Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

Bài học từ trận Trường Bình thời Chiến quốc (ST: Vũ Diệu)



TƯỚNG GIỎI VÀ BINH PHÁP
Trường Bình là trận đánh lớn giữa nước Tần và nước Triệu thời Chiến quốc của nước Trung Hoa cổ đại , diễn ra từ năm 262 đến năm 260 trước công nguyên , điển hình về mối tương quan giữa tướng giỏi giầu kinh nghiệm trận mạc và binh pháp .
Năm 265 TCN , vua Tần Chiêu Tương Vương sai tướng Vương Hột đem quân đi đánh nước Hàn . Tướng nước Hàn là Phùng Đình cố thủ thành Thượng Đảng ( nay thuộc tỉnh Sơn Tây – Trung quốc ) . Vương Hột cho quân bao vây thành Thượng Đảng đồng thời cắt đứt con đường thông sang núi Thái Hùng , cô lập hoàn toàn Thượng Đảng . Vua Tần còn sai tướng Bạch Khởi đem 1 cánh quân khác đánh nước Hàn ở Hình Thành . Quân Hàn thua to , bị giết tới 5 vạn người . Thượng Đảng bị bao vây suốt mấy năm ,vô cùng nguy khốn . Theo kế của vua nước Hàn , tướng Phùng Đình dâng thành Thượng Đảng cho vua nước Triệu với mục đích gạt mũi nhọn của Tần sang Triệu , làm vua Tần nổi giận với vua Triệu , buộc Triệu phải hợp sức với Hàn để cùng chống Tần .


Vua Triệu cử danh tướng Liêm Pha đem quân cứu Hàn và từ đó khởi đầu trận chiến Trường Bình giữa quân Tần và quân Triệu . Liêm Pha hợp quân với Phùng Đình , chia nhau giữ ải Trường Bình . Liêm Pha biết quân Tần đang ở thế mạnh , không thể đối chọi trực diện nên cố giữ thành , không đánh , chờ đến khi quân Tần mệt mỏi mới giao chiến . Suốt 2 năm vây hãm , quân Tần không chiếm được ải Trường Bình . Thấy vậy , vua Tần dùng kế ly gián , sai gián điệp đem vàng bạc đến nước Triệu , hối lộ quan lại nước Triệu và phao tin “ Liêm Pha đã già , lại nhút nhát , không dám đụng độ với quân Tần “ . Lại phao tin “ trong số tướng giỏi của nước Triệu , quân Tần chỉ ngán có Triệu Quát là người tinh thông binh pháp “. Triệu Quát là tướng trẻ , con trai của danh tướng Triệu Xa nước Triệu , có tiếng là am hiểu binh pháp Tôn Tử nhưng chưa kinh qua nhiều trận mạc nên chính Triệu Xa là cha vẫn chưa tin con mình có thực tài cầm quân . Mẹ của Triệu Quát cũng dâng thư lên can ngăn vua Triệu và xin nếu Triệu Quát thua trận thì vua miễn tội cho vợ chồng bà . Tuy vậy vua Triệu vẫn phong Triệu Quát làm chủ tướng và năm 260 TCN , Triệu Quát ra mặt trận thay thế Liêm Pha . Triệu Quát thay hết quân lệnh của Liêm Pha đồng thời thay hết nhân sự do Liêm Pha đã bố trí .
Vua Tần được tin Triệu Quát đã thay Liêm Pha thì rất mừng , bí mật sai tướng Bạch Khởi làm chủ tướng thay Vương Hột , đồng thời ra lệnh cho quân Tần tuyệt đối giữ bí mật về việc Bạch Khởi đã thay Vương Hột .
Bạch Khởi vốn là tướng bách chiến bách thắng của Tần , hiểu rõ Triệu Quát chưa có kinh nghiệm trận mạc , lại chủ quan khinh địch nên dùng kế để lừa Triệu Quát . Bạch Khởi giả vờ thua mấy trận làm cho Triệu Quát càng đắc chí , cho rằng quân Tần không có gì đáng sợ và mang cả đại quân ra truy kích quân Tần .
Bạch Khởi lại sai 1 cánh quân khác chặn đường tiếp vận lương thực của quân Triệu . Triệu Quát bị Bạch Khởi đưa vào thế tiến thoái đều lưỡng nan , không thể tiến quân cũng không thể trở về đại trại , đành phải tạm đóng quân trong rừng để chờ viện binh . Vua Tần được tin quân Triệu đã bị bao vây , điều quân Tần đến tăng cường cho những nơi hiểm yếu phía đông bắc ải Trường Bình và chặn viện binh của quân Triệu từ Hàm Đan tới . Đến lúc này Triệu Quát mới biết chủ tướng quân Tần là Bạch Khởi . Suốt 46 ngày bị bao vây , quân Triệu vừa mệt mỏi vừa bị đói . Triệu Quát ở thế cùng , phải đích thân dẫn quân mở đường máu để phá vây nhưng bị quân Tần dùng cung nỏ bắn chết . Triệu Quát tử trận , quân Triệu vô cùng hoang mang. Tất cả đều buông vũ khí đầu hàng . Tướng Phùng Đình thì tự sát .
Trận Trường Bình là 1 trong những trận đánh lớn nhất thời Chiến quốc . Theo sử ký Tư Mã Thiên , quân Triệu đã bị diệt khoảng 450 ngàn người . Sau trận này nước Triệu không thể lấy lại sức mạnh như trước và đến năm 222 TCN thì bị tiêu diệt hoàn toàn .

BÀI HỌC TỪ TRẬN TRƯỜNG BÌNH :
Theo các nhà sử học Trung Hoa , trong trận này cả 2 bên là Tần và Triệu đều thay chủ tướng . Bạch Khởi là tướng giỏi của nước Tần đã làm chủ tướng thay Vương Hột , còn Liêm Pha là tướng giỏi của nước Triệu lại bị bãi chức và rời mặt trận . Bạch Khởi đã thực hành nhiều điều trái với Binh pháp Tôn Tử nhưng quân Tần càng đánh càng tăng nhuệ khí và tăng ưu thế so với quân Triệu . Triệu Quát thì thực hành đúng khuôn khổ bài bản của Binh pháp Tôn Tử nhưng chỉ là ứng dụng theo sách vở , chưa ứng phó được với thực tế chiến trường , càng đánh càng bị nguy khốn . Theo lẽ thường , đúng với Binh pháp Tôn Tử thì quân Triệu có lợi thế hơn quân Tần vì quân của Triệu Quát đến Trường Bình trước quân của Bạch Khởi . Đáng ra Triệu Quát có thể làm như Tôn Tử đã viết :” người thiện chiến xếp đặt người ta chứ không để người ta xếp đặt mình “ nhưng Triệu Quát không làm được . Tôn Tử còn nói trong Binh pháp là :” Đông gấp 10 lần địch thì vây . Đông gấp 2 lần địch thì chia cắt mà đánh “. Theo đúng Binh pháp , muốn thắng quân Triệu thì quân Tần phải có ưu thế về số lượng hơn quân Triệu . Vậy mà Bạch Khởi lại dùng quân ít hơn so với quân của Triệu Quát để chia cắt và vây hãm quân của Triệu Quát . Bạch Khởi bao vây quân của Triệu Quát rất ngặt nghèo để diệt gọn quân của Triệu Quát , trong khi Binh pháp Tôn Tử thì viết :” Vây quân địch thì nên để hở “ .
Bạch Khởi đã chứng tỏ là danh tướng có tài ứng biến , hiểu rõ chủ tướng bên địch , dẫn quân của Triệu Quát luôn luôn đi vào thế bị bất ngờ và bị dồn vào thế cùng không có đường thoát . Chiến thắng Trường Bình càng khẳng định tài năng quân sự của Bạch Khởi . Nhưng cuối cùng , Bạch Khởi đã bị Thừa tướng Phạm Thư của vua Tần ghen tỵ , sợ công lao quá lớn của Bạch Khởi sẽ lấn át uy tín của mình nên đã gièm pha với vua Tần để vua Tần giết Bạch Khởi vào năm 257 TCN.
Nguồn tư liệu : vi.wikipedia.org/wiki/trận Trường Bình
Đặng Ngọc Lâm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Viết nhận xét, nếu chưa đăng kí, bạn có thể ghi tên mình (hoặc nickname) và xuống mục "Chọn 1 nhận dạng" nháy vào "Ẩn danh" rồi xuất bản nhận xét.