Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

Hồi kí Bùi Ngọc Sách (tiếp)


  ĐOẠN 11  -  Chuẩn bị sang Trung Quốc
Lúc này cả khoa nhộn nhịp chuẩn bị giầy dép để hành quân trường chinh sang Trung Quốc, bởi đường xa mà trường thì không đủ kinh phí để trang bị dép cho đôi chân học viên.

Một hội nghị sáng kiến được mở cho anh em tìm mọi cách khắc phục để bảo vệ đôi chân trên đường dài. Anh em nêu ra rất nhiều kiểu dép cổ kiểu nhà nghèo xưa, dép da có quai quàng qua mu bàn chân xỏ 1 ngón giữa của phu phen đẩy xe cút kít, có cả ý kiến về dép mo cau! Nhưng cuối cùng chốt lại làm hài xảo.
Hài xảo có lẽ là từ tên Trung Quốc. Hài thảo là một thứ dép dân dã của người dân tiều phu, mã phu Trung Quốc bện bằng cỏ phát âm là hài xảo? Thứ dép này dáng dấp gần như dép Thái Lan bây giờ nhưng quai bện vắt cả qua mu bàn chân và giữa khe ngón chân, đế cũng là cỏ bện.


Làm dép này sẵn vật liệu, dễ làm, nhưng mỗi người phải có nhiều đôi vì nó không bền. Thế là anh em thi đua nhau làm thử các kiểu hài xảo và mở hẳn một triển lãm các kiểu hài xảo. Nhưng chúng tôi không bện hài xảo bằng cỏ mà bằng giang. Cây giang vẫn làm lạt buộc bánh chưng sợi dẻo dai hơn cỏ nhưng nó sắc có thể cứa đứt bàn chân. Thì phải khắc phục bằng bện giẻ vào các chỗ cọ sát với chân.
Tôi vô cùng tiếc rằng, cuộc thi làm hài xảo này không có gì lưu lại, cũng không được ai viết lại, mô tả đầy đủ lại cái việc làm cảm động này.

Cuối cùng anh em cũng bện được cho mỗi người 2 đôi hài xảo. Cái đế hài xảo bện dây dài rồi cuộn vòng lại theo hình bàn chân y như lối bện nón rơm chống mảnh đạn thời kỳ Mỹ đánh bom miền Bắc cho các em học sinh đội đi học.
Chúngtôi còn được câp tiền để mỗi người mua 1 áo tơi lá gồi kiểu  nông dan Bắc bộ. Giữa tháng 7/1950, chúng tôi hành quân Bắc tiến kiểu như thế.

Về sau này học sinh, sinh viên cán bộ ta nhiều người được cử đi học nước ngoài nên trong lý lịch có mục phải khai: đã đi học nước ngoài chưa? Tôi đùa: Đi rồi (đi bộ)! Là nghĩ tới kiểu đi hồi đó mà thấy cảm động, tự hào pha chút vị chua!
Thầy giáo Vũ Khổng Tước năm 78 tuổi trước lúc mất có tặng tôi một bài thơ nói về thời bện hài xảo ấy. Tôi tìm lại nhưng không còn, tiếc quá! Xin các anh con thầy Tước tìm lại giúp. (Lúc đó thầy Tước là chính trị viên một đại đội bạn).

(Trích tư liệu Học viện Lục quan: "Sau khi cách mạng Trung Quốc thành công (1949), đảng - chính phủ hai nước VN và TQ... Tháng 6/1950, Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh quyết định sáp nhập Trường Bổ túc quân chính trung cấp vào Trương Lục quân Trần quốc Tuấn và đưa sang tỉnh Vân Nam tiếp tục đào tạo. Và khó'a 6 khai giảng ngày 21/12/1950, kết thúc giữa thang 6/1951. Giáo viên và tài liệu QS phần lớn dựa vào bạn TQ".

 (Còn tiếp).



 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Viết nhận xét, nếu chưa đăng kí, bạn có thể ghi tên mình (hoặc nickname) và xuống mục "Chọn 1 nhận dạng" nháy vào "Ẩn danh" rồi xuất bản nhận xét.