Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015

Một sự kiện quan trọng trong sinh hoạt chính trị: NGÀY CÀNG SÁNG TỎ LÝ LUẬN “NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XHCN“ (Vũ Diệu sưu tầm và giới thiệu – tiếp theo và hết)


Báo điện tử Vietnamnet của Bộ TT&TT ngày 3 / 4 /2015 đã đăng tiếp phần cuối cuộc bàn tròn trực tuyến giữa nhà báo Việt Lâm với TS Lưu Bích Hồ nguyên Viện trưởng Viện chiến lược đầu tư của Bộ Kế hoạch đầu tư và TS Trần Đình Thiên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam , với chủ đề “ NỖI SỢ MANG TÊN ĐỊNH HƯỚNG “ .
Dưới đây là trích đoạn nguyên văn phần cuối đó .

ĐÃ LÀ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG THÌ PHẢI CÓ HIỆU QUẢ VÀ PHẢI ĐÁP ỨNG ĐƯỢC YÊU CẦU CỦA XÃ HỘI

TS Lưu Bích Hồ :
Tôi không hiểu tại sao có đồng chí vẫn lo chệch hướng ? Các vị đó không hiểu nhà nước không thể ôm lấy để lo tất cả được . Ông ( nhà nước ) phải huy động lực lượng xã hội tham gia đầu tư , cung cấp dịch vụ công . Ông vẫn phải quản trị bằng cách dùng công cụ chính sách để điều tiết , phân phối công bằng , hợp lý . Nhiều nước trên thế giới đã làm như vậy chứ chúng ta không phải là người đầu tiên . Các nước Bắc Âu , nước Đức đã làm như vậy và họ có chế độ phúc lợi xã hội rất tốt . Nếu ông cứ bao hết thì vừa không thể đủ nguồn lực , vừa thiếu hiệu quả , thậm chí lãng phí , tiêu cực .
Phải mổ xẻ tất cả các vấn đề đó ra theo tiêu chuẩn cao nhất là hiệu quả . Đã là kinh tế thị trường thì phải có hiệu quả và phải đáp ứng được các yêu cầu của xã hội .
Khi chúng ta chưa thực sự có kinh tế thị trường hoàn chỉnh thì vai trò của nhà nước rất quan trọng . Ông phải điều hành quản trị nền kinh tế làm sao để nó phát triển tốt , phân bổ nguồn lực cho hiệu quả , phân phối công bằng , mang lại lợi ích cho đại đa số nhân dân . Không phải ông cứ đi đầu tư , cứ ôm vào thì mới là quan trọng .


VIỆC ĐÁNG LÀM LẠI KHÔNG LÀM
TS Trần Đình Thiên :
Phải phân công đúng người đúng việc . Ông ( nhà nước ) phải nắm lấy việc của nhà nước , còn việc đầu tư phát triển là việc của giới kinh doanh , trong đó có các doanh nghiệp nhà nước .
Vấn đề xưa nay là Ông nhà nước không làm đúng việc của mình . Đầu tư phát triển không phải là việc của ông thì ông cứ xông vào . Cạnh tranh thị trường mà ông lại cứ nhảy xổ vào điều hành giá cả . Kết cục là ông càng làm càng rối , trong khi việc của ông là căn cứ thị trường để đưa ra Luật chơi và giám sát Luật chơi . Đáng lẽ ai đầu cơ , ai lạm dụng chức quyền thì ông xử lý mạnh tay , thế nhưng việc đáng làm thì ông lại không làm . Câu chuyện ở đây là : giữa thị trường và nhà nước , việc của ai người ấy làm . Đúng người đúng việc thì hệ thống sẽ chạy tốt .

PHẢI CÓ CÁCH ĐIỀU HÀNH THỊ TRƯỜNG
Phải có cách điều hành để thị trường có không gian hoạt động tốt , nhà nước giám sát trách nhiệm .
Đã có những câu chuyện như sau :
Trong đầu tư công , trước kia còn cơ chế xin-cho , 1 dự án được chia cho 1 cục tiền là 1.000 tỉ chẳng hạn nhưng lại không biết bao giờ mới có 1.000 tỉ . Thế là đề ra 10 năm , mỗi năm rót cho 100 tỉ và chẳng có cam kết gì . Kết cục là năm nào cũng phải xin . Vì kéo dài , công trình chưa làm xong đã hư hỏng .Bây giờ xóa bỏ cơ chế xin-cho thì chỉ cần thay bằng 1 thao tác vô cùng đơn giản : Nhà đầu tư tìm được cam kết về vốn thì tôi ( nhà nước ) sẽ cho ông làm và tôi giám sát lộ trình . Nếu ông làm sai thì ông chết với tôi . Thế là câu chuyện thay đổi hẳn . Đây là cách tiếp cận cam kết trách nhiệm mà ở kinh tế thị trường thì quan trọng nhất là những hợp đồng , những giao kèo như thế .
Với cổ phần hóa cũng thế . Nhà nước chỉ cần 1 tuyên ngôn đơn giản là : Ông là người chịu trách nhiệm về cổ phần hóa phải không ? Nếu ông không cổ phần hóa được thì mời ông đi cho ! Đây là cách điều hành để thị trường có không gian hoạt động còn nhà nước thì giám sát trách nhiệm .
Với chuyện giảm giờ làm thuế của ngành thuế cũng vậy . Suốt 5 năm , từ 2010 đến 2014 ngành này chỉ giãm được 70 giờ làm thuế và năm nào cũng có thành tích . Vừa rồi Chính phủ gây sức ép : Ông không giảm được thì ông sẽ không được ngồi ở đây nữa . Thế là chỉ có 3 tháng sau ngành thuế giảm được 290 giờ làm thuế ! Trước đây ông làm chậm để ông còn kiếm chác , để doanh nghiệp phải hầu hạ ông . Đó là động cơ lợi ích ngược . Do động cơ này , ông không làm ông càng kiếm ăn khỏe . Bây giờ nhà nước đảo ngược động cơ , áp trách nhiệm cá nhân thì chuyển biến ngay lập tức .

VAI TRÒ QUẢN TRỊ CỦA NHÀ NƯỚC
TS Lưu Bích Hồ :
Cứ để thị trường vận hành đầy đủ nhưng nhà nước phải quản trị để thị trường thực hiện đúng chức năng của nó .
Ví dụ : Ở đồng bằng sông Cửu Long , từ sản xuất đến khâu thu gom lúa gạo và cung ứng không hình thành được chuỗi mà đang bị chặt khúc ra . Vậy vai trò quản trị của nhà nước ở đâu ?
Khi nói đến thị trường không thể bỏ qua hay làm giảm vai trò của nhà nước Vấn đề là ở chỗ nhà nước phải thiết kế được Luật chơi tốt và quản trị hiệu quả Luật chơi đó thì mọi chuyện mới yên ổn . Nếu Luật chơi không đủ hoặc có Luật chơi nhưng không quản trị được thì không phải là nền kinh tế thị trường mà chúng ta mong muốn .

VẤN ĐỀ HỘI NHẬP
TS Trần Đình Thiên :
Còn 1 vế chúng ta chưa nói đến là vấn đề hội nhập . Chúng ta đang hội nhập với mức độ cam kết cực kỳ cao ( đàm phán gia nhập TPP ). Đây là tham gia 1 cuộc chơi có mức độ tự do hóa cao độ , với những đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn , thể chế , với những ràng buộc thể chế của thế giới ở trình độ cao nhất . Vậy thì kinh tế thị trường của chúng ta sẽ là kiểu gì ?
Định hướng XHCN của ta phải là 1 hệ thống hiện đại , đáp ứng được nhu cầu hội nhập ở đẳng cấp cao nhất , giúp cho nền kinh tế linh hoạt nhất , hỗ trợ doanh nghiệp có sức cạnh tranh lớn nhất .
Mặt khác của vấn đề là Luật chơi của thế giới ( của WTO , của TPP …) đã quy định chúng ta phải chơi như thế nào rồi . Chúng ta không thể tự chọn chơi thế nào thì chơi . Muốn hay không muốn thì ông vẫn cứ phải chơi theo đúng Luật ấy .
Tự nhìn lại mình , chỉ nhắc đến chỉ số ICOR quá thấp của chúng ta đã đủ rùng mình rồi ( ICOR là chỉ số đo mức hiệu quả của 1 nền kinh tế . Chỉ số ICOR càng cao tức là hiệu quả càng thấp . ICOR của các nước trong khu vực là từ 2 đến 3 còn của ta từ 5 đến 6 ) . Đó là chưa kể đến các chỉ số về lương , về năng xuất lao động … Nếu chúng ta không giải quyết tốt được vế thứ 2 của trò chơi là cạnh tranh và hội nhập thì số phận của nền kinh tế thị trường sẽ bi đát .

NỀN KINH TẾ ĐÃ ĐẾN ĐIỂM CHUYỂN , KHÔNG ĐƯỢC PHÉP ĐI THEO VẾT XE CŨ
Nhà báo Việt Lâm đặt câu hỏi :
Hội nhập đẳng cấp cao đã gần kề . Đàm phán gia nhập TPP sẽ hoàn tất trong năm nay . Chỉ còn 1 năm là tiến hành Đại hội Đảng toàn quốc . Bây giờ ta mới xới ra tranh luận để thống nhất định nghĩa về Kinh tế thị trường định hướng XHCN , để đưa vào Văn kiện Đại hội thì có kịp không ?
TS Lưu Bích Hồ :
Có thể kịp mà cũng có thể không kịp .
Có thể kịp nếu nếu chúng ta có dũng cảm chính trị . Đảng đã phát động cho đảng viên tham gia đóng góp xây dựng văn kiện ĐHĐ từ cấp chi bộ và sẽ công bố ra toàn dân . ĐHĐ là cao nhất . Cái gì cũng có thể xem xét lại bởi mỗi kỳ ĐHĐ.
Không thể kịp nếu chúng ta vẫn cứ đi theo vết cũ , cứ chờ đến khi đồng thuận cao mới đổi mới . Chúng ta lại chưa có cơ chế trưng cầu ý kiến toàn dân , cũng chưa có thể chế để dân trực tiếp góp ý kiến mà phải phản ánh qua nhiều tầng lớp , có thể đến khâu cuối là đa số đồng tình hết , không cần sửa gì nữa .
TS Trần Đình Thiên :
Bối cảnh lần này đã khác trước . Chúng ta đang đối mặt với tình thế buộc phải xoay chuyển . Vì : 1 là đòi hỏi về tái cơ cấu , đổi mới mô hình tăng trưởng ; 2 là tình huống buộc ta phải chấp nhận đổi mới rất cao , bởi vì hội nhập đẳng cấp cao đã đến nơi rồi , buộc chúng ta phải có lập trường cụ thể hơn , đặc biệt về mặt thị trường .
Lôgic các vấn đề thì đã rõ cả rồi . Thực tế cuộc sống đã đi đến điểm là dù ta viết văn kiện theo kiểu gì thì nó vẫn theo cách mà cuộc sống đòi hỏi .
TS Lưu Bích Hồ :
Tôi hoàn toàn đồng ý . Chính cuộc sống sẽ thúc đẩy cải cách . Không ý chí nào có thể cưỡng lại cuộc sống .

Ghi chú :
Đến ngày 3 / 4 / 2015 , trên báo điện tử Vietnamnet đã có 3 bạn đọc bình về bài này .
* Quang Huynh :
Các bác đã bao nhiêu năm lăn lộn trong thực tiễn và nghiên cứu . Nghe các bác phân tích thật chí lý và giầu tâm huyết với đất nước .
* Phạm Tâm :
Căn bệnh “ Sợ “ là căn bệnh cố hữu . Sợ trách nhiệm , sợ mất quyền . Sợ chệch hướng cũng là 1 loại sợ , suy cho cùng là sợ mất lợi ích của bản thân hay sợ mất lợi ích của nhóm nào đó .
* Trần Thọ Quang : Nếu chệch hướng mà có lợi cho dân , cho đất nước thì sao không làm ?

HẾT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Viết nhận xét, nếu chưa đăng kí, bạn có thể ghi tên mình (hoặc nickname) và xuống mục "Chọn 1 nhận dạng" nháy vào "Ẩn danh" rồi xuất bản nhận xét.