Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014

PHÁT BIỂU CỦA ANH ĐẶNG HÙNG VÕ


(CON LIỆT SĨ ĐẶNG ĐỒNG KHUÊ HỌC VIÊN KHÓA I VB TQT HI SINH NGAY ĐÊM ĐẦU CUỘC KHÁNG CHIẾN TOÀN QUỐC, 19.12.1946)
TRONG LỄ KỈ NIỆM 65 NĂM NGÀY BÁC HỒ VỀ KHAI GIẢNG KHÓA I

Kính thưa các quý khách tới dự cuộc họp mặt hôm nay,
Kính thưa các bác, các chú là những người lính đã tốt nghiệp khóa I Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn,
Kính thưa các bác, các chú, các cô, các anh, các chị, các em là thân nhân của người lính đã tốt nghiệp khóa I Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn,
          Trước hết, cháu xin phép được thay mặt thế hệ tiếp theo của những người lính đã tốt nghiệp khóa I Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn xin gửi lời biết ơn tới các bác, các chú không phải chỉ vì công lao sinh thành, dưỡng dục mà cả về những đóng góp của các bác, các chú cho Đất nước để thế hệ chúng cháu tự tin và tự hào bước vào đời.

          Hôm nay đã là 65 năm ngày khai giảng khóa I Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, trường sĩ quan quân đội đầu tiên của Nhà nước ta được thành lập ngay sau khi nước nhà giành được độc lập chưa đầy một năm, khóa sĩ quan đầu tiên được đào tạo để cung cấp cho lực lượng quân đội chính quy của ta mới được thành lập chưa đầy năm rưỡi. Khóa I đó cũng chỉ kéo dài chưa đầy 6 tháng, trong thời gian mà cả dân tộc đang chuẩn bị cho những gì vĩ đại nhất để bảo vệ quyển độc lập rất mỏng manh của mình.
          Ngày này 65 năm về trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự lễ khai giảng và thăm nhà trường, đã trao cho học viên khóa I khẩu hiệu ban đầu của Quân đội ta “Trung với nước, hiếu với dân”. Đấy là thể hiện sự quan tâm rất kĩ lưỡng của vị lãnh tụ đáng kính của dân tộc ta, đấy cũng là những lời gửi gắm thực tình của người chỉ huy đối với đồng đội trước khi xung trận.
          Khóa I trường Võ bị Trần Quốc Tuấn bao gồm những trí thức trẻ của Việt Nam thời đó muốn “xếp bút nghiên để lên đường ra trận”. Chúng ta tin chắc rằng quyết định này của các bác, các chú lúc đó không khó khăn. Ngừoi nông dân vùng lên theo cách mạng với khẩu hiệu “người cày có ruộng”, trí thức lên đường làm cách mạng không vì cái gì cho mình mà chỉ vì tương lai của dân tộc. Đấy chính là điều đáng tự hào, nhưng cũng là điều làm nên những áy náy trong tư duy của các bác, các chú lúc đó và cả trong những năm tháng sau này. Cũng có nhà văn khi đó đã từng tỉa chữ mà nói rằng đấy là những lính nhà giàu, vào lính cho vui. 
Năm 1969, cháu tốt nghiệp đại học và được phân về dạy tại khoa Trắc địa – Bản đồ, trường Đại học Mỏ địa chất. Mới vào nghề cũng được ông Bí thư Đảng Ủy của Khoa tiếp. Ông ta cũng là quân nhân chuyển ngành lúc tuổi khoảng 40, trong lúc những đoàn dài lính trẻ của chúng ta đang nối đuôi nhau vượt Trường Sơn ra mặt trận. Ông ta hỏi thăm gia đình cháu, cháu nghĩ rằng những người lính thì thông cảm với nhau hơn nên cũng nói bố tôi cũng là lính, học viên khóa I trường Võ bị Trần Quốc Tuấn từ năm 1946. Cháu rất tự hào về điều này, nhưng lại được ông ấy nói rằng: “Khóa ấy toàn trí thức con nhà giàu, lính tráng gì đâu.” Từ đấy cháu cũng buồn, sao lại như vậy? Đến nay, cháu càng hiểu hơn những ưu tư của các bác, các chú lúc đó và những ưu tư đó vẫn còn đeo đẳng mấy chục năm trời. Đã là người lính, xuất thân bằng bất cứ nghề gì thì nghĩa vụ vẫn là cầm súng, có ngày đi nhưng không biết có ngày trở lại hay không ! Thơ Đường có câu: “Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi” đã được dịch ra tiếng Việt là “Xưa nay chinh chiến mấy khi ai về”. Chắc các bác, các chú khóa I cũng nghĩ về điều này nhưng vẫn luôn canh cánh về xuất thân trí thức của mình. Bố cháu, liệt sĩ Đặng Đồng Khuê đã nằm lại trận đánh đầu tiên vào đúng ngày Toàn quốc kháng chiến, sau ngày tốt nghiệp khóa I chưa đầy 1 tháng. Cháu nói ra chuyện này vào ngày hôm nay không phải để làm mất vui của một lễ kỉ niệm trang trọng, chính là khắc ghi lại một đặc thù quan trọng của những học viên khóa I Võ bị Trần Quốc Tuấn.
          Trong những ngày chuẩn bị cho lễ kỉ niệm hôm nay, cháu đã trông thấy những niềm vui trong ánh mắt của các bác, các chú; những niềm vui xen lẫn với những kỉ niệm. Cháu thấy trong tất cả các khóa của trường Võ bị, có lẽ khóa I là một khóa đã tạo được một cộng đồng đầy tình đồng đội, đang truyền lại niềm tự hào ấy cho các thế hệ tiếp theo. Khi mấy cuộc chiến tranh đã đi qua đất nước, các bác, các chú khóa I không thể còn nguyên vẹn, có những người đã nằm lại chiến trường, có những người đã mất do tuổi tác, những người còn lại hôm nay vẫn đủ sức để tự tổ chức một lễ kỉ niệm rất trang trọng. Điều đáng nói hơn là, những kỉ niệm, vui buồn của khóa I Võ bị Trần Quốc Tuấn đã được viết lại trên gần 1000 trang sách. Khóa I sẽ mãi mãi còn nguyên vẹn trong những trang sách này.
Nhân lễ kỉ niệm hôm nay, trước hết cháu xin chúc các bác, các chú khóa I đang sống sẽ tiếp tục sống thật mạnh khỏe, tiếp tục giữ lửa của khóa I luôn cháy mãi. Chúng cháu, những thế hệ tiếp theo của khóa I sẽ tiếp tục giữ gìn truyền thống tốt đẹp, mà các bác, các chú đã tạo dựng, đã và đang và sẽ đóng góp thật nhiều cho đất nước, sao cho mọi người thấy được niềm tự hào về những người lính đã tốt nghiệp khóa I Võ bị Trần Quốc Tuấn.

          Một lần nữa, xin gửi lời chúc sức khỏe tới các bác, các chú, các vị khách quý, gửi lời cầu mong cho tinh thần khoá I Võ bị Trần Quốc Tuấn còn mãi với lịch sử của Quân đội ta, Đất nước ta.

2 nhận xét:

  1. Trong baì của Đặng Hùng Võ, đề nghị sửa mấy chữ:
    đoạn 2, dòng 2 từ dưới lên: quyền
    đoạn 4, dòng 10 từ trên xuống: từ đoàn dài lính trẻ của chúng ta
    đoạn 5, dòng 3 từ dưới lên: những kỉ niệm vui, buồn
    Cám ơn cháu nhé.

    Trả lờiXóa

Viết nhận xét, nếu chưa đăng kí, bạn có thể ghi tên mình (hoặc nickname) và xuống mục "Chọn 1 nhận dạng" nháy vào "Ẩn danh" rồi xuất bản nhận xét.