Thứ Năm, 12 tháng 7, 2012

Hồi kí Bùi Ngọc Sách

Đoạn  14  -  Trên một đoạn đường sắt Lao Cai - Vân Nam

Cái cảm giác đi tàu lúc ấy lạ lắm, khó nói. Tôi đã nhiều lần đi tàu hoả, nhưng vì vắng bóng tàu hoả lâu, vì lụi hụi trong rừng núi kháng chiến nên như đã nói chúng tôi ù lì, không biết đến bao giờ mới trở về, (thoảng lúc bốc lên lại tưởng sẽ trở về đến nơi). Nay ngồi trên toa xe gỗ dành riêng cho “Bộ đội Lưỡng Quảng” ăn bấnh bao thay cơm, chúng tôi thú vị bất ngờ. Mô tả lại trạng thái này vì muốn lưu lại cái kỷ niệm có giá trị đặc trưng về tinh thần. Tôi cứ so sánh các chuyến hành quân Đông Tây Nam Bắc, sang Lào, thì chuyến đi Trung Quốc lần này còn đẹp hơn rất nhiều so với các cuộc du lịch tàu bay, xe hơi, ở khách sạn 5 sao hiện nay; vì cái càng hiếm thì càng quý, cái càng cố ẩn giấu đi thì cứ càng lóng lánh.


Chuyến xe hoả ấy qua nhiều, nhưng nó không đỗ vặt ở nhiều ga, chạy qua một đêm, có lúc qua 1 ga nào đó tàu chạy chậm, không đỗ nhưng còn thấy một dàn kèn đồng của Quân giải phóng Trung  Quốc tấu lên bản nhạc và vẫy theo đoàn tàu. Hình như họ chào chúng tôi thật, chúng tôi hân hoan vẫy đáp lại (chính là bạn bố trí chào mừng các sĩ quan Việt Nam đang anh dũng chống xâm lược, nay qua Trung Quốc để rèn luyện, mai sau lại trở về nước chiến đấu. Về sau tôi được biết như thế). Đối với họ đây là nhữngđồng chí cùng chung chiến hào.

Suốt dọc đường đi, chúng tôi không xuống một ga nào, tàu chạy một mạch. Chúng tôi ăn bánh bao trừ bữa. Đó là chuyến tàu đặc biệt. Khoảng nhá nhem tối hôm sau tàu dừng lại ở một ga bình thường, ga Phụng Minh Thôn về sau có người nói đi Côn Minh còn độ 30km nữa. Phố ga nhỏ, cũng như mọi nhà khi ở chốn quê, các làng quán ở đây thấp lè tè, tường nhà đầy muội khói mồ hóng. Ngoài sân ga có 4 xe ô tô Đốt-cát của Mỹ đợi sẵn, nhưng xe chỉ chở những ai yếu mệt còn chúng tôi đi bộ.
Đường về trường chừng 7, 8km nhưng trải qua hơn một ngày trên xe lửa không ai cảm thấy mệt mỏi. Từ một chiến trường chỉ thấy không khí chiến tranh, nay đi trên đất bạn cảm tưởng thanh bình rõ rệt. Đường rải đá chạy giữa hai dãy núi đồi, bên dưới hai hàng cây cao như tùng như bách, chúng tôi đi giữa một thung lũng khá đẹp. Hơn một giờ sau nhìn về bên trái thấy có ánh điện lung linh mấy tầng, mấy lớp, chúngtôi cảm giác đây là một khu nhà rất dài, xây bên một dãy hồ thật rộng. Đó là ánh đèn điện trên bờ soi xuống mặt nước hồ tạo nên mấy tầng mấy lớp chăng? Lại còn bóng những cây liễu rủ xuống.

Nhưng càng đi tới mới vỡ lẽ. Đây là những khu nhà xây trên từng cấp của một dãy đồi, cấp nọ cao hơn cấp kia một bậc. Đồi không cao lắm. Khu Hiệu bộ đầu não Trung tâm của nhà trường. Lúc đó đã tối lắm, chúng tôi chưa cảm nhận hết quang cảnh.
Chúng tôi hạ cái địu buộc theo kiểu Trung Quốc xuống đất, đi nhận buồng, nhận giường; những chiếc giường còn mới, thơm mùi gỗ làm 2 tầng lạ mắt. Rồi gỡ ca ra, xuống nhà ăn vì cơm đã đợi hơi lâu. Bữa cơm đầu tiên nơi trường mới tôi thật ngán. Cơm có lưng ca củ cải xào nước lõng bõng. Tiêu chuẩn tạm cho mỗi khẩu phần. Nước uống múc tha hồ trên cái chảo đại đặt ở lò, trên bếp củi và than sôi sùng sục, bõ cho những ngày hạn chế nước lúc hành quân phải phân phối từng bi đông (vào Trung Quốc đã phát bi đông từ ở Nghiên Sơn, thay cho ống bương từ Việt Nam sang có lúc nước bị thiu).

Chúng tôi ăn trệu trạo và vội vàng, rồi được phép thu xếp nghỉ ngơi, chẳng thiết du ngoạn, để còn bù lại sức sau hơn một ngày ngồi tàu hoả là lạ   -   Chúng tôi đang ở chân núi Phụng Minh (Phụng Minh Sơn). Thử làm một phép tính đơn giản: Từ Lao Cai tới Côn Minh đường di 465 km. Từ Côn Minh ngược về Phụng Minh Thôn 30km thì chúng tôi sang tới đây khoảng 430km. Nhưng chúng tôi đã phải đi đường vòng lối Hà Giang xa tới 1800km vì lúc đó Pháp còn đóng quân bịt con đường biên giới Cao-Bắc-Lạng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Viết nhận xét, nếu chưa đăng kí, bạn có thể ghi tên mình (hoặc nickname) và xuống mục "Chọn 1 nhận dạng" nháy vào "Ẩn danh" rồi xuất bản nhận xét.