Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

Tôi yêu những ca khúc cách mạng

Nguyễn Thu Thủy,
học viên rèn luyện ở Lục quân 2006
học viên khóa 42 Học viện KTQS
Trước khi vào quân đội, tôi rất ít khi thưởng thức những ca khúc cách mạng. Từ nhỏ đến lớn, chưa bao giờ tôi nghĩ, lớn lên sẽ theo đường binh nghiệp.
Từ Lục quân về, Thủy (phải) trở thành lính Học viện KTQS.

Đại gia đình tôi có một cậu cháu trai, hơn tôi 4 tuổi. Năm tôi học lớp 10, cháu đỗ vào Học viện An ninh. Lần đầu thấy cháu mặc sắc phục công an khiến tôi vô cùng ngạc nhiên và ao ước mình cũng như thế. Cháu là người đầu tiên trong đại gia đình vào LLVT.


Rồi mặc cho sự ngăn cản của cả họ, cháu gái tôi cũng thi vào Học viện Cảnh sát. Cháu trắng trẻo, xinh xắn và có cá tính mạnh mẽ (học võ thuật từ nhỏ), học văn hóa giỏi (đặc biệt là khối A). Gia đình khuyên thi Ngoại thương, nhưng cháu quyết thi vào Đại học Cảnh sát. Ra trường, cháu là cảnh sát đặc nhiệm (SBC - săn bắt cướp!).

Năm tôi học lớp 11, tôi liên hệ làm hồ sơ An ninh. Đến năm lớp 12, tỉnh thông báo là không lấy nữ. Qua Huyện đội, thấy có thông báo tuyển sinh của 3 học viện: Quân Y, Khoa học Quân sự và Kĩ thuật Quân sự. Thấy Học viện Kỹ thuật Quân sự tuyển khối A nên tôi quyết định thi trường này. Năm ấy mọi người cũng khuyên can, song tôi đã quyết. Sau khi đỗ, cả đại gia đình xôn xao “nhà mình vừa có  cháu gái cảnh sát, giờ lại có thêm cháu gái quân sự”.

Sự thực khi thi vào Học viện Kỹ thuật quân sự, tôi chả hiểu gì. Chỉ nghĩ, đây là trường đại học kĩ thuật có danh tiếng. Khi cầm trên tay giấy gọi nhập ngũ, tôi ngơ ngác không  biết để làm gì? Đến khi lên học ở Lục quân rồi mà tôi vẫn tự hỏi, hình như là mình đang mơ?

Nhớ cái cảm giác, khi mắc võng ở thao trường nghỉ trưa, ngồi lắc lư cái võng cũng thấy thinh thích. Khi được phát cái bình tông để đựng nước uống, tôi mang ra tu một ngụm rồi hỏi một câu cực tiếu lâm: "Trông tớ cứ như là bộ đội ấy nhỉ?".

Trong thư bà chị họ động viên, có đoạn "Mẹ em kể, lúc thấy em phải thay quần áo dân sự lên Sơn Tây, mẹ đã khóc. Mẹ bảo, em lên trên đấy phải rèn luyện nhiều, đi nắng nhiều sẽ đen đi. Mẹ chỉ sợ em không quen với cuộc sống mới, lại ốm thì chết... Các thày trong quân đội khắt khe, kỉ luật thép, không biết là em sống thế nào?...". Em trai mẹ tôi là sĩ quan cũng kể về cuộc sống vất vả ở Lục quân làm mẹ càng sót.

Sau đó ít ngày mẹ và anh trai lên thăm. Ở Lục quân, chủ nhật không  được nghỉ. Mẹ ra thăm tôi ở vườn su su, thấy con gái đầu đội mũ cứng, chân đi dép quai hậu, quần sắn đến đầu gối, tay cầm cuốc rẫy cỏ. Nắm hai bàn tay tôi mẹ thấy đã lên chai, da thì đen rám. Nghe mẹ hỏi “Thế kem chống nắng mẹ gửi lên đầu”, tôi cười: “Có lúc nào rảnh để mà thoa, hả mẹ?”. Mẹ và anh trai ngỡ ngàng.

Lần đó, mẹ mang cho tôi nhiều quà. Cô tôi là bác sỹ nên chuẩn bị cả một bọc thuốc lớn kèm đơn thuốc dặn dò. Mẹ thì lo nào quần áo ấm, nào găng tay, tất tới vài chục đôi... Mẹ còn lo một thùng quà để mời các bạn trong trung đội, quà cho chỉ huy...

Các bạn cùng trung đội rất vui vì có mẹ và anh tôi đến thăm. Cả trung đội kéo ra bãi cỏ, trò chuyện... Các bạn tuy ai cũng đen rám như tôi nhưng rất trẻ trung, hồn nhiên, trong sáng và rất tình cảm. (Đến giờ anh tôi vẫn nhớ mấy cô bạn bên Học viện Khoa Học, Quân Y, Kĩ thuật trong lần giao lưu!).

Hôm ấy, con gái  trung đội tôi đã hát tặng mẹ và anh ca khúc “Đồng đội”. Mẹ rơm rớm nước mắt, thấy các con đã lớn và trở thành cô bộ đội thực sự. Cũng từ ngày đó tôi càng thêm yêu những ca khúc cách mạng và gắn cuộc đời mình với màu áo xanh của lính.

Chuyện đã 6 năm!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Viết nhận xét, nếu chưa đăng kí, bạn có thể ghi tên mình (hoặc nickname) và xuống mục "Chọn 1 nhận dạng" nháy vào "Ẩn danh" rồi xuất bản nhận xét.