Thứ Tư, 4 tháng 7, 2012

Hồi ký Bùi Ngọc Sách (4)

Ngày16/10/1993, một học viên sĩ quan lúc đó - nay đã là Trung tướng Tư lệnh Quân khu 4 Nguyễn Quốc Thước - nhớ tình nghĩa xưa, mời anh em đồng môn cũ về thăm nơi này. Cụ Hoàng Điền - nguyên đại tá Phân hiệu trưởng Phân hiệu Lục quân Trung bộ - dẫn đầu. Khi đến nơi trường cũ đóng quân, tại Ủy ban xã Thanh Thuỷ, cụ cho biết: Vào lúc đó khi đi tìm địa điểm lập trường đồng chí có gặp cụ Hồ Tùng Mậu và đồng chí Đặng Việt Châu ở Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu 4. Các vị chỉ cho khu vực Hà Cháy, Lải Lò này và còn cho Trường vay 5.000đ tiền tài chính để thuê làm nhà ban đầu và trang trải chi phí khác… Trải qua vô vàn khó khăn, dân thì rất nghèo nhưng chúng ta đã vượt được”… -(Trích băng ghi âm tại chỗ).

Xin trở lại hồi 1949.
Nơi đến làm vui lòng chúng tôi vì có một nguồn suối nước rất trong, nước rất mát, chảy hiền lành bên 2 bờ lau sậy. Giữa mùa hè oi bức, lao động cật lực, thì nó là ngùôn bổ dưỡng cho chúng tôi lúc đó, nguồn Rào Rộ như đã nói.





Chúng tôi nhanh chóng kiếm cỏ tranh về để ngủ đêm trong 3 dãy mái nhà trống ấy; cơm thì đào lỗ bên sườn đồi làm bếp, nấu bằng thùng phuy, ngay ngoài trời.
Từ  ngày hôm sau chúng tôi bắt tay vào việc lao động làm doanh trại, gọi là thời kỳ lao công. Làm vách liếp, dựng thêm nhà mới, làm sân tập, sân chơi, sân bóng chuyền, nhà câu lạc bộ, nhà cho cán bộ, làm sạp nằm, nhà xí, bàn ăn… Tất cả vật liệu đều vào rừng là có: tre, nứa, tranh, gỗ… Tôi được phân công vào rừng chặt cây về làm cột, kèo nhà, thang giường, sạp nằm, v.v…


Vào rừng sâu chừng 3km, chặt xong gỗ bó lại, thả xuống suối cho trôi, về gần trại thì vác lên bãi cho anh em đẽo đục, cưa… theo ý muốn. Công việc này tuy nặng nhọc (việc thổ mộc mà lại) nhưng thoải mái, tự do, không đòi hỏi tay nghề, không bị dòm ngó khi anh làm việc như làm ở trại, lại được làm khoán. Nếu tích cực, việc đáng một ngày chỉ làm một buổi là xong, còn cả buổi chiều tự do vá quần áo, tắm giặt, nghỉ ngơi. Lại còn cái thú khi đóng xong bè gỗ, ngồi, ôm lấy bè gỗ để cho bè tự do trôi xuôi về trại qua mấy chỗ nước chảy xiết. Thật làvui.
Lao động xong, buổi chiều về ghé vào một nhà dân, mua chiếc kẹo mè xửng ăn, mà thấy thanh thản. Người dân này cũng mới cất kẹo mè xửng về bán do nhu cầu của lính, họ còn bán cả thuốc lá.


Hết tháng lao công, cả khu đồi đã hình thành một cơ ngơi doanh trại cho 2 tiểu đoàn, ở hai bên bờ suối. Mỗi tiểu đoàn có 4 dãy nhà dài, chứa 4 đại đội, mỗi nhà có 2 dãy sạp nứa, giữa là lối đi rộng, ước 1 mét.
Vách liếp đan nứa quanh nhà, từng tấm có thể chống dựng lên, mở toang quanh nhà cho thoáng (vào ban ngày), ban đêm lại đóng xuống. Nhà cao ráo, chắc chắn. Mỗi đại đội có 1 sân tập hợp chào cờ, rộng ước 200m2.


Ở giữa các dãy nhà lớn cho lính là bốn mái nhà nhỏ cho 4 ban chỉ huy đại đội. Đối diện nhà của BCH đại đội là nhà 4 giường của các trung đội trưởng của đại đội ấy, cộng là 4 nhà. Cứ mỗi đại đội có một nhà câu lạc bộ làm kiểu 8 mái gọn đẹp, để treo báo tường, thông báo, v.v… Một sân bóng chuyền, 1 sân tập hợp chào cờ, còn các hố tiêu, tiểu phải đi xa hơn. Ở đầu dãy nhà đại đội là một gian bếp. Ngoài nhà bếp là một dãy bàn ăn ngoài trời. Tất cả làm bằng gỗ và nứa. Chúng tôi ăn đứng, không ăn ngồi để tập thói quen ứng chiến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Viết nhận xét, nếu chưa đăng kí, bạn có thể ghi tên mình (hoặc nickname) và xuống mục "Chọn 1 nhận dạng" nháy vào "Ẩn danh" rồi xuất bản nhận xét.