Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

Tìm lại ký ức của cha (Nguyễn Quốc Bình)

Chẳng còn nhớ lại được bao nhiêu, vả lại cha tôi cũng không kể lại nhiều về khóa huấn luyện quân sự tại Trường Lục quân Việt Nam (sang đến TQ thì Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn được đổi tên thành Lục quân Việt Nam, tạm tránh gọi tên Trần Quốc Tuấn để người TQ khỏi bẽ mặt vì sĩ diện dân tộc, coi như giữ thể diện cho TQ) năm 1951. 
Năm Người đi TQ học rồi về thì chú ruột tôi vẫn còn ở trong vùng tự do Thanh Hóa, chưa đi TQ học y khoa.
Căn cứ lời kể của cha và những ghi chép của Người, có thể khôi phục được đôi chút.
1. Ngày ra đi, cả đoàn hành quân bộ, do bác Trần Tử Bình chỉ huy. Hành quân bộ suốt từ Việt Bắc sang TQ. 


Trước đó, cha tôi từ Hải Dương lên Việt Bắc cũng hành quân bộ. Nói là hành quân, chứ chắc khi đó là do liên lạc dẫn đường, luồn qua hệ thống đồn bốt và các làng tề dày đặc để lên chiến khu thôi. Cứ theo như những gì ta biết về hình thái da báo khi đó - các làng kháng chiến hay những làng 'xanh vỏ đỏ lòng' (làng tề về hình thức song ban đêm du kích và bộ đội tự do đi lại, hoạt động, nhân dân vẫn đóng thuế nông nghiệp và quỹ đảm phụ quốc phòng cho chính phủ cụ Hồ) khi đó xen da báo với các đồn bốt và làng tề - cha tôi chắc đã theo liên lạc/giao thông viên luồn lách qua các huyện Gia Lộc, Gia Lương, qua tỉnh Bắc Giang lên Thái Nguyên về chiến khu. Chắc đêm đi, ngày lại trú tạm trong các hầm bí mật hay nhà dân, trừ qua vùng tự do mới đi ban ngày được, từ Hải Dương lên Việt Bắc chắc mất cả mấy tuần. Những năm kháng chiến, cha tôi có lẽ đã đi hết dọc lại ngang khắp cả tỉnh Hải Dương, hành quân chỉ huy chống càn hay tiến đánh các đồn bốt giặc, phục kích trên QL 5 hay xây dựng lực lượng du kích. Khoảng giữa những năm 1980s, trước khi cha tôi mất đột ngột vì tai biến mạch máu não không lâu, một lần theo xe cha tôi từ HP lên HN, Người ghé lại Hải Dương thăm chú liên lạc cũ của Người khi đó đã nghỉ hưu. Người kể 'Chú ấy ngày đó không biết bơi, đi theo bố bảo vệ và làm nhiệm vụ truyền tin/liên lạc. Có lần hai thày trò ban đêm vượt sông Luộc, rét lắm, bố phải bơi qua sông mang súng, tài liệu sang trước, giấu vào bụi rậm rồi bơi quay lại bờ bên này để lại dìu chú ấy vượt qua sông lần nữa'. Cha tôi bơi rất giỏi, Người từng đoạt giải nhì thi bơi tỉnh Sơn Tây và được người Pháp chọn cho vào Phan Thiết đào tạo làm vận động viên bơi lội thời phong trào thanh niên Đuy-cua-roa, vì thế trong đêm mới 3 lần vượt sông, dìu cả người khác được. Hai thày trò đã đi với nhau suốt mấy năm cha tôi làm tỉnh đội trưởng HD, cho đến khi cha tôi được điều sang làm tỉnh đội trưởng Thái Bình năm 1953 bởi khi đó địch đang mở các cuộc càn lớn vào khu tự do của tỉnh Thái Bình, nhằm đánh thông đường 10 từ Nam Định sang Hải Phòng. Ngày gặp lại nhau sau bao nhiêu năm xa cách ấy rất cảm động. Chú liên lạc khi đó đã hơn 60, luống cuống và cảm động đỏ cả mặt, nước mắt lưng tròng bảo vợ con đi pha nước mời thủ trưởng cũ, nói không ra lời, trông rất thương. Ngày ấy còn nghèo lắm, cha tôi, dù là đại tá phó tư lệnh Thành phố HP cũng rất nghèo, chỉ có bao thuốc lá và gói chè làm quà cho chú ấy, còn chú ấy thậm chí cũng chẳng có cái gì để tặng lại thủ trưởng cũ, bởi cha tôi đến đột ngột không báo trước, hỏi mãi Tỉnh đội HD mới biết tin và địa chỉ mà ghé đến thăm. Hôm ấy, tôi cũng chẳng nói được gì, chỉ im lặng nhìn hai ông già (cha tôi hơn chú ấy cả 10 tuổi) lập cập ôm lấy nhau, mừng mừng rỡ rỡ. Tận đến bây giờ gõ lại những dòng này tôi vẫn còn ứa nước mắt. Chú ấy bảo tôi 'Con ơi, con có một người Cha tuyệt vời lắm con ạ', rồi nghẹn ngào không nói ra lời được nữa. Nếu không có nhân dân chở che, sư ông liều mình chạy ra báo tin thì chú ấy lẫn cha tôi đã sa vào tay lính Âu-Phi phục sẵn trong chùa nơi ban chỉ huy tỉnh đội trú đóng rồi. Sau chỉ nghe nói Pháp đánh cụ sư thừa sống thiếu chết rồi bắt đưa đi mất, mãi đến năm 1985-1986 cha tôi mới tìm lại được cụ, khi đó đang làm trụ trì chùa Yên Tử.
Từ Việt Bắc đi Vân Nam, cả đoàn hành quân ngày đi đêm nghỉ tại các bản của nhân dân các dân tộc. Một lần cả đoàn được ăn thịt gấu. Là anh trai chủ nhà có 1 khẩu súng kíp, sáng ra đi ra suối, thấy ngay một chú gấu to gần 1 tạ đang ngồi bóc măng ven suối ăn. Chỉ 1 phát là chú gấu lăn kềnh, mổ ra, trong bụng vẫn còn cả hơn 10kg măng tươi gấu nhai chưa kỹ đã nuốt, mới rửa sạch và đem nấu ăn. Cả đoàn mấy chục người được một bữa thịt tươi hiếm hoi trên đường hành quân xa vời vợi.
2. Tới TQ học, GV của chương trình Trung cao cấp chỉ có ít người Việt mà chủ yếu là GV Trung quốc. Điều này giải thích chuyện tấm thiệp ngày tốt nghiệp cha tôi nhận được lại viết bằng tiếng Tàu chứ không bằng tiếng Việt. Có thể hình dung lại được, khi đó TQ cử cán bộ QS trung cao cấp tới làm GV, mới gọi khoa đào tạo sĩ quan chỉ huy trung cao cấp cho bộ đội VN là 'Đặc khoa học hiệu' (khoa đặc biệt của trường). Có một chuyện mà cha tôi lúc giải thích cho tôi thế nào là 'đại táo', 'trung táo', 'tiểu táo' khi tôi hỏi Người, bởi mỗi lần xách cặp lồng vào doanh trại bố lĩnh suất ăn của Người về khi cha tôi ghé về ăn cơm nhà, cô Tẹo cấp dưỡng của Thành Đội vẫn bảo 'suất tiểu táo'. Cha tôi kể, ngày mới tới TQ, người ta hỏi các cán bộ QS VN mới sang báo ăn loại gì 'tiểu', hay 'trung' hay 'đại'. Chẳng ai biết nó là cái gì, mới bàn nhau 'đại là to, táo là bếp', chắc 'đại táo' là nhất rồi, thế là cả loạt báo ăn 'đại táo'. Sau mới biết, đại táo là bếp lớn, cho lính đông người, ăn uống cũng rất đạm bạc. Người TQ thấy thì lạ lắm, mới bảo 'Các đồng chí VN không phải tiết kiệm, các đồng chí từ nơi gian khổ tới, cứ báo ăn tiểu táo cho đủ sức khỏe mà học tập, đừng ngại'. Từ đó mới chuyển tất cả sang ăn 'tiểu táo'.
Chắc chỉ khi đó, cha tôi mới được học bài bản về chiến tranh du kích: chiến thuật, tổ chức, lập kế hoạch và chỉ huy tác chiến. Chứ trước CM tháng Tám cha tôi là y tá, dù đã lập 'chiến khu' tại làng Bói quê của chị Nguyễn Thị Xuân Mỹ (sau là ủy viên Bộ chính trị, ngày ấy còn trẻ con, mới chỉ 2-3 tuổi thôi) từ cuối 1944 đầu 1945 song súng ống chỉ có 7 khẩu mút-xcơ-tông, quân chỉ có 1 'trung đội' du kích (là gọi thặng lên thế thôi chứ chỉ độ 20 người - ngày khởi nghĩa, trung đội ấy cũng rầm rộ ra phết, hành quân từ xã lên chiếm đồn bảo an binh thị xã Ninh Giang đấy, dân chúng thị xã phấn khởi lắm, bởi 'Việt Minh hóa ra đã ém súng từ lâu'!), đi trong hàng còn chưa đều, đánh nhau kể cũng đã nhiều suốt từ 1947 đến lúc đó đã 4 năm gian khổ, song hoàn toàn là tự phát, chỉ dựa vào kinh nghiệm thôi.
3. Ngày về, phía TQ cho chở vũ khí tới biên giới rồi chất lên lừa, ngựa, cho dân công hộ tống vận chuyển về chiến khu Việt Bắc. Từ Việt Bắc về Hải Dương thì dân công ta vận chuyển, lúc bằng thuyền, lúc vác vai. Từ sau khi cha tôi về, vũ khí có thêm khá dồi dào, tiểu đoàn chủ lực của tỉnh có trang bị mới và đã khiến bọn Pháp thất kinh khi chạm trán, bởi hỏa lực của quân Việt Minh đã khác hẳn, đã có cả súng cối (61 li). Đồn bốt lẻ bị nhổ hàng loạt, vùng địch chiếm nhờ đó mà thu hẹp dần.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Viết nhận xét, nếu chưa đăng kí, bạn có thể ghi tên mình (hoặc nickname) và xuống mục "Chọn 1 nhận dạng" nháy vào "Ẩn danh" rồi xuất bản nhận xét.