Chúng tôi học đủ kiểu. Có 1 b học để làm “phan di” (tiếng Tầu “phan di” (fan yi) là phiên dịch), ngày xưa gọi là thông ngôn.
Trong đội ngũ này, nhiều bạn sau này làm các cương vị lớn.
Lại có lớp bán chính quy, như bạn Vũ Hùng K7, khoa Thông tin, học chuyên môn trực tiếp với Cố vấn Tầu. Còn học qua phiên dịch thì có cô giáo duyên dáng, nhiệt tình (mà nhà văn Vũ Hùng đã viết lại trong blog này).
Bọn tôi là lính bộ binh, chỉ tập toạng vài câu. Khi ra chợ thì hỏi người bán hàng “Chi cơ. Chỉ tố xiền?” (tức là “cái kia, bao nhiêu tiền?”). Vì chỉ biết tập toạng nên có bạn đã bị hố. Bạn này hỏi cô bán hàng ở Cang-tin “ai uẩn i uẩn” làm cô này đỏ mặt, bỏ vào phòng trong. Hóa ra đáng lẽ phải hỏi “ai uân i uân” (uân là hỏi, nhưng uẩn lại là hôn). Anh ta nói sai thành ra “ tôi hôn cô 1 cái”.
Tôi cũng đã từng bị hố về chuyện nói tiếng Tầu. Khi đội tôi về nước, phiên dịch bị ốm. Tôi đi tiền trạm, cần mượn 1 cái trống cơm để múa ương ca, giao lưu với Quân giải phóng TQ. Tôi hỏi 1 bạn TQ: “Cai ủa i cơ sẻo tang”. Bạn đem ra cho mượn 1 chiếc giường con. Vì tôi nói không chuẩn nên nhầm là “xẻo xoang”, thành ra mượn 1 cái trống lại nói nhầm mượn 1 cái giường con.
Học tiếng Tầu nhanh như đi xe máy phải nói đến con ông bà Trần Chính ủy. Mới sang, chân ướt chân ráo mà các cháu đã nói được các câu thông thường. Các chú ngạc nhiên hỏi: sao các cháu học tiếng Tầu nhanh thế? Các cháu trả lời: “Chúng cháu phải học nhanh để còn chửi nhau với chúng nó chứ”. (Chúng nó tức là bọn học sinh TQ chính cống cùng trường).
“Ủa mân sư Leeng Quang pu tui”
Đội tiền trạm chúng tôi đến ga Khai Viễn, ga đầu tiên lính ta được lên tầu, cũng là ga nằm trong 1 thị trấn sầm uất mà chúng tôi được gặp đầu tiên.
Tầu chuyển bánh được 1 lúc thì có 1 bà già đi từ hàng ghế này đến hàng ghế khác, ghé sát vào mặt từng người lính chúng tôi để tìm ai đó. Rồi bà đứng lại trước mặt 1 người và kêu lên “Thằng Hòa!”. Anh lính này vội chụp mũ kín mặt, nói “Pú tủng” (tức không hiểu). Bà mắng ngay: “Pú tủng cái mả mẹ mày! Cô mày đây mà!”. Anh ta vội biến sang toa khác.
Cảnh bao năm cô, cháu ly biệt, trong thời bom đạn không biết sống chết lúc nào, thế mà đành phải dứt tình máu mủ ruột thịt để giữ bí mật về cuộc hành quân. Đó là chuyện của anh Hòa “đen”, C trưởng của chúng tôi. Sau này về Phòng huấn luyện của trường đến hết K10. Anh học Võ bị khóa 1 ở Tông – Sơn Tây, là anh hùng đánh sân bay Cát Bi, Hải Phòng. Quân kỷ như sơn mà!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Viết nhận xét, nếu chưa đăng kí, bạn có thể ghi tên mình (hoặc nickname) và xuống mục "Chọn 1 nhận dạng" nháy vào "Ẩn danh" rồi xuất bản nhận xét.