Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

Hồi kí Bùi Ngọc Sách

Đoạn  12   -  Tôi sang Trung Quốc

Trong cuốn Thông tin Lịch sử quân sự số ra …./1992, đồng chí Nguyễn Việt Hồng có viết chuyện sang Trung Quốc năm 1950 của chúng tôi trên quãng đường dài 1.800km, riêng đi bộ 800km. Tôi thì không nhớ, cũng không biết độ dài chuyến đi ấy nên cũng tạm chấp nhận thông tin như thế.
Tôi nhớ vào khoảng giữa tháng 7 năm 1950 thì chúng tôi lên đường, mà bắt đầu từ Tân Cương - vùng chè nổi tiếng của Thái Nguyên.

Đường đi lên biên giới không có điều gì đáng nói lắm. Qua Tuyên Quang, tôi ghé vào nhà Nguyễn Viết Thành cùng khoa. Qua Hà Giang theo con đường lên huyện Thanh Thủy, chúng tôi nghỉ qua đêm bên này biên giới. Đêm đến nghe kể chuyện về đồng chí Nguyễn Trí Hiểu đại đội trưởng dẫn chúng tôi sang Trung Quốc, đã được mệnh danh là “Anh hùng Tây Côn Lĩnh”; mà Ngọn Tây Côn Lĩnh ở Hà Giang không đâu xa, ngay sau lưng chỗ chúng tôi nghỉ đêm, có độ cao 2419m so với mặt biển. Ở đó là địa bàn thống lĩnh của quân Phỉ Mẹo cũng là chiến trường của đồng chí Hiểu. Anh đã chiến đấu oanh liệt để diệt chúng, sau đó mới về Trường Lục Quân. Nghe thế chúng tôi rất phục.
Hà Giang có những rặng núi đá sừng sững thật ấn tượng. Núi dựng đứng nhọn hoắt. Nhiều núi tạo nên một màu xanh sẫm khi nhìn toàn cảnh (nhưng để nhìn toàn cảnh núi non ở Hà Giang phải sang qua biên giới TQ, từ đó nhìn về VN mới thấy đẹp).

Biên giới Việt Trung ở đây là dòng chảy của con sông đầu nguồn: sông Lô chảy giữa 2 dãy núi cao sừng sững, một bên là đất Việt một bên là đất Hoa. Một cái cầu treo giữa 4 mố trụ xây bằng đá hộc, mặt cầu lát gỗ. Cầu Thanh Thủy không đẹp, cũng không có giá trị lịch sử nhưng các học viên Lục Quân đã qua đây đều không thể quên. Thực tế biên giới Việt còn bên kia cầu Thanh Thuỷ khá xa. Theo đồng chí Đinh Công Thâu nhớ lại, phải đi bộ tới 2giờ nữa mới thấy mốc biên giới từ thời Pháp trồng - một bên ghi tiếng Pháp, một bên ghi chữ Hán (một bên là chữ Tonkin, bên kia là chữ Vân Nam). Tonkin là tên do Pháp đặt ra để chỉ xứ Bắc Kỳ lúc đó.



Qua biên giới, chúng tôi hướng về một địa danh có tên Giao Chỉ Thành (phiên âm Việt). Chúng tôi kháo nhau đó chính là nơi sinh ra người Giao Chỉ có 2 ngón chân tõe ra mà sự tích ta có bàn đến, chẳng biết có đúng, nhưng đề tài có vẻ thú vị trên đường hành quân.

Đêm đầu tiên qua Trung Quốc, chúng tôi ngủ tại Giao Chỉ Thành. Chẳng biết thành Giao Chỉ Thành ở đâu, chỉ thấy lèo tèo 2, 3 căn nhà nhỏ, không thể chứa được chúng tôi. Chúng tôi hạ trại ngoài trời. Hình như bãi hạ trại là một bãi tha ma xưa, còn thấy các bộ hài cốt chôn rất nông, lòi cả xương chân tay lên mặt đất. Anh em căng màn, trải chiếu, đầu gối ba lô mà ngủ, người sống nằm lộn với người chết. Nhưng miễn là ngủ khoẻ.

Nhưng không khỏe mãi được vì nửa đêm đang ngon giấc thì trời đổ mưa. Mới đầu ai nấy kệ cứ ngủ. Nhưng mưa ngày càng nặng hạt, cứ đổ ào ào lênh láng lầy lội cả bãi nằm, lũng bũng dưới chiếu. Lính ta lúng túng, nằm cũng dở, ngồi cũng dở, tiểu đoàn quyết định nhổ trại. Thế là giữa trời mưa, nửa đêm chúng tôi đeo ba lô đồ toàn chứa nước, khoác tơi lá chập chững leo lên lối gọi là cổng trời. Đó là một quyết định đúng!
Mãi chiều hôm sau mới tới một làng Trung Quốc. Đó là Mã Lỵ Phố. Đây là một phố nhỏ trên sườn núi, vì từ Hà Giang lên đây chúng tôi chỉ trèo núi cao, không có đi xuống; nay thấy cảnh đẹp, nhà vách đất đỏ, vách xếp những gạch trình lớn, mái ngói âm dương truyền thống Trung Hoa. Tôi thấy các bà già đều còn bó chân đi đứng khó khăn; và có khá nhiều la lừa dùng để thồ hàng. Đường không rộng vì không hề có xe cộ, lát toàn đá tảng. Nhà nào nhà nấy đang chăm lo đốt vàng ngoài cửa. Tôi sực nhớ có lẽ hôm nay rằm tháng 7 ta, ở Việt Nam theo phong tục Trung Quốc thời bình trước cũng hay hoá vàng (nếu đúng vậy nghĩa là ngày 15/08/1950 mà tôi tra lịch dương sau này).

 Chúng tôi được vào ở nhà dân. Và bắt đầu tiếp xúc với bọ chó. Bọ chó ở mạn nam Trung Quốc này nhiều kinh khủng, nhảy tanh tách, la liệt bám vào người trong quần  áo mà hút máu (nạn bọ chó này còn ám ảnh chúng tôi suốt thời kỳ học ở Trung Quốc). Càng mặc quần áo chúng luồn vào người càng khó gãi, khó gỡ. Cho nên thấy nhiều chiến sĩ giải phóng quân Trung Quốc phục vụ cho cuộc hành quân của chúng tôi ban đêm ngủ họ cởi tuốt hết, như A-đam rồi chui vào chăn đôn kín đầu luôn.
Lần đầu được ra nước ngoài, càng đi tôi càng có nhận xét người Trung Quốc ở đây phần nhiều còn lạc hậu hơn người Việt Nam về nhiều phương diện. Căn nhà thấp và tối tăm đầy muội khói. Nước hiếm nên bẩn thỉu, dùng nước mất vệ sinh vô cùng… Đó là những người dân còn nghèo (loại trừ những nhà khá giả không nhiều ở các nơi tôi qua).

 Bắt đầu từ đây, chúng tôi được phổ biến một số tiếng Trung Quốc để có thể gọi tạm là giao dịch chút xíu như: cảm ơn, không biết, v.v… mà tôi không còn nhớ.

Đất nước Trung Quốc rộng quá, nhiều dân tộc nhiều vùng nên vùng này không biết ngôn ngữ của vùng kia. Vào lúc ấy vùng này lại mới giải phóng được hơn 1 năm. Trước đó các lực lượng võ trang của Tưởng nhiều địa phương qua lại nên lợi dụng những cái đó, để giữ bí mật việc Việt Nam sang Trung Quốc học tập và nhận vũ khí, cấp trên phổ biến cho chúng tôi rằng: nếu bị hỏi cứ nói không biết và tự xưng là "bộ đội Lưỡng Quảng" (Quảng Đông, Quảng Tây) về đây (leng-quang-pu-tui)!. Thật cũng lại là một sự ngây thơ cả từ cấp trên.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Viết nhận xét, nếu chưa đăng kí, bạn có thể ghi tên mình (hoặc nickname) và xuống mục "Chọn 1 nhận dạng" nháy vào "Ẩn danh" rồi xuất bản nhận xét.