Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

Hồi kí Bùi Ngọc Sách


ĐOẠN 16   -    KHAI GIẢNG KHÓA   6
Khoá 6 khai giảng ngày 21/12/1950, kết thúc tháng 06/1951. (Các trường Trung học chuyên của ta hồi kháng chiến chống Pháp đều chỉ học 6 tháng). Bước vào khóa học, toàn trường biên chế thành các đơn vị huấn luyện. Tôi là Trung đội phó trung đội 2 cùng với anh Sương (người Thanh Hoá) thuộc đại đội súng máy nặng. Trung đội trưởng là anh Đinh Duy Tú. Đại đội đóng ở phía trong hiệu bộ, cạnh sân vận động, ngay trong lòng thung lũng.

Ngày khai giảng tập trung khá trọng thể. Tôi bất ngờ gặp anh Tý Bồ (học bộ binh khoá 6, đóng ở Đào Viên, sau này đá cho Thể Công) khi tập hợp toàn trường. Anh lúc đó tên Thành. Anh là cầu thủ xuất sắc của đội bóng đá sinh viên đội Nội Châu mà chúng tôi ngưỡng mộ và yêu mến từ trước ngày độc lập (bây giờ gọi là Fan bóng đá)*. Nhà trường cho học viên "ăn lớn", từng chậu miến nấu và thịt lợn béo ngậy.

Nhưng đặc biệt nhất là buổi ra mắt cán bộ khung toàn đại đội trước học viên, không làm theo thủ tục quân sự. 17 cán bộ từ cấp trung đội đến đại đội (14 cán bộ cấp B và 3 cán bộ cấp C), trong số này có một cán sự chính trị, một cán sự quân sự của đại đội cũng cấp B). Mười bảy anh này bị 17 học viên Lục quân 6 trong đại đội mới đóng giả 17 nàng tiên khoác đồ trắng, mỗi “nàng” cuốn lấy một chàng cán bộ mời ăn, mời uống. Một kiểu vui mang màu sắc truyện tàu thân mật nhẹ nhàng.
Trung đội tôi gọi là B2 do anh Đinh Duy Tú làm trưởng. Trong trung đội các tiểu đội trưởng là những cán bộ quân đội đã qua chiến đấu được cử đi học lớp Lê Hồng Phong về phụ trách cùng học vừa đóng vai trò hướng dẫn “lính mới”.

Ở trường Lục Quân cán bộ đại đội chỉ đóng vai trò quản lý và lên lớp, lý thuyết, lãnh đạo chính trị. Cán bộ trung đội hướng dẫn kỹ thuật thực hành, cán bộ tiểu đội trực tiếp điều hành học viên mọi mặt sinh hoạt, đời sống và học tập, giữ vai trò quan trọng nhất trong huấn luyện. Đó là nhận xét của tôi qua thực tế một khoá làm cán bộ của trường.
Cán bộ A trưởng (không có A phó)* sát học viên: ăn, nằm, tập như học viên nhưng lại chỉ huy học viên một tiểu đội. Ba tiểu đội trưởng của B tôi là các anh Đang, Phúc, Tới đều thật giỏi. Anh Đang già dặn, anh Phúc lanh lẹ, anh Tới thông minh học rất giỏi.

Học viên trung đội tôi có nhiều anh trẻ măng rất học sinh như Đỗ Văn Vẻ, Huy, Phố, Quang. Về sau này về đơn vị chiến đấu như Quang còn vượt cấp hơn tôi. Nhưng cũng có học viên ngang bướng như Hải.
Chi bộ giao cho tôi lãnh đạo trung đội và cả giúp đỡ trung đội trưởng ngoài Đảng là anh Tú. Anh Tú hơn tôi 10 tuổi từng trải, đã học trường Thể dục Phan Thiết (ECÉPIC) và đã làm huấn luyện viên thể dục cho một tàu hải quân Pháp (như đã viết).

 Nhờ các A trưởng là Đảng viên, tôi lôi kéo được anh Tú và anh chịu nghe chúng tôi. Nhưng anh vẫn là anh, độc lập! Chuyện một lần vui vui. Lúc đó Đảng còn bí mật. Một hôm chi bộ họp kín ở một chỗ không cho anh em ngoài Đảng biết. Anh Tú hôm đó lại làm trực ban Đại đội, thấy đại đội đi đâu vắng nhiều. Anh biết rồi, nhưng chơi xỏ bèn ra lệnh báo động đại đội. Thế là chúng tôi phải bỏ cả họp chạy về tập họp.
Trung đội 2 chúng tôi là trung đội vững nên được chọn thành điểm đột phá thi đua. Mà lúc đó gọi là “đột phá nhất điểm thúc đẩy toàn diện” theo lối làm công tác chính trị của Quân giải phóng Trung Quốc.

 Trung đội tôi đoạt tất cả các giải xạ kích cá nhân và tập thể, tất cả các giải thưởng khác cả giải thách thức chúng tôi vơ hết. Cán bộ tuyên huấn của hiệu bộ xuống tìm hiểu. Ngây thơ trong lãnh đạo, khi được hỏi vì sao bằng cách nào các đồng chí đã lãnh đạo trung đội trở thành giỏi, tôi đỏ mặt không biết trả lời thế nào! Hôm ấy trung đội thật là vui, được liên hoan một chầu thuốc lá, hạt giời, kẹo bánh thoải mái.
Với tôi lúc đó chưa biết rút kinh nghiệm, chỉ biết gương mẫu, gương mẫu với tôi không có gì quá khó. Nhưng lãnh đạo là gì tôi không biết! Lại nhớ khi khai giảng khoá 6 tuổi tôi 20 lại là cán bộ khung đứng trước đơn vị tự tin nhưng còn lo lắng. Nay phụ trách đơn vị giành được thắng lợi ban đầu thấy củng cố thêm lòng tự tin vì có thể làm và làm tốt việc được giao. Dĩ nhiên là công chung, nhưng cũng có mình nữa.

Phải nói vào lúc đó tôi làm việc hết sức say sưa, tự giác. Tôi gần gũi với mọi học viên, anh em tin yêu tôi lắm. Trong các buổi tập vất vả tôi săn sóc anh em như người mẹ, một vú em. Tôi cũng hay có những sáng kiến nho nhỏ để động viên học viên một cách bất ngờ. Ngày mai đi bắn thi, tôi âm thầm làm khẩu hiệu bướm, nửa đêm đem dán lên mũ, báng súng, hòm đạn… Sáng hôm sau tôi rất thích thú được chứng kiến bộ mặt của học viên ngạc nhiên, cảm động.
Một số học viên trẻ, có học được tôi chăm chút hơn như Vẻ, Huy, Quang… như người em của tôi, học rất tiến bộ… Sau này ra chiến đấu tôi còn liên lạc với họ thấy họ lập công đều đều. Các giáo sư cố vấn Trung Quốc có vẻ cũng quý mến tôi. Họ rất trân trọng gọi tôi qua chức vụ không gọi thẳng tên. Đó là giáo sư Triệu, giáo sư Trần. Họ gọi tôi là Bùi ban trưởng.

Thấm thoát tết âm lịch đến; xuân trên đất bạn thời tiết ấm lại một chút, chúng tôi phải làm gì đó để động viên học viên. Ngoài tờ báo tường trình bày rất nổi, trường phát cho rất nhiều loại giấy màu. Học viên khéo léo tạo thành những dây xúc xích, lồng đèn, hoa, khẩu hiệu… trang trí la liệt vui mắt.
Đêm 30 học viên được phát giấy để viết thư về nhà kèm phong bì. Nhiều cậu chúi đầu hý hoáy viết, có cậu nhớ nhà rúc đầu vào chăn giấu mặt. Các cuộc vui kịch, liên hoan cấp đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn xen nhau và các bữa ăn dồi dào.

Nửa đêm giao thừa bỗng hàng loạt súng trung liên nổ ròn rã. Học viên bộ binh hứng chí bắn chào năm mới. (Về sau họ bị kỷ luật). Sáng mồng một tết, chúng tôi đi chúc nhau và được anh em chúc lại. Tấp nập từng đoàn. Nỗi nhớ nhà, nhớ nước cũng vơi đi. Bạn trọng rượu tặng ta hết bi đông này tới bi đông khác, có anh say sưa lại có anh phải đưa quân y cấp cứu.
Sau tết chúng tôi được học về chiến thuật, học viên hát những bài mới do chính họ sáng tác: Vì nhân dân quên mình, bài Người mẹ Trung Quốc…

Cũng cần nói một chút về văn nghệ hồi học ở Trung Quốc trong bối cảnh của cách mạng Trung Quốc lúc đó. Trung Quốc lúc đó mở đầu cuộc cách mạng thổ địa. Xem chiếu bóng chúng tôi thấy phim Bạch Mao Nữ, nói về một cô gái bị địa chỉ Hoàng Hữu Nhân áp bức, phải trốn vào hang núi ăn lông ở lỗ, thiếu ánh mặt trời đến nỗi tóc tai trắng xoá. Lúc đó xem phim có anh giải phóng quân Trung Quốc là nông dân căm thù bắn vào màn ảnh có hình tên địa chủ.

 Lúc đó trường cũng đang "phản tỉnh" cho học viên về ý thức giai cấp vô sản. Phản tỉnh là cách tự kiểm điểm tự phê phán để tự đấu tranh “cắt đứt đuôi” tư tưởng địa chủ phi vô sản.
Trung Quốc thì đang giúp Triều Tiên chống Mỹ nên có phong trào Chống Mỹ viện Triều; nên có vở kịch “Cả nhà bận rộn” - bận rộn để may áo quần, giày dép gửi ra chiến trường trong từng gia đình.

Trung Quốc cũng đang thừa thắng tiến lên giải phóng Tây Tạng, nên có bài hát “Đường lên Tây Tạng”, mô tả sự gian truân của Quân giải phóng khi lên vùng đất hiểm trở ấy. Bài hát có câu “… Đường lên Tây Tạng không vết người đi, đèo vút cao lưng trời. Rắn như thép, chiến sĩ giải phóng quân, đói rét không sờn – đã vượt đèo qua dãy Nhị Lang Sơn”… Giai điệu bài ca rất hay (được dịch ra tiếng Việt cho chúng tôi học). Các nữ Giải phóng quân lúc đó hát càng hay.

Trung Quốc cũng kêu gọi Đoàn kết để làm cách mạng. Ít nhất có hai bài ca về chủ đề đó dịch ra tiếng Việt mà chúng tôi thuộc cùng họ hát cả hai thứ tiếng. Đó là bài Đoàn kết là sức mạnh (Thoan - Chi - Chiu - Sư - Li – Leng) và các bài đó ngắn gọn tiết tấu dồn dập dễ thuộc.
Các bài hát, vở kịch ấy về sau chúng tôi thuộc lòng, thuộc cả vai kịch, hành động kịch, đến nỗi khi về nước chiến đấu dựng lại sắm đủ vai đưa lên sân khấu phục vụ quân ta. Tôi cũng nhập vai luôn. Lại có điệu múa Tam Tam chế mô tả động tác chiến đấu của một tổ 3 người rất đẹp, rất hùng. Về sau tôi, anh Tỷ, anh Trường (2 bạn khoá 6) về tập lại múa không thua bạn. Phần nhạc thì truyền lại cho anh Diệp gẩy Mandoline.

Phải nói hồi chỉnh huấn 1952, khi chúng tôi về Đại đoàn 304, đại đội 20 chúng tôi ăn giải là nhờ một lô tiết mục từ Trung Quốc mang về. Toàn là học viên Trường Sĩ quan Lục quân khoá 5 và 6 ấy, họ tiếp thu nhạy bén thế!.
Bài ca đoàn kết rất ngắn gọn, lặp đi lặp lại vừa hát vừa vỗ tay rất ăn nhập với các cuộc họp. Đến nỗi sau này Quốc Hội ta khi bế mạc hay hát. Cả Bác Hồ cũng bắt nhịp hát ở một cuộc vui tại Vườn Bách Thảo Hà Nội. Có điều ít ai để ý bài đó bắt nguồn từ đâu.

------

* Nội Châu  - Đội bóng của trường Bưởi, lúc đó có tên Lypro (Lyceé Protetorat – Trường trung học bảo hộ), Hà Nội.
* Đây là ký hiệu để chỉ A = tiểu đội, B = trung đội, C = đại đội


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Viết nhận xét, nếu chưa đăng kí, bạn có thể ghi tên mình (hoặc nickname) và xuống mục "Chọn 1 nhận dạng" nháy vào "Ẩn danh" rồi xuất bản nhận xét.