Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

Hồi kí Bùi Ngọc Sách


Đoạn 15 - Nói về trường Lục quân

Xin dành một đoạn nói về trường tôi ở Trung Quốc lúc đó – Trường sĩ quan Lục Quân Việt Nam (khoá 6 đã đổi tên như vậy, thay cho tên Trường Sĩ Quan Lục Quân Trần Quốc Tuấn của khoá 5. Lúc đó đổi tên vì lý do hữu nghị. Trần Quốc Tuấn ngày xưa hạ bệ uy tín của Trung Quốc thời Nguyên Mông, nay trường được Trung Quốc giúp học ngay tại xứ sở họ, cái tên vị danh tướng Việt Nam để vậy sợ xái!). Sau này chúng tôi luyến tiếc sao không phục hồi cho trường cái tên vẻ vang ấy như trường Saint Cyr của Pháp!
Khu nhà trường ở rất rộng, ở theo từng cụm, các cụm cách xa nhau. Khu Hiệu bộ ở giữa tôi vừa nói, khu này kéo dài có một sân lớn vốn là ruộng trồng loại đậu răng ngựa, nay thành bãi tập hợp toàn Trường (Trung đoàn học viên). Bên cạnh bãi này là khu vực dành cho đại đội súng máy nặng. Vào trong leo qua một ngọn đồi tới khu Đào viên ở trên cao, nơi ở của tiểu đoàn học viên bộ binh giữa vườn đào, tiểu đoàn 2.


Phía trong khu hiệu bộ, qua đại đội súng máy đi sâu nữa là vào một căn hầm ngầm đào giữa núi chứa máy móc của công binh quân đội Tưởng cũ. Vào nữa con đường lớn hun hút giữa hai dãy núi cao là thao trường cho học viên luyện tập xạ kích, cũng là những kho tàng công binh Tưởng cũ rải rác sâu vào các vách núi. Trở ra, ngược ra phía ga Phụng Minh Thôn rẽ trái là khu Minh Hồ. Nơi đây dành cho học viên lớp Trung cao cấp. Cán bộ Trung Sơ cấp trước đây học riêng, từ đây tất cả sáp nhập vào trường Lục Quân Việt Nam học chương trình riêng cho cán bộ cấp đại đội tiểu và trung đoàn. Họ là cán bộ cấp đại đội được cử đi học. Đến lúc này tôi mới biết họ cũng cùng hành quân, cũng vác vũ khí. Và các binh chủng pháo binh công binh ở cách hiệu bộ 6, 7km. Khu này vui vì ở bên một phố nhỏ phố Minh Hồ, bên một cái hồ lớn gọi là Dương Đông Hải. Ở đây có một suối nước nóng tự nhiên; sau này chúng tôi thỉnh thoảng được xe ô tô của Trường cho ra tắm và giải trí.

Toàn bộ khu Trường nằm trong một thung lũng hẹp, hai bên là núi có ngọn khá cao ngay sau hiệu bộ. Dưới thung lũng là đường ô tô chỉ dành cho xe công binh xưởng cũ của Tưởng vì là đường tắc chỉ đi vào các xưởng. Đường chạy dài theo thung lũng hai bên trồng tùng, bách. Công việc hậu cần, cấp dưỡng hoàn toàn do các bạn giải phóng quân Trung Quốc phục vụ.
Cứ thứ bảy học viên ăn bánh bao thay cơm. Các bạn Trung Quốc nấu cơm bằng chảo đặt trên lò than (lò hầm). Họ rắc gạo từ từ trong nước sôi cho đến khi hết gạo, nước cạn mà không ghế cơm như ta. Rồi đậy vung chảo lại rút lửa ra. Nấu chảo to như thế cơm chín đều hơn.

Rau tươi phần lớn là rau cải bắp. Rau khô chủ lực là củ cải ca-la-thầu bào phơi khô, đậu tương mì-xì hạt, lúc đó Trung Quốc còn nghèo.
Họ dành ưu đãi cho nhà trường nhưng cũng bị hạn chế. Về thuốc lá mỗi đầu học viên được cấp 7 lá thuốc mỗi tháng, lá còn nguyên đã khô đã hồ rồi. Chúng tôi cuộn theo kiểu xì gà mà hút. Vì nó còn khá hơn thuốc bao “Phây chi” (máy bay) mua ngoài hồi đó. Sau dần dần được phát thuốc lá bao “phây chi” (Phi cơ) hay Ladie. Khi đã lên cán bộ phụ trách thì thỉnh thoảng được loại khá hơn như Trung Hoa bài, Ba số 5 (555). Cấp tướng thì hút loại Trùng Cửu (99) bao đỏ. Tướng Trần không hút thuốc, trái hẳn với tướng Lê Thiết Hùng (hiệu trưởng) nghiện thuốclá.

Thiếu tướng Lê Thiết Hùng và thiếu tướng Trần Tử Bình là hiệu trưởng và chính ủy của trường được Trung Quốc rất nể phục. Tướng Lê tốt nghiệp sĩ quan trường Hoàng Phố đã làm tướng thời Tưởng rồi làm tướng Cách mạng Việt Nam. Tướng Trần đạo đức đáng nể, lại là đại biểu quân đội dự Đại hội Đảng 2 (1951) về (đoạn này BBT sửa lại câu của tác giả "ủy viên Trung ương Đảng Việt Nam"). Các vị là khách cao của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lúc đó. Cho nên các cố vấn cấp sư đoàn của Trung Quốc giúp trường lúc đó cũng phải phục các đồng chí Lê, Trần. Chúng tôi vì vậy cũng được tự tin, tự hào.
Lúc này các bạn khoá 6 vẫn đang vác vũ khí về Việt Nam, chưa tới trường. Trường lập một khoa huấn luyện sư phạm, chuẩn bị cán bộ khung cho khoá 6 khi vào học. Đại đội Sư phạm đặc chủng ra đời ngay bên hiệu bộ. Đại đội có 4 trung đội, trung đội pháo binh học pháo 75 sơn pháo, trung đội súng cối học cối 81, trung đội công binh và trung đội súng máy học đại liên trung liên (nhưng cũng cứ gọi là súng máy nặng). Lúc đó mới học các thứ vũ khí ấy, chứ chưa học vũ khí nặng hơn. Trình độ cố vấn bạn cũng ở mức đó.

Trường sang Trung Quốc không có Khoa Thông tin liên lạc, vì vậy Khoa Thông tin liên lạc chúng tôi học từ Việt Nam sang bị giải tán. (Về điểm này, cuốn Lịch sử  Trường lục quân TrầnQuốc Tuấn NXB QĐND năm 1992 đã viết sai. Xin được nói rõ: khóa 6 không có Khoa Thông tin liên lạc).
Trước khi giải tán khoa làm lễ lên Đảng viên chính thức cho tôi ngày 18/11/1950. Cũng lúc này tin quân ta giải phóng biên giới bay sang, chúng tôi biết anh em khoá 6 sắp về trường. Tôi về đại đội sư phạm đặc chủng ở trung đội súng máy nặng do anh Phiên Ngung làm trưởng, anh Phú còi làm phó, ở tiểu đội Lê Hữu Tung (học viên cùng khoá).

Anh Phiên Ngung cũng là một cán bộ chiến đấu có kinh nghiệm. Anh là tiểu đoàn trưởng xung kích trận Phố Lu*. Trận đánh đã đi vào Lịch sử quân sự Quân đội Nhân Dân Việt Nam. Trong trận ấy anh bị thương nặng mà vết thương oái oăm nhất chạm vào óc khiến anh bị di chứng và tái phát bệnh tâm thần khi đang làm trung đội trưởng của tôi vào lúc rét xuống gần độ 0.
Chính từ trận ốm tâm thần ấy đã nảy nở quan hệ tình cảm giữa tôi và anh. Một quan hệ rất đẹp nhưng về sau anh đã để rạn nứt nó vì những sai lầm sau khi ổn bệnh, ra lại đơn vị chiến đấu. (Về chuyện này tôi đã viết một bài riêng).

Những anh cán bộ giỏi về khoa học kỹ thuật quân sự, và có kinh nghiệm như anh Hiểu (anh hùng Tây Côn Lĩnh), anh Ngung (Phố Lu) được đưa về làm cán bộ từ đại đội trở lên - vừa để truyền đạt kiến thức, vừa để truyền đạt kinh nghiệm cho lớp sau là chủ trương của Bộ Tổng Tư lệnh lúc đó, nhất là lúc chúng ta dựa vào sức mình là chính, chưa giao tiếp được với các quân đội tiên tiến của bạn. Những cán bộ như thế quả có uy tín trong học viên chúng tôi lúc ấy.
Chúng tôi học khoa sư phạm súng máy ước chỉ trên một tháng (vào tháng 11,12 năm 1950). Thời gian quá ngắn ngủi không cho phép kéo dài, chỉ tranh thủ lúc học viên khoá 6 bận vác vũ khí về nước, anh em trở lại là bắt tay vào huấn luyện ngay.
Thời tiết thì khô và rất lạnh. Ngọn núi Phụng Minh tuyết đóng y như ngọn Phú Sĩ ở Nhật, dưới ánh mặt trời tuyết lóng lánh, thật là đẹp. Mỗi lúc tuyết tan, nước khe róc rách chảy sau doanh trại. Ngày nào gió rét, nước ở vòi đóng băng dài ngoài vòi như thạch nhũ, những chiếc khăn mặt ướt phơi qua đêm, sáng hôm sau dẻo quẹo như bánh đa nhúng ẩm.

 Chúng tôi thở phì phì ra khói như hút thuốc. Vậy mà chúng tôi “nuốt” hết các khoa mục từ thao tác vũ khí, xạ kích đến chiến thuật súng máy. Mà việc học còn phải qua trung gian phiên dịch chưa quen các từ chuyên môn nên lắm lúc trục trặc. May nhờ có kiến thức không tồi lắm,chúng tôi luận ra học một mà biết tới 2! (Đó là sự thật không dám nói liều).
Nhờ có đôi mắt tinh tôi ngắm rất giỏi, được chụp ảnh lưu niệm trong bộ quần áo bông mũ bông bịt tai xù xụ (sau nhà trường thu lại ảnh trước khi về nước). Về xạ kích ngày và đêm chúng tôi tập bắn điểm xạ, bắn cố định và bắn lia từ trung liên đến đại liên rất tốt. Khoa mục thao tác (lúc đó chưa gọi đội ngũ) khẩu đội súng máy nặng với khẩu Mắc– xim. Đi đều, chạy, đứng lại, vv… của tập thể khẩu đội có mang theo súng khá phức tạp, nhất là lối bật gót chân đứng lại khi đang chạy (như kiểu Ấn Độ).

Khẩu trung liên Brno dễ, nhưng khẩu Mắc–xim Trung Quốc (Tưởng sản xuất theo mẫu của Đức) thật phức tạp, các bạn Trung Quốc gọi nó là Bộ mã thương. Nó có tới 320 bộ phận nhưng chúng tôi mổ xẻ bằng hết đến mức thuần thục, nhắm mắt mà tháo lắp và sửa chữa thông thường. Khẩu này toả nhiệt bằng nước nên có một cái ống chứa nước bao ngoài nòng súng và khi thao tác “anh” số 2. (Một khẩu đại liên Mac-xim có 4 chiến sĩ phụ trách - 4số) phải đổ vào ống này qua một cái lỗ có phễu một can nước mang theo. Tuy vậy nó rất lợi hại, bắn lâu mới phải thay nước so với lối trả nhiệt bằng đĩa tỏa nhiệt ngoài không khí. Một dây đạn bằng vải của nó gài vô vàn là đạn. Trong các phim chiến tranh Xô – Đức chúng ta thấy loại súng này.
Đó là chưa kể nguyên tắc vận hành của nó với 320 bộ phận ấy từng thời điểm chúng tôi đều trôi chảy. Đây là một điều mà các giáo sư cố vấn lạ và khâm phục chúng tôi. Họ thốt ra như vậy khi sơ kết (học xong môn nào sơ kết luôn môn đó). Lý do rất đơn giản vì chúng tôi đều có văn hoá nên tiếp thu dễ. Còn bộ đội Giải phóng Trung Quốc lúc đó yếu về văn hoá nên khi giáo sư Triệu dạy họ tiếp thu khó hơn.

 Môn chiến thuật không có gì phức tạp, nó đòi hỏi việc chịu đựng để mangvác vũ khí nặng vận động trên các ngọn đồi liên tiếp vùng này. Thời đó tôi còn dẻo dai cứ vác chân, có khi là nòng khẩu Mắc–x im chạy băng băng chi viện cho bộ binh.
Đại đội đặc chủng do anh Đoàn Đình Hoè đại đội trưởng, anh là cán bộ học cao từ thời Pháp. Hai cố vấn Trung Quốc là đồng chí Trần to lớn hiền lành nhưng luộm thuộm vẻ nông dân và đồng chí Triệu nhỏ con thông minh. Cả hai khi truyền đạt cứ lồng hai bàn tay vào trong tay áo cho ấm, tác phong dễ dãi và không nghiêm như cán bộ Việt Nam chúng tôi. Đại đội có một phiên dịch là anh Đĩnh.

 -------
* Trận Phố Lu (8/2/1949) là trận công kiên chiến đầu tiên của QĐND Việt Nam. Ta và địch giành đi giành lại vị trí và ta bị thương vong rất nhiều. Nay Phố Lu thuộc huyện Bảo Thắng tỉnh Lào Cai.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Viết nhận xét, nếu chưa đăng kí, bạn có thể ghi tên mình (hoặc nickname) và xuống mục "Chọn 1 nhận dạng" nháy vào "Ẩn danh" rồi xuất bản nhận xét.