp cách mạng, ông được Đảng, Nhà nước phong hàm Trung tướng và tặng thưởng huân chương Độc lập hạng nhất, Quân công hạng nhất, Quân công giải phóng hạng nhì cùng nhiều huân, huy chương khác.

Vì một căn bệnh hiểm nghèo, ông mất tại Hà Nội ngày 28-5-1985, hưởng thọ 62 tuổi. Trong tập hồi ức “Chiến đấu trong vòng vây”, khi nói về sự trưởng thành của Quân đội ta, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có viết: ”Nhiều đ/c sau này trở thành tướng lĩnh, cán bộ cao cấp giữ những trọng trách trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc như Vũ Lăng, Vũ Yên, Thái Dũng, Nam Hà, Trần Văn Nghiêm, Anh Đệ…”.

                                                                                                Tp.HCM, 10-2001

1 nhận xét:

Viết nhận xét, nếu chưa đăng kí, bạn có thể ghi tên mình (hoặc nickname) và xuống mục "Chọn 1 nhận dạng" nháy vào "Ẩn danh" rồi xuất bản nhận xét.