Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

Tướng Trần Độ và những bài viết chưa đăng

Cùng 3 tập "Trần Độ - Tác phẩm" vừa được Nxb Hội Nhà văn phát hành đầu năm 2012, gia đình còn lưu giữ những bài viết chưa đăng của ông. Nay được gia đình tặng, chúng tôi sẽ post dần lên trang mạng này! Xin cảm ơn anh Trần Thắng!


TÂM ĐẮC HỒ CHÍ MINH

Để kỷ niệm 19/5 và 02/9/1999
Bài 1

***
Trần Độ và Võ Đại tướng ở Việt Bắc, 1948.
Ở Việt Nam, hàng năm, ngày 19/5 ngày sinh của Bác Hồ và 2/9 ngày mất của Bác Hồ là hai ngày có ý nghĩa rất lớn và làm nhiều người xúc động.

Năm nay, 1999, hai ngày đó lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì ngày 19/5 là ngày Đảng Cộng sản phát động cuộc vận động “xây dựng và chỉnh đốn Đảng” rất rầm rộ trong cả nước. Và ngày 2/9 sẽ là ngày đánh dấu 30 năm bản di chúc của Bác Hồ. Bản di chúc của Bác Hồ có điểm quan trọng đầu tiên là “phải chỉnh đốn Đảng”. Sau 30 năm ta mới đề ra thực hiện việc đó, có hơi chậm chăng? Nhưng dù sao, thì “chậm còn hơn là không” chúng ta có quyền hy vọng vào những kết quả tích cực của cuộc vận động. Nhân những ngày đầy ý nghĩa này, tôi cũng muốn ghi lại cảm xúc của tôi. Đó là cảm xúc “tâm đắc”. Tâm đắc là gì? Tôi hiểu đó là những điểm đắc ý nhất của sự nhận thức, sự cảm nhận, sự thu hoạch về một vấn đề nào đó. Tôi biết có rất nhiều học giả, nhà văn và cơ quan khoa học đã nghiên cứu về Hồ Chí Minh và đã có nhiều công trình, nhiều cuốn sách, nhiều bài báo viết và nhiều cuộc nói chuyện về những kết quả nghiên cứu này. Tôi có được đọc một số. Tôi không có khả năng và điều kiện để làm việc nghiên cứu. Tôi chỉ còn biết cảm ơn các nhà nghiên cứu và các nhà văn đã có những sản phẩm đầy công phu về đề tài Hồ Chí Minh vĩ đại này. Riêng tôi, tôi chỉ muốn ghi lại những điều tâm đắc của tôi về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là những hiểu biết qua sách vở, qua được tiếp xúc và qua sự sống và hoạt động dưới ảnh hưởng, dưới sự chỉ đạo của Người. Vì vậy nó sẽ không toàn diện, không hệ thống, không có những thông tin bất ngờ hoặc đặc sắc. Nó chỉ là những ghi nhận sâu sắc của một tâm hồn, một con người có thật trong quãng đời có thật của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của dân tộc Việt Nam.


Tôi xin phép được trình bày những ghi nhận này với tên gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là Bác Hồ. Vì tên gọi này cũng là một điều tâm đắc của tôi. Hồ Chủ tịch vừa là một vị Chủ tịch cao nghiêm vời vợi, là một bề trên cao minh sáng suốt, lại vừa là một người rất thân tình gần gũi. Người đó là một vị Bác (anh của bố) và đó là Bác Hồ. Ảnh hưởng của Bác Hồ rất rộng lớn, rất mênh mông, từ những ý tưởng lớn, những quyết định rất giỏi tác động đến lịch sử dân tộc, vận mệnh của dân tộc, đến những ý kiến sâu sắc ân cần chỉ dẫn hoạt động của từng lĩnh vực, trong mọi lĩnh vực của cuộc chiến đấu, lao động sản xuất, y tế, giáo dục, nghệ thuật văn hóa. Những ý kiến chỉ dẫn và khuyên giải mọi hạng người, mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề. Tôi thấy rất rõ cái vĩ đại của Bác Hồ là ở chỗ này. Bác thu nhận vào người nhiều nguồn hiểu biết, nhiều nguồn tư tưởng cho nên Bác có rất dồi dào ý tưởng cao cả và sáng suốt đối với mọi tình huống, mọi vấn đề lớn nhỏ. Bác ứng xử rất giỏi trong nhiều tình huống gay go, phức tạp, ứng phó rất thông minh với tất cả các loại người, kể cả địch và bạn. Nếu Bác không có một sự học tập và thu nhận rộng rãi phong phú, thì không thể có một bản lĩnh tuyệt vời như vậy. Và riêng điều này, cần phải có nhiều công trình, nhiều quyển sách mới nói hết được.

Riêng tôi, tôi chỉ nói lên vài cái tâm đắc của tôi. Có thể nói về hai điểm rõ rệt nhất. Một là Bác Hồ đã vạch ra, định ra một con đường và rất giỏi lèo lái con thuyền đất nước trên con đường đó để đi tới thắng lợi. Con đường đó rõ ràng, nhiều người nhận thấy là con đường Đại đoàn kết dân tộc, mà Bác thu gọn vào mấy chữ : Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết ; Thành công, thành công, đại thành công. Sự lặp lại hai chữ đoàn kết và thành công nhiều lần, nói lên lòng kiên quyết, chí kiên trì của Bác Hồ.

Thế giới ca ngợi Bác Hồ là anh hùng giải phóng dân tộc. Điều đó quá hiển nhiên. Tôi chưa thấy có ai khen Bác là chiến sĩ mác xít kiệt xuất, hoặc chiến sĩ vô sản vĩ đại cả. Người ta khen Bác là anh hùng mà là anh hùng giải phóng dân tộc và tôn vinh Bác là nhà văn hóa kiệt xuất. Có thể nói đó là đánh giá rất chính xác, rất công bằng. Theo anh Sơn Tùng, là một nhà văn có nhiều công lao tìm hiểu và nghiên cứu về Bác Hồ kể lại thì trong cuộc hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm ngày sinh Bác Hồ vào năm 1990 có hai bà người Mỹ có những ý kiến nhận xét về Bác Hồ rất độc đáo và riêng tôi cũng rất tâm đắc. Bà Muller Magrite thì nhận xét Bác Hồ gặp nhiều nghịch lý trong cuộc đời. Bác có nhiều ý tưởng đúng, nhưng ý tưởng ấy lại xuất hiện ở thời điểm không đúng.

Năm 1945, Bác Hồ kế thừa tinh thần các cuộc cách mạng năm 1876 của Mỹ và năm 1789 của Pháp và năm 1917 ở Nga. Thế mà nước Việt Nam tuyên bố độc lập không có nước nào công nhận ngay. Phải mãi đến năm 1950 mới có nhiều nước công nhận, vậy là thời điểm năm 1945 chưa hợp. Vì bây giờ bất cứ một nước nào tuyên bố độc lập thì cả thế giới ồ ạt công nhận ngay. Bà còn nói năm 1945, 1946, Bác Hồ là người đầu tiên đề ra việc xóa nạn mù chữ, diệt giặc dốt, giặc đói và Tết trồng cây. Vậy mà mãi 30 năm sau, Liên hợp quốc mới đề xuất vấn đề xóa nạn mù chữ và vận động việc cứu đói, việc xóa đói giảm nghèo, cũng 30 năm sau thế giới mới đề ra vấn đề môi trường sinh thái. Như vậy tư cách con người văn hóa của Bác Hồ thật lớn lao và đậm nét, một người đầy hiểu biết và nhìn xa trông rộng rất lớn. Còn bà Josephine Sleson thì nhận xét có người đề cao Bác Hồ lại cứ nhấn mạnh vào cảnh xuất thân nhà nghèo của Bác và nhấn mạnh cuộc đời đấu tranh của Bác trải qua rất nhiều công việc lao động chân tay cực nhọc: khuân vác, bồi bàn, làm bếp rồi nhiếp ảnh, … những người này lại ngại nói đến nguồn gốc gia đình trí thức của Bác. Ông nội và cha là những nhà khoa cử, bà và mẹ đều là những phụ nữ biết chữ và tôn trọng đạo lý. Còn trong quá trình bôn ba, thì Bác Hồ quen và chơi thân với nhiều nhà văn hóa và trí thức lớn như Romanh Rolland, Henri Barbusse, vua hề Sác Lô, … Nguồn gốc và tư cách trí thức của Bác Hồ bị coi nhẹ. Bà nói : như thế là do óc thành phần chủ nghĩa và bà nhận xét chừng nào còn hạ thấp vĩ nhân về mặt trí tuệ thì chừng đó chính sách còn rất coi nhẹ và khinh miệt chất xám.

Tôi cũng rất tâm đắc nhận xét này và tôi cứ ngẫm nghĩ về mấy chục năm Bác lưu lạc là mấy chục năm Bác gặp gỡ học hỏi, đọc sách, đọc báo, làm báo, học ngoại ngữ, tìm hiểu tình hình hết nước này đến nước khác và Bác cũng đã gặp Mác và Lê Nin trong quá trình tìm hiểu ấy. Bác thấy ở tư tưởng Lê Nin có điểm quan trọng giúp cho con đường đấu tranh của Bác. Bác thu thập được nhiều trí thức, kiến thức và đạo lý chứ không phải chỉ có một. Mọi người có thể dễ dàng nhận thấy một sự thực hiển nhiên là trong mấy chục năm bôn ba qua nhiều nước, Bác Hồ đã tiếp xúc với nhiều tư tưởng, đã đọc và học tập nhiều học thuyết. Chắc chắn Bác đã đọc sách Phật, sách Lão, sách Nho, sách Kitô giáo, các sách của những nhà tư tưởng phương Tây như Rousseau, Voltaire, Montesquieu, của các nhà tư tưởng Trung Quốc, đặc biệt là Tôn Dật Tiên và Lương Khải Siêu. Bác vốn có một nền tảng nho học sâu sắc và ảnh hưởng của gia đình Việt Nam rất vững chắc. Những thu nhận mới của Bác bồi đắp thêm cho bản lĩnh của Bác. Bác cũng đọc Mác, Ăng ghen, Lê Nin. Bác cũng nhận thấy ở Mác – Lê Nin những nguyên lý cách mạng rất tốt, rất cao đẹp. Nhưng ta thấy Bác đã thấm nhuần tất cả. Nhiều nguồn tư tưởng đã bồi đắp lên tinh thần của Bác Hồ. Vì thế trong Tuyên ngôn Độc lập nổi tiếng năm 1945, Bác mở đầu bằng trích dẫn những văn bản của cách mạng Mỹ và cách mạng Pháp. Những điều Bác thu nhận được bồi đắp thêm cho cái gốc lõi trong tinh thần của Bác là đạo lý phương Đông và tinh thần yêu nước rất sâu sắc, rất to nặng. Lòng yêu nước Việt Nam không gạt bỏ học thuyết nào, đạo lý nào và tôn giáo nào.

Vì vậy điều tâm đắc lớn nhất của tôi đối với Bác Hồ là lòng yêu nước của Bác và một tên nổi tiếng từ khi còn trẻ con và đã hết lòng dấn theo cái tên đó, theo cái lòng yêu nước thiêng liêng ấy.

Những năm đầu của cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ đã hành động và ứng xử như người yêu nước. Đối với Bác tất cả đều phải phục vụ mục đích là cứu nước, giành độc lập, bất cứ điều gì trở ngại và không lợi cho mục tiêu đó đều phải gạt bỏ. Muốn đạt mục tiêu đó, phải đoàn kết toàn dân : đoàn kết toàn dân để giành độc lập, chứ không phải để đấu tranh giai cấp, đã cần đại đoàn kết toàn dân thì không thể nhấn mạnh đấu tranh gia cấp.

Điều tâm đắc này ở Bác Hồ còn có thể diễn đạt là ở Bác Hồ, toàn bộ tâm trí, tình cảm, năng lực chỉ tập trung vào tất cả vì nước, vì dân tộc, vì nhân dân, tất cả những gì không vì nước, vì dân tộc, nhân dân thì đều phải coi là thứ yếu, là phụ thuộc và nếu cần thì gạt bỏ. Có thể thấy ở mấy điểm sau này :

a) Ngay trong “chánh cương vắn tắt của Đảng” Bác Hồ đã nhận định là “ … tư bản bản xứ không có thế lực gì, ta không nên nói cho họ đi về phe đế quốc, chỉ có bọn đại địa chủ mới có thế lực và đứng hẳn về phe đế quốc chủ nghĩa, nên chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng”. Và trong phần “về phương diện kinh tế”. Chánh cương chủ trương :

“a- …

b- Thâu hết sản nghiệp lớn (như công nghiệp, vận tải, ngân hàng … của tư bản đế quốc chủ nghĩa Pháp để giao cho Chính phủ công nông binh quản lý).

c- Thâu hết ruộng đất của đế quốc chủ nghĩa làm của công, chia cho dân cày nghèo”.

Như vậy ta thấy rõ dụng ý của Chánh cương là tập trung nỗ lực đấu tranh vào “đế quốc và tay sai”, chứ không phải “trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ …” mà bây giờ ta cũng thấy rõ là một khẩu hiệu sai lầm và ấu trĩ. Ở trong tài liệu “Sách lược vắn tắt của Đảng” cũng có điểm 4, ghi như sau :

“4. Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản trí thức, trung nông, thanh niên, Tân Việt … để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn đối với phú nông, trung tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ phản cách mạng thì phải lợi dụng ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng (Đảng lập hiến …) thì phải đánh đổ”.

Tinh thần của Chánh cương và sách lược đều là hết sức mở rộng diện đoàn kết, hết sức thu hẹp diện kẻ thù để nhằm thực hiện cho được mục tiêu giành độc lập cho Tổ quốc. Phải chăng theo tinh thần của Bác Hồ thì mục tiêu lớn của đất nước là “Nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất dân chủ và giàu mạnh là mục tiêu cao nhất, là lợi ích cao nhất của đất nước, phải đặt nó trên cả lợi ích giai cấp, lợi ích của Đảng. Phải đại đoàn kết để thực hiện dân chủ giàu mạnh, như ta đã đại đoàn kết để giành độc lập và thống nhất.

b) Một sự việc có thể nói là đặc sắc và vĩ đại trong hành động ứng xử của Bác Hồ, những ngày cách mạng mới thành công, đó là việc Bác Hồ lập Chính phủ cách mạng lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Bác Hồ rất tài tình ở chỗ mời mọc và thu hút vào chính quyền cách mạng một loạt các vị quan lại cũ như các cụ Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, Phạm Khắc Hòe, Vi Văn Định trong đó có người có lúc đã là kẻ thù tàn bạo của phong trào cách mạng. Bác Hồ lại thu hút vào bộ máy Chính phủ các nhà trí thức lớn như Hoàng Minh Giám, Tạ Quang Bửu, Vũ Đình Hòe, bác sĩ Vũ Đình Tụng, Hồ Đắc Di, Trần Duy Hưng, … và sau này là Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước, …

Bác lại chủ trương mời cả vua Bảo Đại, giám mục Lê Hữu Từ làm cố vấn cho Chính phủ mới nếu Bảo Đại làm Tổng thống và Hồ Chí Minh làm Thủ tướng thì đẹp biết bao (nghe nói Bảo Đại có kể lại chuyện này trong hồi ký của mình).

Bác còn mời được cả cụ Huỳnh Thúc Kháng là người không ưa gì chủ nghĩa cộng sản. Khi cụ Huỳnh Thúc Kháng gặp Bác Hồ, biết Bác là người cộng sản mà chỉ vì quý trọng tinh thần vì nước vì dân của Bác, quý trọng cái tư cách đạo đức của Bác mà sẵn lòng hợp tác, sẵn lòng làm Phó Chủ tịch nước và kêu Bác Hồ là cha già dân tộc. Vậy Bác Hồ thu phục được cụ Huỳnh không phải bằng tư cách người cộng sản và học thuyết mác xít, mà bằng cái tinh thần “vì nước vì dân”, cái đạo đức đạo lý của người hiền ở phương Đông.

Bác còn chủ trương mời những nhân vật ở các Đảng “đối địch” (đối địch chứ không phải đối lập) tham gia chính quyền như Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam, … Bác lại còn dành 70 ghế đại biểu quốc hội không phải bầu cho các đảng này tham gia quốc hội.

Tất cả những việc làm ấy của Bác Hồ mà sau này lớn lên và già đi, tôi càng ngẫm nghĩ càng thấy không thể dùng chữ nào khác chữ tuyệt vời để ca ngợi. Những việc làm như thế không thể chỉ coi là những thủ đoạn nhất thời, vì nó cao cả trong sáng một cách rõ ràng, nó ngời ngời chính nghĩa và đạo lý, có sức thuyết phục không thể lực lượng nào cưỡng lại được. Rõ ràng Bác Hồ có đôi mắt vì dân vì nước được chi phối bởi một tấm lòng vì nước vì dân. Vì vậy mà Bác thấy được những tia sáng lương tâm dân tộc tiềm ẩn trong các vị quan lại. Bác nhìn thấy rõ tâm hồn rộng rãi và lòng yêu nước đầy đủ của các vị trí thức. Bác tin tưởng tuyệt đối vào chính nghĩa của cách mạng, của sự nghiệp giải phóng dân tộc và Bác cũng tư tin vào lòng chân thành thẳng thắn của mình. Bác biết tất cả những yêu tố đó giúp Bác, giúp cách mạng thu hút được nhiều người làm tăng thêm sức mạnh của cách mạng.

Ta có thể đối chiếu những việc làm của Bác những năm 1945, 1946 với tình hình hiện nay, với tâm trạng của các trí thức đang trong bộ máy chính quyền và nhất là tâm trạng của các người Việt sống ở nước ngoài trong đó có bao nhiêu trí thức và nghệ sĩ đã có những công trình và tác phẩm có giá trị thế giới. Đối chiếu và so sánh để mà buồn bực, đau khổ và khó hiểu ?

c) Việc thứ ba tôi tâm đắc và là một việc phi thường của Bác Hồ. Đó là việc Bác chủ trương tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản. Thực ra là Bác chủ trương lui Đảng vào sau hậu trường, sau khi đã có một thắng lợi lớn và tiếng tăm của Đảng đang được toàn quốc và toàn thế giới biết đến. Sau này 1950 khi Đảng cần xuất hiện công khai để lãnh đạo kháng chiến, thì Đảng lại đổi tên là Đảng Lao động Việt Nam. Bác vẫn xác định Đảng Lao động là Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam, nhưng chính vì thế mà Đảng Lao động phải là Đảng của toàn dân tộc. Như vậy, rõ ràng là khi sự xuất hiện của Đảng có phần nào chút ít trở ngại cho sự kêu gọi hô hào toàn dân, nhất là nhân dân trong vùng địch chiếm và nhân dân Việt Nam sống ở nước ngoài, thì Bác không ngần ngại rút Đảng vào sau hậu trường, để xóa đi hay giảm bớt sự e ngại của nhiều người đối với Đảng và chủ nghĩa cộng sản để có thể đoàn kết rộng rãi, tăng sức mạnh của cuộc kháng chiến cứu nước. Bác lại biết rất rõ trong dân tộc không ít người nghi ngại và không thích chủ nghĩa cộng sản. Thế mà để đoàn kết rộng rãi cả những người ấy Bác không ngại gì đổi tên Đảng là Đảng Lao động Việt Nam và nêu lên một vế là Đảng của toàn dân tộc Việt Nam. Năm 1946, Bác trả lời các nhà báo nước ngoài, sau đó bài trả lời được đăng trên báo Cứu quốc ngày 21 tháng 1. Trong bài trả lời có câu như thế này : “Trong một nước dân chủ, mọi người đều có tự do tư tưởng, tự do tổ chức nhưng vì hoàn cảnh và trách nhiệm tôi phải đứng ra ngoài mọi đảng phái, nay tôi chỉ có một tin tưởng vào dân tộc độc lập. Nếu cần có đảng phái thì sẽ là Đảng dân tộc Việt Nam. Đảng đó sẽ chỉ có một mục đích làm cho dân tộc ta hoàn toàn độc lập, đảng viên của Đảng đó sẽ là tất cả quốc dân Việt Nam, trừ những kẻ phản quốc và những kẻ tham ô ra ngoài”.

Như thế Bác coi bọn tham nhũng ngang hàng với bọn phản quốc và Đảng không thể có hai loại người này và Đảng nên là Đảng dân tộc. Bác đã từng bị nhận xét là nặng về dân tộc mà nhẹ về lập trường giai cấp và bị đối xử một cách bất công. Thế nhưng trước tình hình nghiêm trọng của cuộc kháng chiến Bác đã kiên quyết chủ trương những việc táo bạo và phi thường, chỉ một mực vì lợi ích của độc lập dân tộc, vì lợi ích của nước của dân. Trong dịp kỷ niệm 19/5 năm nay cả cố vấn Phạm Văn Đồng và Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, trong phát biểu của mình đều có một ý giống nhau là những bệnh hoạn và tiêu cực trong Đảng và trong xã hội hiện nay đã nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng đến sự sống còn của Đảng, của chế độ, nó không còn là những khuyết điểm nhất thời và bộ phận nữa. Cố vấn Phạm Văn Đồng còn nói đến một nguy cơ, đó là “nguy cơ diễn biến trong Đảng”. Có lẽ nguy cơ đó đang diễn ra thật. Đây cũng là một điều tâm đắc rất lớn của tôi về Hồ Chí Minh, về Bác Hồ.

Tôi cho rằng ngày nay, nếu ta nói đi theo con đường Hồ Chí Minh, làm theo gương của Hồ Chí Minh, thì phải theo con đường vì dân vì nước của Bác Hồ như đã nói trên, chứ nhất thiết không nên sai lạc và nhất là ngược lại. Như thế sẽ thỏa vong linh Bác hơn mọi vòng hoa và mọi lễ kỷ niệm tưng bừng rầm rộ.

Một điều tâm đắc lớn thứ hai của tôi là tâm đắc về sự tự nhiên giản dị trong lối sống, phong cách và tác phong của Bác Hồ. Tôi tâm đắc cái tôi gọi là tự nhiên và giản dị (chứ không phải khiêm tốn giản dị) vì tôi thấy với tư cách và cương vị của Bác, Bác không thể khiêm tốn được và cũng không cần thiết phải khiêm tốn. Bác sống một cách tự nhiên và cái tự nhiên ấy nó đã biểu hiện sự khiêm tốn một cách tự nhiên. Không bao giờ Bác cần làm ra bộ, cần “tỏ vẻ” cả. Bác cứ tự nhiên, khi trang nghiêm trịnh trọng cũng như khi đời thường, thân tình, hòa trộn trong mọi người. Tôi rất thích và tâm đắc câu nói của Bác khi Bác nói chuyện với các nhà báo quốc tế năm 1946 (báo Cứu quốc 21/1/1946).

“Riêng phần tôi, vì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng rau, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”. Thực ra suốt đời Bác, kể từ khi ở Việt Bắc đến lúc ở Hà Nội. Bác luôn chỉ có một ngôi nhà nhỏ bên cạnh cây xanh, nước biếc. Nhiều lần tôi được tiếp xúc với Bác, nhiều lần tôi được dự những cuộc họp lớn và họp long trọng, lúc nào tôi cũng thấy có một Bác Hồ, bộ quần áo giản dị bằng kaki hay bằng lụa nâu, một đôi dép đế cao su đen, một cái gậy, khăn mặt vắt vai. Không lúc nào Bác tỏ vẻ lãnh tụ, không lúc nào Bác phải làm ra vẻ Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng. Tôi còn nhớ một lần sau chiến dịch Hoàng Hoa Thám, quân ta có nhiều khuyết điểm, Bác đến dự hội nghị tổng kết, mọi người chúng tôi lo lắng hồi hộp chờ đợi : chờ đợi sự xuất hiện của Bác một cách nghiêm trọng và căng thẳng, Bác sẽ nhận xét những khuyết điểm rất nghiêm khắc. Nhưng Bác vẫn đến hội nghị một cách tự nhiên và giản dị như mọi khi và Bác lại mở đầu buổi nói của Bác bằng một câu rất bình dân, giản dị như sau :

“Lần này, Bác đến tổng kết là để “đì” cho các chú một trận”.

Té ra Bác cũng đã biết chữ “đì” nghĩa là trách mắng, được dùng rất phổ biến trong cán bộ và nhân dân, nhưng nó lại bao hàm cả ý nghĩa nặng nề và thân ái. Thế là tâm trạng căng thẳng hồi hộp tan biến. Chúng tôi vui vẻ, nhẹ nhàng chờ đợi những lời trách mắng. Suốt đời, tôi nhớ cái không khí này. Tôi tâm đắc cách sống tự nhiên của Bác Hồ ở hai phương diện :

Một mặt tôi thấy rõ Bác Hồ chịu ảnh hưởng khá sâu của tư tưởng Lão Tử. Đó là tư tưởng sống tự nhiên cùng với muôn loài của tự nhiên, sống như tự nhiên của tạo hóa đã sinh ra và làm ra như vậy, không cố gắng làm khác đi và cứ thuận theo tạo hóa. Những ý tưởng không màng danh lợi, chỉ muốn sống với non xanh nước biếc và ngôi nhà nhỏ của Bác Hồ nó thanh cao và êm đẹp bao nhiêu ! Chính tôi từ ngày còn nhỏ, tôi cũng vẫn có những mơ tưởng như vậy. Nhưng rồi khi đi vào cuộc sống, cuộc sống cách mạng đưa đẩy, hơn nữa, bản thân tôi cũng không có năng lực và nghị lực để tạo được cho mình cuộc sống mơ tưởng đó. Nhưng về tình cảm tôi vẫn ngưỡng mộ một lối sống tự nhiên như tự nhiên và gần tự nhiên như vậy. Vì vậy tôi rất tâm đắc câu nói và ý tưởng ấy của Bác Hồ.

Một mặt khác, cách sống tự nhiên của Bác Hồ là kết quả của một trình độ, một bản lĩnh sống : Bác có đầy đủ vốn liếng, trí tuệ và tinh thần, bất cứ tình huống cuộc sống nào diễn ra cũng ở dưới tầm của Bác. Bác cứ tự nhiên mà ứng xử, không cần lên gân lên cốt, không cần phải nỗ lực cố gắng gì nhiều, không cần phải đấu tranh gay gắt và tìm cách làm ra vẻ này vẻ nọ. Bác làm Chủ tịch vì “hoàn cảnh và trách nhiệm”. Bác sống với cái tư cách Chủ tịch đó bằng cái bản lĩnh tự nhiên của một người bình thường, không bao giờ thấy là làm Chủ tịch thì phải thế này hoặc thế khác. Tôi rất thú vị về việc khi Bác Hồ đi đường xa mệt mỏi, đến một nơi mà sự đón tiếp rất linh đình. Bác chỉ vào khẩu hiệu “Hồ Chí Minh muôn năm” mà nói trại đi là “Hồ Chí Minh muốn nằm”. Tôi có cảm giác tất cả những sự tung hô, ca ngợi đều quá hơn cái mong muốn của Bác Hồ một ít. Sự phúng viếng linh đình, Bác đã ghi trong di chúc là “không nên”. Ngày khánh thành lăng Bác, tôi được tham dự cuộc tham quan lăng, tôi đi bên một đồng chí ủy viên Bộ Chính trị đầy uy thế lúc đó. Đồng chí ủy viên Bộ Chính trị khoác tay tôi trong cuộc tham quan, khi đi qua toàn bộ thiết bị kỹ thuật của lăng, anh rỉ tai tôi, nói khẽ và thân mật : “Ghê quá mày nhỉ! Thế này mà Bác biết thì chết với Bác”. Thế là ta đã thấy phúng viếng linh đình là trái lời Bác rồi.

Bác rất tự nhiên trong việc ăn, ở, mặc và giải trí, lao động, làm việc, tiếp xúc, giao thiệp. Chính cái phong thái tự nhiên của Bác có một sức hấp dẫn và cảm hóa lớn vô cùng. Ngày nay trong mọi hành động và ứng xử ngôn ngữ cứ “không xứng kỳ đức” không có được nội dung thực sự xứng đáng, nó cứ phải biểu thị một cái gì lớn hơn sống thực, mà ngày nay không có, nên rất nhiều vẻ giả tạo, đóng trò và vì vậy nó rất hình thức chủ nghĩa một cách quá lố bịch, trơ tráo, không thuyết phục được ai. Ta có quá nhiều kỷ niệm, khánh thành, đại hội, mừng công, mít tinh, diễu hành tốn kém và cũng kém xúc động. Thành ra, ta càng hô hào “làm theo lời Bác” thì càng làm trái lời Bác càng nhiều.

Tôi càng tâm đắc mấy điều về Bác Hồ càng lo ngại cho sự phát triển xã hội của đất nước, vì có nhiều nét của cuộc sống hiện nay ngày càng xa lời Bác và điều Bác mong muốn. Những điều tôi vừa nói rút lại là một điều tâm đắc này: Bác Hồ sống, làm việc và ứng xử luôn luôn thật, thật lòng, thật dạ. Cái vốn trí tuệ, tinh thần và nghị lực của Bác rất lớn, nó là cơ sở vững chắc cho thái độ sống của Bác. Bác cứ sống thật như những gì Bác có, Bác không cần vay mượn của ai và ở đâu. Một lần ở Việt Bắc có lẽ vào khoảng 1947 gì đó, có một cuộc hội nghị lớn, tôi không nhớ và hiểu là vì sao, sau hội nghị đó tôi lại được có mặt ở trong ngôi nhà sàn (của dân) có Bác Hồ và mấy chị ở Hội liên hiệp Phụ nữ. Trong buổi trò chuyện thân mật, các chị phụ nữ phàn nàn về cuộc sống độc thân của Bác và yêu cầu Bác “xây dựng gia đình” tức là lấy vợ. Bác cười và bảo: “Ừ, thế các cô giúp Bác đi”. Các chị phấn khởi nói : “Vâng, thế Bác cho tiêu chuẩn để chúng cháu tìm ạ !”. Bác cười: “Tiêu chuẩn à ? Đơn giản thôi: đẹp và tốt”. Thật là tự nhiên mà cũng thật là chính xác. Bác không từ chối, không thuyết giảng đạo đức và đưa ra yêu cầu cũng rất phổ thông như mọi người “đẹp và tốt”.

Bác sống thật, thật với cả đồng chí, đồng bào và nhiều khi thật với cả kẻ thù. Những năm 1945 – 1946, rất nhiều lần Bác đặt câu hỏi với Chính phủ và các nhân vật của nước Pháp : “Nước Pháp có cần độc lập và tự do không? Nước Pháp chẳng phải đã đấu tranh gay gắt và gian khổ để giành và giữ độc lập đấy ư ? Nước Pháp như thế thì phải hiểu là nhân dân Việt Nam cần độc lập như thế nào, phải đấu tranh để giành độc lập và giữ độc lập ra sao? Nhân dân Việt Nam muốn hòa bình, hòa bình lợi cho cả Việt Nam và cho cả nhân dân Pháp”. Sau 50 năm, quả nhiên hiện nay Pháp phải chung sống hòa bình và hữu nghị với Việt Nam. Chỉ đáng tiếc là đã xảy ra cuộc chiến tranh hàng chục năm mà cả hai bên đều bị nhiều mất mát và tổn thất. Những điều đó Bác đã nhiều lần nói thẳng với các chính khách Pháp và các nhà báo Pháp. Tôi thấy sống thật thì tốt đẹp nhiều. Nhưng muốn sống thật thì phải có chính nghĩa thật sáng và có trình độ thật vững. Nếu chỉ tìm cách nói thế này để tìm cái khác, làm thế này nhưng lại nhằm mục đích khác là những cái thông thường của thủ đoạn chính trị thì không bao giờ có kết quả tốt đẹp. Thế nhưng có nhiều người lại cứ làm như vậy và cứ ngụy biện nhân danh này, nọ, nhân danh tổ quốc, nhân danh nhân dân, nhân danh Đảng thì không thể có cái sống thật như Bác Hồ và chỉ có ngày càng xa và càng ngược với Bác Hồ.

Ta dễ nhận thấy Bác Hồ sống thật được là bởi Bác nắm trong tay chính nghĩa và lẽ phải. Thông thường người không có lẽ phải hoặc sợ lẽ phải thì không thể sống thật được và cũng sợ sự thật, phải sống giả dối. Các chính khách thường là như thế.

Nghiên cứu về Hồ Chí Minh, có người cho rằng Hồ Chí Minh chỉ sử dụng

chủ nghĩa Mác như là một công cụ để thực hiện mục đích độc lập dân tộc của mình. Có người lại cho rằng Hồ Chí Minh nêu cao cuộc đấu tranh độc lập dân tộc chỉ là để thực hiện chủ nghĩa Mác. Cũng có người không tán thành cả hai cách nhận xét đó. Tôi thì tôi thấy hình như không phải, theo sự hiểu biết của tôi, tôi thấy Bác Hồ luôn sống thật. Bác yêu nước là yêu thật, chứ không phải yêu nước để làm cái khác. Bác tin chủ nghĩa Mác – Lê Nin cũng tin thật, cũng như có lúc Bác tin cả vào Stalin và Mao Trạch Đông. Nhưng Bác Hồ thấm nhuần và tin tưởng vào các tư tưởng dân chủ phương Tây, cũng là tin tưởng thật. Bác Hồ cũng đã tin vào những gì là tốt đẹp của Thích Ca Mâu Ni, của Jesus Chirist, Bác cũng đã từng thấm nhuần những nguyên lý của Khổng Tử và Lão Tử từ ngày còn nhỏ ở trong gia đình và đi học. Rồi Bác cũng lại trân trọng và tin vào mấy nguyên tắc của Tôn Dật Tiên mà Bác cho là nó tương đối phù hợp với thực tiễn của đất nước ta.

Trong sách Đường Cách mệnh, Bác Hồ đã nêu :

“Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lê Nin”. Như vậy là Bác đã biết (và chắc chắn đã học, đã đọc) nhiều học thuyết, nhiều chủ nghĩa. Bác xác nhận là chủ nghĩa Lê Nin là chủ nghĩa chân chính, chắc chắn, cách mạng nhất. Như vậy lúc ấy Bác viết sách Đường Cách mệnh là để tuyên truyền vận động mọi người làm cách mạng nên Bác nói chủ nghĩa Lê Nin là cách mạng nhất là rất đúng, nhưng như thế không có nghĩa là ta cần gạt bỏ tất cả mọi thứ học thuyết là chủ nghĩa mà Bác Hồ đã gặp.

Bác đã biết nhiều học thuyết và chủ nghĩa cho nên trong cuộc đời Bác, Bác không quan tâm lập thuyết nữa. Bác không quan tâm viết sách lý luận, mà Bác chỉ viết những gì thiết thực cần thiết cho công tác. Vì thế những sách và bài viết của Bác theo tôi đáng tâm đắc nhất vẫn là cuốn “Sửa đổi lối làm việc” và di chúc. Có thể nói khi viết “Sửa đổi lối làm việc”, Bác đã dự đoán nhiều bệnh của Đảng và của xã hội mà bây giờ các bệnh ấy đang hoành hành, đặc biệt là bệnh quan liêu, bệnh hẹp hòi và bệnh ba hoa hình thức. Bệnh hẹp hòi ngày nay đã phát triển thành bệnh độc tôn chuyên chế. Bệnh quan liêu hiện nay đã trở thành bệnh cửa quyền, quyền lực và tham nhũng. Còn bệnh ba hoa hình thức chủ nghĩa thì hiện nay đã phổ biến và phát triển quá xá.

Trong di chúc, Bác khái quát mục tiêu chiến lược cho đất nước là “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh”. Đó là một mục tiêu hết sức chính xác rõ ràng và thiết thực. Nhưng gần đây hầu như lại ít người nhắc tới, nhất là mục tiêu dân chủ ít được nói tới và cũng ít được làm tới. Nói đến Bác Hồ, không thể tách rời những suy ngẫm về tình hình xã hội hiện nay và đó cũng là điều day dứt khôn nguôi.

Khi Bác mất, trong điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Lê Duẩn đọc, có một câu mà tôi cho là hay, cực kỳ hay. Câu đó là “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chí Minh, người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”. Câu nói đó nói lên một triết lý : Bác Hồ là người Việt Nam do dân tộc, nhân dân và non sông đất nước Việt Nam sinh ra. Bác có cái vốn văn hóa Việt Nam rất sâu, rất dày. Bác thu hút nhiều tinh hoa thế giới đem về Việt Nam và làm cho Việt Nam rạng rỡ lên. Bác là một nền văn hóa, nền văn hóa mới thật là đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Nay, ở bất cứ đâu, trên mặt sách báo, ở sân đình, sân chùa, ở các cuộc lễ hội, ở các sân khấu, các diễn đàn, ở các bữa nhậu vỉa hè và các bữa tiệc sang trọng, ta có thể thấy có một sự lạm phát cụm từ đậm đà bản sắc. Còn ở trong công việc cai trị, quản lý đất nước, trong những sự sống thiết thực của các thân phận và số phận người dân mọi tầng lớp thì người ta đang làm những việc chống lại tổ tiên, chống lại nhân dân một cách rất ngang nhiên. Người ta nói nhiều về làm theo Bác Hồ, đi theo đường Bác Hồ nhưng thực chất là người ta đi theo con đường và làm theo những giáo điều xa lạ mà người ta cứ gán cho là con đường Bác Hồ, lời nói Bác Hồ. Trong thực tiễn ta có thể thấy rõ là những cái Bác Hồ, liên quan đến Bác Hồ, liên quan đến một nền văn hóa mà Bác Hồ đã tạo ra và vun đắp lên thì đang bị quên dần, đang bị quên lãng hoặc làm lệch đi.

Tôi viết bài bút ký này để tặng tất cả những người thương yêu thực sự Bác Hồ và có lòng muốn thật sự học tập và làm theo những điều thuộc về tinh thần của Bác Hồ, tinh thần Hồ Chí Minh.



                                                     Viết từ tháng 5 đến tháng 9 năm 1999

                                                                           Trần Độ



1 nhận xét:

Viết nhận xét, nếu chưa đăng kí, bạn có thể ghi tên mình (hoặc nickname) và xuống mục "Chọn 1 nhận dạng" nháy vào "Ẩn danh" rồi xuất bản nhận xét.