Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012

Hồi kí Bùi Ngọc Sách


ĐOẠN  17 (Đoạn cuối) - DIỄN TẬP   &   VỀ NƯỚC

Nhà trường lúc đó còn làm công tác chính trị kiểu Trung Quốc. Khi chuẩn bị lễ mãn khoá 6, trường tổ chức một cuộc gọi là Tuyên dương Anh Mô (anh hùng mô phạm), như là Đại hội Chiến sĩ thi đua ở Việt Nam. Họ hay nói quá lên như vậy! Có nhiều cấp anh mô: Trung đoàn (toàn trường), tiểu đoàn và cả đại đội.
Cấp đại đội chỉ được thưởng, còn cấp tiểu đoàn và toàn trường thì được đón rước long trọng lắm. Anh mô trường được rước kiệu, Anh mô tiểu đoàn cưỡi ngựa. Các con ngựa được trang hoàng, dải các màu sặc sỡ, kết bông, kết tua, kết múi. Các Anh mô này được ăn ở riêng chế độ đặc biệt, cơm bưng nước rót, lại có người rửa chân vào tối lúc đi ngủ. Đó là kiểu chơi “nhất dạ đế vương” kiểu Tàu xưa.


Tôi được Anh mô cấp tiểu đoàn, “bị” phục vụ thế ngượng lắm. Lại được cấp một cái áo in chữ Hán to trước ngực “Anh Mô!”. Tự cảm thấy bị mất cả tự do!
Lúc đó vùng chúng tôi ở còn nghèo, học viên hay ăn hạt giời (hạt hoa hướng dương) rất lớn, và đậu móng ngựa là sản vật địa phương. Cũng hay ăn kem trứng tự làm. (Lấy đường móng ngựa (loại đường đỏ có hình móng ngựa), đập lòng đỏ trứng rồi lấy que đánh bông lên. Ăn ít thì đánh vào ca, ăn chung thì đánh cả một chậu rửa mặt. Hành  quân thì đeo vào cổ một cái ca vừa đi vừa đánh đến chỗ nghỉ là trứng bông như mây. Một cách bổ dưỡng tiện lợi).
Công bằng mà nói qua đợt học này ở nước bạn tôi thấy giữa hoạn nạn tình cảm quốc tế của bạn rất cao quý, vô tư. Về sau (1979) khi xảy ra chiến sự ở biên giới Việt-Trung, báo chí ta và nhiều người chửi Trung Quốc thậm tệ, liệt họ vào hàng phản động. Tôi đọc ký của nhà văn nổi tiếng Nguyễn Thị Thường viết trên báo Nhân dân lúc đó mà cảm động một lời tự sự … “Tôi nhìn sự việc mà sao lòng thấy bất nhẫn quá!”.

Tháng 5/1951, trường mở một cuộc diễn tập phối hợp binh chủng và cán bộ các khoa thật lớn, diễn tập công kiên chiến (đánh vị trí kiên cố của địch) với giả định là: một đại đội địch phòng ngự trong một đồn binh kiên cố, ta phải dùng 1 tiểu đoàn bộ binh tăng cường để tấn công. Về sau chiến trường trong nước chiến cuộc đã thay đổi phát triển nhanh và cao hơn, địch đã co cụm thành tập đoàn cứ điểm dã chiến nhưng vẫn là những vấn đề cơ bản phục vụ chiến đấu để đánh giá kết quả huấn luyện kỹ, chiến thuật của toàn trường.
Một đội mẫu được lựa chọn để diễn tập chỉ có 20 trung đội trong 100 trung đội được lựa cho đội mẫu, còn lại là tham quan. Đồngchí Đàm Quang Trung học viên trung cấp được chỉ định tiểu đoàn trưởng mẫu. Về trợ chiến, tôi được làm Trung đội trưởng trung đội hoả lực, gồm súng máy nhẹ - trung liên Brno 4 khẩu. Đó là một vinh dự lớn với tôi lúc đó.

Tiểu đoàn thực hiện chiến thuật “tứ tổ, nhất đội” (tổ bộc phá, tổ hoả lực, tổ bắc thang qua hào, qua tường, tổ xung kích đầu cầu). Bốn tổ này trong Đội hình đội xung kích (Tổ hoả lực của tôi ở đây) mỗi tổ trên quân số gần 1 trung đội.
Còn“nhất đội” tức 1 tiểu đoàn bộ binh phải thực hành cách đánh thọc sâu chia cắt. Phải thực hiện “tứ khoái nhất mạn” đại để chuẩn bị kỹ lưỡng chu toàn (nhất mạn). Tứ khoái là 4 nhanh: Đột phá nhanh, tấn công nhanh, truy kích nhanh, giải quyết chiến trường nhanh.

Các đơn vị nhỏ phải thực hành các kỹ thuật chuyên môn thành thạo, phối hợp ăn khớp, các cá nhân thành thục động tác cá nhân chiến đấu theo chuyên môn từng binh chủng đã học.

Tất cả gần như theo lý thuyết quân sự Trung Quốc đã được học. Ngoài ra phải làm tốt công tác hậu cần chính trị, binh vận… Tổ hoả lực chúng tôi có nhiệm vụ yểm hộ cho tổ bộc phá vào mở đường, tiếp tục yểm hộ cho tổ bắc thang vào bắc thang làm cầu qua hào, lại tiếp tục yểm hộ cho tổ xung kích chiếm giữ đầu cầu. Củng cố cho được vị trí đầu cầu của tổ này rồi di chuyển theo tiểu  đoàn vào thọc sâu, chia cắt địch trong tung thâm. Lúc đó chúng tôi phải dùng hoả lực yểm hộ cho họ ở tung thâm mà bớt bị thương vong. Các tổ trưởng đều được đi trinh sát địa hình và địch trước.
Tôi thuộc làu nhiệm vụ, thuộc làu vị trí 4 khẩu súng máy, đường di chuyển và các mục tiêu phải khống chế, các lỗ châu mai. Chỉ còn ứng dụng các tình huống khi thực hành. Nhưng diễn tập thì tình huống đã có bài bản tôi không sợ. Tất cả cán bộ hiệu bộ, giáo sự cố vấn… xúm vào chỉ vẽ, kiểm tra các mặt chuẩn bị một chậm (nhất mạn) rất tỉ mỉ, tất cả hối hả và trật tự không ồn ào. Mọi sự việc được bàn bạc theo chế độ “Tam đại dân chủ…” và tất cả đội mẫu được dùng vũ khí đều có vũ khí mã tử, hay lựu đạn nổ không sát thương, trừ bộc phá là thật.

Hiệu lệnh của tiểu đoàn khi tấn công là pháo lệnh các màu bắn lên trời (có quy định).
Buổi sớm hôm diễn tập, chúng tôi mỗi anh làm 2 cái bánh bao nhân thịt thật to. Trong ngày diễn tập học viên cũng được lĩnh tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm khá hơn. 

Cuộcdiễn tập đội mẫu hoàn tất tốt đẹp vào buổi trưa, 11 giờ. Có một điều đáng tiếc, 2 học viên tổ bộc phá bị hy sinh (họ cũng được coi là hi sinh trong chiến đấu). Hai anh lên điểm hoả bộc phá dưới ánh nắng gay gắt. Dây cháy chậm đã bén lửa nhưng vì loá họ chần chừ định châm lửa lại (dùng hương châm lửa) đang loay hoay thì bộc phá nổ, các anh hy sinh.


Viết lại cả 2 phần trên có bổ sung, đính chính lại 26/11/2002)

Phụ lục cho phần II "Tôi sang Trung Quốc": Bản nhận xét cuối khóa 6 khi tôi về nước. Nó gắn trong học bạ của tôi cùng tất cả hồ sơ lý lịch khi tôi về Đại đoàn 304. (Không hiểu tại sao trang này lại trong tay tôi?). Đồng chí bí thư  chi bộ Đại đội súng máy là người viết nhận xét, tên Minh Thanh – ký ngày 6/6/1951. Học bạ này được in tại nhà trường lúc ở Trung Quốc. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Viết nhận xét, nếu chưa đăng kí, bạn có thể ghi tên mình (hoặc nickname) và xuống mục "Chọn 1 nhận dạng" nháy vào "Ẩn danh" rồi xuất bản nhận xét.