Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2015

Một sự kiện quan trọng trong sinh hoạt chính trị: NGÀY CÀNG SÁNG TỎ LÝ LUẬN “NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XHCN“ (Vũ Diệu sưu tầm và giới thiệu)

Mấy hôm nay , báo điện tử Vietnamnet (báo chính thống của Bộ TT & TT) đang đăng tải nội dung cuộc bàn tròn trực tuyến , giữa nhà báo Việt Lâm với TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển của Bộ Kế hoạch đầu tư, và TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam , với chủ đề “NỖI SỢ MANG TÊN CHỆCH HƯỚNG".
Bạn nào có điều kiện thì truy cứu bài này trên báo điện tử Vietnamnet ( http://m.vietnamnet.vn/vn/ban-tron-truc-tuyen/), ngày 2/4/2015. Dưới đây là trích đoạn nguyên văn 1 số đoạn của bài đó:

TS Lưu Bích Hồ :
Những gì chúng ta đang thảo luận ngày hôm nay không phải 15-20 năm trước chúng ta không nghĩ tới . Trong cuốn “ Theo hướng Rồng bay “ , Harvard viết cách đây 20 năm đã phân tích và kiến nghị tất cả những vấn đề mà hôm nay chúng ta đang tiếp nhận . Tôi muốn nhấn mạnh 2 điểm :
-thứ 1 , các chuyên gia , những người tham mưu còn chưa đủ mạnh để mổ xẻ vấn đề và thuyết phục lãnh đạo,
-thứ 2 , quan trọng hơn là chúng ta muốn có sự đồng thuận trong lãnh đạo mà sự thống nhất ấy ở nước ta hơi bị chậm .Do cơ chế lãnh đạo , chúng ta hay nói là vấn đề “ chưa chín “ thì chưa nên làm , mà đổi mới thường bắt đầu từ đề xuất của 1 thiểu số , không thể chờ đa số đồng thuận rồi mới làm .
Vừa rồi , cựu Thủ tướng Anh Tony Blair có đúc kết rằng “ 1 cuộc cải cách mà không có nhiều người phản đối thì đó là 1 cuộc cách tồi , bởi vì cải cách đụng chạm đến tư duy cũ của 1 số người , đến lợi ích của 1 số người “ . Đó là 1 bài học .


TS Trần Đình Thiên :
Vấn đề của Việt Nam hiện nay là thế giới đang chuyển động với tốc đô nhanh , còn chúng ta vẫn đang đi lọ mọ nên hậu quả rất nghiêm trọng . Mình đã quyết định bước ra khỏi vùng tối nhưng lại không dám chọn vùng sáng mà bước ra , thành thử cứ ở quá lâu trong vùng tranh tối tranh sáng .
Tinh thần hội nhập của Việt Nam rất mạnh nhưng chúng ta lại làm rất yếu những điều kiện để gia nhập vào nền kinh tế thị trường thực sự . Sự vênh nhau giữa tinh thần hội nhập và hệ thống nền tảng để hội nhập khiến nền kinh tế tuy có đi lên nhưng tốc độ lại giảm xuống và có nhiều bất ổn hơn . Thậm chí ở đẳng cấp cao vẫn tồn tại 1 mâu thuẫn nào đó trong cách tiếp cận thị trường . Một mặt , nó là cản trở nhưng mặt khác cũng cho thấy nếu gỡ được nút thắt này thì Việt Nam sẽ bứt lên nhanh chóng . Nếu không gỡ được cái trần về tư tưởng thì có thể khiến cho quá trình giải quyết những trói buộcvề cơ chế chính sách để tạo ra những kích thích tốt cho nền kinh tế trong nước bị lệch sang phía nước ngoài , mà những lực lượng trong nước không được hưởng . Bởi vì khu vực đầu tư nước ngoài đã phát triển tốt , trong khi khu vực nội địa , từ kinh tế nhà nước tới kinh tế tư nhân vẫn chật vật do rào cản cơ chế . Thể chế thị trường của họ tốt hơn , còn thể chế thị trường của ta vừa yếu kém lại vừa chịu nhiều trói buộc .
Tôi hiểu cách nhìn của ông Tony Blair có 2 ý :
-1 là : Cải cách là đổi mới , là vượt qua những khuôn khổ thể chế cũ , kể cả luật pháp , để mở ra những cái mới . Bởi thế , nó thường xung đột với cái cũ , xung đột với đa số những con người , những lợi ích của hệ thống cũ để lại , xung đột với thói quen cũ . Nếu đổi mới mà không xung đột với ai thì không có gì là đổi mới cả .
-2 là : Ông có tư tưởng đổi mới mà gặp chống đối mạnh thì ông phải sợ chứ . Ông phải tập luyện võ nghệ mà chiến đấu . Tức là , nếu ông muốn chương trình cải cách của ông thực hiện được thì chương trình ấy phải được thiết kế rất tốt để thuyết phục những lực lượng phản đối hoặc những người không phản đối nhưng người ta chưa hiểu . Còn vì sao không ai dám đột phá cái trần tư tưởng ấy ? Đó là do giới gọi là tham mưu , tư vấn cho lãnh đạo chưa đủ mạnh dạn . Nói chung , trong xã hội ta đa số còn thiếu can đảm để vượt qua cái cũ . Nhiều khi mình cảm thấy hơi hèn khi nhìn thấy vấn đề mà không đủ can đảm nói ra .
Khi khái niệm “ Định hướng XHCN “ chưa được giải thích rõ , đụng đến cuộc sống hàng ngày của con người , dễ bịdịch sang từ “ chệch hướng “ . Hậu quả là người ta chùn lại , ngần ngại , không dám nói , không dám làm . Cách đặt vấn đề để có sự can đảm như vậy chính là tuyên ngôn đầu tiên phải rõ ràng : “thế nào là định hướng XHCN “ . Cả dân tộc này có lẽ không kém đến mức không hiểu định nghĩa định hướng XHCN trong khuôn khổ chấp nhận kinh tế thị trường là như thế nào . Nó là ủng hộ thị trường chứ không cản trở thị trường .

TS Lưu Bích Hồ :
Dự thảo đã đưa ra được những câu chữ khá chỉnh trang về định nghĩa kinh tế thị trường định hướng XHCN nhưng còn quá dài . Không nên nêu quá cụ thể để không bị ràng buộc bởi những vấn đề còn phải được khảo nghiệm , trong đó có vấn đề nổi lên cần được xem xét là chế độ sở hữu và vai trò của các thành phần kinh tế .
Chúng tôi đề nghị nêu nền kinh tế nhiều thành phần , nhiều hình thức sở hữu là đủ . Bởi nguyên tắc phổ quát của kinh tế thị trường là lấy kinh tế tư nhân làm nền tảng . Chúng ta chưa đến mức thừa nhận như vậy , muốn đi 1 mô hình riêng do đó vẫn giữ kinh tế nhà nước là chủ đạo . Thực tiễn đã chứng minh kinh tế nhà nước chưa hoàn thành được vai trò chủ đạo .
Chưa kể , kinh tế nhà nước bao gồm cả ngân sách nhà nước , dự trữ quốc gia , tài nguyên thiên nhiên , các kết cấu hạ tầng của nhà nước đầu tư , trong khi các khu vực còn lại chỉ được nhắc đến doanh nghiệp . Như thế là không tương thích .
Vấn đề quan trọng nhất là bảo đảm mọi thành phần kinh tế đều phải hoạt động theo nguyên tắc thị trường , bình đẳng với nhau . Khi đàm phán với các định chế quốc tế , người ta chỉ yêu cầu công khai , minh bạch và bình đẳng , có vậy thôi . Người ta không quan tâm ông có bao nhiêu DNNN , kinh tế nhà nước là chủ đạo hay không .
Theo tôi ( TS LBH ), đặc điểm chính của kinh tế thị trường định hướng XHCN là sự kết hợp giữa phát triển kinh tế , tiến bộ và công bằng xã hội . Kinh tế thị trường phát triển là để đem lại hạnh phúc cho con người , là sự bình đẳng hơn cho con người và sự tiến bộ của xã hội . Không phải chỉ có định hướng XNCN ở nước ta mới đặt ra như vậy mà các nền kinh tế phát triển khác , như kinh tế thị trường xã hội ở Đức , nền kinh tế thị trường xã hội phúc lợi ở Bắc Âu cũng đã đặt ra như thế . Họ còn làm tốt hơn chúng ta vì họ đã đạt đến trình độ phát triển cao hơn chúng ta nhiều . Về cơ bản , kinh tế thị trường định hướng XHCN không có gì khác các nền kinh tế thị trường khác .

TS Trần Đình Thiên :
Chúng ta sính dùng chữ nghĩa hay ho , điều quan trọng là nội hàm . Nội hàm của CNXH mà chúng ta nói đến chỉ có mấy vế thế này thôi :
-1 là : Mở rộng cơ hội cho con người .
-2 là : Giúp con người tăng cường năng lực để chuyển hóa cơ hội thành lợi ích .
-3 là : Làm sao xã hội giúp con người nhận được sự phân phối công bằng . Công bằng ở đây có 2 vế : Công bằng về cơ hội và công bằng về lợi ích . Không có công bằng về cơ hội thì không thể có công bằng về lợi ích .
Câu chuyện ở đây là thị trường , là cạnh tranh mà cạnh tranh sẽ giúp nâng cao năng lực và cũng tạo ra sự công bằng về cơ hội . Ông có năng lực cao thì ông có nhiều cơ hội hơn . Nhưng xét về góc độ nhân văn thì không phải cái gì cũng công bằng . Do điều kiện , năng lực của mỗi cá nhân khác nhau , vì thế mới cần đến những thiết chế xã hội và sự can dự của nhà nước , nhằm đảm bảo tính mục đích tối cao của chúng ta muốn đạt đến . Ta gọi đấy là chủ nghĩa xã hội , các nước khác gọi là kinh tế thị trường xã hội.

TS Lưu Bích Hồ :
Chúng ta chỉ cần gọi là kinh tế thị trường xã hội là đủ , có thêm chữ chủ nghĩa vào lại trở nên nặng nề , phức tạp .
TS Trần Đình Thiên :
Trở lại câu hỏi về định nghĩa nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là gì , tôi muốn nhấn mạnh thêm :
-1 là : Những gì là nguyên tắc cơ bản của thị trường thì phải tuyên bố rõ và thừa nhận . Ví dụ thừa nhận sở hữu tư nhân chứ không phải chỉ có nhà nước , bảo đảm cơ chế cạnh tranh bình đẳng . Ở đây bình đẳng là công bằng về các điều kiện để tham gia cạnh tranh , thể hiện qua cơ chế giá cả . Giá cả phải do thị trường quyết định . Nhà nước có thể tham gia vào quá trình định giá nhưng với tư cách là 1 lực lượng thị trường chứ không phải với tư cách áp đặt . Tóm lại , cơ chế thị trường là cạnh tranh , tự do giá cả và quyền sở hữu . Nếu làm méo mó 3 nguyên tắc cơ bản đó thì viết luận đề về kinh tế thị trường chỉ là 1 trò cười .
-2 là : Bình đẳng nói ở đây là bình đẳng về tư cách , về tư thế . Còn chức năng của các thành phần kinh tế có thể khác biệt . Ở ta lại không bình đẳng về tư thế . Doanh nghiệp nhà nước được hưởng nhiều ưu đãi mà có khi họ không muốn vì với những ưu quyền đó họ phải gánh đủ thứ trách nhiệm. Kinh tế nhà nước được gắn là vai trò chủ đạo , còn kinh tế tư nhân thì mãi mãi sau này mới được gắn thêm mấy chữ “ kinh tế tư nhân là động lực quan trọng “. Những nguyên lý cơ bản của thị trường mà phải khó khăn đến thế mới được chấp nhận thì làm sao cạnh tranh bình đẳng được .
Vai trò của nhà nước là bảo vệ quyền tài sản , phải đảm bảo cho cạnh tranh bình đẳng . Đó chính là chủ nghĩa xã hội .
-3 là : Thị trường là 1 lực lượng phân phối của cải làm ra đợt đầu nhưng nhà nước là lực lượng duy nhất có quyền lực phân phối lại để tạo ra sự bình đẳng thật sự , hỗ trợ người già , người nghèo , phòng ngừa rủi ro . Đây là tính mục đích cuối cùng là bảo đảm bình đẳng ở khâu phân phối lại .
Tóm lại , phải thấu suốt nguyên tắc : Nhà nước là lực lượng thúc đẩy thị trường . Thị trường càng tốt thì nhà nước càng dễ quản lý , càng ít phải định hướng .
( còn nữa )

Ghi chú : Đến ngày 2/4/2015 bài này có 2 ý kiến bình luận của bạn đọc :
-Vũ Hưng :
Chỉ cần dùng từ Kinh tế thị trường là đủ, không nên thêm một số từ khác vào để tránh sự bẻ cong đi. Còn vấn đề xã hội thì điều tiết bằng công cụ của nhà nước.
- Văn Luật:
Càng dính chặt vào ngôn ngữ càng khó thoát ra . Vấn đề là làm sao cho dân giàu .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Viết nhận xét, nếu chưa đăng kí, bạn có thể ghi tên mình (hoặc nickname) và xuống mục "Chọn 1 nhận dạng" nháy vào "Ẩn danh" rồi xuất bản nhận xét.